Giải mã bí ẩn âm thanh trên cầu Cổng Vàng ở Mỹ

Các kỹ sư đang nỗ lực làm dịu âm thanh bí ẩn được mô tả như tiếng “harmonica ma quái" trên cây cầu Cổng Vàng ở San Francisco, bang California (Mỹ).

02:00 16/06/2021

Âm thanh kỳ lạ

Theo trang The Guardian (Anh), trong một đường hầm lộng gió ở phía tây nam của thành phố Ontario, bang California, một nhóm chuyên gia âm thanh và khí động học đang thử nghiệm trên mô hình lan can của cầu Cổng Vàng.

Các chuyên gia đã ký hợp đồng giải quyết vấn đề bí ẩn về một âm thanh vo ve kỳ lạ phát ra từ cây cầu nổi tiếng ở thành phố San Francisco trong suốt một năm qua. Một số cư dân sinh sống gần đây cảm thấy vô cùng khó chịu khi nghe tiếng ồn này.

Theo đó, âm thanh bí ẩn này chỉ xuất hiện vào những ngày có gió mạnh. Nó được một số người so sánh với tiếng “harmonica ma quái”, “tiếng các nhà sư tụng kinh”, hay “tiếng thở khò khè”.

Âm thanh kỳ lạ này nhanh chóng trở thành một câu chuyện ly kỳ ở San Francisco. Một nhà sản xuất âm nhạc đã đưa nó vào một bản nhạc của nỗi sợ hãi hiện sinh. Một số người thích thú lại coi nó là "bài hát êm dịu” của cây cầu. Những người khác cho rằng âm thanh này nghe rất "rùng rợn" và họ không thể chịu nổi nó. Một số người phụ nữ còm cho rằng người ngoài hành tinh đã gây ra tiếng ồn này.

“Nó nghe giống như một tiếng ồn mà tôi có thể tưởng tượng được khi cai ngục sử dụng để tra tấn tù nhân”, một người dùng mạng xã hội chia sẻ. 

Nhưng dù người dân San Francisco yêu hay ghét âm thanh này, các kỹ sư cũng sẽ loại bỏ nó trong mùa hè tới.

Nguyên nhân của âm thanh bí ẩn

Sau khi người dân thành phố bắt đầu phàn nàn về tiếng ồn ào vào tháng 6/2020, các nhà chức trách đã bắt đầu điều tra. Họ theo dõi âm thanh này và sử dụng các công cụ để đo độ rung của tiếng vo ve. Họ nhận thấy âm thanh thường phát ra ở tần số 440 hz, khớp với nốt nhạc La.

Các chuyên gia xác định tiếng ồn xảy ra khi có gió đập mạnh vào thanh lan can mới, được lắp đặt từ một góc hơi lệch, hơi chếch về hướng bắc hoặc hướng nam, so với gió thông thường từ phía tây.

“Sau khi nghiên cứu kỹ hiện tượng, chúng tôi xác định âm thanh phát ra từ lan can khí động học mới mà chúng tôi đã lắp đặt ở phía tây”, Paolo Cosulich-Schwartz, người phát ngôn Ban quản lý cầu, cho biết. “Nó là một phần của công trình nâng cấp cầu Cổng Vàng, được thiết kế để bảo vệ cây cầu bằng cách cho phép nó chịu được sức gió lớn liên tục lên đến khoảng 160 km/h”.

Ông cho biết các thanh lan can mới, mỏng hơn, đã được lắp đặt để đảm bảo cây cầu không gặp sự cố giống như cầu Tacoma Narrows xấu số ở Washington. Cây cầu đã rung lắc dữ dội trong gió, sau đó đổ sập vào năm 1940, ngay sau vài tháng xây dựng. 

“Vì vậy, chúng tôi phải tiến hành dự án này. Khi biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, càng phải khẩn trương hoàn thành công trình càng sớm càng tốt”, ông Cosulich-Schwartz nói và cho biết công trình được trang bị thêm khả năng chống gió vào năm ngoái với chi phí 12 triệu USD.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 cho thấy tốc độ gió tối đa mà cây cầu chịu đựng được là 111 km/h. Kể từ ngày khánh thành, cầu Cổng Vàng đã bị đóng cửa 3 lần do điều kiện thời tiết xấu, vào năm 1951 với gió mạnh 111 km/h, năm 1982 với gió mạnh 113 km/h và năm 1983 với gió mạnh 121 km/h. May mắn, không có thiệt hại nào xảy ra.

Vì vậy, các kỹ sư cầu đường đã tìm những thanh mỏng mới hơn sẽ cho phép cây cầu chịu được sức gió lên đến 160km/h. Họ chỉ không ngờ được rằng các thanh sẽ tạo ra một “bản giao hưởng” như vậy.

Warren Blier, một quan chức khoa học kỳ cựu của Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết, những cơn gió mạnh 160km/h chỉ có thể xảy ra trong trường hợp lốc xoáy, bão hoặc bão nhiệt đới. 

Cầu Cổng Vàng đã bị đóng cửa 3 lần trong lịch sử do gió mạnh. Ảnh: AP

Trong khi đó, các kỹ sư đang quyết tâm tìm cách khắc phục sự cố. Tại công ty kỹ thuật RWDI, cách Toronto một giờ di chuyển về phía tây, mô hình cây cầu có kích thước bằng một phòng hội nghị đã được dựng trong đường hầm gió. Các kỹ sư đang thử nghiệm nhiều tốc độ gió khác nhau và sửa đổi để xem liệu chúng có thể dập tắt tiếng ồn hay không. 

Tuy nhiên, ở thành phố San Francisco, không phải ai cũng muốn tiếng ồn này biến mất. Một blogger địa phương thậm chí còn tạo một danh sách âm thanh xung quanh cầu Cổng Vàng để giúp người nghe dễ ngủ hơn.

“Tôi rất thích âm thanh này”, Brianne Howell, cư dân phía tây San Francisco nói, người đã quay video có cảnh cây cầu vo ve trên một trong những chuyến đi bộ thường xuyên của cô dọc theo bờ biển. “Nó khiến tôi nhớ đến âm thanh kỳ lạ trong một bộ phim kinh dị. Thật buồn khi phải loại bỏ nó".

Cầu Cổng Vàng được khởi công xây dựng vào năm 1933 và hoàn thành vào năm 1937. Cây cầu bắc qua Thái Bình Dương, nối thành phố San Francisco với hạt Marin, có chiều dài lên tới 2.700 mét và độ cao gầm cầu gần 90 mét. Cầu Cổng Vàng không chỉ nổi tiếng với quá trình xây dựng gian khổ mà còn được biết là thỏi nam châm hút khách du lịch của nước Mỹ.

Hải Vân

Tags:
Trung Quốc cảnh báo G7: Thời nhóm ‘nhỏ’ cai trị thế giới qua lâu rồi

Trung Quốc cảnh báo G7: Thời nhóm ‘nhỏ’ cai trị thế giới qua lâu rồi

Trung Quốc hôm Chủ Nhật (13/6) đã cảnh báo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) rằng những ngày tháng khi mà các nhóm “nhỏ” các nước quyết định số phận của toàn thế giới đã qua lâu rồi. Phát ngôn này của Bắc Kinh được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo G7 dấy lên sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất