Giới quan sát lo ngại Mỹ thiếu cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

Các nhà phân tích mong muốn Mỹ cần làm nhiều hơn để ngăn chặn các hoạt động đe dọa an ninh của Trung Quốc.

03:00 07/06/2018

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6. Ảnh: Reuters.

"Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không tạo được cảm giác yên tâm với công chúng", Jeffrey Ordaniel, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), đánh giá khi trao đổi với VnExpress về phản ứng của Mỹ với Trung Quốc. Bộ trưởng Mattis tham dự Đối thoại an ninh châu Á Shangri-La tại Singapore hôm 1/6.

Ordaniel phân tích ông chủ Lầu Năm Góc vạch ra những điều Mỹ muốn thấy ở khu vực được gọi là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng lại không nói rõ Mỹ sẽ làm thế nào để giúp các nước nhỏ hơn ở khu vực phản ứng trước áp lực của Trung Quốc và bị Bắc Kinh ép buộc. Ông Mattis cũng không nêu cam kết rõ ràng về việc bảo vệ Philippines ở Biển Đông, một đồng minh của Mỹ có ký hiệp ước quốc phòng. 

Bộ trưởng Mattis tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể và cạnh tranh mạnh mẽ khi cần. Ông cho biết thêm "Tất nhiên chúng tôi thừa nhận vai trò của Trung Quốc trong bất cứ trật tự bền vững nào ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Hôm 23/5, Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 diễn ra ngày 27/6 - 2/8 gần quần đảo Hawaii. "Như một phản ứng ban đầu trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan tuyên bố. Ordaniel đánh giá đây là một phản ứng "không tương xứng" với những gì Trung Quốc đã thực hiện. 

"Điều đáng lưu ý là bất chấp Mỹ cảnh báo nhiều lần, Trung Quốc vẫn tảng lờ và tạo ra những 'việc đã rồi' ở Biển Đông", Ordaniel nói. Chuyên gia của Diễn đàn Thái Bình Dương cho rằng trong khi nhiều người trông đợi Mỹ có vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán hơn ở khu vực, Bộ trưởng Mattis đã không thể hiện được điều đó tại Shangri- La năm nay.

Đánh giá tình hình từ phát biểu của đại diện Trung Quốc tại Shangr-La, Giáo sư Robert Ross, Đại học Harvard, cho biết Bắc Kinh gửi ra thông điệp với khu vực rằng "Trung Quốc sẽ không bị Mỹ kiềm chế hoạt động ở Biển Đông".

Hôm 2/6, Tướng Hà Lôi, thành viên phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, cho biết "Mọi bình luận thiếu trách nhiệm từ những quốc gia khác đều không thể được chấp nhận. Những hành động của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia, tránh nguy cơ xâm lược từ các nước khác". Đây được coi là phát biểu đáp trả tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông

Giáo sư Ross bày tỏ lo ngại về năng lực của Mỹ trong việc chế ngự Trung Quốc khi Bắc Kinh đang trở nên có uy thế trên Biển Đông. "Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ở Biển Đông, đó có thể là một lý do khiến Mỹ tập trung hợp tác với đồng minh mới là Ấn Độ", Ross suy đoán. 

Trái với lo ngại của các đồng nghiệp, Bill Bray, cựu quan chức Hải quân Mỹ, lại đánh giá việc Mỹ hủy lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC năm nay là một "phản ứng ban đầu trong cách tiếp cận quyết đoán hơn của Washington" khi Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.

Điểm mới trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Shangri-La năm nay là Washington tập trung vào cạnh tranh chiến lược rộng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, thay vì nhấn mạnh luật quốc tế. Điều đó không có gì là đáng ngạc nhiên vì "cạnh tranh giữa các nước lớn" là chủ đề chính trong Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng của chính quyền của Tổng thống Trump. Hai tài liệu này được công bố cuối năm ngoái. 

"Tôi tin rằng chính quyền của Trump tiếp cận Biển Đông theo hướng cạnh tranh chiến lược", Bray nói, cho rằng cảnh báo của ông Mattis trong Shangri -La đối với Trung Quốc là "đủ mạnh mẽ", Bray nói.

Về phía Việt NamJeffrey Ordaniel, chuyên gia tại Diễn đàn Thái Bình Dương, đánh giá Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã thể hiện sự rõ ràng và cương quyết trong quan điểm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế.

"Trong số các nước có tranh chấp ở Biển Đông, là nước kiên định nhất trong việc ủng hộ giải pháp dựa trên quy tắc, bất kể là song phương, đa phương hay ba bên", Ordaniel nói. Quan điểm của Việt Nam không thay đổi kể từ khi tham dự Shangri - La từ năm 2002. 

Bill Bray thấy rõ sự ủng hộ của Việt Nam với các nước ngoài khu vực nhưng có lợi ích chung. Bộ trưởng Lịch cho rằng để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp, mỗi nước phải quyết định vận mệnh của mình nhưng đồng thời cũng cần có sự ủng hộ công bằng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, vì lợi ích chung. 

Lucio Blanco Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Đại học Philippines, cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về việc tất cả các nước cần cùng tham gia xây dựng một tương lai chung của khu vực. Việt Nam cũng thể hiện quan điểm chính sách ngoại giao độc lập, hiểu về sự cạnh tranh quyền lực của các nước lớn và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực. 

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Đã đến lúc Việt Nam hạn chế giao thương với Trung Quốc?

Đã đến lúc Việt Nam hạn chế giao thương với Trung Quốc?

Bằng các biện pháp bảo hộ thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng chứng tỏ lập trường cứng rắn trong việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Khoản áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mới đây và cuộc hội đàm lịch sử Trump – Kim sắp diễn ra cho thấy cờ đang trong tay Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất