Giới siêu giàu đổ tiền mua hộ chiếu để trốn đại dịch Covid-19

Khi việc đi lại giữa các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giới siêu giàu không ngần ngại chi mạnh tiền để mua hộ chiếu ở các nước nhằm tránh lệnh hạn chế này.

21:41 10/08/2020

Giới siêu giàu đổ tiền mua hộ chiếu để trốn đại dịch Covid-19 - 1
Đầu tư nhập tịch là cách mà nhiều nhà đầu tư tận dụng để "dịch chuyển" trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Ảnh: Getty)

Với giới giàu có, đầu tư nhập tịch không có gì xa lạ, đặc biệt trong bối cảnh họ muốn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn giữa đại dịch Covid-19, hoặc thậm chí khi không thể dịch chuyển ngay lập tức họ cũng muốn chuẩn bị sẵn cho nguy cơ xảy ra đại dịch tiếp theo.

Đầu tư nhập tịch là khi hộ chiếu được cấp không dựa vào quốc tịch mà vào sự giàu có và mong muốn chuyển tới đâu của người sở hữu. Chương trình nhập tịch (CIP) bằng đầu tư hiện là ngành công nghiệp rất phát triển. Đó là cách giới giàu có vừa có thể đa dạng danh mục đầu tư, vừa có thể hưởng quyền công dân ở các nước có nhiều điều kiện tốt hơn như chất lượng giáo dục tốt hơn, chính sách thuế ưu đãi hơn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một trong những yếu tố chi phối quyết định đầu tư nhập tịch của giới nhà giàu đó là cách ứng phó đại dịch hiệu quả của chính phủ sở tại và liệu nước đó có thể coi là nơi trú ẩn an toàn cho họ hay không.

"Họ thực sự quan tâm đến chính sách bảo đảm từ việc sở hữu quốc tịch thứ hai, điều đó giúp họ có kế hoạch dự phòng. Họ cũng quan tâm đến khả năng ứng phó đại dịch và năng lực của hệ thống y tế nước sở tại bởi nhân loại không chỉ đối mặt với một đại dịch. Người giàu không chỉ chuẩn bị sẵn kế hoạch cho 5-10 năm, mà thậm chí hơn 100 năm", Dominic Volek, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Công ty tư vấn định cư và quốc tịch Henley & Partners, cho biết.

Giới siêu giàu đổ tiền mua hộ chiếu để trốn đại dịch Covid-19 - 2
Mỹ và Anh từng được đánh giá là các nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, nhưng đánh giá mới nhất của Henley & Partners hiện các hộ chiếu này chỉ đứng ở vị trí số 8. (Ảnh: AFP)

Henley & Partners cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 1-6/2020, số đơn tham gia CIP mà đơn vị này nhận được tăng 49%, chủ yếu liên quan đến Covid-19 và những lo ngại về y tế, thậm chí lo ngại xảy ra tận thế.

Thành phần nhà đầu tư CIP cũng đang có xu hướng thay đổi, trong đó số đơn đăng ký của người Mỹ, Ấn Độ, Nigeria, Li Băng tăng mạnh nhất trong 9 tháng qua. Đặc biệt, số đơn đăng ký tham gia của người Mỹ tăng 700% trong quý 1 năm nay so với quý 4/2019.

“Các quốc gia nhỏ hơn được đánh giá ứng phó đại dịch dễ dàng hơn hơn. Ví dụ các nước vùng Caribe như Dominica, Antigua và Barbuda có rất ít người mắc Covid-19. Các nước nhỏ lại có xu hướng mở cửa hơn, do vậy nhà đầu tư rất quan tâm đến những nước này trong bối cảnh hiện tại”, Nuri Katz, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính quốc tế Apex Capital Partners, nhận định. Ngoài ra, những quốc đảo nhỏ ở Caribe có CIP tương đối rẻ và việc đi lại cũng tự do hơn.

“Nếu bạn có tài sản khoảng khoảng từ 1 triệu USD đến 5 triệu USD hay 10 triệu USD, các nước Caribe là lựa chọn tốt”, ông Volek nói. Ông cho biết thêm: “Nếu bạn tài trợ 100.000 USD chính phủ Antigua và Barbuda, 4 người trong gia đình bạn có thể được cấp hộ chiếu của nước này sau 4 đến 6 tháng”.

Cũng theo chuyên gia Katz, hiện đang có xu hướng người giàu đầu tư vào hộ chiếu để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm đi lại. Khi một số nước bắt đầu mở cửa trở lại sau làn sóng Covid-19 đầu tiên, họ chỉ cho phép công dân ở một số quốc gia nhập cảnh, ví dụ châu Âu chưa cho phép người Mỹ nhập cảnh và ngược lại. Tuy nhiên, một người sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp có thể đi lại ở EU khi các nước trong khối mở cửa biên giới.

Theo ước tính của ông Katz, năm 2017 có khoảng 5.000 người được cấp quốc tịch ở nước ngoài thông qua CIP, nhưng năm 2020, con số này có thể lên 25.000.

Tuy vậy, chương trình CIP vẫn gây nhiều tranh cãi. Năm 2018, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ trích chương trình này của chính phủ Malta, Cộng hòa Síp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vì cho rằng các nước này bán quyền công dân cho nhà đầu tư nước ngoài thiếu sự kiểm duyệt, thiếu minh bạch. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan ngại việc cấp nhiều đặc quyền cho những người vốn đã có quá nhiều đặc quyền, và những chương trình như vậy tuy không gây bất bình đẳng xã hội song làm trầm trọng hơn vấn đề này.

Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/gioi-sieu-giau-do-tien-mua-ho-chieu-de-tron-dai-dich-covid-19-20200810135724552.htm

Tags:
Điều tồi tệ nào xảy đến nếu vaccine phòng Covid-19 của Nga 'vô dụng'?

Điều tồi tệ nào xảy đến nếu vaccine phòng Covid-19 của Nga "vô dụng"?

Một chuyên gia virus học Nga cảnh báo vaccine phòng Covid-19 của nước này có thể trở nên nguy hiểm, thậm chí gây ra lây nhiễm nghiêm trọng hơn nếu bị "đốt cháy giai đoạn".

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất