Giới trẻ Mỹ góp tiền mua chung nhà

Gánh nặng nợ nần cùng giá nhà đắt đỏ khiến những người trẻ tại Mỹ có xu hướng hùn tiền với bạn bè, người yêu để mua nhà.

10:00 24/11/2021

6 tháng sau khi Covid-19 xảy ra, Veronica Vest, 27 tuổi, kỹ sư dự án, cảm thấy việc mua nhà trở nên rất cần thiết. Cô mệt mỏi khi phải ở chung nhà với những người khác và chán ngán việc trả tiền thuê. Cô mơ ước được nằm duỗi chân trong căn nhà của chính mình.

Veronica và bạn trai đã hẹn để đi xem một căn nhà 3 phòng ngủ được rao bán ở Portland, bang Oregon. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị huỷ vì giá nhà quá đắt và mối quan hệ yêu đương giữa hai người luôn có nguy cơ tan vỡ.

Sau đó, bạn của cô – Tara Takano, 32 tuổi, trưởng nhóm hỗ trợ kinh doanh của một công ty, nhắn tin đề nghị: "Chúng ta nên mua nhà cùng nhau".

Lúc đầu, Veronica nghĩ đấy chỉ là một lời nói đùa nhưng thực tế Takano rất nghiêm túc với đề xuất này. Hai người phụ nữ có công việc ổn định, điểm số tín dụng tốt và hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau. Sau 2 tháng và vài lần xem nhà sau đó, họ nhận chìa khoá căn nhà mới.

Veronica và Takano trước căn nhà đồng sở hữu. Ảnh: Veronica Vest

Veronica và Takano trước căn nhà đồng sở hữu. Ảnh: Veronica Vest

Nhiều người thuộc thế hệ Millennials ở Mỹ đang kết hôn muộn hơn bởi khoản nợ vay từ thời sinh viên cũng như giá nhà hiện nằm ngoài tầm với. Do vậy, một số người mua nhà lần đầu đang đi theo những cách thức sáng tạo hơn: góp tiền mua chung với người yêu, bạn bè, bạn cùng phòng...

Từ năm 2014, khi thế hệ Millennials trở thành nhóm khách hàng mua nhà lớn nhất ở Mỹ, số lượng bán nhà và căn hộ theo hình thức đồng sở hữu đã tăng vọt. Theo dữ liệu của công ty phân tích bất động sản Attom Data Solution, số khách hàng đồng sở hữu có họ khác nhau (không phải người trong gia đình) đã tăng 771% từ 2014 đến 2021.

Dữ liệu của Hiệp hội môi giới nhà đất quốc gia Mỹ (NAR) cũng cho thấy, trong số nhóm khách hàng mua nhà những tháng đầu tiên thời Covid-19 (tháng 4-6/2020), có 11% khách mua là những cặp đôi chưa kết hôn, 3% là nhóm kiểu bạn cùng phòng, bạn thân. Những con số này tăng lần lượt 9% và 2% so với cùng kỳ của năm trước.

Phó chủ tịch NAR Jessica Lautz cho biết, xu hướng này được thúc đẩy một phần do Covid-19 khi người thuê nhà mong muốn có nhiều không gian sống hơn. Tuy nhiên, trước cảnh giá nhà quá cao, họ đã quyết định xem xét và rủ bạn cùng phòng cùng mua.

Tương tự Veronica và Takano, đôi bạn thân Angel Nwachukwu và Samanta Simpson đã quyết định mua nhà chung. Họ đã thuê nhà cùng nhau trong 1,5 năm ở Harlem (New York). Trước đó, hai người đã nghĩ cách đầu tư từ tiền lương như mua cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, khi nhận thấy lãi suất đang ở mức thấp, họ có chung suy nghĩ: "tại sao không mua một ngôi nhà".

Ban đầu, phản ứng của những người xung quanh họ không mấy đồng tình. Hai cô gái thường nhận được những câu hỏi kiểu: "Bạn có chắc không", "Liệu tình bạn này có thực sự bền vững?".

Nwachukwu nói: "Tôi không nghĩ mọi người thực sự coi trọng tình bạn như tôi và Sam. Nếu tôi mua nhà với hôn phu, tôi cũng sẽ làm điều đó với người bạn thân nhất của mình".

Kết quả, họ đã mua một căn nhà ở trung tâm Washington ngay trong thời đại dịch. "Tôi sẽ không mua được một ngôi nhà ở D.C một mình", Nwachukwu khẳng định.

Ngoài yếu tố tài chính, khía cạnh văn hoá cũng đóng vai trò trong xu hướng hùn tiền mua chung nhà. Thế hệ Millennials kết hôn, sinh con muộn hơn các thế hệ trước nhưng không phải ai cũng muốn sống một mình.

Andy Sirkin, luật sư chuyên tư vấn về vấn đề đồng sở hữu bất động sản từ năm 1985 cho biết đã có sự tăng vọt về nhu cầu góp tiền mua nhà chung. "10 năm trước, tôi chỉ nhận được 5 yêu cầu như vậy mỗi năm, còn nay là khoảng 2-3 yêu cầu cho mỗi tuần", ông nói.

Khác với trường hợp mua chung nhà là người trong gia đình, thường có điều khoản chuyển nhượng quyền sở hữu cho người còn lại trong trường hợp một trong hai người không may qua đời, thoả thuận của những đối tác mua nhà là bạn bè, bạn thân cho phép chuyển quyền sở hữu cho người thừa kế của họ nếu có chuyện không may.

Một lựa chọn khác cho những người góp tiền mua chung nhà để cho thuê chứ không dùng để ở là thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Hình thức này sẽ giúp cho người đồng sở hữu nhà được bảo vệ khỏi nghĩa vụ tài chính cá nhân.

Các chuyên gia pháp lý cũng khuyến nghị người mua nhà theo hình thức mua chung tham khảo ý kiến luật sư để viết ra một hợp đồng sở hữu với các điều khoản dự phòng, từ thất nghiệp, kết hôn, mối quan hệ tan vỡ.

Jeffrey Davis, một luật sư bất động sản đánh giá, việc mua chung nhà giống một cuộc hôn nhân ở chỗ mọi người sẽ nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng. Nhưng khi đối mặt trong thực tế, bạn cần biết cách để chấm dứt nó một cách công bằng.

Trong một số thỏa thuận, người đồng sở hữu nhà có thể được phép bán phần sở hữu cho người khác nếu như được sự chấp nhận của người còn lại. Nếu không, mỗi bên có thể mua lại phần sở hữu của người kia hoặc bán toàn bộ căn nhà cho người khác để chia tiền trong trường hợp chấm dứt thỏa thuận đồng sở hữu.

Thông thường, thời hạn nắm giữ là 3-5 năm sau khi thỏa thuận được ký kết, theo Andy Sirkin. Ông cho biết, nếu không đặt ra từ đầu một cách thức đúng để chấm dứt hợp đồng đồng sở hữu nhà, các bên có nguy cơ phải lôi nhau ra toà.

Nwachukwu và Simpson đều là luật sư nên có khả năng soạn thảo và xem xét các văn bản pháp luật. Họ đã chọn một thoả thuận với mức sở hữu mỗi bên một nửa căn nhà và chọn chia mọi chi phí ở mức trung bình. Trong khi đó, Takano và Veronica lại soạn thảo thoả thuận dựa trên một mẫu hợp đồng mà họ tìm thấy trên mạng cùng một số thông tin họ học được trước đó.

Tuy nhiên, đến cuối cùng, việc cùng sở hữu nhà không chỉ đơn thuần là thiết lập một thoả thuận pháp lý. Điều quan trọng không kém, chính là xác định được những công việc diễn ra hàng ngày.

Đối với Kate McCann, 29 tuổi và Carina Romano, 38 tuổi, bạn bè và là đồng nghiệp cũ ở Philadelphia, họ nhận thấy nhiều vấn đề không lường trước đã nảy sinh sau khi mua một ngôi nhà ở Catskills (bang New York) vào năm 2017. Ví dụ như ai sẽ xử lý bể phốt bị vỡ hay khử mùi lạ trong nhà...

Sự uỷ thác, kỹ năng giải quyết xung đột và mối quan tâm phù hợp là 3 yếu tố mà các nhóm bạn bè thường xuyên đánh giá là quan trọng trong việc mua chung nhà. Với ngôi nhà ở Catskills, Romania sẽ phụ trách xử lý hàng tồn kho, sửa chữa với nhà thầu, còn McCann sẽ quản lý các vấn đề liên quan đến việc cho thuê nhà trên Airbnb và người đồng sở hữu thứ ba sẽ trông coi sổ sách, kế toán, tài chính, thuế...

Hay với Veronica, rào cản có thể là tìm cách để con mèo của cô hoà hợp với con chó của người bạn. Cô nói: "Tất cả chúng ta đều đang cùng nhau học".

Đức Minh (Theo WSJ)

Tags:
Người Do Thái: Đừng xa hoa kiệt sức ở thành phố, tìm về quê xây nhà, dựng cửa làm cho nó trù phú lên

Người Do Thái: Đừng xa hoa kiệt sức ở thành phố, tìm về quê xây nhà, dựng cửa làm cho nó trù phú lên

Người Do Thái nổi tiếng là thông minh, khôn ngoan và thực dụng. Người Do Thái thường xuyên nhắc nhở nhau, không tiêu xài hoang phí bằng nhà cao cửa rộng ở thành phố lớn, bởi ở đấy tranh lợi khiến mình kiệt sức, nên tìm chỗ hoang vắng, làm cho nó trù phú lên thì sẽ tận hưởng cuộc sống tự do.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất