Hai bang có cách tính phiếu bầu khác biệt ở Mỹ

Maine và Nebraska rất khác so với các bang khác trong bầu cử Mỹ, bởi ở đây có các "khu vực quốc hội" nắm giữ 5 phiếu đại cử tri.

22:00 04/11/2020

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden năm nay gây bất ngờ khi giành chiến thắng ở khu vực quốc hội số hai của bang Nebraska, tăng thêm một phiếu đại cử tri quý báu khi cuộc đua với đối thủ Donald Trump đang rất sít sao. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016 một thành viên đảng Dân chủ chiến thắng ở khu vực quốc hội này.

Maine và Nebraska là hai bang khá đặc biệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vì có cách bỏ phiếu rất khác so với 48 bang còn lại. Thay vì theo nguyên tắc "người thắng lấy hết", có nghĩa người thắng phiếu bầu phổ thông sẽ giành hết phiếu đại cử tri của toàn bang, Maine và Nebraska bầu cử theo "phương pháp khu vực quốc hội".

Theo quy định liên bang Mỹ, các bang có hơn một nghị sĩ phải được phân thành các khu vực quốc hội, mỗi khu chỉ được bầu một đại biểu tại Hạ viện. Các khu vực quốc hội được xác định sau mỗi lần Mỹ tiến hành tổng điều tra dân số, dựa trên số dân của mỗi khu vực.

Việc áp dụng nguyên tắc "người thắng lấy hết" hay bầu theo "khu vực quốc hội" được các bang tự quyết định. Maine và Nebraska lần lượt nắm 4 và 5 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Với phương pháp khu vực quốc hội, Maine và Nebraska sẽ chia hai phiếu đại cử tri cho người thắng phiếu bầu phổ thông của toàn bang.

Số phiếu đại cử tri còn lại sẽ được phân bổ cho người thắng phiếu bầu phổ thông trong từng khu vực quốc hội của bang. Maine có hai khu vực quốc hội, trong khi Nebraska có ba khu vực.

Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử ở Omaha, bang Nebraska hôm 27/10. Ảnh: AP.
Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử ở Omaha, bang Nebraska hôm 27/10. Ảnh: AP.

Phương pháp bỏ phiếu theo khu vực quốc hội lần đầu được áp dụng tại bang Maine năm 1972 và tại Nebraska năm 1991.

Sau khi tách khỏi Massachusetts năm 1820, nơi sử dụng hình thức phân bổ phiếu đại cử tri theo "khu vực quốc hội", Maine tiếp tục phương pháp bỏ phiếu này cho tới cuộc bầu cử năm 1828. Sau đó, bang này chuyển sang hình thức "người thắng lấy hết" như hầu hết các bang khác thời điểm đó.

Nhưng tới năm 1972, Maine quyết định bỏ hình thức bỏ phiếu truyền thống "người thắng lấy hết", sau cuộc đua tranh cử giữa ba ứng viên Richard Nixon của đảng Cộng hòa, Hubert Humphrey của đảng Dân chủ và ứng viên độc lập George Wallace năm 1968.

Cuộc đua "tam mã" này đã làm dấy lên lo ngại phiếu đại cử tri sẽ thuộc về ứng viên không nhận được quá bán phiếu phổ thông của bang. Do đó, Maine quyết định chia phân bổ số phiếu đại cử tri theo từng khu vực quốc hội.

Gần 20 năm sau đó, bang Nebraska cũng áp dụng hình thức bỏ phiếu này, khi các nhà lập pháp địa phương muốn thu hút sự chú ý của các ứng viên tổng thống. Các nhà lập pháp Cộng hòa nhiều lần nỗ lực bãi bỏ phương pháp bỏ phiếu theo khu vực quốc hội tại đây nhưng đều thất bại.

Khu vực quốc hội thứ hai của bang Nebraska, vùng ngoại ô có thành phố Omaha, là nơi có lịch sử cạnh tranh giữa hai chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Năm 2008, cựu tổng thống Barack Obama từng chiến thắng sít sao ở khu vực này và giành được một phiếu đại cử tri của Nebraska. Năm 2018, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney chiến thắng ở khu vực này, trong khi Tổng thống Donald Trump năm 2016 từng giành trọn 5 phiếu đại cử tri của bang Nebraska và ba khu vực quốc hội khi thắng áp đảo ứng viên Hillary Clinton.

Tại Maine, Biden dự kiến giành được ba trong 4 phiếu đại cử tri của bang. Tuy nhiên, Khu vực quốc hội thứ 2 của Maine, vùng nông thôn có xu hướng nghiêng về phe bảo thủ, nhiều khả năng nghiêng về Tổng thống Trump, như cuộc bỏ phiếu năm 2016.

Trong cuộc bầu cử tổng thống, ứng viên hai đảng cần giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri để đắc cử và một số nhà phân tích chính trị không loại trừ khả năng Trump và Bidend đều giành được 269 phiếu. Với trường hợp đó, phiếu đại cử tri ở các khu vực quốc hội sẽ có tác động lớn đến kết quả bầu cử tổng thống.

"Nhiều khả năng, cuộc đua tổng thống sẽ không đến mức phải quyết định bởi một phiếu đại cử tri, nhưng thực tế là Khu vực quốc hội thứ 2 của Nebraska và Maine có thể tác động tới cuộc đua này", Kyle Kondik, nhà phân tích tại Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia, nói hồi đầu tháng này.

Jill Biden, vợ ứng viên Dân chủ Joe Biden, vận động tranh cử cho chồng ở Papillion, bang Nebraska hồi tháng 9. Ảnh: Omaha World-Herald.
Jill Biden, vợ ứng viên Dân chủ Joe Biden, vận động tranh cử cho chồng ở Papillion, bang Nebraska hồi tháng 9. Ảnh: Omaha World-Herald.

Đó là lý do Tổng thống Trump gần đây đã tới bang Nebraska vận động tối 27/10, trong khi Phó tổng thống Mike Pence vận động tranh cử ở bang xanh Maine tuần trước. Mục đích của hai sự kiện tranh cử là giữ được hai phiếu đại cử tri tại đây.

Jill Biden, vợ ứng viên , cũng đã tới Maine vận động tranh cử lần thứ hai vào hôm 27/10 để cố gắng giành được sự ủng hộ của cử tri tại Khu vực quốc hội thứ 2. Thượng nghị sĩ Kamala Harris, phó tướng của ứng viên Biden, tuyên bố bà tin rằng Khu vực quốc hội thứ 2 của Nebraska "rất quan trọng để giành được ".

Link nguồn: https://vnexpress.net/hai-bang-co-cach-tinh-phieu-bau-khac-biet-o-my-4186883.html

Tags:
Nghệ sĩ Việt ở Mỹ bỏ phiếu cho ai?

Nghệ sĩ Việt ở Mỹ bỏ phiếu cho ai?

Vợ chồng ca sĩ Hồng Ngọc, Dũng Taylor cho biết họ đều bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Cộng hòa. Họ mong ông Trump tái đắc cử tổng thống.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất