Hàng trăm người giúp chàng trai ung thư về nước

Để chàng trai bị ung thư máu giai đoạn cuối có thể về nước nhìn mặt vợ con, hàng trăm người Việt ở khắp châu Âu đã chung sức, cho tiền, nhường vé.

05:00 01/07/2020

Dựng chiếc xe kéo đi chợ trước cửa tiệm nail ở Frankfurt, Đức chiều 15/6, một phật tử hớt hải hỏi: "Cô Minh ơi, giờ có cách nào mua vé về Việt Nam không?". Chị Thúy Minh, chủ tiệm và chị Lan Anh, kinh doanh nhà hàng cùng lắc đầu với vẻ bất lực: "Thời điểm này vô cùng khó".

"Thương lắm các cô ơi, có một cháu sang đây lao động bị ung thư máu giai đoạn cuối. Cháu ấy mới 29 tuổi, giờ chỉ mong được về Việt Nam nhìn mặt vợ con lần cuối, mà không biết kêu ai", nữ phật tử luống tuổi, nói.

Người đang được nói đến là Lê Kim Nhân, 29 tuổi, quê Thừa Thiên Huế. Anh đi xuất khẩu lao động tại Slovakia từ tháng 5/2019. Nhưng chỉ 3 tháng sau khi sang đây anh phát hiện bị ung thư máu. Chùa Phật Huệ, tại Frankfurt đã đón Nhân về đây để được nhập viện điều trị.

Trải qua vài tháng hóa trị, bệnh tình của Nhân ngày một nặng hơn bởi ung thư đã đến giai đoạn cuối. Bệnh viện trả về và khuyên Nhân về Việt Nam càng sớm càng tốt. Nhưng vì Covid-19, Kim Nhân mắc kẹt ở Đức. Vài tháng qua, anh được một người Việt nghèo tại đây cưu mang.

Nghe xong câu chuyện, chị Thúy Minh và Lan Anh nhận sẽ viết thư lên đại sứ quán cầu cứu. Đồng thời họ cũng chia sẻ câu chuyện lên trang cá nhân để huy động đóng góp mua vé máy bay cho chàng trai. Rất nhiều người Việt đã giúp đỡ. Một người Đức thậm chí tặng hơn 1.000 euro, tương đương một chiếc vé máy bay. Tổng số tiền mọi người quyên góp giúp Nhân lên đến 10.000 euro.

Mọi thứ đã sẵn sàng nhưng tối 26/6, họ nhận được câu trả lời: "Không còn vé", "Không giúp được nữa".

Lê Kim Nhân (giữa) được cộng đồng người Việt tại Đức, Pháp, Ba Lan... giúp về nước. Trong ảnh là chị Lan Anh (trái) và Thúy Minh (phải) gặp Nhân trước khi đưa cậu ra ga sang Pháp. Ảnh: Lan Anh.

"Nghe câu đó tôi vô cùng tuyệt vọng", chị Lan Anh, người sang Đức lập nghiệp 40 năm và đã huy động hết các mối quan hệ mà không thể xoay chuyển được tình thế.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, chị liên hệ anh Võ Quang Dũng, đại diện Hiệp hội điều Việt Nam tại Đức, để cùng bàn cách. Họ sợ, ngày thứ 7 không có cơ quan nào làm việc, trong khi sáng chủ nhật đã phải ra sân bay làm thủ tục.

Đó là đêm gần như thức trắng của nhiều người Việt ở châu Âu. Anh Dũng liên hệ về Việt Nam nhờ giúp đồng thời kiểm tra các đường bay khác và chuyến bay thương mại nhưng hầu hết các kết quả mà anh nhận được là khả năng về đến Việt Nam rất khó và không đảm báo sức khỏe cho Nhân.

Nửa đêm, họ nghĩ ra cách cuối cùng là kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. Anh Dũng đã đăng bài viết lên 5 hội nhóm người Việt tại Pháp, với hi vọng "biết đâu có bạn nhường ghế cho Nhân".

Bài viết đã thu hút được hàng nghìn lượt quan tâm. Anh Dũng thức trắng đêm theo dõi các phản hồi và liên hệ các đầu mối. Gần 4h sáng, du học sinh Trần Ngọc Anh Thi ở Paris nhắn tin "sẵn sàng nhường chỗ cho Nhân".

Mừng rơi nước mắt, anh Dũng nhắn: "Chú sẽ gửi lại cháu 500 euro như đã hứa". Anh Thi không nhận. Cô nói: "Hãy gửi số tiền cho gia đình anh Nhân. Giờ xin chú chỉ cho cháu biết phải làm thủ tục thế nào". Ngay sau đó, du học sinh này soạn email gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Paris xin nhường vé.

Gần sáng, anh Dũng tiếp tục nhận được tin nhắn của du học sinh Mai Quốc Tuân từ Ba Lan cũng xin được nhường chỗ cho chàng trai ung thư.

May mắn, 9h sáng ngày 27, họ nhận được tin Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã sắp xếp được cho Lê Kim Nhân về nước vào chủ nhật. Niềm vui như vỡ òa.

Minh Nhân tại sân bay Paris sáng 28/6. Từ chỗ xa lạ, vì chuyện của Nhân mà nhiều người quen biết nhau. Tất cả cùng xúm lại giúp cho chuyến đi của Lê Kim Nhân an toàn hơn. Ảnh: Đăng Khôi.

"Đêm đó tôi ngóng tin mà xót. Cứ nghĩ đến Nhân sẽ phải chết trên đất khách, vợ không được gặp chồng, con không được gặp cha là nước mắt không cầm được. Tin Nhân được về giống như một phép màu vậy", chị Lan Anh chia sẻ.

Nhưng chưa xong. Mối lo tiếp theo của mọi người là làm sao để hành trình của Nhân từ Đức sang Pháp cần được đơn giản và an toàn nhất. Đầu cầu tại Pháp đã liên hệ với đầu cầu Đức mong muốn được hỗ trợ đưa đón Nhân. Chị Lan Anh, từ Stuttgart đã vượt 200 km đến Frankfurt trao tiền ủng hộ cho Nhân và đưa cậu ra ga để sang Pháp. Sợ Nhân lớ ngớ, chị căn chính xác giờ tàu dừng ở các ga để gọi nhắc nhở lên xuống đúng điểm.

21h37', Lê Kim Nhân đến được Gare de l'Est, Pháp. Một gia đình Việt tại đây đã đón anh về nhà nghỉ ngơi.

Sáng 28/6, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, cùng chục thành viên trong Đại sứ quán và nhiều người trong cộng đồng người Việt đã đến trao tiền ủng hộ Nhân, làm thủ tục cho cậu. Hãng bay cũng sắp xếp một bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Nhân. Sau khoảng 12 giờ bay, chàng trai Huế cùng hơn 280 công dân Việt đã đáp xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.

Từ khu cách ly Ninh Bình, Lê Kim Nhân chia sẻ, chuyến bay dài và di chuyển hơn 4 tiếng từ Quảng Ninh về đây trong thời tiết nắng nóng nên anh có phần mệt mỏi. Anh được phát đồ dùng, chế độ ăn và xét nghiệm Covid-19 như bao người khác. "Tôi mong sớm hết thời gian cách ly để được về với gia đình", anh chia sẻ.

Thư Nhân cảm ơn những người đã giúp đỡ mình trước khi về nước

Nhân đã an toàn về Việt Nam nhưng cộng đồng người Việt ở Đức, Pháp vẫn chưa thể an tâm. Họ biết tính chàng trai hiền lành, ít nói, không thích làm phiền người khác. Họ lo nếu anh không nói ra tình hình sức khỏe sẽ không ai biết để giúp.

"Hiện tại Nhân phải dùng thuốc giảm đau mỗi ngày. Sinh mạng cậu ấy rất mong manh. Thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Chúng tôi mong cậu ấy sớm được các bác sĩ hỗ trợ chăm sóc để kéo dài mạng sống", anh Dũng bộc bạch.

Link nguồn: https://vnexpress.net/hang-tram-nguoi-giup-chang-trai-ung-thu-ve-nuoc-4122942.html

Tags:
Mắc ung thư, cụ bà vẫn sống 115 tuổi, bí quyết nằm ở 4 điểm

Mắc ung thư, cụ bà vẫn sống 115 tuổi, bí quyết nằm ở 4 điểm

Bà Trương Minh Châu (người Trung Quốc) đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật vì ung thư nhưng vẫn sống qua 100 tuổi, làn da mịn màng, gương mặt rạng ngời.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất