Hậu quả thương chiến Mỹ-Trung: Con đường bành trướng toàn cầu của Huawei đã khép lại

Hiện các hãng công nghệ của Mỹ như Google, Intel hay Qualcomm đang dần rời bỏ Huawei sau lệnh cấm hợp tác của tổng thống Trump. Con đường phát triển của Huawei từ nay có thể sẽ gặp nhiều chông gai gập ghềnh.

22:30 09/09/2019

Sau lệnh cấm của tổng thống Trump (có hoãn thi hành đến đầu tháng 11) do lo ngại về an ninh quốc gia, Huawei sẽ phải đối mặt viễn cảnh bị cấm giao dịch với các công ty Mỹ. Sau khi Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, các “ông lớn” khác cũng sẽ ngừng hợp tác với Huawei như Intel, Qualcomm hay Broadcom. 

Mặc dù Huawei có thể tự phát triển riêng cho mình hệ điều hành và tìm được các nhà cung ứng khác, nhưng việc mất đi sự hợp tác với những tên tuổi công nghệ lớn của Mỹ có thể khiến Huawei thiệt hại nặng ở thị trường quốc ngoại.

Không cần chip, nhưng cần quyền sản xuất/bán hàng

Theo báo Genk, các chuỗi cung ứng nội địa có thể tạm thời giúp Huawei có được nguồn linh kiện thay thế. Lấy ví dụ, dù Huawei không có chip của Qualcomm, họ vẫn có thể dùng chip Kirin của hãng phát triển chip HiSilicon – công ty con do chính mình thành lập. 

Nhưng vì các hãng như Qualcomm, Intel hay Broadcom có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ trên toàn cầu, nên Huawei sẽ không thể sử dụng chúng tùy tiện. Đặc biệt ở thị trường ngoài Trung Quốc, khả năng Huawei sẽ đối diện với các vụ kiện tụng và lệnh cấm bán là rất cao. 

Hậu quả thương chiến Mỹ-Trung: Con đường bành trướng toàn cầu của Huawei đã khép lại
(Ảnh: Third World War)

Mất chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuỗi cung ứng ở nước ngoài của Huawei có đến 33 công ty Mỹ. Lệnh cấm sẽ khiến cho đôi bên phải “chia tay”, và Huawei sẽ không thể sử dụng bằng sáng chế hay tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty này nữa, bởi như vậy sẽ vi phạm bản quyền trí tuệ, từ đó dẫn đến những vấn đề pháp lý nghiêm trọng cho Huawei. 

Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất của Huawei trên chuỗi cung ứng. Một loạt các tên tuổi lớn trong chuỗi cung ứng Android nói riêng và di động nói chung thuộc về liên minh Open Handset Alliance và Google là người đứng đầu. Một trong những điều khoản của liên minh này là các nhà sản xuất phải “hứa” sẽ không sản xuất thiết bị dùng Android không phải do Google kiểm soát. Do đó gần như chắc chắn Huawei sẽ phải chuyển sang sử dụng Android tự phát triển lại từ đầu (không có ứng dụng Google), và các công ty nằm trong OHA sẽ phải ngừng làm việc với Huawei.

Nghĩa là Huawei phải “tự lực cánh sinh” ở quốc ngoại, chuỗi cung ứng giờ đây chủ yếu đến từ công ty Trung Quốc hoặc vài công ty nước ngoài ít tên tuổi. Đi đến đâu, Huawei buộc phải mở cửa nhà máy sản xuất của mình ở đó. Các chi phí sẽ tăng lên đáng kể, bào mòn hơn nữa mức lợi nhuận ít ỏi 8% vào năm ngoái.


Hậu quả thương chiến Mỹ-Trung: Con đường bành trướng toàn cầu của Huawei đã khép lại
Một số thành viên thuộc OHA (ảnh: Steemit).

Nền tảng Android trở về thời “lạc hậu”

Dù Google đã kết thúc quan hệ với Huawei, nhưng không có nghĩa là Huawei sẽ không có Android. Vì qua dự án mã nguồn mở Android, viết tắt AOSP (Android Open Source Project), Huawei vẫn có thể tiếp tục phát triển nền tảng Android cho mình. Nhưng Android mã nguồn mở dĩ nhiên sẽ kém rất xa Android của Google, do đó Huawei phải bắt đầu lại từ một nền tảng Android với những tính năng cơ bản và cũ kỹ. 

Hậu quả thương chiến Mỹ-Trung: Con đường bành trướng toàn cầu của Huawei đã khép lại
Khi không còn được sử dụng Google Play trên thị trường quốc tế, Huawei sẽ phải phát triển lại từ AOSP đã lỗi thời (ảnh chụp màn hình: GenK).

Không Google, không còn thị trường quốc tế

Mặc dù Huawei vẫn còn nền tảng Android, nhưng để sử dụng những ứng dụng trên Google Play, hãng vẫn cần sự cho phép của Google. Nghĩa là các dòng smartphone tương lai của Huawei sẽ không thể tải ứng dụng từ Play Store, và các dịch vụ kinh điển như Gmail, Drive, Youtube, hay Maps sẽ phải “nói lời tạm biệt” với người dùng. 

Liệu người dùng quốc tế có “chấp nhận” những tổn thất như thế? Những ứng dụng quá thiết yếu và thân thuộc như Gmail, Youtube hay Maps và chưa kể đến những vấn đề khác sẽ là sự kết liễu cho thị trường di động quốc tế của Huawei.

Tags:
Viết thuê luận văn: Nghề ‘kiếm cơm’ của du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Viết thuê luận văn: Nghề ‘kiếm cơm’ của du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Trong khi nhiều sinh viên kiếm tiền bằng cách đi làm gia sư, bồi bàn hay lái xe Uber, thì một số ít sinh viên lại kiếm bộn tiền nhờ “kinh doanh” một dịch vụ “đặc biệt:” Viết thuê luận văn, luận án hoặc làm giúp bài tập về nhà.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất