Hệ lụy từ vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc giả mạo hàng Việt chờ xuất sang Mỹ

Vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc nhập về Bà Rịa-Vũng Tàu để giả mạo xuất xứ chờ xuất sang Mỹ là cảnh báo nghiêm khắc cho cách hành xử của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nếu phía Mỹ tìm thấy bằng chứng của sự gian dối và vụ lợi, mặt hàng thép, nhôm Việt Nam nhiều khả năng bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao.

20:30 02/11/2019

Liên quan đến vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc nhập về Việt Nam để giả mạo xuất xứ chờ xuất khẩu sang Mỹ và các nước (ước tính giá trị khoảng 4,3 tỷ USD), phía Hải quan Mỹ và Hải quan Việt Nam vẫn phối hợp điều tra.

Theo Bộ Công Thương, đây là vụ việc gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay với mặt hàng nhôm. Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, đây là vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm xảy ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác để hưởng lợi thế từ chênh lệch thuế suất. Bởi nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi đó nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%, tức là cao gấp 25 lần.

Liên quan với “vua nhôm” Trung Quốc?

Báo Dân trí dẫn tin từ hải quan, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN (Nhôm Toàn Cầu VN). Năm 2011, Nhôm Toàn Cầu VN được cấp phép do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.

Theo giấy phép đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này sẽ được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm.

Tháng 5/2016, làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, DN này cho biết đã nhập khoảng 1,5 triệu tấn nhôm trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc về Việt Nam để sản xuất xuất khẩu. 

Vào cuối năm 2016, tờ báo kinh tế danh tiếng của Mỹ Wall Street Journal có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam.

Đặc biệt, thông tin trong bài báo cho thấy có mối liên quan mật thiết giữa dự án sản xuất nhôm khủng tại Bà Rịa-Vũng Tàu với “vua nhôm Trung Quốc” là tỷ phú Lưu Trung Điền (Liu Zhongtian) – chủ sở hữu công ty nhôm lớn nhất Trung Quốc là China Zhongwang.

Năm 2009, Tập đoàn China Zhongwang lên sàn cũng là năm lượng nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng đột biến, lên mức 192.000 tấn, gấp đôi so với năm 2008 trong khi giá lại giảm.

Sau khi điều tra 16 công ty nhôm của Trung Quốc, năm 2019, Mỹ áp thuế chống bán phá giá với nhôm Trung Quốc lên 374%.

Điều đáng chú ý, kho nhôm 500.000 tấn của Tập đoàn China Zhongwang bỗng dưng biến mất bí ẩn ở Mexico và ở tại Vũng Tàu xuất hiện một kho khổng lồ tương tự. Bài báo cho rằng, khi bị Mỹ áp thuế cao đối với nhôm Trung Quốc, phía DN Trung Quốc đã tìm mọi cách để bí mật chuyển hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam và Mexico để tẩy xuất xứ nhằm né thuế.

“Rõ ràng vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm nằm ngay tại Việt Nam là có sự tính toán của nhà đầu tư trong nghi vấn lẩn tránh né thuế xuất hàng sang Mỹ” – PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định.

Cũng theo nguồn tin quốc tế, ông Lưu Trung Điền đã bị bồi thẩm đoàn Mỹ khởi tố với cáo buộc buôn lậu và trốn thuế. Văn bản khởi tố đã được giao từ hồi tháng 5/2019 nhưng phải sau đó 2 tháng mới được công bố.

Theo đó, bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ đã cáo buộc công ty của ông Lưu Trung Điền đã thực thi một số chương trình lừa đảo khổng lồ trong nhiều năm, vận chuyển nhôm từ một số nước trên thế giới nhập lậu vào Mỹ bằng cách che giấu xuất xứ.

Cụ thể, “vua nhôm Trung Quốc” cùng cộng sự bị cáo buộc đã cung cấp tiền mặt cho công ty vỏ bọc, thông qua các công ty này để mua sản phẩm nhôm từ Công ty hữu hạn cổ phần Trung Vượng Trung Quốc, sau đó bán cho khách mua người Mỹ nhằm che đây nguồn gốc của các sản phẩm nhôm.

Bản cáo buộc cho biết, âm mưu này bắt đầu từ năm 2008 và vẫn tiếp tục cho đến nay. Bằng cách này, Lưu Trung Điền đã trốn thuế tới gần 2 tỷ đô la Mỹ. Các công tố viên nói rằng nếu tội danh lừa đảo và rửa tiền quốc tế được thành lập, Lưu Trung Điền sẽ phải đối mặt với tối đa là 465 năm tù.

Các công tố viên Mỹ cho rằng đây là vụ án thuế quan lớn nhất trong lịch sử của Bộ Tư pháp Mỹ. Được biết, Mỹ đã chuẩn bị bắt giữ Lưu Trung Điền.

Chính phủ của ông Trump nói rằng hàng tỷ đô la hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã vào Mỹ thông qua các nước châu Á khác, để trốn thuế. Ông Trump đã cảnh cáo: nếu được bầu lại, ông sẽ áp đặt một thỏa thuận thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc so với hiện nay. Thép và nhôm là một trong những mục tiêu chính mà Mỹ đánh thuế.

Nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao

Thực tế, từ khi ông Trump lên nắm quyền ở Mỹ, các doanh nghiệp nhôm Trung Quốc đã cảm nhận sự rủi ro và sớm nghĩ đến phương án đẩy mạnh thị trường mới. Việt Nam là một thị trường được các doanh nghiệp này nhắm đến với hai mục đích rõ ràng: chi phối thị phần nhôm Việt và là nơi tẩy xuất xứ trước khi qua Mỹ.

Theo số liệu của Thời báo Ngân hàng, sức ép từ Trung Quốc đã khiến các DN nhôm trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nếu năm 2017, nhôm Trung Quốc chiếm 30% thị phần tại Việt Nam, nhôm trong nước giữ 70% thì sang năm 2018, các con số này đã được hoán vị, 70% thị phần đã thuộc về Trung Quốc, nhôm trong nước vỏn vẹn còn 30%. Đến năm 2019, tình trạng của các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước vẫn bị dồn vào thế khó, nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng yêu cầu áp thuế nhôm nhập từ Trung Quốc và gửi hồ sơ yêu cầu lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).

Khó khăn cho nhôm nội địa còn có thể tăng hơn nhiều sau vụ 1,8 triệu tấn nhôm đến Việt Nam để tẩy xuất xứ. Theo các chuyên gia, việc để các công ty Trung Quốc lợi dụng, hay chủ động bắt tay với các công ty nước này để qua mặt Mỹ, hoặc cả hai trường hợp trên, đều có thể khiến Việt Nam phải trả giá đắt.

Hồi tháng 6 vừa qua, chính ông Trump đã phê phán Việt Nam lợi dụng Hoa Kỳ trong thương chiến Mỹ – Trung. Nếu các kết luận tới đây về vụ giả mạo xuất xứ 1,8 triệu tấn nhôm chỉ ra việc Việt Nam “nhắm mắt làm ngơ” cho Trung Quốc đội lốt, thì không loại trừ việc thép, nhôm Việt Nam có thể bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao đủ để “ giết chết” một ngành.

Tags:
Hạ viện Mỹ thông qua điều tra luận tội Trump

Hạ viện Mỹ thông qua điều tra luận tội Trump

Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua điều tra luận tội Trump hôm nay, với 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất