Học sinh Mỹ vật lộn với triệu chứng Covid-19 kéo dài

Nhiều trẻ mắc Covid-19 đã âm tính trở lại song chưa thể đến trường vì vẫn còn các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi. Phụ huynh và nhà trường đang vất vả tìm cách khắc phục.

12:00 06/10/2021

Đầu năm học mới, Harli Hecht (9 tuổi, Las Vegas), viết một lá thư gửi tới những người bạn học cùng lớp 4, theo Washington Post.

“Tên mình là Harli. Mình đang học ở nhà. Mình có 2 chị em gái và 3 chú chó. Hãy viết thư lại cho mình khi có thời gian”.

Lá thư được treo tại lớp học của cô bé, có tác dụng kết nối Harli với những người bạn đã trở lại trường. Mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, cô bé 9 tuổi chưa thể đến lớp và buộc phải học ở nhà vào mùa thu năm nay.

Hoc sinh My vat lon voi trieu chung Covid-19 keo dai anh 1

Mặc dù chưa có số liệu cụ thể, số trẻ em tại Mỹ mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài đã được cảnh báo là đáng lo ngại. Ảnh: Washington Post.

Tại nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, số lượng trẻ em đang trải qua khó khăn như Harli không ít. Đây là tình trạng hiếm gặp nhưng ngày càng phổ biến sau đại dịch, khi bệnh nhân vẫn còn nhiều triệu chứng dù đã âm tính với virus từ lâu.

Không thể đến lớp

Tháng 6/2020, Harli dương tính với SARS-CoV-2. Dù đã khỏi, những cơn đau đầu, mệt mỏi và rối loạn cảm xúc vẫn xuất hiện trong hơn một năm qua, khiến cô bé không thể học tập bình thường.

Harli chỉ hoàn thành chương trình học lớp 3 sau khi các bài học trực tuyến được thay đổi phù hợp với tình trạng sức khỏe của cô bé. Harli gặp khó khăn khi nhìn vào màn hình máy tính, nhà trường chuyển sang gửi bài tập đến tận nhà, còn những bài kiểm tra viết đổi thành kiểm tra miệng.

Hiện tại, một giáo viên ghé qua nhà Harli 2 lần/tuần để hướng dẫn học. Brandi Hecht, mẹ của Harli, bày tỏ sự thất vọng với cách trường học hỗ trợ cho những học sinh mắc Covid-19 kéo dài. Việc sắp xếp chậm trễ khiến con gái cô bắt đầu năm học mới muộn mất 2 tuần.

Cả hai mẹ con đều cảm thấy mất kết nối với cộng đồng nhà trường.

Hoc sinh My vat lon voi trieu chung Covid-19 keo dai anh 2

Harli Hecht bắt đầu năm lớp 4 tại nhà. Ảnh: Washington Post.

“Họ chỉ nhìn Harli như thể một trường hợp cá biệt, thay vì nhìn vào bức tranh tổng thể rằng nhiều trẻ em khác cũng trải qua hoặc sẽ trải qua điều này”, bà nói.

Nhiều bậc phụ huynh và cả nhà trường đều đang vật lộn với chứng Covid-19 kéo dài ở những bệnh nhân nhí trong độ tuổi đến trường.

Tại Anh, vào tháng 8, một nghiên cứu thực hiện trên 1.700 trẻ cho thấy 4,4% trẻ em có triệu chứng mắc Covid-19 lâu hơn 4 tuần; 1,8% có triệu chứng kéo dài 8 tuần hoặc lâu hơn.

Tại Rome (Italy), một nghiên cứu ở quy mô nhỏ cho ra kết quả một nửa trong số 129 trẻ từng nhiễm Covid-19 vẫn có ít nhất một triệu chứng sau hơn 120 ngày.

Theo Viện Nhi khoa Mỹ, nước này ghi nhận hơn 5,7 triệu trẻ em mắc Covid-19. Số trẻ mắc di chứng hậu Covid-19 chưa được thống kê cụ thể, song bác sĩ cho biết nhiều em có biểu hiện đau đầu, đau cơ, khó tập trung suốt nhiều tháng, dẫn đến sinh hoạt thường ngày và học tập khó nhọc.

Khi học online, nhiều học sinh mắc Covid-19 kéo dài phải ngồi học trên giường hoặc nằm nghỉ giữa các tiết. Hệ quả, bác sĩ cho biết giờ nhiều em khó nhọc ở những hoạt động cơ bản như điều chỉnh lại bàn nhựa, di chuyển giữa các lớp hay trò chuyện với bạn bè.

Để khắc phục, nhiều trường học đã kéo dài thời gian làm bài kiểm tra, thay đổi động tác thể dục hay số giờ nghỉ giữa các tiết học. Tuy nhiên, không phải cơ sở giáo dục nào cũng chú ý làm điều này.

"Một số lãnh đạo nhà trường còn không ý thức được học sinh gặp phải tình trạng đó", Amanda Morrow, đồng giám đốc phòng khám hậu sản nhi tại Viện Kennedy Krieger ở Baltimore, cho biết.

Hoc sinh My vat lon voi trieu chung Covid-19 keo dai anh 3

Các triệu chứng như đau đầu, mỏi cơ, chóng mặt, mệt mỏi có thể kéo dài cả năm dù trẻ em đã âm tính với virus từ lâu. Ảnh: Healthline.

Với những nơi đã xác định tình hình, họ cũng đang vật lộn tìm cách hỗ trợ học sinh trong dài hạn.

Jennifer Finley, giám đốc điều hành dịch vụ y tế ở Dallas, cho biết khu học chánh chưa thể phát hiện học sinh chịu di chứng Covid-19 vì ban giám hiệu nhà trường không có đủ thì giờ lập kế hoạch.

Trước mắt, ưu tiên vẫn là ngăn ngừa virus lây lan bằng cách yêu cầu đeo khẩu trang và khử trùng các tòa nhà.

"Nếu phụ huynh nào cho rằng con mình đang rơi vào khó khăn, hiệu trưởng cùng y tá trường học sẽ làm việc cùng để tìm cách giúp đỡ. Chúng tôi cũng cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ ban đầu của trẻ vì Covid-19 kéo dài là căn bệnh mới, triệu chứng có thể thay đổi sau vài tuần".

Áp lực lên nhà trường

Hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Covid-19 kéo dài có thể được coi là một dạng khuyết tật, theo hướng dẫn liên bang. Bộ Giáo dục Mỹ sau đó công bố hướng dẫn để các trường học điều chỉnh quy định sao cho phù hợp với tình hình mới.

Hoc sinh My vat lon voi trieu chung Covid-19 keo dai anh 4

Các trường học vốn chịu áp lực ngăn chặn virus lây lan, chưa thể tính đến phương án lâu dài cho những học sinh bị triệu chứng Covid-19 kéo dài. Ảnh: Healthline.

Tuy nhiên, việc tìm ra cách để hỗ trợ trẻ mắc Covid-19 kéo dài rất phức tạp, đặc biệt khi các chẩn đoán còn mới, rất ít người biết triệu chứng sẽ thay đổi ra sao.

"Nếu một đứa trẻ gặp khó khăn vì các triệu chứng, chúng ta sẽ coi đó là chứng rối loạn cấp tính và sớm phục hồi, hay mạn tính và cần hỗ trợ lâu dài? Tôi nghĩ chưa ai có câu trả lời chính xác", Kris Scardamalia, giáo sư tại Đại học Y khoa Maryland, nhận định.

Scardamalia nói rằng sự không chắc chắn đòi hỏi những đánh giá thường xuyên về nhu cầu của học sinh và liên lạc nhất quán với phụ huynh từ phía nhà trường.

Giáo viên có thể là người đầu tiên nhận ra có vấn đề, nhưng việc đào tạo tại chỗ về cách nhận biết các dấu hiệu hiện chưa phổ biến. Các y tá từ Tổ chức Hợp tác liên ngành y tế chuyên biệt về nhu cầu y tế đã phân phát tài liệu nói về các biểu hiện và cách các trường học có thể ứng phó.

Tuy nhiên, việc tham dự khóa đào tạo cần nhiều thời gian, điều đã thiếu hụt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các nhà giáo dục và chuyên gia cho biết việc phát triển các kế hoạch sâu rộng xung quanh dịch bệnh sẽ tiếp tục khó khăn chừng nào Covid-19 vẫn còn là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Tags:
Thiên đường thuế nước Mỹ trong Hồ sơ Pandora

Thiên đường thuế nước Mỹ trong Hồ sơ Pandora

Nhờ chính sách thoáng với các quỹ ủy thác, bang Nam Dakota của Mỹ đang trở thành điểm đến ưa thích mới cho giới siêu giàu để cất giấu tài sản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất