Hối hận của người con 17 năm không nói chuyện với bố

Nghĩa tử là nghĩa tận mà

23:30 15/10/2020

Sau 2 cái tát chảy máu mũi, 17 năm liền Mai Gia không nói với bố một câu, cho đến khi ông qua đời.

Trong một chương trình truyền hình gần đây, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mai Gia đã tiết lộ về mối quan hệ giữa ông và bố. 

"Năm 20 tuổi, tôi bị bạn học cầm gậy đánh vì một va chạm nhỏ, tay chân bầm tím. Tối đó, tôi đã đứng chặn ở cửa nhà bạn học để quyết sinh tử. Biết chuyện, bố tôi vội vã tìm đến. Tưởng rằng ông trả thù cho tôi, nhưng không, trước mặt bố mẹ người bạn, ông tát tôi 2 cái rất mạnh, máu mũi cứ thế ộc ra. Tôi chỉ trợn tròn mắt nhìn bố, ánh mắt đầy tuyệt vọng", Mai Gia kể.

Sau lần bị bố đánh, tính cách Mai Gia thay đổi. Ông trở nên khép kín và ít giao tiếp với mọi người. Mỗi ngày ông đều viết nhật ký để trút giận. Trong cuốn nhật ký trang đầu tiên, ông viết "Sẽ không bao giờ gọi người đàn ông đó là bố nữa".

Trong 17 năm tiếp theo, Mai Gia không nói với bố một câu nào. Bố của ông cũng chỉ lặng lẽ quan sát con trai từ xa, chưa khi nào chủ động lại gần để giải thích hành động của mình năm xưa cho đến khi qua đời. "Mẹ kể rằng bố đã rất hối hận vì tát tôi ngày hôm đó. Nhưng ông không đủ dũng cảm để nói chuyện với tôi, để nói rằng ông luôn yêu tôi và không muốn con trai trở thành kẻ côn đồ".

"Tình yêu không nói thành lời sẽ biến thành sự hiểu lầm đáng tiếc", Mai Gia chia sẻ. 

Nhà văn Mai Gia là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, hiện ông là Chủ tịch hội nhà văn tỉnh Chiết Giang. Ảnh: jfdaily.

Nhà văn Mai Gia là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, hiện ông là Chủ tịch hội nhà văn tỉnh Chiết Giang. Ảnh: jfdaily.

Khi nhà văn này làm bố, cũng bởi vì một lần không kiềm chế, ông đã đánh con. Hậu quả là 3 năm liền, con trai ông đóng cửa phòng, không cho bố bước chân vào.

Mai Gia không biết làm thế nào, chỉ lặng im dõi theo những thay đổi của con. Đến ngày con trai đi du học, ông để vào trong vali của cậu bé một bức thư. Nội dung thư không dài nhưng có câu: "Bố yêu con. Bố thực sự luôn muốn trở thành một người bạn, một ngôi sao may mắn để có thể giúp con vượt qua được khó khăn trong cuộc sống". Tuy nhiên khi đọc được lá thư đó, con trai ông đã ở cách xa hàng nghìn km.

"Tôi thực sự không muốn tình cảm của bố con tôi lặp lại như tôi và bố ngày xưa nên viết thư cho con trai để thể hiện tình yêu của mình. Những hiểu lầm không có cơ hội được giải thích rõ ràng đã khiến cả đời này tôi phải hối tiếc", nhà văn nói.

Diễn viên Lương Gia Huy bên vợ và hai con gái. Ảnh: sohu.

Diễn viên Lương Gia Huy bên vợ và hai con gái. Ảnh: sohu.

Mới đây, diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy cùng con gái tham gia một chương trình truyền hình về gia đình.

Khi nói chuyện với người dẫn chương trình, cô gái 27 tuổi cho biết: "Tôi là một người hướng ngoại, sống sôi nổi và vui vẻ. Nhưng khi đứng trước bố tôi luôn bối rối vì không biết nói chuyện gì".

Tài tử họ Lương cho hay, anh và con gái ít nói chuyện không phải do mâu thuẫn. "Tôi rất thương con gái và luôn làm mọi điều cho cháu, chỉ là ít nói chuyện thôi", diễn viên này cho hay.

Cũng trong chương trình, diễn viên Ngô Kinh tự tin nói rằng anh tham gia 100% vào quá trình trưởng thành của con. "Tôi luôn dõi theo con trai và hiểu được mọi tâm tư, tình cảm của cháu". Tuy nhiên, ngay trong chương trình, con trai Ngô Kinh phản bác "Bố chỉ tham gia 50% vào thời gian trưởng thành của tôi. Nếu đúng là 100% thật thì chắc là bố không nói ra". 

Người dẫn chương trình lại hỏi: "Anh có thực sự yêu con trai không?". "Có, rất yêu. Chỉ là tôi không nói lời yêu mà thôi", Ngô Kinh chia sẻ. 

"Hầu hết cha mẹ đều yêu thương và hết lòng với con cái. Tuy nhiên họ không biểu thị tình cảm đó ra với con mà cứ âm thầm, tận tâm trong im lặng. Đó là một chứng bệnh khó chữa trong xã hội hiện đại", một nhà xã hội học Trung Quốc nhận xét.

Im lặng không thể hiện tình cảm là một kiểu gia đình Á đông thường thấy.

Đầu năm 2019,  bộ phim "Tấm bản đồ của cha" đã gây chấn động mạnh tại đất nước tỷ dân, nội dung phim dựa theo một câu chuyện có thật.

Lão Chương đến thăm con gái ở thành phố lớn, ngày đầu tiên ông đã đi lạc. Không biết dùng điện thoại di động nên đến tối con gái mới tìm được ông lang thang trên phố.

"Đã bảo bố đứng đợi ở bến xe mà không nghe. Chạy loạn khắp nơi để con tìm mệt đến chết", con gái quát bố khi chở ông về nhà. Lão Chương chỉ cúi đầu không nói.

Sang ngày thứ hai, Lão Chương lại đi ra ngoài và tiếp tục bị lạc, lần này sở cảnh sát gọi cho con gái ông. Quá bực dọc, con gái Lão Chương mắng bố: "Ở trên này bố không quen biết ai, không biết sử dụng điện thoại thì ở nhà cho con nhờ, đừng làm người khác phải bận tâm vì mình nữa". Nghe con gái nói, Lão Chương tiếp tục im lặng.

Những ngày tiếp theo, Lão Chương tiếp tục ra ngoài vào ban ngày và về nhà vào ban đêm, không lạc thêm lần nữa. Khi con gái hỏi ông đi đâu, ông đều nói "có việc" khiến mối quan hệ hai cha con trở nên căng thẳng. 

Một cảnh trong phim Tấm bản đồ của bố khi Lão Chương lúng túng khi không trả lời câu hỏi của mọi người Hôm nay bố đi đâu?. Ảnh: vmovier.

Một cảnh trong phim "Tấm bản đồ của bố" khi Lão Chương lúng túng khi không trả lời câu hỏi của mọi người "Hôm nay bố đi đâu?". Ảnh: vmovier.

Một tháng sau, con gái Lão Chương không nhìn thấy bố trong nhà. Trên bàn có một lá thư và một tấm bản đồ. Đó là lá thư ông Chương gửi con. Trong thư ông viết "Con làm việc vất vả mà bố chẳng giúp đỡ được gì. Trong bản đồ bố đã đánh dấu những địa chỉ cửa hàng đồ ăn ngon và giá cả hợp lý, con lưu vào để đến đó mua nhé".

Mở tấm bản đồ, con gái Lão Chương thấy bố đánh dấu rất chi tiết. "Cửa hàng này có rau rất tươi mà giá lại rẻ"; "Nhà hàng này có mì rất ngon, bố đã nếm thử, rất hợp khẩu vị của con"... Lão Chương đánh giá rất rõ cho con gái. Cuối thư ông viết: "Con nên chăm sóc bản thân khi bố không ở cạnh. Yêu con".

Cô con gái đọc thư xong đã khóc nấc, vội đi tìm bố nhưng Lão Chương đã về quê từ lâu.

"Đó là một câu chuyện rất cảm động nhưng đọng lại chỉ là nỗi buồn và sự bất lực. Dù Lão Chương biết mình bị con gái hiểu nhầm nhưng vẫn im lặng thể hiện tình yêu với con. Tình thân im lặng dần biến thành sự hối tiếc", một độc giả bình luận sau khi xem phim.

Kết thúc câu chuyện của mình, nhà văn Mai Gia đã nói: "Khoảng cách xa nhất trên trái đất này không phải là góc biển, chân trời mà là từ trái tim tới trái tim. Chỉ cần "rời xa" thì dù "quen thuộc" đến thế nào rồi cũng thành người xa lạ. Tình yêu thương đâu có khó để nói ra. Nếu cha mẹ thẳng thắn nói chuyện, thể hiện tình cảm với con, có thể sẽ ít hối tiếc hơn tôi của thời hiện tại".

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Lý do chàng trai Mỹ trở thành phu khuân vác trên Everest

Lý do chàng trai Mỹ trở thành phu khuân vác trên Everest

Trở thành người khuân đồ cho khách chinh phục nóc nhà thế giới, Nate Menninger vừa được trả lương, vừa tiết kiệm được 65.000 USD để leo Everest.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất