Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu: Cần tiếp thêm dầu vào ngọn lửa hành động

Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu đã bế mạc hôm 23/9 tại New York, Mỹ với các cam kết của 66 quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

05:30 25/09/2019

Mặc dù vậy, các nhà hoạt động môi trường vẫn cho rằng, thời gian không còn nhiều để cứu Trái Đất và cần tiếp thêm dầu vào ngọn lửa hành động để bảo vệ hành tinh xanh.

hoi nghi thuong dinh khi hau: can tiep them dau vao ngon lua hanh dong hinh 1
Tuần hành chống biến đổi khí hậu ở San Francisco, Mỹ ngày 20/9/2019. Ảnh: Reuters

Có tổng cộng 66 quốc gia đã đưa ra các cam kết quốc gia để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tổng thống Pháp Manuel Macron cho biết, Liên minh châu Âu sẽ hướng tới các mục tiêu tham vọng hơn vào đầu năm tới, trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi khẳng định quốc gia này đang hướng đến việc sử dụng lượng năng lượng tái tạo lớn chưa từng có. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cam kết Phần Lan sẽ là nền kinh tế công nghiệp đầu tiên trên thế giới không có khí thải carbon:

“Kế hoạch quốc gia của Phần Lan nằm trong các mục tiêu tham vọng nhất thế giới. Chính phủ của chúng tôi cam kết đạt được mức không khí thải carbon vào năm 2033. Tôi biết mục tiêu là lớn, nhưng chúng tôi muốn là hình mẫu đi đầu. Cần phải giảm lượng khí thải và các công nghệ, sáng kiến mới sẽ giúp hỗ trợ điều này. Tôi xin cam đoan rằng, Phần Lan sẽ cam kết đầy đủ với các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Anh hôm qua (23/9) thông báo sẽ tăng gấp đôi quỹ phát triển ở nước ngoài và nâng mức chi tiêu đối phó với biến đổi khí hậu là hơn 14 tỷ USD. Trung Quốc - quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới cũng khẳng định sẽ thực hiện các nghĩa vụ trong công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận khí hậu Paris. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói:

“Trung Quốc sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình và thúc đẩy các mục tiêu đóng góp quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng một vành đai và con đường xanh thông qua Liên minh phát triển quốc tế xanh BRI và các diễn đàn khác. Chúng tôi đang huy động sự ủng hộ hợp tác quốc tế lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Rõ ràng với các tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu thời gian qua buộc các quốc gia phải hành động. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cho rằng, điều này là chưa đủ để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và cuộc khủng hoảng khí hậu. Dù có một số cam kết đáng kể từ các nước vừa và nhỏ để hạn chế khí thải, nhưng vẫn thiếu vắng tiếng nói của các “ông lớn” trong cuộc chiến này, trong đó có Mỹ. Với 66 quốc gia cam kết giảm khí thải cũng chỉ chiếm 1/15 lượng khí thải của thế giới. Giám đốc điều hành Quỹ quốc tế Hòa bình Xanh cho rằng, cần phải có các hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa từ các nước lớn và phát triển trên thế giới.

Mặc dù vậy không thể phủ nhận những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang có sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua với sự quyết liệt của cả thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua khẳng định, thế hệ của ông đã thất bại trong việc bảo vệ hành tinh, nhưng mọi thứ đang thay đổi với những người trẻ đang tạo ra giải pháp. Thời gian qua các cuộc bãi khóa của giới thanh niên đang có tác động lớn tới các quyết định chính trị nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Dự kiến hàng loạt các cuộc tuần hành tại Mỹ, châu Âu, Canada, Italia và nhiều quốc gia khác sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này, kêu gọi lãnh đạo các nước cần tiếp tục mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.

Tags:
Thượng đỉnh G7 'nóng' chủ đề khí hậu, ông Trump bỏ họp

Thượng đỉnh G7 "nóng" chủ đề khí hậu, ông Trump bỏ họp

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người duy nhất trong số các lãnh đạo thế giới dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp không tham gia phiên thảo luận quan trọng về khí hậu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất