Khách Nga 'chán ngấy' khi đến Mỹ vì gặp ai cũng cười

Người Nga ngạc nhiên khi gần như mọi người Mỹ đều thân thiện và hay cười - điều này khác biệt với văn hóa tại xứ sở bạch dương.

02:00 12/02/2019

Dù quan hệ chính trị giữa Nga - Mỹ trải qua nhiều căng thẳng, người dân xứ sở bạch dương vẫn có những trải nghiệm thú vị trên đường du lịch tại nước bạn.

Người lạ thân thiện

Dù người Mỹ cũng cảnh giác với người lạ, rất nhiều du khách Nga vẫn ngạc nhiên khi gần như người Mỹ thân thiện và hay cười. Nhà báo Nga Oleg Ermolaev phải thừa nhận trên Russia Beyond rằng mình "chán ngấy" điều này sau khoảng 10 ngày ở Mỹ. Tuy nhiên, anh vui vẻ đưa văn hóa thân thiện nơi công cộng này về Nga.

Nhà thiết kế thời trang Valentin Filippov vẫn nhớ chuyến du lịch đầu tiên tới Mỹ vào năm 2014, khi một cảnh sát biên phòng mỉm cười và trò chuyện tự nhiên với anh. Dĩ nhiên, đây là một phần công việc của cảnh sát để khai thác thông tin từ những khách ngoại quốc, nhưng Filippov vẫn cho rằng anh chàng này thực sự tận hưởng công việc của mình.

Phương tiện công cộng

Nhà văn tự do Evgeni Puzankov nhận định phương tiện công cộng, đặc biệt là tàu điện ngầm tại Mỹ, xấu xí và không sạch sẽ. New York có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại hơn so với những thành phố khác, nhưng vẫn "kinh khủng" trong mắt Puzankov.

Ga tàu điện ngầm Komsomolskaya tại Moskva (Nga)

Ga tàu điện ngầm tại New York (Mỹ). Ảnh: spoiled NYC/AP.

Chuyến xe buýt từ San Francisco tới Los Angeles của Puzankov cũng gây thất vọng. "Xe buýt từ St. Petersburg (Nga) đến Vilnius (Lithuania) có giá ngang bằng, nhưng tôi còn có thêm cà phê, TV và ghế ngả. Tại Mỹ, trải nghiệm không mấy dễ chịu", anh chia sẻ.

Nhà báo Nga Alexandra Soboleva tiết lộ: "Khi ở thung lũng Napa, tôi không thấy ai đi bộ. Người ta lái xe đi khắp nơi, thậm chí cả khi ra một nhà hàng gần nhà.

Đường sá

Nhiều người Nga ngạc nhiên trước chất lượng đường sá tại Mỹ, đặc biệt là các cao tốc. Mikhail Koltsov nói rằng anh đã đi hàng nghìn kilomet khắp Mỹ, chỉ cần một chiếc ôtô có ghế ngồi thoải mái và một cặp kính mát.

"Chắc chắn bạn có thể off road xuyên nước Nga, nhưng chuyến đi có thể mất nhiều năm trong đời vì hành trình hàng nghìn kilomet tại Nga sẽ căng thẳng tới mức khó tin", anh cho biết.

Đồ ăn

"Tôi không ngờ burger lại ngon đến vậy", Evgeni Puzankov cho rằng chiếc burrito tại Los Angeles là một trong những món ngon nhất anh từng ăn. Nhà báo Oleg Ermolaev lại hài lòng khi thấy nước máy được phục vụ miễn phí tại mọi nhà hàng - điều này khó lòng xảy ra tại Nga.

Burrito gà là một trong 10 món ăn được người Mỹ ưa chuộng nhất trong năm 2018. Ảnh: Lindsay DeMunno/INSIDER.

Burrito gà là một trong 10 món ăn được người Mỹ ưa chuộng nhất trong năm 2018. Ảnh: Lindsay DeMunno/INSIDER.

Siêu thị

Dù các trung tâm thương mại và siêu thị đã xuất hiện ở Nga trong hai thập kỷ qua, người dân xứ sở bạch dương vẫn sốc khi lần đầu vào Walmarts' ở Mỹ. Robert Weber, một người Mỹ, tiết lộ học sinh trao đổi người Nga của mình đã phải ồ lên khi thấy quy mô và số lượng của những cửa hàng bán lẻ tại đây.

Văn hóa tip

Nhà báo Ermolaev cho rằng văn hóa tip tồn tại khắp nơi tại Mỹ không thực sự khiến anh sốc, nhưng phải thừa nhận anh không quen với điều này: "Ngay cả khi hóa đơn không gồm tip, một người sẽ bị đánh giá là bất lịch sự khi không để lại tiền boa".

Daria Pashentseva lại đặc biệt ghét nếu tiền tip được tính liền trong hóa đơn. Cô cho rằng khách hàng có quyền quyết định tip bao nhiêu và có tip hay không: "Tôi luôn muốn biết giá thực của dịch vụ, dù mua bất kỳ thứ gì tại một nhà hàng nhỏ, sắm quần áo hay đi cắt tóc".

Toilet

Khác với Nga, nhà vệ sinh công cộng xuất hiện khắp nơi tại Mỹ. Điều khiến người Nga ngạc nhiên hơn là toilet công cộng tại Mỹ luôn miễn phí, sạch sẽ và có sẵn giấy vệ sinh, từ bãi biển đến nơi vắng vẻ.

Nhà vệ sinh công cộng trong trung tâm thương mại The Grove (Los Angeles, Mỹ) trưng bày 6 bức tranh nguyên bản của Picasso và Miro. Ảnh: Cintas.

Nhà vệ sinh công cộng trong trung tâm thương mại The Grove (Los Angeles, Mỹ) trưng bày 6 bức tranh nguyên bản của Picasso và Miro. Ảnh: Cintas.

Quốc kỳ treo khắp nơi

Nhà văn Evgeni Puzankov thắc mắc vì sao người Mỹ treo cờ khắp nơi. Người Nga chỉ quen nhìn thấy quốc kỳ tại những tòa nhà chính phủ, trong khi những công ty, tổ chức và nhà dân chỉ treo cờ vào các ngày lễ tết.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Người Hoa cảm thán sau 10 năm di cư đến Mỹ: Rốt cuộc tôi tới Mỹ là vì điều gì?

Người Hoa cảm thán sau 10 năm di cư đến Mỹ: Rốt cuộc tôi tới Mỹ là vì điều gì?

Mới đây, có rất nhiều tài khoản Wechat chia sẻ bài viết “Người Hoa cảm thán sau 10 năm di cư đến Mỹ: Rốt cuộc tôi tới Mỹ là vì điều gì?” đã thu hút rất nhiều người Hoa hưởng ứng, nhiều Hoa kiều cho rằng những điều tác giả nói khá là chính xác.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất