Khi hàng ‘rác’ nhập cảng được người dân Việt ưa chuộng

Nhìn vẻ ngoài, Sài Gòn hiện nay có mức sống vật chất không thiếu thứ gì. Trừ giới tư sản đỏ và lớp nhà giàu trung lưu mới phất có điều kiện đi nước ngoài mua sắm như đi chợ, thì gần như các dân cư còn lại đều đang hài lòng với đủ loại hàng hóa tiêu dùng rẻ tiền, gắn thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nhưng là hàng nhái, hàng giả hạng bèo, đáng cười ra nước mắt hơn là hàng “rác” nhập cảng.

12:30 05/09/2019

Một ông giáo viên kể, tôi mời bạn cũng là dân chơi gốm sứ đến nhà ăn cơm, để anh ta đánh giá qua mấy món đồ gốm cổ mới săn được. Anh nhìn bộ đồ gốm bày trên bàn ăn của tôi trầm trồ khen đẹp và quý. Nhưng rồi anh hỏi, mấy cái dĩa chén, ly thấy không đúng bộ, hay là ông muốn chơi gu lạ. Tôi bèn nói thiệt với anh số đồ gốm này tôi mua cân ký, đó là rác nhập cảng từ Nhật, biết chỗ mua thì chỉ khoảng 50,000 đồng ($2.1)/kg, họ đổ đống tha hồ lựa.

Hẳn nhiên đủ loại rác hàng hóa từ Nhật được liệt vào tốp hàng rác bán chạy nhất khắp Việt Nam. Các nguồn thông tin từ tổ chức Greenpeace Đông Á cho biết, Nhật Bản đứng đầu bảng các nước xuất cảng rác sang Việt Nam trong năm 2018, xếp trên Mỹ và Nam Hàn. Số liệu của Greenpeace cho thấy đỉnh điểm nhập cảng rác của Việt Nam rơi vào Tháng Mười Một, 2017, với hơn 100,000 tấn rác mỗi tháng. Ở thời điểm hiện tại của năm 2019, các cảng biển lớn như Hải Phòng, Cát Lái- Sài Gòn đang có hàng chục ngàn container rác hàng hóa và rác phế liệu tồn đọng.

Để định nghĩa chính xác thế nào là hàng hóa rác nhập cảng vào Việt Nam là việc khó, nhưng có thể tạm phân biệt rác hàng hóa không phải là hàng kém phẩm chất, hàng ế tồn kho, hàng “sida” mà đúng hàng quá “date” phải vứt bỏ, phải tiêu hủy.

Rác đồ điện biến thành đồ mới tại một cửa hàng ở Chợ Lớn. (Hình: Trần Tiến Dũng/)

Trong các loại rác hàng hóa nhập cảng được ưa chuộng nhất hiện nay phải kể đến đồ điện và điện tử. Ở Sài Gòn, từ các khu chợ trời nổi tiếng cho đến các cửa hàng trang trí sáng bóng, thậm chí độn trong cả các kệ hàng siêu thị là “rác” hàng điện máy, điện tử không thiếu thứ gì từ tủ lạnh, máy lạnh, máy hút bụi, máy lọc không khí, nồi cơm điện, lò vi sóng, bếp điện, quạt điện… đủ các thương hiệu Toshiba, Sharp, Panasonic, National, Fujisu, Hitachi, Sanyo, Mitsubishi…

Các loại hàng này đã qua tay phù phép sửa chữa của các thợ thầy lạc-xoong thì dù đã là rác nhiều năm cũng thành hàng coi vậy mà còn tốt. Giá bán những mặt hàng này cũng không hề rẻ, thậm chí còn cao hơn hàng mới toanh của các hãng Nam Hàn hay Trung Quốc sản xuất.

Trong một quán cà phê sáng ở chợ Kim Biên, Sài Gòn, chúng tôi thấy hai chàng thanh niên đang khui một thùng đồ mỹ phẩm được cho là hàng xách tay mang về từ Hoa Kỳ. Tay thu hàng sau khi dùng điện thoại di động soi chiếu mã vạch từng món hàng son môi, phấn trang điểm, kem dưỡng da đủ các hiệu danh tiếng, tay này nói: “Hàng hết đát cả mấy năm hết rồi ông anh, chắc là người thân bên Mỹ của ông anh gom đồ rác rồi.”

Rác gốm sứ cân ký và các loại rác khác. (Hình: Trần Tiến Dũng/)

Sau một hồi thương lượng cuối cùng tay thu hàng cũng mua, ông này phân trần là sẽ tống hàng về vùng quê bán giá rẻ, còn ở Sài Gòn thì đưa vô mấy trường dạy trang điểm hay mấy tay chuyên nghề make up cho đám cưới, đám tiệc bình dân.

Thói quen sính hàng rác ngoại nhập ở Việt Nam đang có một chuyển biến đáng sợ hơn khi tràn ngập ngành thực phẩm.

Thời gian gần đây ở Sài Gòn mọc lên nhiều quán cơm gà xối mỡ, đùi gà nướng giá rẻ bất ngờ bởi vì rác đùi gà nhập cảng không rõ nguồn gốc chỉ có giá rẻ hơn một tô phở bình dân.

Theo báo chí trong nước, hết Tháng Sáu, 2019, Việt Nam nhập cảng 62,400 tấn thịt gà các loại với giá trị nhập cảng đạt $48.6 triệu. Như vậy, tính ra thịt gà nhập cảng có giá siêu rẻ chỉ dưới 18,000 đồng (77 cent)/kg.

Về “rác” thịt gà thì phải kể thêm, món sụn gà 19 món, mỗi món ghi trong thực đơn quán nhậu đều “hấp dẫn” như: sụn gà sốt chua cay, sụn gà nướng hương thảo, sụn gà xào bơ tỏi… mỗi dĩa sụn thẻo ra từ cả mấy chục cặp chân gà nên có người tính, để có đủ rác sụn gà làm mồi cho dân nhậu Việt Nam có khi phải nhập riêng cả tàu container chân gà.

Đâu chỉ “rác” thị gà, thời gian gần đây thị trường nhập “rác” nội tạng heo đã tưng bừng chiếm lĩnh món cháo lòng, và các món ngon từ bộ lòng heo khoái khẩu khác của Việt Nam. Một người chuyên nhập cảng “rác” lòng heo ở Gò Vấp cho biết, ông có có đủ loại nội tạng heo nhập từ Tây Ban Nha, Mỹ cho đến Úc, giá luôn rẻ hơn hàng Việt từ hai đến ba lần. Nếu khách nội thành sẽ miễn phí vận chuyển, với các quận xa mua từ năm đến bảy thùng được hỗ trợ 50% chi phí vận chuyển.

Ngày nay, thị trường tiêu thụ “rác” hàng hóa ở Việt Nam muôn hình dạng trạng với đủ mọi cấp độ phẩm chất, cũng như đủ mọi hiểm họa độc hại mà theo dư luận dù có là thánh sống cũng khó mà phân biệt được. Trông chờ vào hệ thống kiểm định chất lượng đầy tham nhũng hối lộ của chế độ là chuyện ảo tưởng.

Vậy nên sống giữa một xã hội có mức tiêu thụ “rác” hàng hóa đủ loại hàng đầu thế giới, thì cách duy nhất mà người dân có thu nhập thấp phải thích nghi giữa đống “rác” hàng hóa khổng lồ là cố sao chọn thứ rác hàng hóa mà mình có thể tự lừa dối mình là hàng còn tốt. (Trần Tiến Dũng)

Tags:
Lầu Năm Góc chi 3,6 tỉ USD để xây bức tường ở biên giới với Mexico

Lầu Năm Góc chi 3,6 tỉ USD để xây bức tường ở biên giới với Mexico

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua (3/9) cho biết, cơ quan này đã quyêt định chi 3,6 tỉ USD từ ngân quỹ được cấp cho các dự án khác để đổ vào dự án xây dựng một bức tường ở biên giới với Mexico theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất