Kiến trúc sư Việt xây lại khu phố Đức

Kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn cùng cộng sự vượt qua hơn 80 đối thủ, giành giải nhất cuộc thi Kiến trúc – Thiết kế quy hoạch đô thị của thành phố Stuttgart.

23:30 23/01/2020

"Tôi bất ngờ vì có thể vượt qua không ít tên tuổi lớn trong ngành kiến trúc tại Đức", kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn chia sẻ.

Kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn. Ảnh: NVCC.
Kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn trong buổi trao giải ngày 12/12 ở Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sinh năm 1981 tại Hà Nội, Tống Trần Đức Tuấn có hai năm học kiến trúc ở quê nhà trước khi sang Đức năm 2001. Anh tốt nghiệp Khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị trường TU Darmstadt, trở thành thành viên của Hội Kiến trúc sư Bang Hessen và đạt nhiều giải thưởng như giải nhì cuộc thi Thiết kế đô thị và Nhà ở dành cho kiến trúc sư tại châu Âu – Europan 12, giải nhất cuộc thi Kiến trúc Tòa tháp Trụ sở Bilfinger, Mannheim. Năm 2015, anh về nước và mở công ty riêng.

Cuộc thi Kiến trúc – Thiết kế quy hoạch đô thị của thành phố Stuttgart, từ tháng 2/2019, kêu gọi các kiến trúc sư khắp thế giới tham gia, cải tạo trụ sở làm việc và công xưởng cũ của Tập đoàn Năng lượng EnBW tại quận Stöckach thành các dự án bất động sản có giá trị với cộng đồng. 

Các công trình ở khu vực này đã hơn 70 tuổi, tổng diện tích 4,25 ha, bao gồm các nhà xưởng, sân thi đấu nội bộ, các khu văn phòng, không gian nhà kho và một số công trình hạ tầng.

Khu vực cần cải tạo.
Khu vực cần cải tạo (màu cam). Ảnh: EnBW.

Để chuẩn bị cho cuộc thi, anh Tuấn cùng cộng sự hợp tác với văn phòng Kiến trúc cảnh quan Hannes Hoer ở Đức. "Mọi công đoạn đều được thực hiện ở Hà Nội nên chúng tôi phải vượt qua mọi khó khăn, từ chuyện lệch múi giờ cho đến khác biệt văn hóa", anh Tuấn nói.

Sau 6 tháng, họ đưa ra đồ án chuyển đổi khu vực thương mại thành khu đô thị chất lượng cao. Tổng diện tích xây dựng gần 100.000 m2, trong đó có 800 căn hộ, 20.000 m2 cho thương mại, còn lại là không gian cộng đồng và cây xanh. Đồ án cũng mở ra nhiều đường đi bộ, kết nối với các khu vực lân cận.

Đặc biệt, những công trình còn sử dụng được, có giá trị kiến trúc không bị dỡ bỏ mà được bảo tồn và chuyển đổi chức năng. "Mục tiêu của dự án là kết hợp không gian mới và cũ để tạo ra cấu trúc đô thị đương đại mà vẫn giữ được bản sắc", anh Tuấn lý giải.

Đồ án của kiến trúc sư Tuấn và cộng sự. Ảnh: Tong+.
Đồ án của kiến trúc sư Tuấn và cộng sự. Quảng trường lớn ở giữa khu vực kết nối cả không gian lẫn con người. Ảnh: tong + / EnBW.

Tháng 12/2019, sau hai vòng thi, đồ án của kiến trúc sư Tuấn cùng cộng sự vượt qua 83 đối thủ, giành giải Nhất cuộc thi. "Đó là thiết kế hoàn hảo", ông Frank Heberger, đại diện EnBW đánh giá. Giáo sư Markus Allmann, chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi thì nhận định kiến trúc sư Tuấn đã đưa ra "đề xuất quy hoạch kiến trúc thuyết phục, có thể đóng góp cho sự phát triển tích cực của quận Stöckach".

Thời gian tới, kiến trúc sư Tuấn sẽ hoàn thiện thiết kế và cùng chủ đầu tư lên kế hoạch thực hiện dự án. Quá trình thi công dự kiến bắt đầu vào năm 2022, kéo dài 3-7 năm với khoản đầu tư 200 triệu euro.

Minh Trang/Vnepress.net

Tags:
Cá vượt ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công

Cá vượt ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công

Cá sống thì ngược dòng mà tiến, cá chết thì xuôi dòng mà trôi. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì cuộc sống, đó chính là lúc bạn đang tiến về phía trước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất