Ký ức Sài Gòn xưa – Bánh mì Sài Gòn và sở thích ăn “bánh mì không” của người Sài Gòn ngày xưa

Một trong những hình ảnh quen thuộc đã in sâu trong ký ức của nhiều người Sài Gòn xưa là những bội cần xé đựng bánh mì nóng, cột ở yên sau chiếc xe đạp của người bán rong khắp các đường phố.

06:00 22/07/2021

Gọi là xưa thôi nhưng thực ra chưa xưa lắm, chỉ khoảng trên dưới 30 năm trước. Khi đó, bánh mì Sài Gòn không chỉ quen thuộc đối với thị dân Sài Gòn, mà còn là sự thèm thuồng của những đứa trẻ ở quê, khi đó những ai đi “Sì phố” về thì đều mua quà là vài ổ bánh mì phết dầu bóng lưỡng, thơm và dòn ngon thường bán ở bến xe.

Cái cần xé làm bằng tre đựng bánh mì thường phủ một lớp bao bố để giữ hơi nóng của bánh mì mới ra lò

Với người Sài Gòn vào thời chưa xưa lắm, có lẽ không ai có thể quên được tiếng rao thân thuộc: “Bánh mì nóng giòn đê! Bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn đê!”. Mỗi lần người bán mở cái miếng bao bố ra, hương thơm bánh mì kích thích sự thèm ăn, mua rồi có thể ăn tại chỗ, không cần kèm với gì khác. Cầm trên tay ổ bánh mì nóng thơm phức, gỡ từng lớp da bánh dòn rụm hoặc xé ruột bánh mềm ra mà ăn để từ từ cảm nhận nguyên vẹn, chân phương hương vị ngon lành của ổ bánh mì.

Mỗi lần người bán mở cái miếng bao bố ra, hương thơm bánh mì kích thích sự thèm ăn

Ngày nay người Sài Gòn đã dần mất cái thói quen ăn “bánh mì không”, một trong những lý do chủ yếu là vì bánh mì ngày xưa nướng bằng lò củi, còn bánh mì ngày nay nướng bằng lò điện. Chắc chắn bánh mì lò củi ngon hơn hẳn vì nó được nướng theo kiểu chánh gốc của phương Tây. Ngày nay có lẽ chỉ còn bánh mì ở khu Trần Quang Khải – Tân Định là còn bán bánh mì vỏ dày, giòn, ruột chắc nhưng mềm mịn, giữ được phần nào của hương vị của ngày xưa.

Từ hơn thế kỷ qua, bánh mì là món ăn quen thuộc của người Việt, thậm chí được người nước ngoài xem là món ăn đường phố đặc trưng nhất của Việt Nam, tuy nhiên bánh mì lại có xuất xứ từ phương Tây.

Không như người Á Đông, bữa ăn thường có cơm hoặc bún, với người phương Tây thì bánh mì là món ăn chính. Có lẽ bánh mì đã có ở Việt Nam từ lâu đời thông qua trao đổi văn hóa, nhưng nó bắt đầu được biết đến nhiều nhất là sau năm 1859, là lúc người Pháp đến chiếm thành Gia Định. Ban đầu bánh mì dĩ nhiên là chỉ có trong những bữa ăn của giới cầm quyền cai trị người Pháp, sau đó lan sang giới quý tộc người Việt, rồi sau vài chục năm thì nó dần trở thành món ăn yêu thích của tầng lớp bình dân đại chúng, cả ở thành thị lẫn nông thôn.

Loại thức ăn này tồn tại trong cái nhìn của dân ta là “bánh”, nghĩa là món ăn chơi, không phải là đồ ăn chính như là cơm, dần dần về sau nó được người lao động ưa thích vì tiện lợi, gọi là “cơm tay cầm”, có thể ăn mọi lúc mọi nơi, không cần bếp núc nấu nướng, không cần mâm cơm bàn ăn, có thể vừa làm vừa cầm để ăn vội vã, thích hợp với sự bôn ba vất vả của nhiều người.

Ngoài kiểu ăn bánh mì không như đã nói ở trên, bánh mì được dân ta ăn theo kiểu quen thuộc nhất là bổ đôi, dồn các thứ vào trong, gọi là bánh mì thịt hoặc bánh mì pa tê, bánh mì xíu mại… hoặc bánh mì kẹp thịt tổng hợp chỉ có ở Việt Nam, dồn nhiều thứ vào chung, như phết bơ, pa tê, trứng ốp la, thịt xá xíu, thịt nướng, chả lụa, dăm bông, dưa leo, cà chua, đồ chua, ngò, ớt, rưới xì dầu… Người mua có thể gọi loại bánh tổng hợp này là: Cho một ổ đầy đủ, nghĩa là có gì bỏ vô đó hết.

Đơn giản hơn, bánh mì chỉ cần ăn với 1 chén nhỏ sữa đặc, hoặc quết với bơ đường cũng tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Có nhiều người đã định cư ở xứ Tây xứ Mỹ, là vùng đất quê hương của bánh mì, nhưng muốn tìm lại được xương xưa bánh mì Sài Gòn như vậy thật là khó.

Đó là kiểu ăn của người Việt, còn bánh mì ở bên Tây thường ăn với súp, bít tết, ốp la, ốp lết, hoặc ăn với pa tê, xúc xích, bơ, mức, là những kiểu ăn thường thấy ở trong một bàn ăn sang trọng ở trong nhà hàng hoặc trong nhà ăn của một nhà giàu thời xưa.

Hiện nay, dù bánh mì là món ăn quen thuộc có ở mọi ngóc ngách mọi ngả đường khắp mảnh đất hình chữ S, nhưng cái tên “bánh mì Sài Sòn” vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất với hương vị đặc biệt, dù đã bị phôi pha theo thời gian ít nhiều. Ngày nay, hễ nói tới bánh mì là người ta kèm thêm hai chữ Sài Gòn, quên luôn chuyện bánh mì là xuất xứ của Tây, vì từ lâu nó đã trở thành món của xứ Sài Gòn, của người Sài Gòn.

Link nguồn: https://nhacxua.vn/ky-uc-sai-gon-xua-banh-mi-sai-gon-va-so-thich-an-banh-mi-khong-cua-nguoi-sai-gon-ngay-xua/

Tags:
14 năm xây dựng cơ nghiệp tiền tỷ của cô gái Việt và chồng trên đất Mỹ

14 năm xây dựng cơ nghiệp tiền tỷ của cô gái Việt và chồng trên đất Mỹ

Chị Linh và người chồng Italy đang là chủ của hai cửa hàng ăn và rượu khá nổi tiếng ở tiểu bang Oregon, miền Bắc nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất