Làm thế nào để lập kế hoạch tài chính gia đình ở Mỹ

Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây, để có kế hoạch tài chính phù hợp cho gia đình.

05:00 05/09/2019

Kristian Finfrock, nhà sáng lập và chuyên gia lập kế hoạch tài chính hàng đầu tại công ty Retirement Income Strategies, cho hay: “Sắp tới, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều thay đổi. Có lẽ, những thay đổi này là điều may mắn nhất mà bạn từng có khi chào đón một cuộc sống mới. Và nó cũng bao gồm cả các trách nhiệm tài chính. Lập danh sách là việc quan trọng cần làm và sau đó bạn sẽ nhận ra, ngoài bản thân mình cũng như bạn đời, bạn còn có trách nhiệm chăm sóc một hoặc nhiều thành viên mới trong gia đình”.

Bảo hiểm y tế

Các cặp vợ chồng nên cân nhắc về chi phí bảo hiểm y tế tại thời điểm trước và sau khi sinh con.

Finfrock phát biểu: “Ngoài bản thân và các phương pháp điều trị, bạn còn phải chú ý đến bác sĩ thăm khám khi chuẩn bị cho kế hoạch sinh em bé. Và sau khi em bé chào đời, bạn sẽ phải cân nhắc đến bác sĩ nhi khoa phù hợp. Rõ ràng, bạn phải thanh toán cho các chi phí không thuộc chính sách của công ty. Liệu công ty có những phúc lợi giúp bạn thanh toán các khoản phí này không? Nếu không, bạn phải xoay sở tìm cách thanh toán khác”.

Kế hoạch chi tiêu

Finfrock cho biết đối với một số gia đình, kế hoạch chi tiêu là vấn đề nhạy cảm. Thường đến độ cuối tháng, họ sẽ chẳng còn bao nhiêu tiền cả. Kế hoạch chi tiêu chỉ đơn giản là kiểm soát tài chính và cho biết bạn sẽ chi tiền vào những mục đích gì. Ông còn cho biết nếu bạn học cách lập kế hoạch chi tiêu càng sớm, cuộc sống sẽ thoải mái hơn khi về già.

Kế hoạch chi tiêu trước thời điểm sinh con: Các gia đình nên chuẩn bị tiền thanh toán cho chi phí y tế tăng cao, phí mua vật dụng cho trẻ, đồ dùng và hóa đơn ăn uống đắt đỏ cho cả mẹ và thai nhi.

Kế hoạch chi tiêu sau thời điểm sinh con: Thu nhập của một gia đình có thể sẽ thấp hơn khi người vợ đang trong thời gian nghỉ thai sản. Các cặp vợ chồng cũng nên tính đến mọi chi phí từ thức ăn đến tã lót cho trẻ.

Chăm sóc trẻ: Đối với các gia đình, việc chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ là phần tốn nhiều chi phí nhất.

“Đây là phần chi phí rất lớn”, Finfrock cho biết. “Ngày nay, các gia đình thường quyết định để bố hoặc mẹ ở nhà và chăm sóc con thay vì chọn các dịch vụ giữ trẻ”.

Lập kế hoạch tài chính

Theo Finfrock, bảo hiểm nhân thọ và chi phí đại học là hai vấn đề đáng quan tâm của mội gia đình.

Bảo hiểm nhân thọ: Bạn sẽ xoay sở như thế nào nếu có điều bất trắc xảy ra với bản thân hoặc bạn đời? Liệu cả gia đình sẽ sinh hoạt tại ngôi nhà cũ sau khi biến cố đi qua? Và liệu bạn có đủ khả năng chi trả cho lối sống tương tự như trước?

Ông nói: “Mục đích chính của bảo hiểm nhân thọ là một sự bù đắp bằng thu nhập đối với những tổn thất liên quan đến người bạn đời. Hiện tại, bạn đang trong quá trình xây dựng một cuộc sống mới, ngoài những chi phí cá nhân, bạn còn có trách nhiệm phải trang trải thêm chi phí cho người bạn đời của mình. Liệu gói bảo hiểm của bạn có đủ khả năng đó? Có một nguyên tắc chung mà chúng tôi muốn khuyến khích đến các gia đình trẻ rằng nên trích khoảng 8 đến 10 phần trăm thu nhập hàng năm cho khoản bảo hiểm này.”

Chi phí đại học tương lai: Theo quan điểm của Finfrock, cho dù tương lai con bạn học 4 năm đại hoặc hoặc trường nghề, kế hoạch 529 sẽ là phương pháp giúp bạn tiết kiệm các khoản thuế và cả chi phí giáo dục.

Ông tiếp tục: “Điểm đặc biệt của kế hoạch 529 là bạn có thể thay đổi người thụ hưởng.Theo những gì chúng tôi biết, thông thường, mọi người sẽ tự mình mở tài khoản 529 rồi bắt đầu dành dụm tiền và được hưởng những ưu đãi thuế. Sau khi đứa trẻ chào đời, hãy thay đổi người thụ hưởng là đứa trẻ. Và từ đó, bạn đang bắt đầu tiết kiệm chi phí đại học sau này của trẻ”.

Kế hoạch ủy quyền

Thật chẳng có ai lấy làm thích thú gì khi phải nghĩ đến cái chết hoặc khuyết tật. Theo Finfrock, ít nhất, mỗi gia đình nên lập sẵn di chúc và cả giấy ủy quyền.

Ông nói thêm: “Cầu trời tình huống đó đừng xảy khi đứa trẻ còn nhỏ nhưng nếu một hoặc cả bố và mẹ đều không còn, ai sẽ là người chăm sóc đứa trẻ? Ai sẽ là người đưa ra những quyết định về mặt tài chính? Con sẽ được hưởng các khoản tiền nếu bạn đã có bảo hiểm nhân thọ, tài khoản hưu trí. Vậy bạn đã kiểm tra kĩ người thụ hưởng chưa? Bạn có đề tên vợ/chồng là người thụ hưởng?”

Finfrock còn nói thêm việc chọn người ủy thác là điều hợp lý cần làm nếu gia đình bạn còn trẻ. Thông qua người ủy thác, bạn vẫn có thể tiếp tục đưa ra những quyết định có lợi cho con sau khi qua đời.

Ông nói tiếp: “Bạn hoàn toàn có thể chọn người ủy thác, người sẽ có nghĩa vụ chăm sóc đứa trẻ. Và bạn cũng kiểm soát được mọi hoạt động chi tiêu của người ủy thác đối với bất kỳ tài sản nào bạn để lại cho con. Tương tự, điều này cũng sẽ kiểm soát việc đứa trẻ được thừa hưởng những tài sản này với tư cách là người thụ hưởng khi chúng trưởng thành”.

Tiết kiệm tiền nghỉ hưu

Bạn sẽ có những nghĩa vụ và mối ưu tiên mới khi đứa trẻ chào đời. Finfrock khuyên rằng các bậc bố mẹ không nên sao nhãng việc nghỉ hưu dù có muốn thế nào đi nữa.

Ông phát biểu: “Bạn không nên ngừng việc tiết kiệm và nên trích ít nhất từ 10 đến 15 phần trăm thu nhập vào tài khoản hưu trí. Bạn cũng nên tính đến tài khoản hưu trí của người bạn đời trong trường hợp họ quyết định không đi làm và ở nhà chăm con”.

Finfrock khuyến khích rằng vợ/chồng quyết định không làm việc nên có một tài khoản hưu trí cá nhân hay còn gọi là “IRA”.

Ông cho hay: “Có rất nhiều gia đình mong muốn con cái của mình sẽ sống một cuộc sống mà họ từng ao ước. Ngay cả tôi, bố của hai cô con gái hiện được 17 và 14 tuổi, cũng cảm thấy tội lỗi về điều này. Nhưng thực sự, bạn không thể ngừng dành dụm tiền vào tài khoản hưu trí cá nhân. Bạn có thể tự mình vay tiền nếu không muốn con mình làm điều đó để chi trả học phí đại học nhưng bạn không thể vay tiền để trang trải cho việc nghỉ hưu”.

Tags:

[

[

[

[

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất