Lãnh đạo Westminster lên tiếng vụ bị ‘tố cáo tham nhũng’

Sau khi nhật báo Người Việt đăng bài viết “Cựu cảnh sát trưởng Westminster tố cáo ‘tham nhũng tràn lan thành phố,’” trong số báo ra ngày Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Hai, hai ngày sau, Thứ Ba, 26 Tháng Mười Hai, Thị Trưởng Trí Tạ và Phó Thị Trưởng Tyler Diệp có ghé qua tòa soạn, yêu cầu được lên tiếng thêm.

06:28 29/12/2017

Bài báo nêu trên dựa theo bài báo của báo mạng Voice of OC, theo nội dung bản khiếu nại dài 14 trang của ông Kevin Baker, cựu cảnh sát trưởng, tố cáo một số dân cử trong thành phố có một số hành động mà ông gọi là “tham nhũng lan tràn thành phố, dân cử hành động giống như ‘băng đảng,’ tìm cách dùng cảnh sát để gây sức ép với doanh nghiệp địa phương và trừng phạt đối thủ chính trị.”

Ban đầu, thành phố không chịu cung cấp bản khiếu nại này, cho rằng đây là vấn đề riêng tư của một số cá nhân.

Thế là Voice of OC đâm đơn kiện, và tòa án ra phán quyết là thành phố phải công khai tài liệu này.

Trong bài viết nêu trên, nhật báo Người Việt cũng có phỏng vấn hai vị thị trưởng và phó thị trưởng, và cả hai đã lên tiếng nói.

“Chúng tôi muốn giải thích và làm sáng tỏ một số vấn đề bài báo nêu ra, có liên quan đến chúng tôi và một số nghị viên,” ông Trí nói với nhật báo Người Việt hôm Thứ Ba.

“Chuyện giữa bà Rice và ông Baker”

“Những gì ông Baker tố cáo là hoàn toàn mâu thuẫn giữa Nghị Viên Margie Rice với ông và nhân viên thành phố. Ví dụ, hồi năm 2015, bà Robin Roberts, thư ký thành phố, có nộp đơn kiện bà Rice, cho rằng bà Rice tìm cách trù dập bà đến nỗi bà phải nghỉ việc. Lúc đó, thành phố cũng phải dàn xếp với bà Roberts để bà khỏi kiện,” ông Trí kể.

Ông nói thêm: “Ban đầu, ông Baker khiếu nại chủ yếu là nhắm vào bà Rice. Sau đó, luật sư của ông Baker đổi chiến thuật, nhắm vào nhiều người khác, làm cho sự việc lớn thêm, để thành phố tốn thêm tiền.”

Ông Trí cho rằng, khi có thêm tên các nghị viên khác vào, mà nếu thành phố tiếp tục ra tòa để tranh tụng, sẽ tốn nhiều tiền của dân.

“Cuối cùng, luật sư đại diện ông Baker chọn dàn xếp với chi phí như bên ông đòi hỏi,” ông Trí nói. “Cá nhân tôi và các nghị viên khác là nạn nhân trong vụ này, vì chính bà Rice là người gây mâu thuẫn với nhân viên nhiều nhất và từ trước tới nay.”

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho bà Margie Rice, để lại lời nhắn, nhưng chưa thấy bà trả lời.

Về phần mình, ông Tyler cho biết có hai đơn khiếu nại, “đơn lúc đầu khác với đơn lúc sau này, và có sự khác biệt lớn.”

“Về mặt pháp lý, chúng tôi bị giới hạn, không thể nói chi tiết tất cả. Nếu bên luật sư của ông Baker đồng ý cho công khai mọi thứ, chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt,” vị phó thị trưởng nói. “Tôi chỉ có thể nói là đơn lúc đầu không có cáo buộc gì đối với tôi, Thị Trưởng Trí Tạ, và Nghị Viên Sergio Contreras. Nói cách khác, đơn sau này, tức là 14 trang mà Voice of OC có được, đã được điều chỉnh.”

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại và nói chuyện với ông Kevin Baker, được ông cho biết như sau: “Tôi rất muốn nói cho quý báo biết nhiều điều, nhưng không thể được vì như vậy sẽ vi phạm thỏa thuận. Tốt nhất là quý báo nên liên lạc với luật sư của tôi.”

Nhật báo Người Việt sau đó có gọi điện thoại đến Văn Phòng Luật Sư Dennis Wagner, đại diện cho ông Baker, nói chuyện với thư ký, nhờ nhắn lại, nhưng khi bài báo lên khuôn, không nhận được hồi âm.

Theo lời khuyên của luật sư

Khi được hỏi chuyện hai đơn khiếu nại khác nhau, cả hai vị thị trưởng và phó thị trưởng đều nói họ không biết, “cho tới khi Voice of OC công bố.”

Thị Trưởng Trí Tạ nói: “Khi bỏ phiếu quyết định dàn xếp vụ này, chúng tôi, Hội Đồng Thành Phố, làm theo lời khuyên của ông Dick Jones, luật sư thành phố. Chúng tôi được xem bản khiếu nại ban đầu, ông Baker khiếu nại ba người, bà Rice, ông Jones, và ông Frank Cobo, một nhân viên của thành phố, không hề có tên tôi, Phó Thị Trưởng Tyler Diệp, Nghị Viên Sergio Contreras, và Nghị Viên Diana Carey.”

“Chúng tôi không hề được xem bản thứ nhì, do luật sư đại diện ông Baker điều chỉnh, và ông Jones chỉ giải thích cho chúng tôi, và khuyên chúng tôi nên giải quyết để tránh tốn kém cho cư dân,” ông Tyler Diệp nói thêm.

Một cuộc họp Hội Đồng Thành Phố Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/)

“Không có lửa làm sao có khói?”

Sau khi sự việc được công bố trên truyền thông, nhiều cư dân Westminster thắc mắc “không có lửa làm sao có khói?,” nhất là của một vị cảnh sát trưởng, mặc dù đây chỉ là những tố cáo, mà theo Luật Sư Dick Jones nói với nhật báo Người Việt, không có bằng chứng cụ thể.

Thị Trưởng Trí Tạ giải thích: “Thực ra, cũng có khi chúng tôi nghe người này nói, người kia nói, chuyện này chuyện kia, tuy nhiên, chưa bao giờ có ai chính thức phàn nàn bất cứ điều gì, thành ra, chúng tôi không thể làm gì được. Hơn nữa, trong Hội Đồng Thành Phố, tất cả chúng tôi mỗi người cũng chỉ có một lá phiếu. Chỉ khi nào có chuyện gì hiển nhiên, có chứng cứ, chắc chắn Hội Đồng Thành Phố sẽ bỏ phiếu để khiển trách, hoặc đưa ra bất cứ hành động nào, theo luật định.”

Phó Thị Trưởng Tyler Diệp nói: “Trước khi ông Baker làm cảnh sát trưởng, ông đã làm ở thành phố hơn 20 năm, nếu thấy bà Rice có sai trái, sao ông không nói, mà đợi tới lúc sắp nghỉ hưu mới khiếu nại.”

“Tôi có nghe ông phàn nàn là bà Rice tạo áp lực cho ông, làm sức khỏe ông giảm sút, nhưng là một nghị viên, tôi không có thẩm quyền xử một đồng viện. Nếu ông Baker phàn nàn chính thức thì mới có thể giải quyết được,” ông Tyler nói thêm.

Ông Trí cũng nói có nghe ông Baker nói với người này người kia về chuyện bà Rice, nhưng đây là lần đầu tiên ông chính thức khiếu nại.

Ông Tyler nói thêm: “Trong đơn khiếu nại, ông Baker nêu ra nhiều điều về bà Rice, biết bà làm sai, nhưng ông vẫn làm lơ. Ví dụ, nhân viên IT được yêu cầu đến sửa máy điện toán cá nhân của bà, ông biết là sai, nhưng vẫn để cho làm. Nên nhớ, IT trực thuộc thẩm quyền của sở cảnh sát. Một ví dụ khác, ông nói bà yêu cầu lấy xe cảnh sát chở đi công việc riêng, sai trái quá hiển nhiên, nhưng ông vẫn để xảy ra.”

Ông Trí nói thêm: “Những chuyện này chúng tôi không bao giờ biết, cho tới khi đọc đơn khiếu nại.”

Ai cũng “sợ” bà Rice

Trong đơn khiếu nại, ông Baker viết rằng: “Gần như mọi tổng quản trị làm việc với bà Rice đều coi bà là nguyên nhân chính gây khó khăn cho thành phố, chỉ vì những vấn đề cá nhân. Trong 14 năm, thành phố có tới 10 tổng quản trị. Tất cả họ biết bà là nhân vật quyết định, nên phải làm cho bà vui. Khi bà nổi giận, mọi người đều né và không ai dám nhìn bà.”

Về chuyện này, ông Trí nhận xét: “Cá tính của bà Rice là không nghe lời chia sẻ của người khác, và luôn nói rằng cảnh sát trưởng nói không đúng về bà.”

Ông Trí cũng cho rằng, không phải bà Rice muốn gì cũng được, và dẫn chứng, có một lần, hồi năm 2012, một phải đoàn Phật Tử xin tuần hành trên đường Bolsa, bà Rice, lúc đó là thị trưởng, bỏ phiếu chống, nhưng cả ba nghị viên gốc Việt bỏ phiếu thuận.

Sau khi làm thị trưởng một thời gian, bà Rice tuyên bố nghỉ hưu, ủng hộ ông Trí làm thị trưởng. Sau khi ông thắng cử, ông lại đề cử bà làm nghị viên, và được Hội Đồng Thành Phố đồng ý.

“Có phải vì vậy mà người ta nói ông không dám ‘đụng’ bà Rice?” nhật báo Người Việt đặt câu hỏi.

Ông Trí trả lời: “Tại buổi họp hôm đó, khi tìm người thay thế tôi để hoàn tất hai năm còn lại, tôi có nói, tôi muốn làm việc với một người có kinh nghiệm, thế là tôi đề cử bà. Chỉ vậy thôi.”

Giải pháp tương lai

Để ngăn chặn tình trạng như vừa xảy ra, ông Trí đề nghị: “Cư dân thành phố nên thường xuyên tham gia các buổi họp Hội Đồng Thành Phố nhiều hơn, để biết dân cử của mình làm gì, để có thể lên tiếng kịp thời, tránh trường hợp kiện cáo.”

“Nếu có ai chính thức khiếu nại cá nhân nào, Hội Đồng Thành Phố mới có biện pháp. Cá nhân tôi xin hứa sẽ không để chuyện này xảy ra nữa, và sẽ có hành động trong khuôn khổ luật pháp. Ngoài ra, trong tương lai, nếu thành phố có chuyện gì, tôi sẽ thông báo qua truyền thông,” vị thị trưởng Westminster đưa ra lời hứa.

Phó Thị Trưởng Tyler Diệp cho rằng: “Bà con mình nên bình tâm, khi có chuyện gì xảy ra, có pháp luật giải quyết. Nếu nghe khiếu nại, phàn nàn, nên nhớ, đó mới chỉ là lời tố cáo, và khi ra tòa, ai có tội, pháp luật sẽ trừng phạt.”

Câu hỏi của nhật báo Người Việt đối với hai vị dân cử cao cấp nhất Westminster là: “Trong khi các thành phố xung quanh Little Saigon, cùng với tiểu bang và quận hạt, đều có giới hạn nhiệm kỳ, mà theo các nhà nghiên cứu, là để ngăn chặn dân cử ‘mọc rễ’ dễ dàng dẫn đến tham nhũng và những tệ nạn khác, Westminster lại không có. Hai vị nghĩ sao? Dân cử Westminster có nên bị giới hạn nhiệm kỳ không?”

Ông Trí nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ giải pháp này.”

Tags:
Cựu cảnh sát trưởng Westminster tố cáo ‘tham nhũng tràn lan thành phố’

Cựu cảnh sát trưởng Westminster tố cáo ‘tham nhũng tràn lan thành phố’

Ông Kevin Baker, cựu cảnh sát trưởng Westminster, tố cáo “tham nhũng lan tràn thành phố, dân cử hành động giống như ‘băng đảng,’ tìm cách dùng cảnh sát để gây sức ép với doanh nghiệp địa phương và trừng phạt đối thủ chính trị.”

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất