Liệu sau 99 năm cho thuê cảng, Sri Lanka có trả hết nợ cho Trung Quốc?

Trước khi rời ghế do bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, cựu Tổng thống Sri Lanka đã gây nên những món nợ khổng lồ cho quốc gia. Chính quyền Tổng thống mới phải đối mặt với những khoản nợ lãi suất cao và buộc phải cầm cố lãnh hải.

12:30 04/07/2018

Với một núi nợ khổng lồ, Sri Lanka đã bàn giao toàn bộ cảng biển Hambantoto cho Trung Quốc, trong một hợp đồng cho thuê kéo dài một thế kỷ. Tuy nhiên, cho dù đã nhượng cảng, hiện nay Sri Lanka mắc nợ Bắc Kinh nhiều hơn bao giờ hết, bởi lãi suất cao trên các khoản vay hiện tại. Năm nay (2018), nước này nợ gần 13 tỷ USD, trong khi tổng thu ngân sách dự báo dưới 14 tỷ USD.

Lún sâu trong nợ nần

Hôm 9/3, tờ Reuters đưa tin Chính phủ Sri Lanka sẽ phải trả nợ ước tính 1.970 tỷ rupee (12,68 tỷ USD) trong năm 2018 – mức cao kỷ lục – bao gồm 2,9 tỷ USD cho khoản vay nước ngoài và tổng lãi 5,36 tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt 1 khoản vay lên tới 1,5 tỷ USD trong vòng 3 năm cho Sri Lanka vào giữa năm 2016, sau khi chính phủ nước này đồng ý với các biện pháp bao gồm cải cách thuế và tỷ giá hối đoái linh hoạt.

IMF cũng bổ sung rằng chính quyền Sri Lanka nên thận trọng chống lại sự tích tụ các rủi ro hệ thống trong lĩnh vực tài chính, và nếu cần thiết, IMF sẽ đưa ra các công cụ kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá mức trong một số lĩnh vực nhất định.

Không chỉ Sri Lanka phiền muộn bởi nợ nần với Trung Quốc

Hôm 28/6, tờ Quartz cho biết Sri Lanka không phải là quốc gia duy nhất đang phiền muộn bởi nợ nần với Trung Quốc, dẫn phân tích của Trung tâm Phát triển Toàn cầu về nợ phát sinh khi các nước tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai – Con đường.

Sáng kiến Vành đai - Con đường
Sáng kiến Một Vành đai – Một Con đường, với 2 phần chính, “Con đường tơ lụa Vành đai Kinh tế” (SREB) trên đất liền nối với “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR). Điểm bắt đầu của SREB bắt nguồn từ Tây An (Xi’an), qua Mông Cổ, tới Tehran (Iran), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đi vào Matxcova, tới Hà Lan và kết thúc đường bộ tại Venice, Italya, tại đây cũng bắt đầu nối đường biển MSR xuyên qua Địa Trung Hải bao gồm Athens (Hy Lạp) và tiếp tục chạy theo vành đai biển Ấn Độ Dương nối các quốc gia châu Phi như Nairobi (Kenya), tiếp với Colombo (Sri Lanka) sau đó quay về khu vực châu Á và điểm kết thúc là Zhanjiang (Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc). (Ảnh: Mekong Eye).

Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, có 8 quốc gia có nguy cơ thương tổn bởi nợ Trung Quốc, bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan, và Tajikistan.

8 quốc gia có nguy cơ bởi các khoản nợ từ Sáng kiến Vành đai – Con đường với Trung Quốc. (Ảnh: Qz)

Mối quan hệ lâu dài giữa cựu Tổng thống Sri Lanka với đồng minh Trung Quốc

Trung Quốc và Sri Lanka có mối quan hệ thân thiết lâu đời. Sri Lanka đã sớm công nhận chính phủ  Mao Trạch Đông sau cuộc Cách mạng Trung Quốc. Đối lại, trong cuộc nội chiến tàn bạo 26 năm của Sri Lanka với những người dân tộc Tamil nổi dậy, Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu, bởi Sri Lanka vấp phải sự cô lập quốc tế.

Trung Quốc tiếp tục tài trợ và chống lưng cho Rajapaksa, và từ đó ông ta đã ủng hộ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong khu vực, theo The New York Times.

Đắc cử tổng thống năm 2005, ông Mahinda Rajapaksa chịu trách nhiệm toàn bộ những năm cuối của cuộc nội chiến, khi Sri Lanka trở nên ngày càng bị cô lập bởi những cáo buộc lạm dụng nhân quyền.

Cựu Tổng thống Sri Lanka
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaska gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo năm 2007. (Ảnh: AP/Guang Niu)

Dưới thời ông Rajapaksa, Sri Lanka phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cho các hỗ trợ kinh tế, trang thiết bị quân sự và bảo bọc chính trị tại Liên Hợp quốc nhằm ngăn chặn các lệnh trừng phạt tiềm năng.

Cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2009, và khi đất nước nổi lên từ rối loạn, ông Rajapaksa và gia đình đã củng cố địa vị trong tay. Tại đỉnh cao nhiệm kỳ tổng thống, ông Rajapaksa và 3 anh em trai đã kiểm soát nhiều bộ, ban, ngành của chính phủ và đồng thời kiểm soát khoảng 80% tổng chi tiêu. Các chính phủ như Trung Quốc trực tiếp đàm phán với họ.

Tổng thống Mahinda Rajapaksa kêu gọi phát triển cảng biển tại khu vực hẻo lánh

Vì vậy, khi tổng thống bắt đầu kêu gọi một dự án phát triển cảng biển mới rộng lớn tại Hambantota, quê nhà tịch mịch của ông, một vài rào chắn nhằm ngáng trở ý định này đã được đưa ra, nhưng dường như không hiệu quả.

Cựu Tổng thống Sri Lanka
Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. (Ảnh: AP)

Ngay từ đầu, các quan chức Sri Lanka đã đặt câu hỏi rằng khôn ngoan ở đâu khi xây dựng một cảng lớn thứ hai tại một đất nước có diện tích bằng với diện tích nước Anh và dân số 22 triệu người, khi mà cảng lớn tại thủ đô đang phát triển mạnh và có khu vực để mở rộng.

Các nghiên cứu về tính khả thi của dự án này được chính phủ uỷ quyền thực hiện đã kết luận rõ ràng rằng một cảng tại Hambantota không có khả thi về mặt kinh tế.

Cựu Cố vấn An ninh Ấn Độ
Ông Shivshankar Menon, cựu Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. (Ảnh: Cheena Kapoor/ Indian Express)

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, ông Shivshankar Menon, cho biết: “Họ (Sri Lanka) đã tiếp cận chúng tôi ngay từ đầu, các công ty Ấn Độ đã từ chối. Đó là một dự án kinh tế bù nhìn khi đó, và đó là một dự án kinh tế bù nhìn hiện nay”, tờ The New York Times trích dẫn.

Giấc mơ Cảng Hambantota trở thành sự thật

Nhưng ông Rajapaksa đã làm sáng tỏ dự án, bằng một thông cáo báo chí, rằng ông bất chấp mọi sự thận trọng – và rằng Trung Quốc đã cùng thuyền. Chức trách cảng Sri Lanka bắt đầu nghĩ ra những gì mà các quan chức tin tưởng là một kế hoạch cẩn trọng và có giá trị kinh tế lớn trong năm 2007.

Khoản vay đầu tiên của dự án là từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Exim) Trung Quốc, với 307 triệu USD. Nhưng để có được khoản vay này, đổi lại Sri Lanka phải chấp nhận yêu cầu từ Bắc Kinh rằng cảng phải được xây dựng bởi nhà thầu Trung Quốc, China Harbor. Đó là một yêu cầu điển hình của Trung Quốc đối với các dự án khắp thế giới, thay vì có một quá trình đấu thầu công khai.

Trung Quốc hỗ trợ cảng biển
Trung Quốc đã tham gia hỗ trợ một phần tài chính ít nhất cho 35 cảng trên toàn thế giới trong thập kỷ qua, theo một phân tích của tờ The New York Times về các dự án xây dựng mà Trung Quốc đầu tư. Trong ảnh mô tả các điểm cảng mà Trung Quốc có đầu tư một phần, trong đó có điểm nóng Hambantota, Sri Lanka. (Ảnh: New York Times)

Phương thức quen thuộc của Bắc Kinh

Trên toàn khu vực, chính phủ Bắc Kinh đang cho vay hàng tỷ USD, được hoàn trả phí tổn với ưu đãi thuê các công ty người Trung Quốc và hàng ngàn công nhân Trung Quốc. Cũng có những chuỗi giá trị khác gắn liền với khoản vay, trong một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã nhìn ra giá trị chiến lược của cảng Hambantota ngay từ đầu.

Ông Nihal Rodrigo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, nói rằng các thương thảo với quan chức Trung Quốc thời điểm đó đã làm rõ yếu tố chia sẻ tin tức tình báo là một phần không thể tách rời với hợp đồng cảng Hambotato.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, ông Rodrigo chia sẻ hợp đồng với Trung Quốc bao gồm: “Chúng tôi mong rằng bạn cho chúng tôi biết ai đến và dừng chân tại đây”.

Trong những năm sau đó, quan chức Trung Quốc và công ty China Harbor đã cố hết sức để giữ mối quan hệ mạnh mẽ với ông Rajapaksa, người đã nhiều năm chấp nhận ưng thuận trung thành với những điều khoản đó.

Các khoản chi nhằm chống lưng cựu Tổng thống tái tranh cử

Trong những tháng cuối cùng của cuộc bầu cử Sri Lanka 2015, Đại sứ Trung Quốc đã phá vỡ các tiêu chuẩn ngoại giao và vận động cử tri, để ủng hộ ông Rajapaksa chống lại phe đối lập, những ứng cử viên đe doạ phá bỏ các thoả thuận kinh tế với chính phủ Trung Quốc.

cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda
Năm 2015, cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tái tranh cử. (Ảnh: Buddhika Weerasinghe/Getty Images)

Khi cuộc bầu cử tháng Giêng nhích gần hơn, các khoản thanh toán lớn bắt đầu chảy quanh quỹ đạo Tổng thống Rajapaksa. Ít nhất 7,6 triệu USD được chi ra từ tài khoản của công ty China Harbor tại Ngân hàng Chartered Bank cho các nhánh hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của ông Rajapaksa, theo một tài liệu mà tờ The New York Times đã tiếp cận.

10 ngày trước khi bỏ phiếu, khoảng 3,7 triệu USD được phân phát qua séc: với 678.000 USD in chiến dịch tranh cử trên áo phông và các tài liệu quảng cáo, 297.000 USD mua quà tặng cho người ủng hộ, bao gồm cả saris của phụ nữ.

Một khoản khác 38.000 USD được chi trả cho một nhà sư ủng hộ ông Rajapaksa, và 1,7 triệu USD hiến tặng Temple Trees, nơi cư ngụ của Tổng thống. Các khoản chi đều từ một tài khoản phụ được kiểm soát bởi công ty China Harbor, được đặt tên “HPDP Giai đoạn 2”.

Một cảng biển tới hư không

Cảng biển không chỉ là một dự án duy nhất được xây bằng khoản vay của Trung Quốc tại Hambantota, một khu vực dân cư thưa thớt bờ biển phía đông nam Sri Lanka nơi vẫn bao phủ bởi rừng rậm.

Sri Lanka
Những người hành hương tới sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa rộng lớn và trống rỗng. (Ảnh: Adam Dean / The New York Times)

Một sân bóng cricket với nhiều chỗ ngồi hơn dân số huyện Hambantota, cũng như một sân bay quốc tế lớn, mà trong tháng Sáu đã mất đi lộ trình thương mại hàng ngày duy nhất khi hãng FlyDubai chấm dứt hành trình bay. Một đường cao tốc cắt ngang qua huyện giờ đây được voi đi qua và nông dân sử dụng phơi lúa.

Sri Lanka
Sân vận động Cricket quốc tế Mahinda Rajapaksa tại Hambantota. Sân vận động có nhiều chỗ ngồi hơn dân số của thị trấn chính của khu vực. (Ảnh: Adam Dean/The New York Times)

Các cố vấn của ông Rajapaksa đã đưa ra một phương pháp tiếp cận để cảng có thể mở rộng hơn sau khi mở cửa, đảm bảo doanh thu sẽ tới trước khi nợ trở nên nhiều hơn.

Năm 2009, tổng thống đã trở nên thiếu kiên nhẫn, sinh nhật lần thứ 65 của ông sẽ đến vào năm sau, và ông muốn có dịp đánh dấu kỷ niệm này bằng khai trương mở cửa cảng Hambantota.

Tảng đá trị giá 40 triệu USD

Lao động Trung Quốc làm việc đêm ngày để chuẩn bị cho việc sẵn sàng khai trương, các quan chức chính phủ cho biết. Nhưng khi những công nhân này nạo vét đất liền và sau đó làm ngập nhằm tạo ra vùng trũng cho tàu đậu tại cảng, họ không lường được có một tảng đá lớn là một phần ngăn cản lối tàu vào, cản trở các con tàu lớn như tàu chở dầu mà mô hình cảng vẽ ra trong tương lai.

Các quan chức chính quyền cảng biển, không muốn mất lòng Tổng thống, vẫn tiến hành khải trương cảng Hambantota trong lễ kỷ niệm sinh nhật Tổng thống Rajapaksa 18/11/2010. Sau đó, cảng lại chờ đợi những vụ làm ăn trong khi tảng đá án ngữ.

Một năm sau, công ty China Harbor đã cho nổ tung tảng đá với chi phí 40 triệu USD, một mức giá cắt cổ dấy lên lo ngại giữa các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ. Một số người công khai suy đoán liệu công ty này chỉ đơn thuần là trả quá mức hay là tiền lại quả cho ông Rajapaksa.

Sri Lanka
Công nhân Trung Quốc trong khu vực ký túc xá của họ tại Colombo. (Ảnh: Adam Dean/The New York Times)

Đến năm 2012, cảng đã phải vật lộn để thu hút tàu – những con tàu thường ghé bến Colombo – và chi phí xây dựng cảng Hambantota đã tăng trước hạn. Chính phủ quyết định cuối năm đó các tàu vận chuyển xe hơi nhập khẩu dỡ hàng tại cảng Colombo sẽ phải tới Hambantotan dỡ hàng nhằm khởi động kinh doanh.

Tuy nhiên, chỉ có 34 tàu được neo đậu tại Hambantota trong năm 2012, so với 3.667 tàu tại cảng Colombo, theo báo cáo thường niên của Bộ Tài chính (Sri Lanka).

Cảng Colombo Sri Lanka
Cảng Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: Adam Dean /The New York Times)

Quyết tâm mở rộng cảng, ông Rajapaksa quay lại cầu viện Trung Quốc năm 2012, hỏi vay 757 triệu USD. Trung Quốc đồng ý thêm một lần nữa, nhưng lần này, các điều khoản cao vút. Nhưng để đảm bảo nguồn vốn mới, ông Rajapaksa bằng lòng với mức lãi suất cố định 6,3%, cao hơn nhiều so với mức ban đầu.

Chi phí nợ và chi phí dự án tăng cao, vì vậy cũng đã trao cho các đảng đối lập chính trị Sri Lanka một sự ủng hộ mạnh mẽ, với những mối nghi ngờ đồng minh Trung Quốc. Ông Rajapaksa đã thua trong cuộc bầu cử năm 2015.

Ông Rajapaksa bị hạ bệ bởi các cáo buộc tham nhũng

Bất chấp với lượng chi khổng lồ của Trung Quốc trong cuộc bầu cử 2015, ông Rajapaksa đã bị hạ bệ bởi các cáo buộc tham nhũng. Tái ứng cử thất bại, ông Rajapaksa rời nơi cư trú Temple Trees, ngay sau 6 giờ sáng “để cho tân tổng thống đảm nhận nhiệm vụ”, một phát ngôn tổng thống cho biết.

Cựu Bộ trưởng Y tế Maithripala Sirisena đắc cử tổng thống Sri Lanka 2015, bắt đầu nắm quyền cũng là lúc chính phủ mới của ông đứng trước những món nợ khổng lồ đã đến thời hạn trả lãi.

Tổng thống Sri Lanka
Tổng thống mới đắc cử năm 2015, ông Maithripala Sirisena chuẩn bị tuyên thệ khi nhậm chức tại Quảng trường Độc lập tại Colombo hôm 9/1/2015, Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: Buddhika Weerasinghe / Getty Images)

Chính phủ mới đối mặt với nợ 

Chính phủ mới của Tổng thống Maithripala Sirisena đã rà soát các giao dịch tài chính của Sri Lanka. Dưới thời ông Rajapaksa, khoản nợ của đất nước tăng gấp 3 lần, lên 44,8 tỷ USD vào thời điểm ông này rời ghế, và chỉ tính riêng năm 2015, khoản thanh toán 4,68 tỷ USD đã tới hạn vào cuối năm.

Năm 2017, Sri Lanka đã vay 1.5 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ Ngân hàng Thế giới. Tháng 5/2018, Sri Lanka vay thêm một khoản 1 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Nhưng chính phủ mới đã có ít sự lựa chọn, khi tân tổng thống nắm quyền đồng nghĩa với việc chấp nhận bàn giao cảng Hambotanto cho Trung Quốc vào năm 2017, khi các khoản nợ của đất nước trở nên tồi tệ hơn.

Cảng Hambantato
Cảng Hambantota trên bờ biển phía nam của Sri Lanka. Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương. (Ảnh: Wanniarachchi/Agence France-Presse / Getty Images)

Phải ký nó thôi

Chính phủ mới mong muốn tái định hướng Sri Lankan nghiêng về phía Ấn Độ, Nhật Bản và phương Tây. Nhưng các quan chức sớm nhận ra rằng không có một quốc gia nào có thể lấp đầy khoảng không tài chính hay kinh tế mà Trung Quốc đã tổ chức tại Sri Lanka.

“Chúng tôi đã thừa hưởng một nền kinh tế có định hướng đi xuống – doanh thu không đủ để trả lãi suất, chứ chưa nói đến hoàn vốn”, ông Ravi Karunanayake, Bộ trưởng Tài chính năm đầu tiên của chính phủ mới cho biết.

Ngay sau buổi lễ bàn giao cảng Hambantota, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã phát hành một video trên mạng xã hội Twitter, tuyên bố, thoả thuận này “là một cộc mốc quan trọng khác trên con đường của Vành đai và Con đường”, theo The New York Times.

Tổng thống với những phiếu bầu bất tín cố gắng quay trở lại nắm quyền

Năm nay, 2018, ông Mahinda Rajapaksa, người đã ký nhiều khoản nợ với Trung Quốc, đang có kế hoạch trở lại nắm quyền, tờ The New York Times đưa tin. Đảng đối lập của cựu Tổng thống đã càn quét cuộc bầu cử cấp thành phố vào tháng Hai. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào năm tới, và các cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020.

Sri Lanka
Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa vẫy tay với những người ủng hộ sau một cuộc họp báo thắng cử cuộc bầu cử tại địa phương tại Colombo, Sri Lanka ngày 12/2/2018. (Ảnh: Reuters/ Dinuka Liyanawatte)

Mặc dù ông Rajapaksa đã bị cấm vận động bởi các giới hạn nhiệm kỳ, nhưng em trai của ông ta, ông Gotabaya Rajapaksa, cựụ Bộ trưởng Quốc phòng, dường như sẵn sàng để mặc áo bào.

Tương lai nào cho các khoản nợ của Sri Lanka?

Triệu Hằng 

Tags:
Trung Quốc thay vòi rồng bằng pháo hạm, Biển Đông sắp ‘dậy sóng’?

Trung Quốc thay vòi rồng bằng pháo hạm, Biển Đông sắp ‘dậy sóng’?

Thời báo Hoàn cầu (TQ) đưa tin, quyền chỉ đạo lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ được chuyển từ Cục Quản lý Hải dương sang Quân đội Trung Quốc từ ngày 1/7, qua đó các tàu của lực lượng này sẽ được trang bị pháo hạng nhẹ thay vì vòi rồng như trước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất