Little Saigon: Chuyện của một người Việt làm nghề tống đạt trát tòa

Gõ cửa căn nhà trong một khu chúng cư ở thành phố Brea theo địa chỉ có sẵn, chờ ít giây không nghe tiếng từ bên trong, anh Thành lại gõ cửa thêm lần nữa, mạnh hơn, dồn dập hơn. Tất cả vẫn im ắng. Anh xé mảnh giấy, ghi vội “Please call me at (714) XXX-XXXX” (Vui lòng gọi cho tôi ở số (714) XXX-XXXX) nhét vào cửa trước khi rời khỏi.

09:30 04/04/2019

“Kinh nghiệm cho thấy 99% người ta sẽ gọi lại, vì họ không biết mình là ai, không biết có chuyện gì,” anh Thành giải thích trước khi lái xe đến một địa chỉ khác.

Ngôi nhà thứ hai anh đến ở thành phố Irvine. Người mở cửa là một thanh niên tự giới thiệu là bạn của người mà anh Thành muốn tìm.  Anh Thành chìa “license” hành nghề của mình cho người thanh niên xem theo đề nghị, sau đó đưa cho anh ta một trát tòa nhờ chuyển lại cho người bạn.

Lên xe, anh Thành ghi lại tên của người thanh niên vào bản copy của trát tòa mà anh vừa đưa như một cách ghi nhớ, và giải thích, “Trát tòa vừa rồi không yêu cầu phải đưa tận mặt người có tên, nên mình có thể nhờ người cùng nhà chuyển là được.”

Anh Thành Khổng, ngoài 55 tuổi, hiện ở Orange County, là một trong những người làm nghề “process server,” tạm gọi là nghề tống đạt trát tòa, một nghề không quá quen thuộc với số đông, đặc biệt là với người Việt Nam tại Mỹ.

Tống đạt trát tòa  – nghề không cần bằng cấp

Người làm nghề “process server” là người chuyển các hồ sơ pháp lý đến cho khách hàng hay bị đơn có tên trong các thủ tục tố tụng, trong đó có thể là giấy triệu tập của tòa, trát đòi hầu tòa, các khiếu nại hay thỏa thuận của tòa… gọi chung là tống đạt trát tòa.

Để lại lời nhắn khi không có người nhận trát tòa ở nhà. (Hình: Ngọc Lan/)

Đặc biệt, ‘nhân viên trát tòa’ (như cách anh Thành gọi tên nghề của mình) cũng có thể sẽ là người đối diện với các cơn giận dữ đến quẫn trí thậm chí là gây hấn của người phải nhận loại giấy tờ không mong đợi này. Thế nên, “nghề này dễ kiếm tiền, có thể linh động về thời gian, nhưng cũng là một nghề nguy hiểm,” anh Thành nhận xét.

Anh Thành đến với công việc này từ năm 1995, sau khi từ giã ước mơ trở thành thầy giáo dạy đàn do bị gãy các ngón tay trong một lần chơi bóng chuyền khi sắp kết thúc đại học chuyên về âm nhạc.

“Một người bạn chơi bóng chuyền chung lúc đó giới thiệu tôi đến một công ty chuyên làm dịch vụ đưa trát tòa, anh nói người ta cần một người thành thật và anh nghĩ tôi là người có đủ điều kiện,” anh Thành nhớ lại.

Theo lời anh, “Công ty lúc đó có 7 người làm ‘process server‘ đều là Mỹ trắng, chỉ có tôi người Á Châu. Điều kiện thuê người của họ khá dễ dàng, chỉ cần lý lịch rõ ràng, thành thật, không gian dối. Họ kiểm tra tất cả những điều này trong thời gian thử việc bằng nhiều cách thức khác nhau.”

Sau hai tuần được huấn luyện “training,” người muốn làm công việc này sẽ phải làm một bài kiểm tra để lấy bằng hành nghề theo yêu cầu của mỗi tiểu bang.

“Nghề này cũng yêu cầu mình phải mua ‘bond’ (tiền ký quỹ) nữa,” anh Thành cho biết.

Lý do của việc mua ‘bond”, theo anh Thành, là vì “Khi làm việc này, mình thường xuyên vào nhà riêng của người ta hay vô những khu nhà giàu, những nơi có nhiều tài sản có giá trị. Vì thế để tránh bị thưa kiện khi có người đổ lỗi cho mình ăn cắp, tòa bắt mình phải mua ‘bond’, mỗi năm khoảng $2,000. Nhưng mình càng làm lâu, hồ sơ mình càng rõ ràng thì tiền ‘bond’ càng giảm.”

Sau khoảng 4 năm làm việc cho công ty này, tích lũy nhiều kinh nghiệm, anh Thành tự tách ra làm việc một mình cho đến nay.

Công việc cụ thể của người tống đạt trát tòa

Khởi đầu cho công việc “ra riêng”, anh Thành cũng phải rải “flyer” nơi các văn phòng luật sư, nơi các tòa án “để người ta biết mình là ai.”

“Nghề này rất dễ làm nhưng lại không quá dễ như người ta tưởng, vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn,” anh nói.

Khi cần phải trình licence của nhân viên trát tòa theo yêu cầu của người nhận. (Hình: Ngọc Lan/)

Anh Thành mô tả công việc của mình, “Trát tòa có nhiều loại, từ dân sự, đến hình sự, tội phạm, được đóng mộc “court stamp.” Mỗi cái đều có ngày hết hạn nên thường họ cho mình một khoảng thời gian để đi đưa. Ví dụ có cái họ yêu cầu mình phải đưa trong vòng 10 ngày, có cái 30 hay 35 ngày, tùy theo từng loại giấy triệu tập. Khi mình giao cho khách rồi thì mình cũng cần có thời gian trở lại tòa để nộp bằng chứng đã đưa và chữ ký có licence của mình trong đó.”

Đưa trát tòa đòi hỏi phải có người nhận, thế nên giờ làm việc của ‘process server‘ rất linh động, tùy sự sắp xếp, có khi đi từ sáng sớm, hoặc chiều tối, hay ngày cuối tuần, “vì giờ đó mới có người ta ở nhà,” anh Thành nói.

“Mình tính tiền trên mỗi ‘case’ nên thường tôi sẽ sắp xếp, phân chia theo từng khu vực để đi cho tiết kiệm thời gian, có khi trong một buổi sáng tôi giao được 10 cái, có những trường hợp mình đến đưa được liền, nhưng cũng có nhiều lúc phải đi vài lần mới gặp,” anh cho biết.

Trát tòa, như đã nói, có rất nhiều loại, từ những chuyện liên quan đến việc không trả tiền trợ cấp nuôi con sau khi ly dị, đụng xe rồi bỏ trốn không ra giải quyết đền bù, mua xe rồi không trả tiền “payment” hàng tháng, hoặc ký check lủng rồi trốn biệt tăm, cho đến những việc kiện tụng trong giao dịch mua bán, đuổi nhà, không trả tiền credit card… Mỗi loại tùy theo mức độ mà có những đòi hỏi riêng khi tống đạt.

“Để tống đạt trát tòa, người ta có thể mướn cảnh sát ‘sheriff’, ‘marshal’, hay người tống đạt có licence, như tôi chẳng hạn. Cảnh sát như sheriff hay marshal có lợi thế là họ có đồng phục, có súng, nhìn họ oai hơn, trong khi tôi không có gì hết, chỉ mặc thường phục. Tuy nhiên, vì mặc thường phục nên nhiều khi tôi lại có lợi khi đi tìm những người luôn tìm cách trốn tránh không chịu nhận trát tòa, vì nhìn thấy cảnh sát thì họ trốn liền hay không mở cửa, còn nhìn mình thì họ có thể không biết là ai,” anh Thành cười nói thêm về thế mạnh trong công việc của mình.

Với những giấy tờ không đòi hỏi giao tận tay người có tên, người “process server” có thể gửi lại cho người nhà trên 18 tuổi, sau khi đã hỏi tên, mối quan hệ với người có tên trên trát tòa để làm bằng chứng khi cần.

Mặc thường phục cũng là lợi thế của nhân viên tống đạt trát tòa khi đi tìm những người trốn lệnh tòa. (Hình: Ngọc Lan/)

Đó là lý do vì sao khi theo chân người đàn ông này đi “thực nghiệm” tống đạt trát tòa, phóng viên nhìn thấy sau khi giao trát tòa liên quan đến một vụ mua xe nhưng đưa “check lủng” bị hãng xe kiện và tòa yêu cầu người phụ nữ mua xe phải ra trình diện tòa để trả tiền thiếu lẫn tiền phạt, anh Thành không chỉ hỏi danh tánh người ra mở cửa, nhận là mẹ của người phụ nữ có tên trên trát tòa, mà khi ra ngoài, anh còn nhìn và ghi lại bảng số một chiếc xe, mà theo anh, chính là chiếc xe bị “quỵt tiền.”

Anh giải thích, “Đây là một trong những cách để chứng minh khi cần thiết là mình đã có đưa trát tòa đàng hoàng, chứ không phải như có người không đưa nhưng lại nói có đưa để lấy tiền.”

Anh kể thêm, “Chuyện đi đưa trát tòa thì dễ, mà tiếp chuyện với người bị kiện mới khó, rất phức tạp. Nhiều người dữ dằn lắm. Mình đến đưa cho họ rồi, nhưng khi ra tòa, họ có thể nói chưa bao giờ thấy mình đến đưa trát tòa. Thế nên khi đi mình phải để ý gương mặt của họ, những gì dễ thấy nổi bật, chẳng hạn như có hình xăm không, có đeo nữ trang gì không, có khi phải ghi lại bảng số xe… Nhiều trường hợp lạ lắm!”

“Khi đến nơi không có người ở nhà, tôi ghi giấy kêu họ gọi lại cho mình. Thường thì họ sẽ gọi vì không biết ai nhắn tìm họ. Nếu mình để lại ‘business card’ có thể họ không gọi vì họ biết chuyện gì đang chờ họ, đó cũng là một chiêu trong nghề này,” người làm công việc tống đạt trát tòa với hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết.

Với những trường hợp phải giao tận tay thì lại càng có nhiều cách thức “tinh vi” hơn.

Muốn đưa được trát tòa, cũng cần phải biết cách

Little Saigon hồi Tháng Bảy, 2018 mọi người từng xôn xao bàn tán về chuyện một trát tòa được tống đạt ngay tại một đám cưới, lúc cô dâu chú rể vừa bước lên “ngựa hoa,” và người nhận trát tòa không ai khác hơn chú rể.

Cũng ở tại Orange County này, một cầu thủ bóng chày nổi tiếng của Mỹ bị tống đạt trát tòa liên quan đến chuyện tiền cấp dưỡng con sau khi ly dị ngay khi anh ta vừa chạy ra sân thi đấu, bởi người đưa thư đã không thể nào tiếp cận được anh ta trước đó.

Một luật sư giấu tên giải thích, “Về mặt pháp lý, trát tòa có thể được tống đạt bất cứ lúc nào. Với lệnh bắt buộc đưa tận tay thì người đưa phải tìm mọi cách để đưa. Có người cho rằng không nhận hoặc không ký giấy tờ thì coi như việc tống đạt không có hiệu lực là hoàn toàn sai. Người làm công việc tống đạt trát tòa ‘process server’, chỉ cần đưa hoặc để xuống trước mặt là đủ.”

Với anh Thành Khổng, người làm công việc giao trát tòa, thì việc tìm để giao tận tay những lệnh bắt buộc như thế là cả một công trình suy nghĩ.

Anh kể, “Có một bà đó ở Los Angeles lái xe đụng vào cột nước chữa cháy, bị bắt bồi thường $10,000, nhưng bả trốn không chịu ra tòa. Cuối cùng họ giao cho tôi phải tìm bà để tống đạt lệnh. Tôi đến nhà lần đầu bấm chuông nghe có tiếng chó sủa nhưng không có ai ra mở cửa. Lần sau quay lại, không nghe tiếng chó. Nhưng may sau tôi nhìn thấy phía bên kia đường nhà này có mấy người phụ nữ đang dắt chó đi dạo, thế là tôi bước đến và gọi tên bà ta thật lớn, dù tôi không biết có bà ta trong số đó không. Tuy nhiên, bà ta không lên tiếng vì có lẽ đoán ra được tôi là ai, nhưng những người đi với bà ta thì nói “có người gọi bà kìa”. Thế là bà ta không còn cách nào khác là phải đi về phía tôi và nói nhỏ sợ mấy người kia nghe ‘Tôi ghét ông. Đưa giấy đây.’ Vậy là tôi giao được.”

“Cũng có khi gặp những trường hợp thê thảm lắm,” anh kể tiếp. “Có lần tôi phải đưa trát cho một bà Việt Nam khá lớn tuổi với yêu cầu dọn ra khỏi nhà do không đóng đủ tiền. Bà qua Mỹ lâu rồi, nói tiếng Anh rất giỏi, bị con hất hủi. Lần đó tôi không muốn đưa giấy liền vì thấy tội nghiệp quá, tôi dành thời gian hỏi chuyện, rồi đưa bà ra ngoài sân chơi, bà nói lâu lắm rồi mới thấy mặt trời. Bà nắm lấy tay tôi cảm động lắm. Nhưng mà rồi thì tôi cũng phải đưa giấy cho bà, bà khóc. Tôi có cho bà số điện thoại, nói khi bà dọn đi có cần thì gọi tôi đến giúp, nhưng mà bà không gọi, tôi cũng không biết chuyện sau đó thế nào, vì bà chỉ có 5 ngày để dọn, nếu không thì cảnh sát sẽ đến, khi đó thì bà chỉ có đi ra khỏi nhà tay trắng.” Anh kể bằng giọng bùi ngùi.

Anh Thành cho rằng làm công việc này cũng đôi khi gặp những tình huống khá nguy hiểm, như bị hăm dọa, nhiều người bao quanh…

“Có trường hợp mình đến đưa giấy buộc ra khỏi nhà do không trả tiền nhà. Khi tới nơi, cả 4-5 người bao vây mình, dữ dằn lắm. Họ kêu mình mang giấy đó đưa lại chủ nhà đi, họ không muốn nhận. Khi đó tôi nói một cách lịch sự, tử tế với họ rằng tôi là chỉ nhân viên trát tòa, đừng có ghét tôi, tôi chỉ đến để đưa trát tòa thôi. Mình tỏ ra tôn trọng họ thì phần lớn là họ không làm khó mình nữa,” anh Thành cho hay.

Theo anh Thành, ngoài việc đưa trát tòa tận tay là “khó ăn” thì một loại giấy tờ nữa rất “khó nuốt” là đưa giấy yêu cầu cách ly.

Anh nói, “Trường hợp này hay rơi vào các vụ vợ chồng đánh nhau. Một cảnh sát Garden Grove từng bị bắn vào đầu khi đưa trát tòa này rồi. Đưa giấy cách ly rất khó, vì khi họ đã hận thù, họ không còn tình yêu thương nữa thì họ cũng không màng tới gì nữa. Với những trường hợp như vậy thì trước khi đi cứ phải cầu nguyện Tổng lãnh Thiên thần Raphael thôi.”

“Công việc này mỗi ngày mỗi khác nhau. Nghề này nguy hiểm có nguy hiểm, cảm xúc có nhiều cảm xúc, nhưng tôi cám ơn là mỗi ngày khi tôi lên giường ngủ tôi luôn cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm,” anh Thành nêu cảm nghĩ trên đường lái xe về sau một buổi đi “tống đạt trát tòa.” (Ngọc Lan)

Tags:
Bác sĩ bệnh viện Việt Đức tiết lộ con số giật mình về bệnh ung thư: Anh chị ạ! Hạn chế trà sữa trân châu, ăn uống vỉa hè trước khi quá muộn

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức tiết lộ con số giật mình về bệnh ung thư: Anh chị ạ! Hạn chế trà sữa trân châu, ăn uống vỉa hè trước khi quá muộn

Theo bác sĩ Quốc Khánh, với ung thư, dự phòng là số 1 nên anh rất muốn gửi bài viết này tới tất cả mọi người. Không chỉ chế độ ăn uống, tập luyện mà việc thường xuyên đi khám bệnh định kì đều rất có lợi cho sức khỏe mỗi chúng ta.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất