Little Saigon: ‘Đưa đón học sinh,’ nghề không thể gọi là nghề

iếp xúc với ít nhất ba khách hàng đăng Rao Vặt trên báo Người Việt để tìm hiểu về cái nghề “đưa đón khách đi bác sĩ, đi phi trường, đi tuyên thệ nhận bằng quốc tịch, thậm chí là đi sòng bài để đánh bạc hàng ngày”… chúng tôi mới hiểu, chỉ có thể gọi đó là nghề khi công việc mang lại khoản lợi tức đáng kể để sinh kế của một tầng lớp cư dân, với khoản thu nhập từ vài trăm cho đến hơn $1,000 mỗi tháng.

11:54 14/06/2017

Hệ thống vận chuyển nội ô như taxi, Uber, kể cả xe buýt hầu hầu như không phù hợp để giải quyết nhu cầu đưa đón học sinh. Thế nhưng, khi nhắc đến công việc tưởng chừng như quá giản dị này, tất cả những người mà tôi hỏi chuyện đều cùng trả lời rằng việc đưa đón học sinh mỗi tuần lễ năm ngày chưa bao giờ được coi là một cái nghề.

Công việc nhàn rỗi, được chăng hay chớ

Cô Tâm Nguyễn, cư dân thành phố Westminster, và ông Nghĩa Trần, cư dân thành phố Garden Grove, khẳng định ngay từ đầu với tôi kinh nghiệm đã “nếm mùi” bạc bẽo của công việc đưa đón học sinh. Cô Tâm xác nhận giờ đây cô không nhận đưa đón học sinh, một công việc mà lúc đầu cô tưởng có thể làm được một cách dễ dàng.

Còn ông Nghĩa Trần thì kéo dài việc đưa đón con em của một gia đình Việt Nam được một năm trời, cuối cùng đã phải ngưng “làm mọi không công” vì ông bị “xù”, chẳng nhận được một đồng thù lao theo lời cam kết ban đầu.

Ông Nghĩa cho biết, ông được một gia đình hứa trả mỗi tuần lễ 50 Mỹ kim, tính ra là mỗi ngày chỉ có 10 Mỹ kim để đón giùm một cháu học sinh từ trường đi về nhà. Bất chấp công việc bó buộc về thời gian mà thù lao không thấm vào đâu, ông cố gắng duy trì việc đưa đón suốt một năm trời. Cuối cùng vì không nhận được thù lao, ông Nghĩa đành phải cắt đứt và chuyển sang đưa đón khách đi lại những chỗ khác.

Chỉ có một người duy nhất, bà Phạm Thị Hạnh, 63 tuổi, cư dân thành phố Midway City, cho biết đang đón hai cháu nhỏ, gồm một bé gái học lớp 7 ở trường trung học toạ lạc tại đường Golden West và một bé trai học lớp 1 ở một ngôi trường toạ lạc gần chợ Sài Gòn City. Năm ngày trong một tuần lễ, bà thường bắt đầu rời khỏi nhà chừng 1 giờ rưỡi chiều để đến trường đón bé trai lúc 2 giờ rưỡi và đón bé gái lúc 2 giờ 45 phút, khoảng 15 phút sau ở một khoảng cách đi lại giữa hai trường học chừng 4 dặm.

Bà Hạnh cho biết, cha mẹ của hai cháu làm nghề nail nên phải đi từ sáng sớm, và chỉ đưa con đến trường. Vào buổi chiều, bà Hạnh đón cháu ở trường ra rồi đưa đến nhà của bà bảo mẫu gửi đến tối, chờ mẹ đến đón về nhà. Mỗi ngày, bà Hạnh nhận tiền công đón hai cháu tổng cộng 20 Mỹ kim, trung bình khoảng 400 Mỹ kim một tháng, chỉ đủ để tiêu xài lặt vặt.

Bà Hạnh tâm sự, tuy là việc vặt không cần có kinh nghiệm nhưng bà luôn luôn phải đón cháu đúng giờ để giữ uy tín. Bà thường đến trường tiểu học sớm trước nửa tiếng đồng hồ, để may ra còn tìm được chỗ đậu xe, vào tận lớp học, ký tên vào sổ mới được phép dắt cháu bé ra khỏi lớp. Rước bé trai xong, bà chạy ù đến trường trung học để đón bé gái. Thỉnh thoảng, bà đến trễ vì kẹt xe đột ngột, bé gái đứng đợi ở trước cổng năm mười phút để chờ bà Hạnh đến đón.

Việc tưởng chừng như dễ dàng, nhưng hầu như trói buộc bà Hạnh vào khuôn khổ, mỗi ngày từ 1 giờ trưa đến 3 giờ chiều, chỉ được nghỉ vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật. Vì vậy mà chẳng bao giờ bà nhận lời đi đâu trong thời gian nói trên.

Bà Hạnh tâm sự thêm: “Phải chi tôi đón được nhiều cháu học ở cùng một trường, hoặc vừa đưa, vừa đón thì số tiền thù lao của tôi nhận được có thể tăng gấp đôi, hoặc gấp năm, ba lần.” Vì các cháu học ở khác trường, lại cách xa nhau nên bà chỉ có thể nhận tối đa ba cháu. Nếu thêm một cháu nữa, vượt quá con số 3 thì bà Hạnh không tài nào xoay sở nổi, vì hầu hết các trường đều có giờ tan học xê xích nhau từ 15 đến 30 phút, không đủ để chạy từ chỗ này đến chỗ kia.

“Tìm được một lúc năm, ba cháu học cùng một trường để đưa đón là điều không tưởng,” bà Hạnh cho biết. Có lần bà đăng lời rao trên báo để tìm phụ huynh cần người đưa đón con em đi học. Chỉ có một yêu cầu dành cho bà: đón một cháu đi học về, nhưng chỉ một ngày trong tuần. Bà nói: “Một tuần lễ đưa đón một lần để được trả 10 Mỹ kim là không đáng, vì tôi không nhớ nổi và rất khó sắp xếp.” Vì vậy mà cuối cùng bà Hạnh đành phải từ chối yêu cầu của vị phụ huynh nọ.

Vẫn theo bà Hạnh, gia đình của bé gái được bà đón suốt 3 năm qua từ lớp 6 cho đến sắp hết lớp 8, trở nên thân thiết như người nhà. Người mẹ của cháu đã yêu cầu bà tiếp tục đón cháu vào năm tới. Tuy nhiên, theo bà Hạnh thì nếu cháu chuyển đến học ở thành phố xa khu vực Little Sài Gòn như Huntington Beach chẳng hạn thì bà đành phải từ chối. Đoạn đường đi lại giữa hai trường quá dài, thường mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ nên bà không tài nào xoay sở được.

: 'Đưa đón học sinh,' nghề không thể gọi là nghề
Cảnh đưa đón con em giờ tan học ở trường Post Elementary, góc đường Ward và Parkview, thành phố Garden Grove. (Hình: Phụng Linh/)

Việc làm không lương của ông bà và cha mẹ

Cũng như ở Việt Nam, việc đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại thường là công việc của ông bà. Thương con bận bịu đầu tắt mặt tối ở sở làm, yêu cháu còn bé dại, ông bà thường nhận lãnh “cái nghề không được trả lương.”

Tại trường tiểu học Post Elementary toạ lạc ở góc đường Ward và Parkview, thành phố Garden Grove, các ông bà nội, ngoại đưa đón cháu thường tới sớm, tụ tập lại một chỗ để hàn huyện tâm sự. Nhiều người chiều nào cũng gặp nhau trong vài năm, trở thành thân thiết, coi việc gặp gỡ như một nhu cầu để tiếp xúc, trò chuyện.

Cha mẹ lái xe hơi đi đón con thường phải đậu lại hai bên lề đường hoặc bãi xe trước sân trường. Còn các bậc ông bà cha mẹ có nhà ở gần trường thường đi bộ. Họ chỉ cần vài bước là tới cổng trường, vừa đón được cháu, vừa gặp gỡ “bạn già” tha hồ tâm sự đủ chuyện “trên trời dưới đất.” Câu chuyện dông dài kể lể hầu như vòng quanh thế giới, vòng quanh nước Mỹ, rồi tới chuyện Việt Nam, chuyện cộng đồng. Những sự kiện thời sự nóng hổi vừa xảy ra trở thành đầu đề kể lể không ngớt. Gần đây nhất là chuyện cướp giật táo bạo ở các cửa hàng, siêu thị nhắm vào Người Việt Nam được các bậc ông bà, cha mẹ đưa đón con tha hồ tường thuật.

Bà Hạnh tiết lộ thêm, hiện nay rất nhiều bà mẹ trẻ mới được chồng bảo lãnh từ Việt Nam sang, chiều nào cũng vừa đẩy theo chiếc nôi mang một đứa bé sơ sinh đến trường để đón con nhỏ tan học về. Các cô cho biết, mới sang Mỹ chưa tìm được việc làm nên cô vừa giữ bé mới sinh, vừa đón đứa con đang học mẫu giáo. Nhiều người nói họ phải đảm nhận việc đưa đón con cháu để không phải chi phí thêm một số tiền, dù không đáng là bao, nhưng là những đồng tiết kiệm thật sự. Có thể vì vậy mà không còn công việc cho những người có thời gian nhàn rỗi như bà Hạnh chăng.

Tags:
Điều kiện và tiến trình bảo lãnh con cái của công dân Mỹ

Điều kiện và tiến trình bảo lãnh con cái của công dân Mỹ

Hồ sơ bảo lãnh con cái của công dân Mỹ được chia thành 3 trường hợp tuỳ thuộc vào độ tuổi và tình trạng hôn nhân của người con. Tham khảo bài viết sau để hiểu thêm về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất