Lo ngại không có nhân công, giới chủ trại Mỹ phản đối chính sách di trú

Người chủ nơi làm rượu vang Bethel Heights Vineyard đứng nhìn ra hơn 100 acres trồng nho mà nhóm nhân công 20 người gốc Mexico của bà vừa cắt tỉa xong, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Trump tiến hành việc bố ráp người di dân bất hợp pháp.

13:30 25/04/2017

Từ việc trồng cho đến gặt hái, công việc này đòi hỏi sự khéo léo và tinh thần làm việc chăm chỉ để giúp sản xuất ra loại rượu pinot noir và chardonnay của nơi này, và người dân Mỹ sinh ra nơi đây không muốn làm các công việc cực nhọc đó, theo lời bà Patricia Dudley, khi đứng ở vườn nho đẫm mưa lạnh trên sườn đồi tại tiểu bang Oregon.

Bàn tay của người lao động nghề nông ở Colorado. (Hình: Joshua Polson/The Greeley Tribune/AP)

“Ai sẽ đến đây và làm những việc này khi họ trục xuất hết những người này?” bà Dudley tự hỏi.

Lập trường cứng rắn của Tổng Thống Donald Trump về di trú đang làm kỹ nghệ nông nghiệp Mỹ lo ngại, vì sợ rằng việc bố ráp người di dân bất hợp pháp sẽ khiến họ không có nguồn lao động cần thiết để gieo trồng và gặt hái mùa màng nuôi sống đất nước này.

Các chủ trại trồng rau quả, trái cây, nuôi bò sữa, gia súc lấy thịt cũng như chủ các vườn cây và vườn nho, thảy đều khởi sự việc vận động các chính trị gia địa phương cũng như ở cấp quốc gia tại Washington để yêu cầu các giới chức này đối phó với vấn đề di dân theo phương cách giảm thiểu tối đa sự thiệt hại cho công việc làm ăn của họ.

Một số người trong giới lãnh đạo các chủ trại là thành phần Cộng Hòa, từng bỏ phiếu cho ông Trump, và nay họ cảm thấy bị giằng co giữa sự mong muốn có an ninh biên giới nhưng cùng lúc là sự đối xử khoan nhượng cho giới lao động không là thành phần tội phạm nguy hiểm.

Theo một cuộc nghiên cứu của cơ quan Pew Research Center, ngành nông nghiệp Mỹ sử dụng nhân công thuộc thành phần di dân bất hợp pháp hơn bất cứ kỹ nghệ nào khác ở Mỹ.

Người di dân làm việc bất hợp pháp ở Mỹ chiếm khoảng 46% trong tổng số 800,000 người lao động nông nghiệp, theo phân tích của AP dựa trên các dữ kiện của Bộ Nông Nghiệp và Bộ Lao Động Mỹ.

Việc gia tăng nỗ lực trục xuất có thể đưa đến “những hậu quả kinh tế quan trọng,” theo nhận định trong một cuộc nghiên cứu do Bộ Canh Nông thực hiện năm 2012.

Cuộc nghiên cứu này nói rằng nếu lực lượng lao động bất hợp pháp của Mỹ giảm khoảng 40% thì mức sản xuất rau có thể giảm hơn 4%.

Cơ quan American Farm Bureau Federation cho hay việc thi hành chặt chẽ luật di trú sẽ có thể làm giá thực phẩm tăng 5% đến 6% vì nguồn cung cấp sút giảm và cũng vì chi phí sản xuất sẽ tăng.

Các tin tức về việc nhân viên cảnh sát di trú bắt giữ người lao động bất hợp pháp, từ New York sang tới California, đang khiến giới này lo sợ.

Một số người lao động ở Oregon nay lên đường ra đồng làm việc vào lúc 1 giờ sáng và không đến những nơi đổi chi phiếu vào ngày lãnh lương vì sợ bị chặn bắt. Giới chủ trang trại thì lo ngại là không có đủ người làm việc.

Khi một luật sư di trú, bà Sarah Loftin, mở cuộc nói chuyện tại Newberg, Oregon, một nơi trồng nho làm rượu nổi tiếng ở tiểu bang này, về quyền lợi pháp lý của người lao động, bà ngạc nhiên khi thấy rằng có khoảng nửa số người hiện diện là các chủ nơi làm rượu hay chủ trại.

Trong khi vận động để có các cải cách về di trú, giới chủ nhân trong ngành nông nghiệp cũng đang nhắm tới các giải pháp khác như cơ giới hóa hay các sản phẩm không cần nhiều sức lao động. Ở Vermont, các giới chức chính quyền đang nghĩ tới việc huấn luyện tù nhân làm việc vắt sữa bò.

Bà Dudley, chủ trại làm rượu, không tin tưởng cho lắm về một số giải pháp này.

“Tôi không tin là sử dụng người lao động tạm thời, lấy đâu đó ngoài đường, giới tù nhân hay bất cứ giải pháp nào khác sẽ thực sự hiệu quả,” bà cho hay. 

(V.Giang)

Sở di trú ngày càng mạnh tay trong việc bắt di dân lậu người Việt

Sở di trú ngày càng mạnh tay trong việc bắt di dân lậu người Việt

Quan tâm về việc cảnh sát di trú (ICE) ngày càng bắt giữ (với mục đích trục xuất) nhiều người Mỹ gốc Việt, ba tổ chức APIROC (Asians Pacific Islanders Re Entry of Orange County), SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center) và Vietlead, vừa gửi chung một thông cáo báo chí để báo động về tình trạng này, cũng như cung cấp một số điện thoại khẩn cho những ai bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất