Lý do chúng ta nên bỏ ngay thói quen lót giấy khi đi toilet công cộng: Nó chẳng ý nghĩa gì đâu

Nhiều người - đặc biệt là con gái - hay có thói quen lót giấy khi sử dụng toilet công cộng. Họ nghĩ làm vậy sẽ sạch hơn, nhưng đó thực chất là một sai lầm lớn.

20:16 24/11/2023

Có một thực tế đa số hẳn sẽ phải thừa nhận, đó là việc phải "giải quyết nỗi buồn" ở các WC công cộng không phải là một trải nghiệm vui vẻ gì cho lắm. Vốn là nơi dùng chung cho cả thiên hạ, tỉ lệ bạn gặp được một chiếc toilet sạch sẽ tinh tươm là không cao, ngay cả những tòa nhà cao cấp cũng chưa chắc đã ưng ý.

Có điều khi mẹ thiên nhiên đã gọi khẩn thì bạn cũng đành nhắm mắt mà bước vào thôi. Và để trải nghiệm ấy đỡ đáng sợ hơn, nhiều người - đặc biệt là chị em phụ nữ chọn cách lót giấy vào bệ ngồi, với hy vọng vi khuẩn và chất bẩn không tiếp xúc trực tiếp với da của mình.

Tuy nhiên, đó thực sự là một sai lầm lớn.

Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi

Bạn nghĩ giấy vệ sinh là sạch? Nghĩ lại đi nhé! Mỗi lần giật nước, vi khuẩn trong phân và nước tiểu ít nhiều sẽ bắn ra ngoài, sau đó "hạ cánh" ở các vật dụng xung quanh. Nhìn chung, nhà vệ sinh có vi khuẩn ở khắp mọi nơi: tường, nắm đấm cửa, và dĩ nhiên là cả giấy vệ sinh nữa.

Ngoài ra, đặc tính của giấy là hút ẩm, nên nó vô tình trở thành môi trường cực kỳ lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Nói cách khác khi lót giấy lên bệ ngồi, bạn chỉ đơn giản là che một bề mặt có vi khuẩn bằng một thứ còn bẩn hơn thế mà thôi.

Cách để ngăn vi khuẩn bắn ra, đó là hãy hạ úp nắp bồn cầu xuống rồi mới giật nước. Nhưng cách đó chỉ áp dụng được ở nhà, còn với toilet công cộng thì bạn chẳng thể nào biết được người dùng trước có làm vậy hay không. Một số toilet có trang bị tấm chắn cho giấy vệ sinh, nhưng không phải ở đâu cũng vậy.

Bệ ngồi toilet không đến nỗi bẩn như bạn tưởng

Dành cho những ai chưa biết, bệ ngồi bồn cầu không phải là nơi bẩn nhất trong toilet công cộng. Theo Charles Gerba - tiến sĩ vi sinh vật học tại ĐH Arizona cho biết những nơi được chạm vào nhiều nhất mới là nơi bẩn nhất - nắm đấm cửa, bồn rửa tay, và đoán xem - chính là cuộn giấy vệ sinh.

Lý do đơn giản là vì chúng ta chạm vào chúng với một đôi tay chưa rửa sau khi mới hành sự, do đó vô tình làm tăng thêm vi khuẩn cho chúng. Trong khi bồn cầu thì khác: tâm lý khiến đa số đều dùng giấy để lau bớt bề mặt trước khi sử dụng, đâm ra vi khuẩn lại ít hơn hẳn.

Việc đặt giấy vệ sinh lên bệ ngồi vì thế không giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho bạn thêm tí nào, khi bản thân cuộn giấy vốn đã là thứ bị nhiễm khuẩn. Việc này chỉ có tác dụng nếu cuộn giấy là do bạn tự mình mang. Trong trường hợp ấy, đặt giấy lên bệ ngồi quả thực sẽ giúp vi khuẩn không tiếp xúc trực tiếp với da của bạn.

Thực ra cũng không dễ gì mà nhiễm khuẩn được từ bệ ngồi toilet đâu

Quả thực toilet là nơi ngập tràn vi khuẩn, nhưng không vì thế mà bạn phải quá hoảng sợ. Với một người khỏe mạnh, hệ miễn dịch của bạn vốn đã đủ tốt để kháng lại hầu hết vi khuẩn xâm nhập. Và nếu tuân thủ các quy tắc vệ sinh sau khi sử dụng toilet công cộng, gần như chẳng có nguy cơ nào đâu. 

Trên thực tế, virus và vi khuẩn chỉ có thể tồn tại trên bệ ngồi toilet trong một thời gian ngắn. Nguy cơ duy nhất là chúng lọt vào cơ thể thông qua đường tiết niệu và ống sinh dục. Nếu "phần dưới" của bạn đang có vết thương hở, vi khuẩn sẽ có khả năng xâm nhập vào, nhưng tỉ lệ cũng không cao.

Vậy làm thế nào để dùng toilet cho "chuẩn"?

Đơn giản thôi! Nếu thấy toilet quá bẩn, hãy dùng khăn giấy ướt lau qua rồi hẵng ngồi, hoặc học lấy tư thế ngồi "không chạm" giống như trong bức hình trên.

Tags:
Trúng độc đắc sau 20 năm liên tục mua vé số

Trúng độc đắc sau 20 năm liên tục mua vé số

Cặp vợ chồng giấu tên ở thị trấn Tatura, bang Victoria vừa trúng độc đắc của kỳ quay số hôm 18/11, trị giá gần 658.000 AUD (10 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất