Lý do hàng loạt bang kiện chính quyền Biden

Các chính sách nhằm thu hẹp hoạt động của ngành khai thác dầu khí đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden trở thành mục tiêu của các vụ kiện liên tiếp.

11:00 26/03/2021

"Trở thành tổng thống vì môi trường" là một trong những lời hứa trọng tâm chiến dịch tranh cử trước khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.

Để thực hiện lời hứa ấy, Tổng thống Biden không có lựa chọn nào khác ngoài thu hẹp hoạt động của ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, cũng như tạo không gian phát triển cho ngành năng lượng tái tạo.

Chỉ trong một tuần sau ngày nhậm chức, Tổng thống Biden đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ra các chính sách cản trở hoạt động của các dự án dầu khí trên cả nước.

Hệ quả là chính quyền ông Biden liên tiếp trở thành mục tiêu trong các vụ kiện của hàng chục tiểu bang, cũng như vấp phải làn sóng công kích của những tập đoàn năng lượng đầy quyền lực.

chinh quyen tong thong Biden bi kien anh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP.

Quyết chiến với ngành dầu khí

Không đầy 24 giờ sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden ký sắc lệnh đình chỉ giấy phép hoạt động của đường ống dẫn dầu Keystone XL, nối miền Nam nước Mỹ với Canada.

Tổng thống Biden sau đó cấm mọi công ty khoan thăm dò dầu khí ở Khu Bảo tồn Hoang dã Quốc gia tại Alaska, dù nhiều doanh nghiệp đã triển khai máy móc và nhân lực tới thực địa.

Đến ngày 26/1, Tổng thống Biden ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ mọi hoạt động đấu giá cho thuê mặt đất và mặt nước liên bang vì mục đích khai thác dầu khí.

Bên cạnh đó, ông Biden yêu cầu đánh giá lại tổng thể các chính sách cắt giảm hạn chế về năng lượng, đặc biệt liên quan tới dầu khí, có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Nhà Trắng cũng yêu cầu các cơ quan liên bang đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu là ưu tiên bắt buộc trong chương trình hành động.

Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Biden tuyên bố biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng lớn nhất nước Mỹ đang đối mặt, đồng thời thề sẽ giúp đất nước "rời xa ngành công nghiệp dầu mỏ".

chinh quyen tong thong Biden bi kien anh 2

Hoạt động khai thác dầu khí thiệt hại lớn vì các chính sách của ông Biden. Ảnh: Reuters.

Những sách lược của ông Biden là điều đã được dự đoán. Tuy nhiên, tốc độ ra quyết định cùng mức độ cứng rắn từ phía chính quyền Biden khiến các lãnh đạo ngành công nghiệp dầu mỏ choáng váng.

Cuộc chiến ông Biden phát động với ngành dầu mỏ nhận được sự hoan nghênh từ các nhóm hoạt động môi trường cũng như phe cấp tiến trong đảng Dân chủ. Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo và nhà sản xuất sản phẩm chạy bằng năng lượng sạch cũng là bên hưởng lợi lớn từ những chính sách mới.

Bà Heather Zichal, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Mỹ, người từng là cố vấn môi trường cấp cao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho biết Tổng thống Biden đang làm điều đúng đắn. Dữ liệu khoa học cho thấy Trái Đất đang nóng lên nhanh chóng.

"Nếu chúng ta muốn cắt giảm 51 tỷ tấn khí nhà kính/năm và đưa mức phát thải về 0 trong 30 năm tới, cần có hành đông quyết liệt", bà Zichal nói, đồng thời cho biết các thành viên hiệp hội sẽ đầu tư 1.000 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch.

Trở thành mục tiêu trong cuộc chiến pháp lý

Thiệt hại mà ngành khai thác dầu khí Mỹ hứng chịu từ các biện pháp của chính quyền Biden là điều không cần bàn cãi.

Trước khi lệnh cấm cho thuê đất và mặt nước liên bang có hiệu lực, 25% sản lượng dầu và 13% sản lượng khí đốt hàng năm của Mỹ đến từ hoạt động khai thác tại các vùng này.

Các lãnh đạo ngành dầu khí Mỹ tuyên bố những quyết sách của Nhà Trắng mang tính trừng phạt không công bằng và chứa đầy rủi ro.

Ngay sau khi đường ống Keystone XL bị tước giấy phép, hơn 1.000 công nhân hoạt động phục vụ dự án này đã mất việc.

Và sẽ có thêm hàng chục nghìn việc làm khác mất đi khi các công ty không được phép khai thác dầu trên đất và mặt nước thuê của liên bang sau lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Biden.

"Hành động đó cấp tiến nhất so với bất cứ chính quyền nào khác, thậm chí so với Tổng thống Obama", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Sullivan cho biết.

Bên cạnh các doanh nghiệp năng lượng hóa thạch, những tiểu bang nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào khai thác dầu khí cũng bất bình nhất với chính quyền mới.

Một cuộc chiến đa mặt trận đã nổ ra chống lại chính sách triệt hạ ngành dầu khí của Tổng thống Biden.

chinh quyen tong thong Biden bi kien anh 3

Thống đốc Texas Ken Paxton dẫn đầu vụ kiện của 21 tiểu bang chống lại quyết định của Nhà Trắng tước giấy phép đường ống Keystone XL. Ảnh: Reuters.

Phát súng đầu tiên vang lên cuối tháng 1, khi tổng chưởng lý của 6 tiểu bang, đều là người đảng Cộng hòa, viết thư gửi tới Nhà Trắng, cảnh báo chính quyền ông Biden chớ "giẫm chân" lên thẩm quyền của họ.

Đến ngày 18/3, Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton khởi xướng vụ kiện chống lại quyết định tước giấy phép hoạt động của dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL. Ngoài Texas, 20 tiểu bang khác cũng tham gia vào vụ kiện.

Bên nguyên đơn cho rằng Tổng thống Biden đã hành động quá thẩm quyền khi ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ hoạt động của đường ống Keystone XL.

"Thu hồi giấy phép của đường ống Keystone XL là một vấn đề thương mại liên tiểu bang và quốc tế, chỉ có thể được thực hiện thông qua lưỡng viện hoặc tòa án. Tổng thống không có thẩm quyền định hình lại nền kinh tế trái với mong muốn của Quốc hội", đơn kiện cáo buộc.

Thống đốc Ken Paxton cũng đồng thời cho rằng Tổng thống Biden hành động "hoàn toàn bất chấp giới hạn thẩm quyền mà hiến pháp đã đặt ra".

Hôm 24/3, hai đơn kiện khác được 14 tiểu bang gửi tới tòa án liên bang nhắm vào chính quyền Tổng thống Biden. Đối tượng trong cả hai vụ kiện là sắc lệnh hành pháp ông Biden ký hồi cuối tháng 1 đình chỉ hoạt động khai thác dầu khí trên các vùng đất và mặt nước liên bang

Hai đơn kiện cáo buộc quyết định dừng cho thuê đất của Nhà Trắng vi phạm Đạo luật Cho thuê Khoáng sản.

"Chúng tôi tin hành động của tổng thống là phi pháp và trái luật, chúng tôi sẽ buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm, để tiếp tục bảo vệ ngành dầu khí và năng lượng trong nước", Tổng chưởng lý Louisiana Jeff Landry nói.

Trong đơn khởi kiện riêng của Wyoming, tiểu bang này cho rằng chính quyền ông Biden có nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường trước khi đình chỉ cho thuê đất, theo yêu cầu của Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia.

Đơn kiện được nộp tới tòa án chỉ một ngày trước khi chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu xem xét lại chương trình cho thuê mặt đất và mặt nước vì mục đích khai thác dầu khí.

Trong khi đó, các tập đoàn năng lượng đã khởi động lại chiến dịch quảng cáo trên truyền hình rầm rộ nhằm tạo sự ủng hộ cho hoạt động khai thác dầu khí trên đất của liên bang.

Lãnh đạo các nghiệp đoàn lao động, các bộ tộc thổ dân và các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng từ chính sách chống dầu khí của Tổng thống Biden cũng tham gia vào cuộc chiến.

"Việc chậm trễ cấp phép cho các dự án năng lượng giữa đại dịch sẽ tàn phá nền kinh tế, cũng như an toàn và sức khỏe của các thành viên bộ tộc thổ dân", Luke Duncan, Chủ tịch Ủy ban Doanh nghiệp bộ tộc Ute ở tiểu bang Utah, cho biết.

Tags:
Ông Obama: Đã đến lúc lắng nghe khi người Mỹ nói ‘quá đủ rồi’

Ông Obama: Đã đến lúc lắng nghe khi người Mỹ nói ‘quá đủ rồi’

Cựu Tổng thống Barack Obama kêu gọi chính quyền ban hành các luật cứng rắn hơn về súng, sau các vụ xả súng hàng loạt tại Georgia và Colorado trong tuần qua.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất