Lý do nhân loại có thể phải sống chung với Covid-19

Một thí nghiệm với virus corona thập niên 1980 cho thấy nCoV có thể không biến mất hoàn toàn và thế giới phải học cách sống chung với Covid-19.

21:00 06/09/2021

Trong thí nghiệm cách đây hàng chục năm, các bác sĩ tại một bệnh viện ở Anh xịt dung dịch chứa 229E, một chủng virus corona, vào mũi 15 tình nguyện viên. Covid-19 khi đó chưa xuất hiện và 229E chỉ gây triệu chứng giống cảm lạnh thông thường.

229E là chủng virus phổ biến trên thế giới, nhiều người từng nhiễm nó một lần trong đời, đặc biệt là trẻ em, nhưng triệu chứng cảm lạnh nhẹ đến mức hầu như không ai để ý đến. Trong thí nghiệm trên, chỉ có 10 tình nguyện viên bị nhiễm 229E, trong đó 8 người xuất hiện triệu chứng cảm lạnh.

Một năm sau, các bác sĩ lặp lại thí nghiệm với 14/15 tình nguyện viên. Sau khi được xịt 229E vào mũi, 6 người từng nhiễm virus bị tái nhiễm nhưng lần nay không biểu hiện triệu chứng nào.

Từ thí nghiệm này, các bác sĩ Anh nhận định rằng khả năng miễn dịch của cơ thể trước virus corona suy yếu nhanh chóng và hiện tượng tái nhiễm là phổ biến, nhưng với triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, thí nghiệm trên không thu hút được sự chú ý, bởi vào thời điểm đó, không mấy ai quan tâm đến virus corona.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, khi Covid-19 lan khắp toàn cầu, các nhà nghiên cứu trong quá trình tìm hiểu về cơ chế miễn dịch trước nCoV đã tìm lại thí nghiệm này. Trước khi nCoV xuất hiện, chỉ có 229E và ba chủng virus corona khác từng lây từ người sang người. Cả bốn chủng virus corona này đều gây triệu chứng như cảm lạnh.

Theo các nhà khoa học, ở kịch bản lạc quan nhất, nCoV rồi cũng sẽ có những đặc điểm giống 4 họ hàng trước nó: dễ nhiễm và tái nhiễm, nhưng gây bệnh không đáng kể.

Kịch bản này có vẻ khó tin với những diễn biến hiện nay, khi biến chủng Delta đang hoành hành ở cả nước giàu và các mô hình chống dịch từng thành công. Tuy nhiên, Sarah Zhang, bình luận viên của The Atlantic, nhận định rằng đại dịch cuối cùng sẽ chấm dứt, bằng cách này hay cách khác.

Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng vọt thời gian qua là hậu quả khi hệ miễn dịch của loài người gặp phải một chủng virus quá mới. Khi thế giới đạt đủ khả năng miễn dịch, dù qua tiêm chủng hay bình phục sau nhiễm, đại dịch sẽ chuyển thành bệnh đặc hữu - căn bệnh mà khoa học chưa thể xóa sổ, nhưng sẽ không khiến cuộc sống chúng ta đảo lộn.

Với độ bao phủ miễn dịch đủ lớn, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 rồi sẽ giảm. Tiêm vaccine thường kỳ có thể tăng cường hệ miễn dịch và giảm đáng kể rủi ro. Số ca nhiễm có thể lúc tăng lúc giảm, biến động theo mùa, nhưng những kịch bản xấu nhất sẽ không tái diễn, theo Zhang.

Điểm xét nghiệm Covid-19 miễn phí tại cầu London vào ngày 5/4. Ảnh: PA.
Điểm xét nghiệm Covid-19 miễn phí tại cầu London vào ngày 5/4. Ảnh: PA.

Tuy nhiên, với một đại dịch còn nhiều mới mẻ, bình luận viên này cho rằng con đường đến đích thực tế còn nhiều mơ hồ. Dù Covid-19 sớm muộn sẽ trở thành bệnh đặc hữu, điều đó không đồng nghĩa rằng cộng đồng có thể bỏ hết mọi biện pháp phòng ngừa.

Trong giai đoạn này, các nước vẫn cần làm phẳng đường cong diễn tiến dịch. Việc giữ cho hệ thống y tế không quá tải trong thời gian càng dài, xã hội có thêm càng có nhiều cơ hội thúc đẩy tiêm chủng. Kịch bản để cho virus lây lan không kiểm soát trong cộng đồng chưa được tiêm chủng có thể đưa toàn dân số đến vạch đích sớm hơn, nhưng đó cũng là phương án gây tổn thất nhân mạng cao nhất.

Zhang cũng chỉ ra rằng con người không thể tự định đoạt hoàn toàn tương lai thoát đại dịch và Covid-19 bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu, bởi điều này còn phụ thuộc vào những đột biến của nCoV.

Biến chủng Delta đã làm chệch hướng kế hoạch tái mở cửa tại nhiều quốc gia. Chừng nào phần lớn thế giới còn chưa được bảo vệ bằng vaccine, virus vẫn còn nhiều cơ hội sản sinh ra biến chủng mới với tốc độ lây lan cao và thách thức khả năng miễn dịch của con người.

Theo các nhà khoa học, điều đáng mừng là nCoV khó đột biến nhiều đến mức đẩy thành quả miễn dịch của thế giới về vạch xuất phát.

Khả năng kháng lây nhiễm của cơ thể có thể giảm theo thời gian, nhưng các tế bào miễn dịch ngăn bệnh trở nặng sẽ tồn tại trong thời gian dài. "Phản ứng miễn dịch của con người phức tạp đến mức virus không thể nào thoát được hết", Sarah Cobey, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học Chicago, nhấn mạnh.

Ngăn bệnh nặng và tử vong cũng là mục tiêu ban đầu của vaccine. Theo các nhà khoa học, vaccine ngừa virus gây bệnh ở đường hô hấp hiếm khi ngăn chặn lây nhiễm triệt để. Chúng thường kích thích miễn dịch ở phổi nhiều hơn ở mũi, vốn là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh.

Những biến chủng mới đang khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm đi. Hệ quả là mục tiêu miễn dịch cộng đồng, hay xóa sổ nCoV, trở nên xa hơn trước. Tuy nhiên, trong viễn cảnh Covid-19 là bệnh đặc hữu, số lượng vật chủ lây nhiễm sẽ không nhiều như hiện nay và phần lớn có miễn dịch cao, khiến khả năng đột biến của virus chậm lại.

Theo giới chuyên gia, con người rồi cũng phải học cách thay đổi suy nghĩ về Covid-19, không thể mãi trốn tránh virus và cần chuẩn bị tinh thần có thể chịu rủi ro lây nhiễm.

Ở những nước đã có độ phủ vaccine Covid-19 trong dân số cao như Anh và Israel, số ca nhiễm vẫn tăng mạnh sau khi dỡ bỏ biện pháp phong tỏa, nhưng số ca tử vong chỉ bằng một phần nhỏ giai đoạn đỉnh dịch kinh hoàng nhất.

Khi mọi người trong cộng đồng đều có miễn dịch, việc một người dương tính với nCoV sẽ trở thành điều bình thường như khi họ phát hiện mình bị nhiễm virus cúm mùa.

Vấn đề là loài người hiện vẫn chưa đạt đến ngưỡng miễn dịch này để chấm dứt những tranh cãi, trong khi mức độ chấp nhận của mỗi người với nguy cơ lây nhiễm là khác nhau. Một số người sẽ cho rằng quá trình tái mở cửa là quá nhanh, trong khi số khác lại kêu ca là quá chậm.

"Mọi người sẽ gặp rất nhiều khó khăn để hiểu được mức độ chấp nhận rủi ro của người khác", Julie Downs, chuyên gia tâm lý tại Đại học Carnegie Mellon, nhận định.

Sự thay đổi tâm lý sẽ cần thời gian và nỗ lực để xã hội thống nhất về mức độ rủi ro có thể chấp nhận được của Covid-19. "Chúng ta cần chuẩn bị tâm lý rằng Covid-19 có thể sẽ không bị xóa sổ, mà giảm xuống mức chúng ta cảm thấy chấp nhận được", bà nói.

Trong quá trình đó, các loại vaccine và thuốc điều trị tốt hơn có thể giúp kéo giảm nguy cơ từ Covid-19 hơn nữa, trong khi con người cũng nghiêm túc hơn với các biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang và thông khí.

"Chúng ta sẽ cần sống chung với thực tế đó. Chỉ cần virus không tác động lên toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được", Richard Webby, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nghiên cứu Nhi đồng St. Jude, nhận định.

Tags:
Thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học 1945 - 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học 1945 - 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 5/9/1945 - ba ngày sau khi đọc "Tuyên ngôn độc lập", Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất