Mặt trái khi kinh tế toàn cầu phụ thuộc Trung Quốc

Dịch viêm phổi bùng phát đang chỉ ra cái giá mà thế giới phải trả cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc lớn đến mức nào.

08:00 12/02/2020

Basic Fun - một hãng đồ chơi tại Florida (Mỹ) phải nhập tới 90% sản phẩm từ Trung Quốc. Để đa dạng hóa nguồn hàng, CEO Jay Foreman vẫn thường xuyên tìm nhà cung cấp tại các nước khác ở châu Á, nhưng chưa thành công.

Giờ đây, ông chỉ mong các nhà máy tại Trung Quốc có thể hoạt động trở lại khoảng đầu tháng 4. Nhưng việc này cũng là rất khó. Foreman vốn đã đau đầu vì chiến tranh thương mại, biểu tình ở Hong Kong thì nay lại đến dịch viêm phổi. "Chúng tôi chẳng được nghỉ lúc nào cả", ông than thở trên The Diplomat.

Các công ty lớn còn chịu tác động mạnh hơn rất nhiều. Apple phải thay đổi chuỗi cung ứng. Ikea đóng bớt cửa hàng và sơ tán nhân viên khỏi Trung Quốc. Starbucks đóng cửa hơn 2.000 cơ sở và cảnh báo thiệt hại tài chính. Hàng loạt hãng xe như BMW, PSA và Toyota vẫn chưa mở lại nhà máy tại Trung Quốc. Còn các hãng hàng không thì ngừng bay đến và đi từ quốc gia này.

Thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức độ chưa từng có. Chỉ trong 40 năm, từ một nước nghèo, Trung Quốc đã trở thành bộ phận quan trọng trong cỗ máy công nghiệp toàn cầu. Nước này đóng góp một phần sáu GDP và là công xưởng của cả thế giới.

Tầm quan trọng của Trung Quốc còn vượt ra ngoài lĩnh vực sản xuất. Dân số đông và ngày một giàu lên biến Trung Quốc thành thị trường béo bở với phần còn lại của thế giới. Người tiêu dùng nước này mua nhiều xe và smartphone hơn bất kỳ quốc gia nào. Khách du lịch Trung Quốc cũng chi tới 258 tỷ USD mỗi năm khi ra nước ngoài, gần gấp đôi Mỹ, theo Tổ chức Du lịch Thế giới.

Một khu chợ được thiết kế để thu hút khách Trung Quốc ở Bangkok. Ảnh: AP
Một khu chợ được thiết kế để thu hút khách Trung Quốc ở Bangkok. Ảnh: AP

Nhiều năm qua, từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, các công ty đa quốc gia cũng đã phải cân nhắc lại chiến lược hoạt động tại Trung Quốc. Chi phí nhân công tăng, đối thủ địa phương ngày càng cạnh tranh khốc liệt, hệ thống quy định kém thân thiện khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại. Tuy nhiên, nhân lực dồi dào, hệ thống đường cao tốc và đường sắt thuận tiện, cũng như thị trường tiêu thụ rộng lớn khiến họ khó rời bỏ quốc gia này.

Và hiện tại, dịch viêm phổi bùng phát đang cho thấy cái giá phải trả cho sự phụ thuộc này lớn đến mức nào. Mỗi tuần các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, thương mại toàn cầu sẽ mất 26 tỷ USD, Ana Boata - Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô tại Euler Hermes cho biết trên NYT. Nikkei Asian Review cũng trích một nghiên cứu khác chỉ ra sản xuất tại Trung Quốc cứ giảm 10 tỷ USD, sản xuất tại phần còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD.

Warwick McKibbin - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia ước tính dịch cúm lần này sẽ khiến GDP toàn cầu thiệt hại gấp vài lần so với SARS, có thể lên cả trăm tỷ USD. Nguyên nhân là kinh tế Trung Quốc giờ đã có quy mô gấp nhiều lần năm 2003.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là các nước cảm nhận rõ nhất tác động này. Các công ty như GM, Honeywell, Facebook và Bloomberg đã hạn chế nhân viên di chuyển tới Trung Quốc. Starbucks đóng nửa số cửa hàng tại Trung Quốc - thị trường lớn nhì của họ, sau Mỹ - đồng thời cảnh báo tác động đến báo cáo tài chính quý và cả năm. 

Cuối tháng trước, CEO Apple Tim Cook cho biết đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế "để bù đắp thiếu hụt nguồn cung". Foxconn - hãng sản xuất các thiết bị cho Apple đến hôm qua (10/2) vẫn chưa thể mở cửa trở lại hoàn toàn nhà máy ở Trung Quốc như kế hoạch.

Mới đây nhất, hãng xe Hyundai Motor còn phải đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc, do bị gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Nhà máy này có thể hoạt động trở lại vào ngày mai (12/2), nhưng rất khó đoán trước chuyện gì thực sự sẽ diễn ra.

Các doanh nghiệp Nhật Bản thì vẫn đang đánh giá tác động từ dịch cúm lần này. Du khách Trung Quốc đóng góp khoảng 30% khách nước ngoài cho nước này. Các công ty Trung Quốc cũng là người mua chính linh kiện từ Nhật Bản, như thiết bị bán dẫn và ống kính.

Hãng xe Toyota cho biết sẽ không khôi phục hoàn toàn sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc cho đến ngày 17/2 - muộn một tuần so với kế hoạch trước đó. Honda cũng sẽ hoãn việc tái khởi động nhà máy ở Hồ Bắc - tâm điểm của dịch viêm phổi. 

Tại Đài Loan, giá cổ phiếu hãng chip TSMC và Largan Precision cũng lao dốc. Dù đặt nhà máy tại Đài Loan, hai hãng này lại chịu ảnh hưởng khi Foxconn ngừng hoạt động nhà máy ở Trung Quốc. "TSMC và các công ty khác được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ nhu cầu smartphone 5G. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong sản xuất smartphone tại Trung Quốc sẽ khiến triển vọng này giảm sút", một nhà phân tích cho biết trên Nikkei.

Kinh tế Đức cũng đặc biệt dễ tổn thương với biến động từ Trung Quốc. Viện nghiên cứu Ifo tại Munich ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc cứ giảm 1%, tăng trưởng của Đức cũng sẽ mất 0,6%. Nguyên nhân một phần là các nhà máy Đức quá phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc.

Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tăng trưởng tại Liên minh châu Âu (EU) vốn đã gần 0%. Vì thế, giới phân tích cho rằng dịch viêm phổi đủ khả năng đẩy khu vực này vào suy thoái.

Casino Lisboa ở Macau không một bóng người. Ảnh: Bloomberg
Casino Lisboa ở Macau không một bóng người. Ảnh: Bloomberg

Sự chịu chi của khách Trung Quốc cũng đang khiến nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch lao đao. Tại Macau, Casino Lisboa đã ngừng hoạt động hơn 2 tuần. CEO Matt Maddox của Wynn Resorts thì cho biết họ thiệt hại khoảng 2,4-2,6 triệu USD mỗi ngày khi casino đóng cửa.

Ở Thái Lan, du khách Trung Quốc chi tiêu tới gần 18 tỷ USD hàng năm. Yuthasak Supasorn - người đứng đầu Tổng Cục Du lịch Thái Lan cho biết chính phủ nước này đang tìm cách bù đắp cho các chủ doanh nghiệp thua lỗ vì khách du lịch sụt giảm vài tuần qua. Chính phủ Thái Lan thậm chí cân nhắc giảm phí đỗ máy bay cho các hãng và thuế nhiên liệu để thu hút nhiều khách du lịch hơn.

Anan Buates (45 tuổi) điều hành một công ty chuyên chở khách du lịch. Khách Trung Quốc có ý nghĩa sống còn với công ty ông. Rồi đột ngột, 2 tuần trước, họ hủy tour.

"Đó là quyền của họ, và cũng là cách ngăn virus lây lan", Anan cho biết. Dù vậy, ông biết mình đang phải đối mặt với thách thức khổng lồ. "Chúng tôi tồn tại được cả năm là nhờ họ đến suốt cả năm đấy", ông nói.

Link nguồn: https://vnexpress.net/kinh-doanh/mat-trai-khi-kinh-te-toan-cau-phu-thuoc-trung-quoc-4053397.html

Tags:
Dân Canada gặp rắc rối khi di tản khỏi Vũ Hán

Dân Canada gặp rắc rối khi di tản khỏi Vũ Hán

Công dân Canada bị kẹt ở Vũ Hán gặp nhiều thủ tục rắc rối trên đường lên chuyến bay di tản về nước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất