Mẹ kể kinh nghiệm định hướng, giúp con du học Mỹ

Nhờ hiểu rõ thiên hướng của con gái và thảo luận cùng con từ sớm về mục tiêu và lộ trình, chị Ánh Dương đã hỗ trợ con chọn được ngành cùng đại học yêu thích.

02:00 12/10/2021

Chị Phạm Ánh Dương, 45 tuổi, quản lý nhân sự một doanh nghiệp ở Hà Nội, vừa tạm hoàn thành chặng đường hơn chục năm đồng hành và định hướng học tập cho con gái lớn. Nguyễn Phạm Khả Hân, con gái chị, được tuyển thẳng vào bốn trường đại học tại Hà Nội và trúng tuyển 12 trường ở Mỹ. Hiện, Khả Hân là sinh viên năm nhất với 80% học bổng tại Đại học DePauw - trường được xếp hạng vào loại tốt nhất ở bang Indiana.

Dự định cho con du học Mỹ, chị Dương luôn tìm đọc thông tin về giáo dục, trường, lớp qua mọi kênh, chắt lọc và tự kiểm chứng rồi cùng con xây dựng mục tiêu, vạch ra lộ trình và thực hiện từng bước. Chị Dương biết con không quá xuất sắc nên không đặt mục tiêu vào nhóm trường Ivy League (8 trường đại học, viện đại học có hệ thống triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu nước Mỹ).

Theo chị Dương, thời điểm tốt nhất để xác định nghề, ngành học bậc đại học là lúc kết thúc trung học cơ sở và bắt đầu vào trung học phổ thông. Nếu để muộn hơn, con sẽ khá mệt vì phải chạy đua với thời gian. Khi đã xác định được ngành nghề, việc chọn trường sẽ thuận lợi hơn vì có thể tìm được ngay thông tin về xếp hạng ngành, trường ở Mỹ một cách dễ dàng.

Chị Dương và con gái lớn Khả Hân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Dương và con gái lớn Khả Hân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời điểm này, sự tư vấn của bố mẹ hoặc giáo viên là rất cần thiết, giúp con hiểu rõ tính chất và những đòi hỏi về nghề nghiệp, ngành học mình muốn theo đuổi. Những thông tin được cung cấp này là nền tảng để con tự soi chiếu xem mình có thực sự yêu thích và phù hợp hay không. Khi đã có ý niệm rõ ràng về nghề, con sẽ tập trung học tập, thi cử, ngoại khóa hay hoạt động cộng đồng phục vụ cho ngành nghề đã chọn.

Khả Hân thể hiện sự học lệch rõ từ cấp hai. Cô bé học và vận dụng các môn liên quan đến ngôn ngữ, khoa học xã hội luôn dễ dàng hơn so với các môn khoa học tự nhiên. Vợ chồng chị Dương chấp nhận cho con chọn hướng đi thiên về khoa học xã hội, bớt tập trung vào các môn khoa học tự nhiên nhưng vẫn cố gắng đạt từ điểm 7 để không ảnh hưởng xếp loại chung cuộc và đảm bảo kiến thức cơ bản.

Khả Hân học lớp Văn - Anh ở trường THCS Đoàn Thị Điểm và chuyên Sử trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Những môi trường ấy mang lại cơ hội để cô bé đi đúng con đường đã vạch ra, với định hướng nghề nghiệp tương lai là Truyền thông - Báo chí - Viết sáng tạo.

Giáo dục đại học Mỹ xét hồ sơ tuyển sinh thông qua thành tích học tập, điểm số, chứng chỉ quốc tế, hoạt động ngoại khóa và dự án xã hội, cộng đồng. Do đó, ba năm trung học phổ thông, Hân tập trung tích lũy những yêu cầu này.

Lớp 10, Khả Hân bắt đầu học IELTS và SAT. Nếu đúng lộ trình, Hân sẽ thi SAT và IELTS lần một vào học kỳ II lớp 11 để nếu điểm chưa đủ cao còn có cơ hội thi lại vào kỳ nghỉ hè lớp 11. Đợt nộp hồ sơ sớm sẽ bắt đầu vào tháng 10 của năm học lớp 12. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến lịch thi ở học kỳ II bị hủy, Khả Hân phải đăng ký thi vào tháng 7, 8 và 10 (IELTS, SAT tổng và SAT văn học).

"Đây là lý do tại sao luôn phải đặt kế hoạch sớm hơn hạn chót ít nhất 3 - 6 tháng do những yếu tố khách quan bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai, chính trị...", chị Dương cho biết.

Con gái chị Dương cũng đăng ký vào nhiều dự án, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa trong và ngoài trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, và luôn ứng tuyển vào Ban nội dung, Ban truyền thông, Ban tác giả, hoặc Ban tổ chức các sự kiện.

Bà mẹ ba con cho rằng việc được tham gia vào những công việc chuyên môn gắn với định hướng nghề nghiệp sau này là rất quan trọng để hoạt động ngoại khóa đủ sâu, đủ mạnh, thực chất và không bị dàn trải hay hình thức. Tích cực hoạt động ngoại khóa nhưng Khả Hân vẫn cần đảm bảo việc học tập ở trường để điểm GPA (trung bình các môn) ở mức 8,5 trở lên.

Sang năm lớp 11, Khả Hân rút các hoạt động, chỉ tập trung ở hai câu lạc bộ (Sáng tác, Truyền thông) và một dự án (dành cho Những người yêu Lịch sử). Tranh thủ thời gian nghỉ dịch gần hết học kỳ II lớp 11, nữ sinh đăng ký khóa học viết luận online.

Ở lớp 12, do đã có điểm IELTS 7.5, SAT > 1400, GPA 9.0, Khả Hân dành thời gian đầu tư hoàn thiện bài luận chính cùng các bài luận phụ tùy theo yêu cầu của từng trường đại học. Chị Dương đánh giá phần bài luận luôn quan trọng nhất trong hồ sơ. Bài luận giúp trường thấy con khác biệt với những bạn khác như thế nào và phù hợp với trường ra sao hay sẽ mang đến những giá trị nào cho ngôi trường của họ. Khả Hân từng viết vài chục lần, trước khi có bản cuối cùng.

Sau đó, chị Dương và con gái cũng bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ nộp vào các trường.

"Phụ huynh cần lưu ý tới các thời điểm nộp hồ sơ. ED (Early Decision) là quyết định sớm có ràng buộc cam kết phải học khi được nhận, chỉ chọn một trường duy nhất để nộp, EA (Early Action) quyết định sớm không có ràng buộc, từ 1/11 đến 15/11 hàng năm. Ngoài ra, đợt RD (Regular Decision) sẽ trải dài đến hết tháng 3 năm sau", chị Dương giải thích.

Theo chị, một chiến lược quan trọng là danh sách trường. Việc chọn rank (xếp hạng) trường không quan trọng bằng rank ngành. Vì vậy, mẹ con chị quyết định chọn trường top 50, ngành top 30 và chia thành ba nhóm theo thứ tự ưu tiên. "Đa số các con sẽ chọn nộp hồ sơ 10 - 20 trường cho cả ba kỳ hạn (1 - 2 trường ED, 3-5 trường EA còn lại là RD)", chị Dương nói.

Ở giai đoạn hồ sơ, chị khuyên các gia đình cần sự tư vấn từ người quen có kinh nghiệm, du học sinh, học trung tâm uy tín để việc chọn trường, chọn ngành, khai form được chính xác và suôn sẻ. Phần lớn các trường sẽ nhận hồ sơ qua một cổng chung (Common App), chỉ số ít nộp trực tiếp.

Phụ huynh cũng cần nghiên cứu kỹ các loại chi phí (học phí, ăn ở, sách vở và các khoản phí khác có thể thay đổi theo từng năm học), quỹ học bổng, hỗ trợ tài chính của từng trường dựa trên kết quả học tập, điểm số chứng chỉ... cùng khả năng tài chính gia đình để điền mức có thể chi trả mỗi năm. Đây là căn cứ để các trường xem xét, cân nhắc và đưa ra đề nghị về học bổng, hỗ trợ tài chính.

Với chị Dương, Khả Hân là thành công bước đầu và chị vẫn từng ngày nghiền ngẫm để tìm ra hướng đi phù hợp nhất với hai cậu con trai sau.

"Mỗi đứa trẻ là một cá thể, chỉ bố mẹ mới hiểu con nhất. Vì vậy, phụ huynh hãy chấp nhận sự thực rằng với mỗi đứa con là một lần chúng ta học cách làm bố mẹ. Bản thân tôi vẫn đang trên hành trình học hỏi ấy", chị Dương tâm sự.

Tags:
Câu nói của đứa trẻ nghèo khiến người giàu xấu hổ, câu chuyện nhân văn dạy ta nhiều điều

Câu nói của đứa trẻ nghèo khiến người giàu xấu hổ, câu chuyện nhân văn dạy ta nhiều điều

Vào những năm 1990, Kenneth Behring – nhà từ thiện người Mỹ – đi qua khu vực Vịnh San Francisco. Anh bỗng nhiên không thấy chiếc ví của mình đâu. Người trợ lý cho rằng có lẽ chiếc ví bị mất khi đi bộ qua khu ổ chuột ở Berkeley vào buổi sáng. Trước tình thế đó, Behring nghĩ rằng chỉ có thể đợi người nhặt được chiếc ví liên hệ với mình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất