Mẹ Việt Ở Mỹ Bị Trầm Cảm Sau Sinh Đến Mức Không Muốn Nằm Cạnh Con, Nguyên Nhân Do Cố Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

Mặc dù là một người lạc quan, vui vẻ song sau khi sinh con đầu lòng, chị Nhã đã bị trầm cảm sau sinh hơn 1 tháng.

09:00 09/08/2021

Tập 6 của chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa Cali” phát sóng mới đây đã giới thiệu đến khán giả về câu chuyện bầu bí, sinh nở của chị Nhã Hồ, 31 tuổi hiện đang sống ở Anaheim California hiện là mẹ của một bé gái được 3 tuổi.

Chị Nhã cho biết sau khi kết hôn vợ chồng chị muốn có con luôn nên đã “thả” để có bầu. Thế nhưng, sau 4 tháng mà vẫn chưa có tin vui, chị sợ mình bị vô sinh nên tức tốc đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi được bác sĩ trấn an và kê thuốc bổ uống, khoảng 2-3 tháng sau là chị biết tin mình có bầu.

a - Ảnh 1.

Chị Nhã Hồ, 31 tuổi hiện đang sống tại Anaheim California.

Bà mẹ trẻ cho biết, chị may mắn khi có một thai kỳ suôn sẻ và không xảy ra bất cứ vấn đề gì nghiêm trọng. Quá trình sinh nở của chị cũng diễn ra khá dễ dàng, em bé chào đời khoẻ mạnh, nặng 3kg.

Thế nhưng thời kỳ sau sinh mới là lúc nảy sinh những vấn đề khiến chị bị strees. Mặc dù được gia đình chồng và ông xã quan tâm, động viên rất nhiều nhưng chị vẫn bị trầm cảm sau sinh hơn 1 tháng.

Bản thân vốn là một người rất lạc quan, vui vẻ nên chị Nhã không bao giờ nghĩ mình sẽ bị trầm cảm. Tuy nhiên lần đầu làm mẹ khiến chị không tránh khỏi những bỡ ngỡ, việc cho bú sai cách khiến bé không bú được nhiều dù mẹ dạt dào sữa.

a - Ảnh 2.

Hành trình mang thai, sinh con của chị Nhã diễn ra suôn sẻ.

a - Ảnh 3.

Tuy nhiên sau đó chị phải đối diện với việc bị áp xe vú dẫn đến trầm cảm sau sinh.

Con không được ăn no, bé đói nên khóc rất nhiều còn chị Nhã bị tắc tia sữa, dẫn đến hậu quả là áp xe vú. “Mình bị sốt cao, chỉ biết nằm trong phòng khóc. Mình rất thương con, muốn ở cạnh con. Khi bị trầm cảm, mình biết bản thân bị trầm cảm nhưng không có cách nào thoát ra được. Lúc nào mình cũng chỉ muốn nằm một mình, không giao tiếp với ai. Mình còn nói với mẹ chồng là bà hãy bế con của mình đi đi, mình không muốn nằm cạnh bé nữa vì bé cứ khóc suốt.

Mẹ chồng mình cứ nghĩ là mình buồn thôi nên cũng rủ bà con họ hàng đến thăm nhưng mình không muốn gặp ai hết. Con người mình thay đổi tính tình rất là kỳ cục. Thậm chí mình còn đòi ly dị chồng chỉ vì nhờ ông xã đi lấy giúp một ly nước cam mà anh đi hơi lâu một chút” – chị Nhã nhớ lại.

Không chỉ về mặt tinh thần, sức khoẻ của chị Nhã cũng sa sút thấy rõ, ngày nào cũng bị sốt cao. Thấy tình trạng ngày càng xấu đi, chị được ông xã đưa vào bệnh viện kiểm tra và bác sĩ thông báo rằng chị phải mổ ngay lập tức vì vùng áp xe đã có nhiều mủ. Chị Nhã được mổ hút mủ và máu ở vùng áp xe ra xong xuôi nhưng đau đớn chưa dừng lại ở đó.

a - Ảnh 4.

Ông xã của chị Nhã luôn ở bên động viên, chăm sóc cho vợ.

Những ngày sau đó, chị phải đối diện với cơn đau vết mổ rất khủng khiếp: “Lúc bác sĩ rút băng gạc dài loằng ngoằng từ trong vết mổ ra ngoài, người mình bắt đầu run lên, hai hàm răng đập vào nhau kêu lập cập, bác sĩ phải tiêm thêm thuốc giảm đau nhưng mình không thấy đỡ chút nào”.

Sau khi mổ xong, chị Nhã bị mất sữa và em bé phải uống sữa công thức hoàn toàn. Tuy nhiên cũng từ đây, chị thẳng thắn nhận ra sai lầm của mình: “Vợ chồng mình đã hơi cổ hủ vì đáng lẽ khi bị áp xe là mình phải cho con chuyển sang uống sữa công thức luôn để bé có nguồn thức ăn. Nhưng vì mình nghĩ sữa mẹ là tốt nhất nên mình cứ cố gắng duy trì bằng cách hút sữa cho con, hút mãi chẳng ra sữa mà con thì khóc vì đói.

Đến khi bác sĩ nói với mình rằng thật ra ra sữa công thức cũng rất tốt thì mình mới cho con uống. Và quả thật là uống sữa xong bé rất thoải mái, ngủ rất ngon. Nhìn con như vậy thì mình cũng cảm thấy thoải mái tinh thần hơn. Lúc trước mình bị stress nhiều chính là vì áp lực không có sữa cho con bú”.

a - Ảnh 5.

Công chúa nhỏ của chị Nhã.

a - Ảnh 6.

Hiện tại bé đã được 3 tuổi.

Chữa khỏi áp xe ngực, tình trạng trầm cảm của chị Nhã cũng dần thuyên giảm khi vào một ngày đẹp trời, bỗng dưng chị nổi hứng rủ chồng: “Hôm nay mình đi uống trà sữa đi anh”, khiến ông xã của chị ngỡ ngàng. May mắn là trong suốt thời gian chị Nhã bị trầm cảm, chồng là người luôn ở bên động viên, an ủi và giúp đỡ chị trong việc chăm sóc em bé.

Sau câu chuyện của mình, chị Nhã ít nhiều cũng có một vài lời khuyên dành cho các chị em, để nếu ai đó không may rơi vào hoàn cảnh giống mình thì sẽ không đi vào vết xe đổ của chị nữa: “Khi các mẹ bị trầm cảm thì các mẹ nên suy nghĩ là mình bị bệnh, mình chỉ là đang bị bệnh thôi để mọi thứ tích cực hơn. Những hành động, suy nghĩ của mình lúc đó là do mình đang bị bệnh, mình cần phải đi chữa bệnh, khi mình chữa xong thì mình sẽ hết.

Các mẹ cũng đừng ủ bệnh giống như mình. Đáng lẽ bản thân biết mình đã trầm cảm thì mình nên đi gặp bác sĩ tâm lý sớm hơn”.

 PV

Tags:
Chúng ta có thể thay đổi tính cách của mình không?

Chúng ta có thể thay đổi tính cách của mình không?

Câu nói "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" liệu có chính xác hoàn toàn? Nhân cách và bản tính khác nhau như thế nào dưới góc nhìn tâm lý học?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất