Mối tức giận khiến Trump 'đuổi cổ' Mattis trước hạn

Những xung đột về chính sách quốc phòng, đối ngoại với Trump suốt một năm qua bùng nổ bằng lá thư từ chức của Mattis.

01:00 25/12/2018

Mattis (trái) và Trump trong một cuộc họp nội các đầu năm 2018. Ảnh: NY Times.

Mattis (phải) và Trump trong một cuộc họp nội các năm 2017. Ảnh: NYTimes.

Chưa đầy hai giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới gửi thư từ chức, Tổng thống Donald Trump đứng trong phòng Bầu Dục, gõ dòng tweet với những lời ca ngợi để thông báo rằng Mattis sẽ nghỉ hưu "với thành tích xuất sắc" vào cuối tháng 2 năm sau.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao ở Nhà Trắng tiết lộ Trump đã không đọc nội dung bức thư từ chức của Mattis trước khi đưa ra thông báo này. Trong thư, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ trích mạnh mẽ chính sách và hành động của Tổng thống, cho rằng ông chủ Nhà Trắng đã bỏ quên đồng minh và nhượng bộ những đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Trump sau đó càng lúc càng giận dữ khi chứng kiến nhiều nhà phân tích quốc phòng ca ngợi quyết định "đầy dũng cảm" của Mattis trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, đến khi ông cho rằng mọi thứ là quá đủ với dòng trạng thái trên Twitter hôm 23/12, theo NY Times.

"Tôi hân hạnh thông báo rằng Patrick Shanahan, Thứ trưởng Quốc phòng vô cùng tài năng của chúng ta, sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng từ ngày 1/1/2019. Patrick đã có nhiều thành tựu trên cương vị thứ trưởng, cũng như khi còn làm việc ở Boeing", Trump viết.

Với thông báo này, Trump đã sa thải Mattis tới hai tháng trước thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến rời nhiệm sở. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cũng là giọt nước làm tràn ly sau một tuần đầy xôn xao ở Lầu Năm Góc, nơi các quan chức quay cuồng với sự thay đổi đột ngột trong chính sách quốc phòng của Washington.

Mattis muốn giữ chức tới tháng 2/2019 để tham gia cuộc họp các bộ trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm bảo đảm những động thái tăng cường lực lượng đối phó Nga. Tuy nhiên, thư từ chức của ông không đem lại nhiều lợi ích cho nỗ lực này. "Thật khó tưởng tượng làm cách nào Mattis sẽ làm việc trong hai tháng để đại diện cho một Tổng thống có nhiều thiện cảm với Nga", bình luận viên Katie Rogers nhận định.

Mattis (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp hồi năm ngoái. Ảnh: AFP.

Mattis (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp hồi năm ngoái. Ảnh: AFP.

Trump và Mattis nhiều lần công khai thể hiện suy nghĩ trái ngược về cách đối xử với đồng minh và đối thủ. Ông chủ cho rằng Mattis không còn lý do gì để ở lại Lầu Năm Góc trong giai đoạn được gọi là "vịt què", ám chỉ khoảng thời gian một quan chức sắp nghỉ việc, đã có người thay thế và không còn sức ảnh hưởng tới chính sách chung.

Quan chức các nước đồng minh của Mỹ cũng thể hiện sự bực tức trước việc Trump ép Bộ trưởng Mattis ra đi chóng vánh như vậy. "Trump đuổi cổ Bộ trưởng Mattis gần như ngay lập tức. Không có sự chuyển giao, không có nỗ lực tái cam kết với các đồng minh. Chỉ có thù hằn", cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết trên Twitter.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ca ngợi Mattis sau quyết định ra đi của ông. "Trong một năm qua, chúng ta đã thấy ông ấy là đối tác đáng tin cậy như thế nào", Macron nói hôm 23/12.

Dù đẩy nhanh việc sa thải Mattis, Tổng thống Mỹ dường như lại kìm hãm quá trình rút hơn 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Ông cho biết đã bàn với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc "điều phối hoạt động rút lính Mỹ một cách chậm rãi khỏi khu vực".

Chỉ vài ngày trước, Trump tuyên bố đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khẳng định quân đội Mỹ sẽ rút lực lượng "hoàn toàn và nhanh chóng".

Quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ không tiết lộ thời gian biểu rút quân tại Syria, nhưng cho biết Trump bảo đảm với Erdogan rằng lính Mỹ sẽ ở Syria đủ lâu để bảo đảm chuyển giao quyền lực một cách có trật tự, cũng như duy trì "hỗ trợ về mặt hậu cần" nhằm tiêu diệt tàn quân IS.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang tập kết quân gần một thị trấn miền bắc Syria do dân quân người Kurd thân Mỹ kiểm soát. Ankara từng hứa hủy bỏ chiến dịch tấn công vào thị trấn này sau khi Trump quyết định rút quân.

Mattis từ chức nhằm phản đối quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria của Trump, cũng như kế hoạch giảm một nửa quân số 14.000 lính tại Afghanistan. Việc triển khai binh sĩ Mỹ tới biên giới giáp Mexico cũng là một điểm bất đồng giữa hai người.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc được truyền thông mô tả như một anh hùng khi dám đối đầu với Trump. Điều này càng khiến ông chủ Nhà Trắng giận dữ, trước khi nhắc lại việc từng trao cơ hội thứ hai cho Mattis sau khi ông bị cựu tổng thống Barack Obama sa thải khỏi vị trí chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ năm 2013 vì quan điểm quá diều hâu với Iran.

"Một số người cho rằng không nên nhưng tôi nghĩ tôi nên làm. Tôi đã trao cho ông ấy toàn bộ nguồn lực mà ông ấy không bao giờ có được. Đồng minh rất quan trọng, nhưng sẽ không còn quan trọng nữa khi họ lợi dụng Mỹ", Trump viết.

Sáng 23/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo cho Mattis rằng ông chỉ còn giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong hơn một tuần nữa. Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chính sách an ninh, đối ngoại trong khi Trump tìm kiếm người thay thế Mattis. Thứ trưởng Shanahan sẽ bảo đảm hoạt động ổn định tại Lầu Năm Góc trong giai đoạn này.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Reuters.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Reuters.

Các trợ lý của Trump tiết lộ Tổng thống Mỹ ưa thích Thứ trưởng Shanahan vì ông thường xuyên ủng hộ quan điểm của Trump, trong đó phê phán những khoản chi quá lớn cho các hệ thống vũ khí tối tân. Hồi năm ngoái, Shanahan hủy bỏ cam kết phá hủy kho bom chùm của Washington, cho phép quân đội Mỹ tiếp tục sở hữu loại khí tài bị 102 quốc gia cấm sử dụng vì sức hủy diệt lớn nhằm vào dân thường.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Trump hủy kỳ nghỉ Giáng sinh vì chính phủ đóng cửa

Trump hủy kỳ nghỉ Giáng sinh vì chính phủ đóng cửa

Trump ở lại Nhà Trắng thay vì đến khu nghỉ dưỡng ở Florida để đón Giáng sinh sau khi thượng viện Mỹ không thông qua dự luật chi tiêu mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất