Mong muốn cuối cùng trước khi qua đời của nữ thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ

Ít ngày trước khi qua đời vì bệnh ung thư, Thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ Bader Ginsburg nói rằng mong muốn cuối cùng của bà là vị trí của bà sẽ không bị thay thế cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

05:00 20/09/2020

Theo CNBC, bà Ginsburg, 87 tuổi, tối ngày 18/9 đã qua đời vì các biến chứng của bệnh ung thư tuyến tụy di căn. NPR dẫn nguồn tin cho biết, trong những ngày cuối đời, Thẩm phán Ginsburg đã nói rằng mong muốn lớn nhất của bà là sẽ không bị thay thế cho tới khi một tổng thống mới được bầu ra sau kỳ bầu cử ngày 3/11 tới.

Thẩm phán quá cố của Tòa Tối cao Mỹ Bader Ginsburg (Ảnh: Reuters)

Theo NPR, nữ thẩm phán theo chủ nghĩa tự do đã nêu ra tâm nguyện của bà với người cháu gái Clara Spencer.

Theo luật pháp Mỹ, Tòa Tối cao Mỹ gồm 9 thẩm phán có nhiệm kỳ trọn đời, đồng nghĩa với việc sau khi được bầu vào cơ quan này, họ chỉ có thể bị thay thế khi đã qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Khi một trong hai kịch bản trên xảy ra, tổng thống Mỹ sẽ đưa ra ứng viên mà người này cho là phù hợp và Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu để thông qua hoặc bác bỏ đề cử.

Tòa Tối cao Mỹ đứng đầu nhánh tư pháp và có vai trò quan trọng trong cơ chế tam quyền phân lập của nước này. Tòa Tối cao có quyền xét xử các vụ việc liên quan tới Chính phủ liên bang, giải quyết các tranh chấp, xem xét tính vi hiến hay hợp hiến ở với các hoạt động ở mọi cấp và có thể vô hiệu hóa luật.

Sau khi bà Ginsburg qua đời, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đưa thêm một thẩm phán có quan điểm bảo thủ vào Tòa Tối cao. Hiện ông Trump đang có cơ hội lớn để thực hiện điều này vì Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Điều này có thể khiến cán cân tư tưởng ở Tòa Tối bị thay đổi, do 5 thẩm phán của cơ quan hiện có quan điểm bảo thủ. Nếu ông Trump thành công, phe có quan điểm bảo thủ sẽ nắm 6/9 ghế trong Tòa Tối cao, theo Reuters.

Nữ thẩm phán được kính trọng

Mong muốn cuối cùng trước khi qua đời của nữ thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ - 2
Cờ rủ bên ngoài Tòa Tối cao Mỹ (Ảnh: Reuters)

Sau khi nghe tin bà Ginsburg qua đời, nhiều người dân Mỹ đã tới bên ngoài Tòa Tối cao ở Washington để cầu nguyện và chia sẻ niềm tiếc thương với sự ra đi của bà. Những ngọn nến, bông hoa và biển hiệu được đặt xuống và Tòa Tối cao đã treo cờ rủ để tưởng niệm bà.

Trong suốt hàng chục năm phụng sự nước Mỹ, bà Ginsburg - người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử được bầu làm thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ - được coi là người hùng với nhiều người Mỹ. Bà là người luôn kêu gọi quyền lợi cho phụ nữ, cho các nhóm thiểu số kể từ khi được cựu Tổng thống Bill Clinton đề cử vào Tòa Tối cao từ năm 1993. Bà được xem là tiếng nói của chủ nghĩa tự do tại Tòa Tối cao.

Mong muốn cuối cùng trước khi qua đời của nữ thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ - 3
Nhiều người tới Tòa Tối cao Mỹ để đặt hoa, thắp nến nhằm tưởng niệm bà Ginsburg 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở New York, bà Ginsburg đã vượt qua những định kiến áp đặt lên phụ nữ và có một sự nghiệp thành công và truyền cảm hứng cho nhiều người Mỹ.

Sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn, chỉ cao 1 mét 55, nhưng bà Ginsburg có tầm ảnh hưởng rất lớn khi bà luôn là người bảo vệ quyền của phụ nữ, của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), bảo vệ đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare, và mở rộng quyền cho người nghèo thuộc nhóm thiểu số trong xã hội.

Tranh cãi lưỡng đảng

Theo Guardian, trong khi một số thành viên phe Cộng hòa và ông Trump dường như đang muốn thúc đẩy quá trình đề cử và bầu thẩm phán Tòa Tối cao mới, thì phe Dân chủ, bao gồm cả cựu Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ước muốn của bà Ginsburg.

Quan điểm của ông Obama là phe Cộng hòa nên tuân theo tiền lệ mà họ đã đặt ra vào năm 2016. Khi đó, sau khi Thẩm phán có quan điểm bảo thủ Antonin Scalia qua đời, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã chặn ông Obama đề cử ứng viên thay thế trong năm bầu cử.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell 4 năm trước từng phát biểu: “Người Mỹ nên có tiếng nói trong việc lựa chọn thẩm phán Tòa Tối cao kế tiếp. Vì vậy, việc này nên được thực hiện cho tới khi chúng ta có tổng thống mới”.

Mặc dù vậy, ông McConnell, một thượng nghị sĩ phe Cộng hòa, tối 18/9 lại nói rằng đề cử của ông Trump sẽ “được đưa ra đề bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ”. Năm ngoái, ông McConnell cũng từng nói rằng ông sẽ chấp thuận việc bầu thẩm phán mới vào Tòa Tối cao, cho dù sự kiện này diễn ra vào năm bầu cử. Tuyên bố này đã bị hứng chỉ trích là “đạo đức giả” vì đi ngược với những gì ông nói 3 năm trước.

Sau khi bà Ginsburg qua đời, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer, thành viên đảng Dân chủ, đã đăng tải lại thông điệp của ông McConnell vào năm 2016 trên mạng xã hội Twitter.

Tuy nhiên, Guardian cũng nói rằng phe Cộng hòa chỉ nhỉnh hơn phe Dân chủ không nhiều tại Thượng viện và việc đảng Cộng hòa có thể đưa thêm thẩm phán có quan điểm bảo thủ vào Tòa Tối cao là chưa hoàn toàn chắc chắn. Thượng viện Mỹ hiện có một số nghị sĩ đảng Cộng hòa nhưng không hoàn toàn có quan điểm trùng khớp với ông Trump như Mitt Romney hay Susan Collins và đây có thể được xem là những “nhân tố bí ẩn”.

Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đều đồng loạt kêu gọi việc bầu thẩm phán Tòa Tối cao nên chờ tới sau bầu cử.

Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/mong-muon-cuoi-cung-truoc-khi-qua-doi-cua-nu-tham-phan-toa-toi-cao-my-20200919165016844.htm

Tags:
Hàng loạt thẩm phán, luật sư mắc Covid-19 sau phiên tòa ở New York

Hàng loạt thẩm phán, luật sư mắc Covid-19 sau phiên tòa ở New York

Việc một thẩm phán tử vong và hàng loạt luật sư mắc Covid-19 sau một phiên tòa ở New York là ví dụ cho thấy giãn cách xã hội đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc ngăn virus lây lan.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất