Mong muốn 'tự lực' của Trung Quốc vì chiến tranh thương mại với Mỹ

Trung Quốc muốn thúc đẩy tự sản xuất bộ phận máy móc và linh kiện điện tử để thoát cảnh lệ thuộc vào Mỹ.

07:00 06/10/2018

Mong muốn tự lực của Trung Quốc vì chiến tranh thương mại với Mỹ

Một nhà máy sản xuất thiết bị y tế ở đông Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tại một công ty gần Thượng Hải, để chế tạo thiết bị đo chính xác cho các hãng ôtô và các ngành công nghiệp khác, các kỹ sư phải phụ thuộc vào những thiết bị nhập khẩu từ Mỹ.

Nhưng công ty Công nghệ Quang điện Osaitek Tô Châu đang đẩy nhanh kế hoạch tự sản xuất các bộ phận này, theo kỹ sư trưởng He Zhongya. Nguyên nhân là các đòn áp thuế mới trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho các bộ phận do Mỹ sản xuất trở nên quá đắt đỏ.

Công ty này từ lâu đã tính đến việc tự sản xuất, nhưng "cuộc chiến thương mại đã khiến chúng tôi phải đẩy nhanh tốc độ", ông nói.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã áp đặt thuế quan đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của đối phương. Giới phân tích cho rằng các biện pháp sẽ gây ảnh hưởng nặng nề hơn với kinh tế Trung Quốc vì họ dựa nhiều hơn vào xuất khẩu.

Căng thẳng thương mại khiến các quan chức chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy những thay đổi có thể khiến nền kinh tế cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. "Khủng hoảng khiến Trung Quốc phải phát triển nhanh hơn", He nói.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ đã bị phơi bày rõ ràng khi Bộ Thương mại Mỹ năm nay chặn các công ty Mỹ bán linh kiện quan trọng cho nhà sản xuất phần cứng viễn thông Trung Quốc ZTE, buộc họ phải dừng gần như toàn bộ hoạt động.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng của ZTE đã củng cố niềm tin rằng đất nước cần phải tự lực hơn. "Bạn sẽ thấy nhiều nỗ lực tập trung vào sáng kiến trong nước hơn", Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

Chi tiêu của các nước trong nghiên cứu và phát triển. Đồ họa: CNN.

Chi tiêu của các nước trong nghiên cứu và phát triển. Đồ họa: CNN.

Chiến dịch quyết liệt của Bắc Kinh nhằm xây dựng các ngành sản xuất tinh vi hơn là nguyên nhân dẫn đến chỉ trích chính của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc có những hành động không công bằng, chẳng hạn như trộm cắp tài sản trí tuệ, để nắm giữ bí mật công nghệ Mỹ. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc.

Mối quan hệ xấu đi với Mỹ có thể khiến Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác về công nghệ tiên tiến với Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và các nước châu Âu, Kennedy nói.

Theo Kenny Liew, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Fitch Solutions, Bắc Kinh trong những tháng gần đây đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực như bảo vệ sở hữu trí tuệ, khi họ đang tìm cách khuyến khích phát triển  công nghệ trong nước.

"Chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực", ông nói. "Chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ thúc đẩy các loại cải cách này".

Thay đổi

Trong 20 năm qua, cỗ máy xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc  đã chuyển từ hàng hóa như quần áo và đồ chơi sang điện tử và điện thoại thông minh.

"Trung Quốc không còn là nơi chỉ sản xuất hàng hóa cấp thấp", Xu Bin, giáo sư kinh tế và tài chính tại trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu ở Thượng Hải, nhận định. Các công ty Trung Quốc "rất nhạy cảm với môi trường thay đổi" và việc áp thuế quan "là lực đẩy bổ sung để các công ty tư nhân Trung Quốc nâng cấp".

Các làn sóng thuế quan mới cũng làm dấy lên nghi ngờ về độ hấp dẫn của Trung Quốc với tư cách là trung tâm sản xuất. Nhiều công ty cho biết họ đang cân nhắc việc chuyển sản xuất sang các nước khác để tránh phải trả thêm chi phí, khiến chính phủ Trung Quốc chịu áp lực tìm cách bù đắp thiệt hại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn kinh tế ở Nga hồi tháng 9. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn kinh tế ở Nga hồi tháng 9. Ảnh: AFP.

Bắc Kinh từ lâu đã bị chỉ trích là ưu ái doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước lớn, khiến các công ty nước ngoài chùn bước. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết rằng họ sẽ mở cửa nền kinh tế với tốc độ phù hợp.

Chiến tranh thương mại có thể đẩy nhanh quá trình đó vì một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc giờ không còn nhiều sự lựa chọn. "Trung Quốc phải mở cửa thị trường", Jack Ma, chủ tịch điều hành của Alibaba, tháng trước nói.

Bắc Kinh gần đây thực hiện một loạt biện pháp để củng cố nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, bao gồm cắt giảm thuế. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng trước cam kết sẽ đưa ra nhiều biện pháp hơn.

Nếu cam kết này bao gồm cho phép sự cạnh tranh lớn hơn từ doanh nghiệp nước ngoài, các công ty Trung Quốc sẽ phải nỗ lực hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Những thay đổi như vậy "sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế trong dài hạn" và giúp Trung Quốc "tạo ra chất lượng tăng trưởng tốt hơn", Aidan Yao, nhà kinh tế tại công ty quản lý tài sản AXA Investment Managers, nhận định.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Mỹ có thể dồn toàn lực cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Mỹ có thể dồn toàn lực cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng nhờ đòn bẩy từ các thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico và Hàn Quốc, Mỹ có thể thắt chặt chính sách với Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất