Một ngày trong khu thương mại Việt sầm uất

Ðể thích nghi với cuộc sống, làm việc ở xứ người, nhiều người Việt ở hải ngoại phải tự điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, suy nghĩ, thói quen… Những câu chuyện dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn về một lớp người Việt trong thời buổi hội nhập.

23:01 25/11/2017

Mỗi buổi sáng thức giấc, ông Nguyễn Văn Nghĩa có thói quen uống một ly cà phê, hút một điếu thuốc trước khi đi làm, trong khi bà Nghĩa, 49 tuổi, lo bữa ăn sáng cho chồng con và chuẩn bị thức ăn trưa, rồi cũng hối hả lên xe.

Ông Nghĩa, 58 tuổi, làm việc cho một văn phòng xây dựng ở Fremont, còn bà Nghĩa làm phụ tá cho một phòng nha ở Milpitas. Không phải người đàn ông Việt Nam nào cũng có thói quen cà phê cà pháo buổi sáng như ông Nghĩa, nhưng có thể nói đa số các ông ở vào tuổi 50 trở lên đều như thế. Có ông còn tuyên bố không có cà phê buổi sáng không làm việc được.

Từ ngày tiểu bang cấm hút thuốc trong quán, những quán cà phê nào có vỉa hè là nơi đó thu hút khách. Có nhiều lý do để ghé qua các khu thương mại Việt Nam, ngoài việc đi mua sắm, ăn uống.

Một chuyên viên bán bảo hiểm của công ty New York Life nói: Họ hẹn nhau ra đây với bạn, ghé ăn trưa, kiếm khách hàng và nhiều việc linh tinh khác. Một anh làm quảng cáo: ra đây tìm gặp các thân chủ.

Người ta đến các khu thương mại nói riêng các khu thương mại Việt Nam, mà không nhất thiết phải có một lý do nào đặc biệt. Một ông cụ đến Mỹ hơn 15 năm, 70 tuổi, không cho biết tên, ngồi trong các dãy ghế bên trong Grand Century Mall, cho biết ở nhà nóng quá, ra đây ngồi đọc báo, ngồi chơi thôi. 

Tại trung tâm thương mại Lion Plaza, mỗi ngày đều có những nhóm người ngồi quây quần quanh một bàn cờ tướng, có ít nhất là 3 đến 10 bàn cờ được bày ra tranh tài. Một vị cao niên, nhà ở khu chung cư bên cạnh Lion Plaza, cho biết con cái đi làm, ở nhà buồn ra đây đọc báo và coi đánh cờ.

Một gian hàng trong khu thương mại Lion Plaza ở ,

Tại khu thương mại Carribbees, trên đường Senter Road – mà người Việt ở đây đặt cho một cái tên là làng Việt Nam. Khoảng 6 giờ, những xe phân phối báo Việt ngữ sẽ ghé qua khu này, rất nhiều người đã có mặt chờ đợi (phần đông là những vị cao niên). Họ vây quanh người phát báo, lấy báo.

Chừng 7 giờ sáng, quán cà phê Queen Bakery (có tên gọi là cà phê H.O.) đã có khách. Từ 7 giờ đến hơn 8 giờ sáng, khách hàng là những người đi làm, họ ghé qua mua vội ly cà phê, cái bánh bao… rồi đi.

Ðến 9 giờ, khách hàng là những vị cao niên, những bạn bè hẹn nhau ra quán. Quán ồn ào náo nhiệt hơn, ngoài hành lang là những chiếc ghế đẩu bằng sắt bắc dài theo lối đi. Mọi đề tài đều được đem ra bàn cãi ở đây. Mọi tin tức từ nhỏ đến lớn, từ quốc nội đến quốc tế… chính trị, văn hóa, xã hội, cộng đồng… đều được thông báo tại đây.

Hiện nay tại San Jose và các vùng phụ cận, con số người Việt sinh sống là trên dưới 120.000, trong số đó nhiều người đã có nhà cửa ổn định. Nhìn các cuốn niên giám dày hàng ngàn trang với số bác sĩ, nha sĩ, luật sư hoặc các chuyên viên người Việt… người ta nghĩ rằng cộng đồng Việt đã ổn định và càng ngày càng phát triển, đó là chưa kể có một số người Việt sống hoàn toàn tách biệt, họ làm ăn và sinh hoạt với người bản xứ.

Ði sâu vào đời sống cộng đồng có thể có nơi có lúc, có người không hoàn toàn thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Nếu một người mới đến định cư vài ba năm thì sự không ổn định có thể hiểu được, nếu họ có những suy nghĩ nửa nạc nửa mỡ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có một số người thoạt nhìn đã ổn định nhưng họ vẫn không thấy Hoa Kỳ là nơi sung sướng và là đất lành.

Một người bán hàng tại một tiệm sách, Nguyễn Hạnh, 69 tuổi, đã nghỉ hưu, các con đã nên người, ông nói: Không sung sướng đâu anh ạ. Này nhé, có một căn nhà đó đâu phải là của mình. Của ngân hàng đấy. Chiếc xe cũng thế… con nợ… Rồi bao nhiêu thứ tiền phải lo, tiền điện, tiền nước, tiền rác, tiền bảo hiểm y tế… đủ thứ cho đến lúc xuống mồ vẫn chưa hết. Tôi thấy ở Việt Nam coi vậy mà khoẻ.

Với ông Nguyễn Thành Tâm, 53 tuổi, làm nghề xây cất, thì khác. Sống ở đâu không phải làm? Nhưng làm ở đây còn có cái ăn, cái mặc, để dành. Về già có tiền hưu trí, nếu không có hưu thì có tiền an sinh. Một ông khác thực tế lý luận rằng: Tiền đi làm phải đóng thuế từ 25 – 33%. Tiền mang về nhà chỉ trừ khi mua thực phẩm là không có thuế còn tất cả các mặt hàng khác phải chịu thuế mua bán… Vậy thì mình còn được bao nhiêu?.

Dĩ nhiên, mỗi người có một quan niệm sống khác nhau và hiện nay cũng có nhiều gia đình muốn đưa thân nhân qua Mỹ, và ngược lại, cũng có nhiều người đang mong muốn trở lại Việt Nam làm ăn. Một số khác đem tiền về Việt Nam mua nhà, mua đất; con số này tuy không có thống kê nhưng không phải là nhỏ. 

Tục ngữ Việt Nam có câu: Ðứng núi này trông núi nọ và thành ngữ Mỹ cũng có một câu tương tự: Cỏ bên kia triền núi lúc nào cũng xanh hơn. Một nhà báo, anh Nguyên Thanh, nói: Tay làm hàm nhai. Sống ở đâu mà thấy thoải mái thì nơi đó chính là thiên đường.

Nhiều người Việt ở Mỹ vẫn chưa quen văn hóa để tiền ‘tip’

Nhiều người Việt ở Mỹ vẫn chưa quen văn hóa để tiền ‘tip’

Trong số những người Việt hải ngoại không có thói quen chi tiền “tip” còn được gọi là tiền “boa,” khoản tiền thưởng cho các nhân viên phục vụ ở nhà hàng, quán ăn, có cả tôi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất