Một số kinh nghiệm viết bài luận trong môi trường học đường Hoa Kỳ

Viết bài luận không chỉ là một kỹ năng rất quan trọng mà còn là yêu cầu bắt buộc trong môi trường học đường Hoa Kỳ.

20:41 04/04/2017

Ở mức độ cơ bản thì có tiểu luận (essay), tóm tắt sách (book report), chuyên sâu hơn là các bài bình luận (book review), nghiên cứu khoa học (research paper), chuyên luận (monograph), khóa luận, luận văn (thesis), và luận án (dissertation). Tuy mỗi thể loại bài viết có cấu trúc và những đặc thù riêng, đa số đều chung một số nguyên tắc và kỹ năng như việc lựa chọn đề tài, định hình dàn bài, quá trình “thai nghén tác phẩm,” quy trình thu thập và xử lý tài liệu, viết bài, sửa bài, và hoàn thiện tác phẩm. Bài viết này không đề cập đến những đặc điểm riêng của mỗi loại bài luận, nhưng chỉ mạo muội chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân liên quan đến những nguyên tắc và kỹ năng vừa liệt kê. Để đơn giản hóa và thống nhất trong việc định danh, người viết tạm gọi chung các thể loại nêu trên là bài luận hoặc bài viết.

1. Lựa chọn đề tài. Thông thường, có hai cách giao đề tài: giáo sư ra đề hoặc sinh viên tự chọn. Khi phân công đề tài, giáo sư sẽ hướng dẫn kỹ càng về nội dung và hình thức của bài luận, nên chẳng có gì nhiều để bàn. Lời khuyên là nên hỏi giáo sư nếu có gì chưa rõ, để biết chính xác yêu cầu của giáo sư đối với đề tài. Nếu được phép lựa chọn đề tài, hãy là một người khôn ngoan trong việc này. Nhiều người thích chọn những đề tài mới mẻ, phức tạp để mong học hỏi thêm: đó là một điều tốt. Không ít người khoái tìm những đề tài thật “kêu” và “hoành tráng” để thể hiện mình: cũng không sao, miễn là nội dung bài viết đừng sơ sài hoặc lủng củng là được.

Tuy nhiên, trên thực tế giáo sư không đánh giá bài luận theo độ “kêu” hay sự  “hoành tráng” của đề tài, nhưng dựa trên phương pháp, khả năng, và mức độ giải quyết đề tài. Một đề tài rất “kêu” nhưng nội dung sơ sài, lỏng lẻo, không triệt để thì chẳng khác gì “đầu voi đuôi chuột.” Ngược lại, một bài viết bao quát và chuyên sâu nhưng đề tài quá “hẹp” cũng bị coi là không ăn nhập, hay lạc đề. Cách tốt nhất là hãy lựa chọn những đề tài đơn giản, liên quan trực tiếp đến môn học, cân bằng với độ dài, phù hợp với khả năng, và đáp ứng mong muốn của giáo sư. Do vậy, ngay cả khi được tự do lựa chọn đề tài, đừng quên trao đổi với giáo sư trước khi bắt tay vào nghiên cứu và viết bài. Ngoài ra, cũng có thể nhờ giáo sư gợi ý một số ý tưởng hay, tài liệu tham khảo thích hợp cho bài viết.

 2. Định hình dàn bài (plan, outline). Sau khi đã có đề tài, hãy đọc nó thật kỹ và suy nghĩ cẩn thận. Từ đó, hãy định hình trong đầu (hoặc viết ra giấy, nhưng tốt nhất là đánh trực tiếp vào máy tính) một dàn bài cụ thể và chi tiết. Một bài viết ngắn vài ba trang thì không nhất thiết phải lập dàn bài, nhưng ít nhất cũng phải có những ý tưởng. Một bài luận dài và chuyên sâu thì không thể thiếu dàn bài. Dàn bài càng chi tiết thì bài viết càng rõ ràng, mạch lạc, và hệ thống, cũng như rất dễ khi viết bài, bằng không sẽ rất khó khăn và rối rắm khi thực hiện bài luận; vì chẳng biết luận điểm này nằm ở phần nào, ý kia nên cho vào đoạn nào, lộn xộn như một mớ bòng bong vậy. Chẳng những thế, nếu không có dàn bài, người viết sẽ rất lo lắng và bối rối, vì sợ chả biết lấy đâu ra ý tưởng để lấp đầy hàng chục, thậm chí mấy chục trang giấy.

Một dàn bài tốt và chi tiết phải định rõ bài viết có bao nhiêu phần (section, part) hoặc chương (chapter); trong mỗi phần hoặc chương đó sẽ có những mục (heading) gì; mỗi mục đó bao gồm những luận điểm (main point, argument) nào; trong mỗi luận điểm đó sẽ có những luận cứ (minor point) và ví dụ ra sao. Ngoài ra, người viết cũng nên ước chừng độ dài của các phần, mục, luận điểm, đoạn (paragraph), để khi viết không quá sa đà vào một phần nào đó, nhưng lại sơ sài nơi mục khác.

Trong khi định hình dàn bài, một phần không thể bỏ qua là câu chủ đề (thesis statement) của bài viết. Mục đích của câu chủ đề trước tiên là nêu vắn tắt nội dung và thông báo cho độc giả biết những phần chính của bài viết. Ngoài ra, câu chủ đề còn là điểm quy chiếu cho dàn bài và nội dung bài luận. Một bài viết không có câu chủ đề rõ ràng sẽ làm mất hứng thú của người đọc, vì độc giả không biết tác giả sẽ viết về cái gì; nhưng nếu một bài viết chẳng ăn nhập gì với câu chủ đề thì sẽ khiến độc giả thất vọng, phàn nàn rằng tác giả giới thiệu một đàng nhưng lại viết một nẻo. Hay nói cách khác, câu chủ đề và nội dung phải đi đôi với nhau. Tóm lại, nguyên tắc chung là: hãy định hình bạn sẽ thực hiện bài viết như thế nào (theo dàn bài), rồi cho người ta biết bạn sẽ viết gì (qua câu chủ đề), và viết những gì bạn đã nói (qua nội dung).

3. “Thai nghén tác phẩm.” Thai nghén tác phẩm là quá trình hình thành, xuất hiện các ý tưởng trong đầu óc, cũng như việc sắp xếp, liên kết, tổ chức các ý tưởng đó thành một hệ thống. Qúa trình thai nghén dựa trên năng lực kỳ diệu của trí óc mà ít ai ngờ tới, đó là khả năng “làm việc tiềm tàng.” Cụ thể, sau khi lựa chọn và suy nghĩ về đề tài, trí óc sẽ tự động và âm thầm làm việc mà chúng ta không hay biết. Qúa trình này có thể diễn ra cả khi chúng ta đang hoạt động hay làm các việc khác, không hề chủ tâm nghĩ tới vấn đề. Cho nên, việc “thai nghén” vài ba đề tài một lúc trên thực tế không phải là điều bất khả.

Bất kỳ tác phẩm nào liên quan đến hoạt động trí óc cũng cần và nên có qúa trình này. Nhà văn cần đến cả năm trời, thậm chí hàng chục năm, để hình thành một cuốn tiểu thuyết. Nhà báo cần đến cả tuần suy nghĩ, thực địa để cho ra đời một bài báo. Cũng vậy, một bài luận chuyên sâu cần ít nhất vài ba tuần để suy nghĩ và nghiên cứu kỹ càng. Lý do là vì các ý tưởng không đồng thời xuất hiện một lúc, nên trí óc cần có thời gian để hình thành và sắp xếp chúng. Không nên ngày mai hết hạn nộp bài thì tối nay “thức trọn đêm khuya” để viết cho xong bài. Mặt khác, quá trình thai nghén cũng cần và sẽ được gợi hứng, kích thích bởi những hoạt động khác, nên phải dành đủ thời gian cho quá trình này. Tuy nhiên, cũng không nên kéo dài nó quá lâu, vì như vậy sẽ làm “loãng” vấn đề hoặc gây mất khả năng tập trung của trí óc.

Lợi ích của qúa trình thai nghén là giúp người viết không bỏ sót ý, hình thành nhiều tư tưởng sâu sắc, trau chuốt được những câu văn và cách diễn đạt đắc ý hơn. Đó cũng là khoảng thời gian cần thiết để đối chiếu các luận điểm, luận cứ với những kiến thức của môn học khác; vì có thể bài viết sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không chỉ gói gọn trong một khóa học. Trong quá trình thai nghén, mỗi khi có một ý tưởng nào tâm đắc xuất hiện trong đầu thì nên ghi lại liền; bởi thực tế có những ý tưởng chỉ xuất hiện một lần mà thôi, không bao giờ tái hiện nữa. Sau quá trình này, một người chuyên nghiệp và cẩn thận sẽ góp nhặt được nhiều ý hay, làm cơ sở cho bài viết.

4. Thu thập và xử lý tài liệu. Đây là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những bài nghiên cứu khoa học, luận văn, và luận án. Internet và Google có lẽ là hai công cụ được dùng đầu tiên và thường xuyên nhất để thu thập tài liệu, nhưng chúng chỉ giúp ích cho những bài viết ngắn, đơn giản, và không đòi hỏi tính học thuật cao. Đối với những bài luận chuyên sâu, những công cụ này thường không mang lại kết quả và thiếu sự tin cậy. Thậm chí có vô số tài liệu quý giá hơn mà Google và Internet “đào” mệt lử cũng chẳng ra, đơn giản là vì người ta chưa mã hóa hoặc không đăng tải trực tuyến, nhưng lại lưu giữ trong các thư viện.

Hầu hết các thư viện ở Mỹ đều có những công cụ tìm kiếm rất tiện ích như Card Catalog, WorldCart, EBSCOHost, Electronic Journals, v.v. Đây là những công cụ tìm kiếm chuyên sâu, cung cấp đầy đủ thông tin về các loại sách, luận án, luận văn, bài báo, bài nghiên cứu mang tính khoa học và độ tin cậy cao bằng tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, WorldCart giúp tìm ngay cả những tài liệu trong các thư viện gần kề, cũng như ở những thư viện khác trên thế giới trong cùng một hệ thống. Nếu cần người viết bài cũng có thể yêu cầu thư viện đó gửi sách đến, khi chẳng may thư viện gần nơi mình ở không có. EBSCOHost cung cấp thông tin về những quyển sách liên quan trực tiếp đến đề tài, và nhất là những bài báo, bài nghiên cứu, và chuyên luận (monograph) của nhiều học giả và chuyên gia hàng đầu. Điều cần thiết nói chung là phải làm quen và thành thạo trong việc sử dụng những công cụ tìm kiếm trong các thư viện. Nếu không thì có thể mạnh dạn nhờ các nhân viên thư viện giúp đỡ. Người viết đảm bảo rằng, khi khám phá và nắm bắt được sức mạnh cũng như sự tiện ích của chúng, bạn chỉ nhìn Google và Internet bằng nửa con mắt, thậm chí không thèm nhấp chuột “online” mỗi khi viết bài. Đây là một trong những điểm ưu việt của các thư viện ở Mỹ, bên cạnh sự phong phú, đầy đủ của các tài liệu, tính khoa học trong việc phân loại, sắp xếp, và chất lượng bảo quản, lưu trữ tuyệt vời.

Sau khi tìm thấy tài liệu, không hẳn cái nào bạn cũng phải đọc và sẽ sử dụng, nhưng tốt hơn hết là xử lý và chọn lọc chúng. Hãy giở sách hoặc bài nghiên cứu ra, xem qua mục lục (table of contents) để tìm và đọc lướt (skim) những phần liên quan trực tiếp đến bài viết mà thôi; rồi định giá chúng. Nếu thấy tài liệu đó có thể dùng được thì đọc tiếp, không thì bỏ qua để tham khảo các tài liệu khác. Không nhất thiết và đừng dại gì mà đọc cả cuốn sách dày cộm hoặc bài nghiên cứu dài lê thê nếu chúng không giúp ích gì cho bài viết của bạn. Trong quá trình đọc tài liệu, bằng cách nào đó hãy đánh dấu (highlight) hoặc nhập vào máy tính những luận điểm hoặc ý tưởng hay, cần thiết cho bài viết của mình.

Song song với việc đọc tài liệu, nên lựa chọn những câu, đoạn phù hợp nhất có thể làm trích dẫn cho bài luận, rồi đánh trực tiếp vào máy tính, kèm theo nguồn, số trang của đoạn trích một cách vắn tắt. Chưa cần phải chú thích chi tiết từng đoạn trích, vì như vậy vừa mất thời gian, vừa hạn chế khả năng tập trung. Hãy sửa toàn bộ chú thích luôn một thể sau khi viết xong bài. Ngoài ra, cũng nên sắp xếp các ý tưởng và các trích dẫn này vào những phần thích hợp, tương ứng với dàn bài đã phác thảo. Với cách làm này, sau quá trình xử lý tài liệu, dàn bài của bạn đã được lấp đầy những ý tưởng, luận điểm, và trích dẫn. Liếc mắt xem số trang (page number), bạn sẽ vui sướng thốt lên: “Ô, được 5 trang rồi. Chỉ còn một nửa nữa thôi. Nhanh thật!” Không sai, thật là nhanh; vì tuy chưa bắt đầu vào công đoạn viết bài, nhưng thực tế bạn đã bắt đầu “viết” rồi đấy. Việc còn lại là tiến hành bài luận theo những gì đã có trong dàn bài nữa thôi.

5. Viết bài. Lời khuyên đầu tiên là không nhất thiết phải viết theo thứ tự dàn bài, nhưng phần nào cảm thấy đang có hứng thì cứ viết trước. Nhiều người có thói quen bắt đầu bài viết bằng phần mở bài, nhưng lắm khi cứ ngồi “treo máy” cả tiếng đồng hồ mà chẳng biết vào đề như thế nào. Theo kinh nghiệm cá nhân của tác giả thì nên viết phần thân bài hoặc mục nào đó của phần thân bài trước, rồi mới đến phần kết luận và mở bài. Trong trường hợp “tắc tị,” vắt óc mãi mà không viết nổi một câu, thì nên dậy đi dạo, giải trí, hoặc làm việc khác, đừng phí thời gian ngồi ôm máy tính cả buổi để rồi chẳng được ích gì mà còn bị đau đầu.

Kỹ năng trích dẫn trong bài viết cũng rất quan trọng. Có hai cách trích dẫn chủ yếu là trích dẫn trực tiếp và trích dẫn gián tiếp. Trích dẫn trực tiếp là trích nguyên văn cả câu hoặc đoạn từ một cuốn sách hay bài viết nào đó. Trích dẫn gián tiếp là dựa trên ý của người khác rồi diễn tả lại ý đó bằng ngôn ngữ của mình. Phần trích dẫn trực tiếp phải để trong ngoặc kép (“…”), còn trích dẫn gián tiếp thì không cần, nhưng cả hai đều phải được chú thích và nêu rõ nguồn trích dẫn đầy đủ. Khi trích dẫn gián tiếp thì nên giới thiệu tên tác giả và tác phẩm trước khi diễn tả lại ý của người đó. Tuyệt đối tránh diễn tả sai lệch, phiến diện, hoặc bép méo ý của người khác, nhưng phải khách quan và trung thực.

Việc sử dùng trích dẫn trong bài viết nhằm hai mục đích: một là để minh họa và chứng minh cho luận điểm hoặc luận cứ vừa nêu, hai là dùng trích dẫn để lấy ý tưởng cho việc phân tích, giải thích, biện luận. Bài viết không phải là một tập hợp của những trích dẫn, nên chẳng phải cứ trích dẫn nhiều là hay; ngược lại, nếu không có hoặc quá ít trích dẫn thì bài luận sẽ khó thuyết phục và thiếu tính hàn lâm. Bài luận phản ánh kỹ năng xử lý, chọn lọc, sử dụng trích dẫn một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả để phục vụ cho việc giải quyết đề tài. Cho nên các trích dẫn phải thuyết phục và chính xác, được dẫn giải bởi lời giới thiệu hoặc bình luận của người viết. Không nên chỉ trích dẫn không rồi bỏ đó mà chẳng có một câu dẫn giải và diễn giải nào. Nếu cần thiết có thể phân tích thêm phần trích dẫn để mở rộng và làm rõ các luận điểm, luận cứ.

Một bài viết chuyên sâu thường kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, nên thường bị ngắt quãng hoặc đan xen bởi các việc khác. Khi tiếp tục lại bài luận, dễ xảy ra trường hợp không thể nhập tâm được. Lúc đó, nên đọc lại từ đầu những gì đã viết để “lấy đà,” hoặc đọc một tài liệu tham khảo liên quan trực tiếp đến phần đang muốn viết để “khởi động” lại trí óc, đưa tâm trí vào thế giới của đề tài. Như vậy sẽ dễ dàng viết hơn.

Nhìn chung, ở Mỹ hầu hết các sinh viên và những người đã qua đại học đều được học phương pháp viết các thể loại bài luận. Nhưng từ học đến hành là cả một khoảng cách khá xa. Hơn nữa, nhiều thể loại bài luận xem ra rất dễ lẫn lộn, chẳng hạn như tóm tắt sách (book report) và bình luận sách (book review), nên lắm khi người viết rất “lơ tơ mơ” trong việc phân biệt các thể loại bài. Lời khuyên trước tiên là nên “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.” Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hướng dẫn rồi mà vẫn không nắm rõ được hình thức và cấu trúc của các thể loại bài viết thì nên tham khảo các bài mẫu, nhất là những bài viết (được đánh giá cao) của những người lớp trước. Trăm lời giải thích chẳng bằng một ví dụ. Tham khảo các bài viết mẫu không chỉ giúp người viết nhận diện được hình thức của mỗi thể loại bài luận qua một ví dụ cụ thể, mà còn “bắt bài” được đòi hỏi riêng của từng giáo sư; vì nhiều khi mỗi giáo sư mỗi tính, nên sẽ có những yêu cầu khác biệt đối với bài luận. Đây là lý do tại sao khi tham khảo các bài viết thì nên để ý lời phê bình của giáo sư để khắc phục điểm yếu và phát huy điểm mạnh từ bài viết mẫu đó.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tính lô gích, liên kết, và hệ thống của bài viết. Mỗi một câu văn phải vừa đúng về ngữ pháp vừa lô gích về ngữ nghĩa. Chẳng hạn, câu văn sau đây tuy đúng ngữ pháp nhưng lại sai về ngữ nghĩa: “New York là thành phố lớn nhất nước Mỹ, là thủ đô và là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch hàng đầu của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.” Lý do là vì New York không phải là thủ đô của Hoa Kỳ mà là Washington D.C. Các câu văn phải được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, câu này nối tiếp hoặc bổ sung ý cho câu kia, tạo nên một đoạn văn hoàn chỉnh. Ý nào ra ý đó, đoạn nào ra đoạn đấy, không nên để các ý tưởng lộn xộn, lỏng lẻo, tách biệt. Một bài luận chặt chẽ là bài viết không thể rút một câu nào ra khỏi đoạn văn, và cũng chẳng cần thêm vào đoạn văn một câu nào nữa. Cần lưu ý là khi bắt đầu mỗi phần, nên có một câu ngắn gọn trình bày vắn tắt nội dung chính của phần đó; sau mỗi phần cũng nên dành một vài câu tóm tắt ý chính của phần vừa bàn luận, đồng thời giới thiệu nội dung của mục tiếp theo. Như vậy, tất cả các câu văn, đoạn văn, và chương mục liên kết chặt chẽ với nhau trong một hệ thống hợp lý của toàn bài viết. Điều này không chỉ thể hiện sự mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết của bài viết, mà còn giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được nội dung của các phần cũng như toàn bài, góp phần tạo nên một bài luận vừa có giá trị khoa học, lại vừa hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

6. Sửa bài. Trong quá trình viết bài, ngoài văn bản (file) trong máy tính, hãy cẩn thận sao lưu một văn bản nữa vào ổ cứng di động (USB). Nhiều người chủ quan chỉ lưu một văn bản duy nhất trong máy tính, để rồi vì lý do nào đó mà máy tính không khởi động được hoặc bị vi rút “xơi,” thế là công toi. Hoặc cũng lắm kẻ bất cẩn chỉ lưu văn bản trong USB mà không “copy” vào máy tính, vô phúc mất USB, lúc đó không méo mặt khóc mới lạ! Sau khi viết xong bài, hãy “bỏ quên” nó đi. Một thời gian sau hẵng mở nó ra đọc lại cẩn thận và kỹ càng, khi đó sẽ thấy một bài viết hoàn toàn mới mẻ, khác lạ. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra câu nào nên cắt bỏ, phần nào phải bổ sung, để bài viết được hoàn thiện hơn.

Sau khi đã sửa bài viết cẩn thận cả ngữ pháp lẫn nội dung, bạn nên in ra và nhờ người khác biên tập (proofread, edit) dùm cho. Hãy nhờ ít nhất là hai người giúp bạn trong việc này, nhiều hơn thì càng tốt, vì thêm người là thêm ý kiến hay. Việc “kén chọn” người sửa bài cũng rất quan trọng, vì không phải người nào cũng giỏi về ngữ pháp, càng chẳng phải ai cũng nhiệt tình và cẩn thận như nhau. Nhiều người chỉ xem mỗi mảng ngữ pháp, một số chỉ chú ý đến phần nội dung, có người lại bỏ qua các chú thích. Cho nên, tốt nhất là cố gắng “trao mặt gửi vàng” cho những người vừa thạo về ngữ pháp, lại sẵn tính nhiệt tình và cẩn thận.

Tuy nhiên, cũng cần tế nhị trong việc nhờ sửa bài. Nên nhờ nhiều người khác nhau, để tránh làm phiền một người, bởi ai ai cũng bận cả. Khi nhận bài đã được biên tập, nếu thấy “đứa con tinh thần” của mình tự dưng bị nhuộm đỏ bởi hàng loạt góp ý, sửa đổi, gạch bỏ, hoặc phê bình, thì cũng đừng thất vọng hay phật ý; nhưng ngược lại, hãy vui mừng vì thực tế (theo kinh nghiệm của người viết) chúng ta học được rất nhiều từ những sai lỗi của mình. Nếu có chỗ nào đó chưa rõ thì không nên ngần ngại hỏi lại cho kỹ, thậm chí có thể trao đổi với người sửa bài về những góp ý mà bạn thấy chưa hợp lý. Tuy nhiên, cũng không nên quá cứng đầu, khư khư ôm lấy ý riêng của mình; hãy chân thành lắng nghe góp ý, vì thành thật mà nói ai ai cũng mang tâm lý “văn mình vợ người” cả. Nhưng thực tế chẳng phải lúc nào vợ người cũng đẹp và văn mình cũng hay!

7. Hoàn thiện tác phẩm. Trước tiên hãy sửa lại bài viết theo những góp ý của người biên tập, nếu cần. Bổ sung, thay đổi những chỗ cần thiết. Đối chiếu các trích dẫn lần cuối, xem đã đúng như nguyên văn chưa. Có thể nhấn mạnh, bổ sung, hoặc thay đổi (bằng cách in nghiêng, bôi đen, hoặc gạch chân) một vài từ ngữ trong trích dẫn trực tiếp, nhưng phải chú thích rõ ràng, chẳng hạn: “nhấn mạnh của tác giả” (“emphasis added”), “bản dịch có sửa đổi một chút của tác giả” (“slightly modified translation added”), v.v., đồng thời phải để những từ ngữ đã được thay đổi trong ngoặc vuông ([…]). Kiểm tra các chú thích xem đã đúng, phù hợp với phong cách văn bản mà giáo sư yêu cầu hay chưa (phổ biến nhất vẫn là phong cách Chicago-Turabian). Cố gắng chọn những từ ngữ, cách hành văn chính xác và hay nhất để “trang điểm” cho bài viết của mình.

Trong cách hành văn, nên lưu ý là có những cách diễn tả rất hay trong tiếng Việt mà ai cũng hiểu, nhưng đôi khi cũng cách đó áp dụng cho Anh ngữ lại không phù hợp, khiến giáo sư chẳng hiểu “mô tê” gì cả; đơn giản là vì trong tiếng Anh người ta không diễn tả như vậy, cho dù cùng biểu đạt một ý tưởng. Vì suy nghĩ mang tính cá nhân, tư duy mang tính nhân loại, nhưng ngôn ngữ lại mang tính dân tộc. Cho nên, phải chọn những cách hành văn phù hợp với ngữ pháp và cách biểu đạt của Anh ngữ. Sau đó in bài ra và nhờ thêm một (hoặc vài) người nữa xem lại cho cẩn thận. Xong, sửa lại bài lần cuối, in ra, nộp bài (đúng hạn), và nóng lòng chờ đợi những con “A thẳng” (A) tươi rói cùng lời nhận xét “excellent paper!” Mỉm cười, mãn nguyện, và “tự sướng!”

Trên đây là một số chia sẻ liên quan đến nguyên tắc và kỹ năng của việc viết bài luận trong môi trường học đường Hoa Kỳ. Vì mỗi thể loại bài viết có những quy định và đặc thù riêng, nên nhiều nguyên tắc và kỹ năng vừa đề cập chỉ áp dụng cho một số thể loại nhất định mà thôi. Ngoài ra, trong giới hạn của một bài viết ngắn, tác giả chỉ cố gắng trình bày vấn đề một cách ngắn gọn và chung nhất, không có điều kiện để phân tích sâu hơn từng phần, mục cụ thể. Hơn nữa, những kinh nghiệm này chỉ mang tính cá nhân, không nhất thiết là khuôn mẫu chung cho tất cả mọi người, do mỗi cá nhân có thể có những “phong cách” riêng. Dù sao đi nữa, qua bài viết này tác giả cũng hy vọng nhiều người sẽ tìm thấy một ít “đồng điệu.” Vì không thể phủ nhận rằng viết bài luận là “kẻ thù” chung của nhiều du học sinh; nhưng thực tế, nếu biết tìm ra phương pháp phù hợp và chịu khó thực hành thường xuyên thì sẽ thấy việc này cũng không đến nỗi quá nặng nề. Một khi đã thành thục các kỹ năng, viết bài luận sẽ trở thành một thứ “thuốc gây nghiện” mà nhiều người sẽ rất khoái chứ không còn phải “điên đầu” với chúng nữa. Hy vọng lắm thay!

Tổng thống Trump khiến visa H-1B cho kỹ sư CNTT ngày một khó

Tổng thống Trump khiến visa H-1B cho kỹ sư CNTT ngày một khó

Chính phủ Mỹ bắt đầu thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đối với chương trình visa H-1B.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất