Một Việt kiều cải tiến chữ quốc ngữ bằng ‘Chữ Vịd Nhah’

‘Chữ Việt Nhanh’ là tên của công trình cải tiến chữ quốc ngữ do ông Trần Tư Bình sáng tạo từ năm 2008, nếu viết theo quy tắc của chữ này thì thành ‘Chữ Vịd Nhah’.

09:00 05/02/2020

Một đoạn kiểu Chữ Việt Nhanh của tác giả Trần Tư Bình /// Chụp màn hình

Một đoạn kiểu Chữ Việt Nhanh của tác giả Trần Tư Bình

Ông Trần Tư Bình cho biết từ năm 1976, trong một lần đọc tài liệu về hội nghị bàn về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội năm 1960, ông đã quan tâm đến vấn đề này.

Chữ viết cực ngắn đến mức tối ưu

Ông Trần Tư Bình sinh năm 1954, tốt nghiệp khoa Ngữ văn năm 1977, Trường ĐH Tổng Hợp, TP.HCM. Ông từng tốt nghiệp sư phạm tiểu học Đà Nẵng khóa 1972-1974, dạy tiểu học ở tỉnh Quảng Nam niên khóa 1974, dạy môn văn trường THPT Lý Thường Kiệt, Hóc Môn, TP.HCM các niên khóa 1977-1980, dạy Việt ngữ cuối tuần ở Trường Văn hóa Việt Nam Bankstown, Úc năm 1987-2009. Ông là hiệu trưởng trường Văn hóa Việt Nam Marrickville, Úc từ năm 2010 đến 2016 và đang là chủ nhiệm trang web Chữ Việt Nhanh. Hiện ông sống và làm việc tại Úc.

Một  cải tiến chữ quốc ngữ bằng 'Chữ Vịd Nhah' - ảnh 1

Ông Trần Tư Bình, tác giả Chữ Việt Nhanh

Ông Bình cho biết: “Năm 1976, lúc còn là sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng Hợp, TP.HCM, tình cờ tôi mượn ở thư viện cuốn sách Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ, NXB Văn Hoá, Hà Nội, in năm 1961, ghi lại nội dung hội nghị bàn về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội năm 1960. Cuốn sách này trình bày những bất hợp lý của chữ quốc ngữ, các đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ qua những cuộc thảo luận từ trước đến thời điểm ấy, và hơn 20 bài tham luận đọc ở hội nghị. Đọc mục lục sách, tôi ngạc nhiên lắm, vì theo hiểu biết của tôi khi đó thì chữ quốc ngữ đã rất đẹp và hoàn thiện rồi, tại sao lại có cả một hội nghị bàn về cải tiến chữ quốc ngữ?

Nhưng khi đọc xong, tôi hiểu chữ quốc ngữ còn một số bất hợp lý. Lúc đó, tôi suy nghĩ có cách viết nào hợp lý và gọn hơn không? Tôi đã nghĩ ra cách ghi gọn có hệ thống cho 52 vần “Nguyên âm ghép và chữ cái cuối” (vốn có 3 hoặc 4 chữ cái) xuống chỉ còn 2 chữ cái mỗi vần. Từ đó, tôi bắt đầu sưu tầm các tài liệu về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ để khi cần thì viết bài về vấn đề này”.

Những năm gần đây, khi thấy người Việt “chat” trên mạng hoặc viết tin nhắn ở điện thoại di động rất tốn thời gian khi phải viết nguyên những chữ có các vần 3 hoặc 4 mẫu tự, ông Bình đã chọn ra một số đề xuất của những người khác và kết hợp với nghiên cứu của mình , từ đó sáng tạo một kiểu chữ Việt rất ngắn gọn nhằm giải quyết các tất cả các bất hợp lý  của chữ quốc ngữ, và đặt tên là Chữ Việt Nhanh, chú trọng lối viết cực ngắn đến mức tối ưu.

Bỏ bớt dấu, rút gọn nguyên âm ghép “quyết liệt” = qyd lịd”

“Dù chữ quốc ngữ hiện nay đang vận hành hiệu quả và chưa có nhu cầu cấp thiết cải tiến chữ viết nhưng việc tìm ra một cách ghi tối ưu, hợp lý và ngắn gọn hơn cho tiếng Việt vẫn là việc nên làm, vì thiết nghĩ đang vận hành hiệu quả không có nghĩa là không thể vận hành hiệu quả hơn hiện nay. Tìm được một cách ghi ngắn gọn tối ưu hơn cho chữ Việt thì dù phải tốn công phu học lại chữ viết mới, thì cũng không sao, bởi vì chúng ta sẽ có những khoản tiết kiệm lớn hơn rất nhiều để bù lại. Trước hết, chữ quốc ngữ cải tiến tối ưu chắc chắn sẽ dễ học hơn. Những người Việt sau này, kể cả người nước ngoài hay các dân tộc thiểu số trong nước, học chữ cải tiến sẽ nhanh chóng hơn. Chưa kể tiết kiệm được rất nhiều giấy mực, vật liệu làm bảng hiệu, thời gian viết gõ”, ông Bình nhìn nhận.

Một  cải tiến chữ quốc ngữ bằng 'Chữ Vịd Nhah' - ảnh 2

So sánh tiếng Việt hiện nay (phần đầu) và kiểu Chữ Việt Nhanh của ông Trần Tư Bình

Theo đó, các đề xuất Chữ Việt Nhanh là bỏ bớt dấu sắc ở mọi từ có chữ cái cuối là C, P, T, CH. Chữ I thay cho Y, Y thay cho UY. Chỉ vần AY, ÂY giữ nguyên là AY, ÂY. Ở phụ âm đầu chữ thì F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH. Ở phụ âm cuối chữ thì G thay NG, H thay NH, K thay CH.

Còn ở 52 vần nguyên âm ghép và chữ cái cuối thì nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYÊ còn là Y, IÊ-YÊ còn I, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, UƠ còn Ơ, OĂ còn Ă, OE còn E, OA còn O, OA còn A (chỉ vần “oay”). Và cùng lúc, thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như T bằng D, P bằng F, C bằng S, N bằng L, M bằng V, NG bằng Z, O-U bằng W, I-J bằng J.

Do đó  52 vần nguyên âm ghép và chữ cái cuối, vốn có 3 hoặc 4 chữ cái, được ghi gọn chỉ còn 2 chữ cái mỗi vần như sau: uyêt, uyên = yd, yl. iêt, iêp, iêc, iên, iêm, iêng, iêu = id, if, is, il, iv, iz, iw; yêt, yên, yêm, yêng, yêu = id, il, iv, iz, iw; uôt, uôc, uôn, uôm, uông, uôi = ud, us, ul, uv, uz, uj; ươt, ươp, ươc, ươn, ươm, ương, ươu, ươi = ưd, ưf, ưs, ưl, ưv, ưz, ưw, ưj; uât, uân, uâng, uây = âd, âl, âz, âj. uơt, uơn = ơd, ơl. oăt, oăc, oăn, oăm, oăng = ăd, ăs, ăl, ăv, ăz; oet, oen, oem, oeo = ed, el, ev, ew; oat, oap, oac, oan, oam, oang, oao, oai, oay = od, of, os, ol, ov, oz, ow, oj, aj (vần: oay).

Như vậy, ráp 10 nguyên âm rút gọn vào 8 chữ cái cuối khác, Chữ Việt Nhanh ghi gọn được 52 vần “nguyên âm ghép và chữ cái cuối” mỗi vần chỉ còn 2 chữ cái, như UYÊT, UYÊN = YD, YL. Ví dụ “thuyết chuyện” = “thyd chỵl”, “quyết liệt” = qyd lịd”. Theo ông Bình, tuy cách viết khác với vần quốc ngữ nhưng cách đọc vẫn như nhau.

Một  cải tiến chữ quốc ngữ bằng 'Chữ Vịd Nhah' - ảnh 3

Bản tóm tắt cách ghi Chữ Việt Nhanh

Chữ Việt Nhanh của ông Bình ra đã đời hơn 10 năm, được ông Bình phổ biến trên các diễn đàn trong và ngoài nước, được khá nhiều người dùng như một cách viết tốc ký cho gọn, hoặc tích hợp vào bộ gõ tiếng Việt để gõ Chữ Việt Nhanh mà bung ra chữ quốc ngữ trọn vẹn, tiết kiệm được gần 40% thời gian gõ.

Năm 2019, thấy Chữ Việt Nhanh của ông Bình có nhiều ưu việt, ông Kiều Trường Lâm (Hà Nội) – người tự nghiên cứu về hệ thống ký hiệu dấu, đã liên hệ với ông Bình và cả hai cùng phối hợp sáng tạo thành công công trình chữ Việt không dấu rất ngắn gọn để cải tiến chữ quốc ngữ, có tên là Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0).

Theo Thanh Niên

Link nguồn: https://thanhnien.vn/giao-duc/mot-viet-kieu-cai-tien-chu-quoc-ngu-bang-chu-vid-nhah-1178335.html

Tags:
Bác sĩ Việt từ Mỹ hướng dẫn cách chọn nước rửa tay phòng virus Corona

Bác sĩ Việt từ Mỹ hướng dẫn cách chọn nước rửa tay phòng virus Corona

Rửa tay sẽ làm sạch và loại bỏ mầm bệnh như virus, vi khuẩn trên tay nhưng thực sự không phải là từ các chất diệt khuẩn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất