Mực nước đập Tam Hiệp sát mức "ngàn năm có một", thành phố ở Hồ Bắc chìm trong biển nước

Cuộc chiến với lũ lụt lịch sử trong năm nay ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quan trọng trong bối cảnh đập Tam Hiệp đối mặt với đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử, theo SCMP.

12:00 19/07/2020

Sáng ngày 18.7 theo giờ địa phương, lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp đã tăng lên 61.000 m3/giây – cao nhất kể từ đầu mùa lũ năm nay.

Mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp được ghi nhận ở mức 160,17 mét, vượt cảnh báo lũ 15 mét. Theo thiết kế, đập Tam Hiệp có thể chịu nổi mực nước “ngàn năm có một” là 175 mét.

Hôm 16.7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, nỗ lực kiểm soát lũ lụt ở nước này đang trong giai đoạn quan trọng vì những trận mưa kỷ lục thường xuất hiện vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.

Ít nhất 20 triệu người tại 24 tỉnh thành Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ trong thời gian gần đây. Thiệt hại kinh tế đối với nước này ước tính trên 12 tỷ USD.

Trên khắp địa bàn tỉnh Hồ Bắc – nơi đập Tam Hiệp được xây dựng – nhiều máy bay trực thăng đã được huy động để đổ hàng tấn cát, đá sỏi lên các bờ đê để nâng cao mặt đê, tránh vỡ đê do ngâm nước lũ quá lâu.

Ở Vũ Hán, khoảng 90% những con đê được đắp bằng đất bùn, rất dễ xói lở và vỡ khi có mưa lũ lớn.

Thành phố Ân Thi, Hồ Bắc – nơi cư trú của khoảng 400.000 người – đã bị ngập lụt nặng bởi mưa lũ. Chỉ trong vòng 5 giờ, chính quyền Ân Thi phải nâng cảnh báo mưa lũ lên mức cao nhất.

“Tình hình hiện giờ thật khó khăn với chúng tôi. Thành phố vốn nghèo nàn và lạc hậu giờ lại gánh thêm lũ lụt. Sau khi sống sót qua đại dịch, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều rồi”, một cư dân mạng Ân Thi đăng trên Weibo.

Từ 15 – 18.7, đã có 3 người thiệt mạng và 1 người mất tích do lũ lụt ở Hồ Bắc. Hơn 38.000 dân Hồ Bắc phải sơ tán, 22.000 người trong số này là dân Ân Thi.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo, những cơn mưa lớn với lượng mưa từ 100 – 180 mm sẽ trút xuống các tỉnh Hồ Bắc, An Huy, Hồ Nam và Quý Châu trong vài ngày tới.

Mực nước đập Tam Hiệp sát mức

Vá xong đê vỡ ở huyện Bà Dương, Giang Tây (ảnh: Peope.cn)

Hôm 17.7, những con tàu có trọng tải dưới 600 tấn đã được yêu cầu tạm dừng hoạt động ở sông Dương Tử.

Trong khi đó, hôm 18.7, Giang Tây vừa vá xong 1 đoạn đê vỡ dài 180 mét trên hồ Bà Dương.

Ở Thái Hồ – hồ nước ngọt lớn thứ 3 Trung Quốc – 14.700 người đã được huy động tuần tra đề phòng vỡ đê khi mực nước sắp chạm mốc kỷ lục.

Ủy ban sông Dương Tử đã yêu cầu nỗ lực tăng cường sự phối hợp giữa các hồ chứa nước với đập Tam Hiệp để kiểm soát tình hình.

Trước lưu lượng nước đổ về hồ chứa của đập Tam Hiệp ngày càng tăng, Bộ Thủy lợi Trung Quốc yêu cầu con đập xả lũ “một cách khoa học”.

Sáng 18.7 theo giờ địa phương, đập Tam Hiệp đã mở 3 cổng xả lũ.

“Việc xả lũ phải cân nhắc dựa trên an toàn và khả năng tích nước của hồ chứa đập Tam Hiệp, cũng như tình hình đê điều ở hạ lưu”, Ngạc Cánh Bình – Bộ trưởng Thủy lợi Trung Quốc – phát biểu.

41 hồ chứa thuộc lưu vực sông Dương Tử đã được đưa vào kế hoạch vận hành chung với hồ chứa đập Tam Hiệp. 

Link nguồn: http://danviet.vn/muc-nuoc-dap-tam-hiep-sat-muc-ngan-nam-co-mot-thanh-pho-o-ho-bac-chim-trong-bien-nuoc-5020201970292571.htm

Tags:
Câu chuyện về những chiếc ô tô hàng hiệu và bệnh sĩ của người Việt

Câu chuyện về những chiếc ô tô hàng hiệu và bệnh sĩ của người Việt

Ở Việt Nam, nói tới Việt kiều, nhiều người sẽ nghĩ ngay rằng, đây là những người có tiền, những người giàu, hay thậm chí là các “đại gia”. Vậy sự thực ra sao?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất