Mỹ khước từ đề nghị duy trì hiệp ước hạt nhân của Putin

John Bolton cho rằng INF hạn chế Mỹ, trong khi các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Trung Quốc, được tự do sở hữu tên lửa bị cấm.

02:30 25/10/2018

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trong cuộc gặp tại Điện Kremlin hôm 23/10. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trong cuộc gặp tại Điện Kremlin hôm 23/10. Ảnh: Reuters.

"Đây là một hiệp ước tên lửa song phương từ thời Chiến tranh Lạnh trong một thế giới tên lửa đạn đạo đa cực", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/10 tại Điện Kremlin, đề cập đến sự "lỗi thời" của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được Washington và Moskva ký từ năm 1987, theo ABC.

Bolton tái khẳng định việc Mỹ rút khỏi INF, cho rằng nó hạn chế Mỹ trong khi các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Trung Quốc, được tự do sở hữu những tên lửa bị cấm trong hiệp ước. 

Trong nhiều năm qua, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước bằng cách phát triển một loại tên lửa hành trình mới có tầm bắn đến 5.000 km. Nga phủ nhận cáo buộc và Bolton nói rằng sự phủ nhận này đồng nghĩa với việc hiệp ước không có giá trị.

"Chúng tôi không thể yêu cầu người Nga tuân thủ điều mà mà họ nghĩ rằng họ không vi phạm", Bolton nói, nhấn mạnh thêm rằng Mỹ không ngừng yêu cầu Nga tuân thủ hiệp ước từ thời tổng thống Barack Obama. Cố vấn An ninh Mỹ cho biết Washington sẽ kích hoạt cơ chế rút lui trong 6 tháng khỏi hiệp ước này.

Nga phản đối việc Mỹ rút khỏi INF, gọi đây là hành động "nguy hiểm". "Trên quốc huy của Mỹ có hình con đại bàng với một chân quặp mũi tên, chân còn lại giữ nhánh ôliu. Tôi tự hỏi phải chăng đại bàng đã ăn sạch ôliu và chỉ còn lại những mũi tên", Tổng thống Putin chất vấn Bolton.

"Hy vọng rằng tôi sẽ có câu trả lời cho ngài nhưng tôi sẽ không mang tới thêm cành ôliu nào nữa", Bolton trả lời.

INF được ký kết giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó hai bên nhất trí không phát triển hay triển khai các tên lửa có tầm bắn 500-5.500 km. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định động thái của Mỹ là một bước đi nguy hiểm, gây bất ổn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh Moskva sẽ có những biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.

Tuyên bố của Trump cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ những người ủng hộ kiểm soát vũ khí và một số thành viên đảng Cộng hòa, những người cảnh báo nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tags:
Putin nói vụ xả súng trường học ở Crimea là xu hướng từ Mỹ

Putin nói vụ xả súng trường học ở Crimea là xu hướng từ Mỹ

Tổng thống Nga nói vụ xả súng khiến ít nhất 20 sinh viên thiệt mạng bắt nguồn từ những vụ xả súng trường học ở Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất