Mỹ và Trung Quốc căng thẳng ngay từ những ngày đầu tiên ông Biden nắm quyền

Mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng ngay từ những ngày đầu tiên Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, khi vấn đề Đài Loan ngày càng nóng hơn bao giờ hết.

06:30 26/01/2021

Hôm 23.1, Trung Quốc điều 13 chiến đấu cơ xâm nhập vào Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Đài Loan lập nên, bao gồm 4 chiến đấu cơ J-16, 8 oanh tạc cơ H-6K và một máy bay săn ngầm Y-8.

Đến ngày 24.1, 15 máy bay Trung Quốc tiếp tục uy hiếp Đài Loan. Lần này bao gồm 2 chiến đấu cơ Su-30 và 6 chiến đấu cơ J-10.

Trung Quốc đã uy hiếp Đài Loan suốt từ mùa hè năm ngoái, nhưng đây là lần hiếm hoi Bắc Kinh huy động hơn 10 chiến đấu cơ, cũng như gia tăng sức ép trong 2 ngày liên tiếp.

Sau hành động leo thang của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Biden, Ned Price gửi thông điệp phản đối. “Mỹ bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc liên tiếp uy hiếp Đài Loan. Chúng tôi hi vọng Trung Quốc ngừng các hoạt động gây sức ép về quân sự, kinh tế, ngoại giao và tham gia đàm phán có ý nghĩa”.

Tuyên bố khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ với Đài Loan, nhắc lại “6 bảo đảm” về an ninh cho Đài Loan. Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã giải mật tài liệu liên quan đến “6 bảo đảm” về an ninh từ thời Tổng thống Ronald Reagan dành cho đảo Đài Loan.

Nội dung của thỏa thuận bao gồm Mỹ sẽ không giới hạn việc bán vũ khí cho Đài Loan, không cần tham vấn Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Đài Loan, không đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và Đài Loan, không đảo ngược các chính sách đối với Đài Loan, không thay đổi quan điểm về chủ quyền Đài Loan và không gây sức ép để buộc Đài Loan đàm phán với Trung Quốc.

“Đây là thông điệp rõ ràng mà chính quyền ông Biden gửi đến Trung Quốc, rằng sẽ không lùi bước trong vấn đề Đài Loan”, Yasuhiro Matsuda, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, nói. “Thông điệp tuy không vượt ra ngoài khuôn khổ, nhưng rõ ràng để gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Bắc Kinh”.

Chính quyền ông Biden gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc trước khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng.

Trong thông điệp ngày 24.1, Đài Loan gửi lời cảm ơn Bộ Ngoại giao Mỹ vì “đã cam kết hỗ trợ” hòn đảo trước hành động “gây hấn và cô lập từ Trung Quốc”.

Mỹ đã mời đại diện Đài Loan Hsiao Bi-khim đến dự lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20.1. Điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1979.

Trong khi đó, Mỹ thông báo tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông, thực hiện sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải cũng như thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Đây là những dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên căng thẳng ngay từ những ngày đầu ông Biden lên nắm quyền và không có dấu hiệu ông Biden sẽ nhường nhịn Trung Quốc.

Tags:
Các cựu Tổng thống Mỹ giàu ra sao khi rời Nhà Trắng?

Các cựu Tổng thống Mỹ giàu ra sao khi rời Nhà Trắng?

Trong khi mức lương của Tổng thống đầu tiên George Washington tương đương 2% GDP nước Mỹ thì gia đình nhà Clinton lại chỉ giàu lên nhanh chóng sau khi rời Nhà Trắng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất