Ngày 'bầm dập' của Trump ở tòa án

Chỉ trong vài giờ ngày 4/12, Trump và đội ngũ pháp lý của ông liên tiếp thất bại trước tòa án trong nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử.

09:30 06/12/2020

Nỗ lực pháp lý của Tổng thống Donald Trump và đồng minh chỉ trong một ngày hứng chịu 6 thất bại ở nhiều bang, trong đó có Wisconsin và Minnesoto. Đây là cột mốc thất bại tiếp theo trong một tháng Trump theo đuổi cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử trong vô vọng. Trong số những thẩm phán liên bang và bang bác bỏ đơn kiện của Trump, một số được chính Tổng thống từng bổ nhiệm.

Một trong số thất bại trên là việc đơn kiện của Trump bị từ chối ở Tòa án Tối cao bang Wisconsin, nơi đa số thẩm phán dường như bị sốc trước nỗ lực của một nhóm bảo thủ nhằm hủy bỏ toàn bộ cuộc bầu cử của bang mà không có bằng chứng thuyết phục nào về gian lận.

"Biện pháp mà bên nguyên đòi hỏi là yêu cầu quyền lực của tư pháp đáng ngạc nhiên nhất mà tôi từng thấy", Brian Hagedorn, một thẩm phán bảo thủ, nói. "Việc tòa chấp thuận những khiếu nại có nền tảng nông cạn như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho tất cả cuộc bầu cử trong tương lai".

Thẩm phán Hagedorn cho rằng một khi tòa án ra phán quyết mở cánh cửa tư pháp vô hiệu hóa kết quả bầu cử tổng thống dựa trên đòi hỏi kiểu như vậy, họ sẽ rất khó đóng lại cánh cửa đó. "Đây chính là con đường nguy hiểm mà bên nguyên yêu cầu chúng tôi phải đi theo", ông nói.

Tương tự, thẩm phán của một hạt ở bang Arizona hôm 4/12 cũng bác đơn kiện được Kelli Ward, chủ tịch đảng Cộng hòa của bang này, đệ trình. "Tòa án không thấy bất kỳ hành vi sai trái, gian lận hay hay gây ảnh hưởng nào tới kết quả bầu cử", thông báo của tòa án nêu rõ. Ward tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này.

Tổng thống Donald Trump (phải) phát biểu ở  hôm 27/9. Ảnh: AP.
Tổng thống Donald Trump (phải) phát biểu ở hôm 27/9. Ảnh: AP.

Thẩm phán James Russell ở thành phố Carson, bang Nevada cũng từ chối mọi khiếu nại từ nhóm pháp lý của Trump, nhấn mạnh các bằng chứng mà họ đưa ra không đủ sức thuyết phục. Russell liên tục khẳng định rằng nhóm luật sư của Trump đã không "đưa ra được bất kỳ bằng chứng theo tiêu chuẩn pháp lý nào" cho cáo buộc của mình.

"Không có bất kỳ bằng chứng xác thực và đáng tin nào cho thấy bầu cử năm 2020 ở Nevada bị ảnh hưởng bởi tình trạng gian lận", Russell viết trong phán quyết.

Jesse Binnall, luật sư dẫn dắt thách thức pháp lý của Trump ở Nevada, tuyên bố "không đồng ý với phán quyết này. Đơn kiện và bằng chứng mà chúng tôi đưa ra rất mạnh mẽ và thuyết phục. Chúng tôi đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Nevada".

Một trong số vụ kiện nổi bật nhất của nhóm Trump là đơn kiện ở Georgia, do luật sư gây tranh cãi Sidney Powell và Lin Wood dẫn dắt, cũng vấp trở ngại.

Kháng cáo của nhóm luật sư nhằm tăng cường lệnh hạn chế do một thẩm phán liên bang ban hành hôm 29/11, trong đó cấm bất kỳ sửa đổi nào đối với máy bỏ phiếu ở ba hạt ở Georgia. Tuy nhiên, hội đồng thẩm phán ba thành viên của Tòa Phúc thẩm khu vực 11 đã bác bỏ kháng cáo của nhóm này mà không cần nghe thêm bất kỳ tranh luận nào từ các bên.

Thẩm phán Andrew Brasher, người từng được Trump đề cử, cho rằng kháng cáo này là một sai lầm chiến lược, bởi các thẩm phán tòa cấp dưới đã gần như đồng ý tổ chức một phiên điều trần, có thể giúp Powell và Wood chỉ định chuyên gia kiểm tra các máy bỏ phiếu ở một số hạt của bang Georgia.

"Các nguyên đơn đã không coi dấu hiệu này từ tòa sơ thẩm là một câu trả lời, thay vào đó, họ kháng cáo. Và vì họ kháng cáo, phiên điều trần đã bị dừng lại và vụ kiện vị trì hoãn đáng kể", thẩm phán Brasher viết trong một bài bình luận có sự tham gia của thẩm phán Charles Wilson do tổng thống Bill Clinton đề cử và thẩm phán Robin Rosenbaum do tổng thống Barack Obama đề cử.

Các thẩm phán không loại bỏ hoàn toàn thách thức pháp lý do Powell dẫn dắt, nhưng việc phải đi "đường vòng" tới tòa án phúc thẩm đã khiến chiến dịch Trump mất một tuần lãng phí, trong khi họ đã có thể kiểm tra các máy bỏ phiếu hoặc cố gắng thuyết phục các thẩm phán "đóng băng" nhiều thiết bị bỏ phiếu hơn.

Tại Michigan, một tòa án phúc thẩm đã bác bỏ nỗ lực của chiến dịch Trump nhằm chặn xác nhận kết quả bầu cử của bang. Các thẩm phán cho biết dù các luật sư của Trump cố tình trì hoãn việc nộp hồ sơ mới nhất, bang vẫn tiến hành xác nhận kết quả bầu cử, khiến nỗ lực pháp lý này càng trở nên khó khăn.

Còn tại Minnesota, bang mà Biden giành chiến thắng dễ dàng trước Trump, Tòa án Tối cao bang đã bác bỏ đề xuất của đảng Cộng hòa về việc kiểm phiếu lại toàn bang, đồng thời chỉ trích họ vì không thể đưa ra bằng chứng cho các khiếu nại về quan chức bầu cử mà họ nêu ra trong hồ sơ kiện.

Với ngày "bầm dập" vì các phán quyết bất lợi từ tòa án, Trump càng gặp khó khăn hơn trong nỗ lực pháp lý thách thức bầu cử của mình. Trong khi đó, bang California cũng trong ngày 4/12 chính thức xác nhận kết quả bầu cử, trao 55 phiếu đại cử tri cho Joe Biden, giúp ông vượt ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử.

Thanh Tâm (Theo Politico)

Tags:
Khi về già: 60 không mời rượu, 70 không qua đêm, 80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi

Khi về già: 60 không mời rượu, 70 không qua đêm, 80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi

Tuổi già như đèn dầu trước gió, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Mỗi từng miếng ăn giấc ngủ của họ đều cần được cháu con chăm sóc. Dân gian có câu nói: “60 không mời rượu, 70 không qua đêm, 80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất