Nghề Nail ở Mỹ: Quanh chuyện thanh tra của State Board

Trong nghề Nail tại Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang có những luật lệ riêng áp dụng trong phạm vi của tiểu bang đó. Cũng tại mỗi tiểu bang, Hội Đồng Thẩm Mỹ (State Board) là cơ quan có trách nhiệm thi hành các luật lệ liên quan đến nghề Nail do tiểu bang quy định, mà ưu tiên hàng đầu là nhằm bảo vệ sức khoẻ và an toàn vệ sinh của khách hàng cũng như của người thợ Nail.

20:07 05/07/2017

Để bảo đảm sự tuân hành luật lệ của tiểu bang, State Board nào cũng có chương trình kiểm tra các tiệm Nail, và định kỳ kiểm tra sẽ tùy theo quy định và tình trạng nhân lực của State Board tại mỗi tiểu bang. Ngoài những lần kiểm tra định kỳ, thanh tra viên của State Board cũng đến kiểm tra tiệm Nail khi nhận được khiếu nại từ những khách hàng của tiệm, mà chủ yếu là vấn đề vệ sinh, hoặc khi có người tố giác tiệm Nail vi phạm những luật lệ hành nghề quy định bởi tiểu bang. Hiện nay, ngoài trừ Connecticut là tiểu bang duy nhất mà thợ Nail không cần phải có bằng hành nghề, State Board tại các tiểu bang đều quan tâm trong việc ngăn chận các chủ tiệm cho người hành nghề thợ Nail trong tiệm khi chưa có bằng, hoặc chưa hội đủ điều kiện hợp lệ, tùy theo luật của mỗi tiểu bang.

Từ những vụ phạt vạ…

Với người Việt trong nghề Nail, chủ tiệm cũng như thợ Nail thường rất lo ngại bị kiểm tra bởi State Board, vì thực tế cho thấy khi bị kiểm tra thì ít nhiều gì cũng bị biên phạt và phải trả tiền phạt. Lý do tiệm Nail và thợ bị phạt trong những lần kiểm tra của State Board hầu hết là vì nhiều chủ tiệm và thợ Nail rất lơ là trong việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh, mà một phần lớn cũng do sự thiếu hiểu biết về những luật lệ hành nghề.  

Khi thanh tra viên State Board đến kiểm tra tiệm Nail, chủ tiệm và thợ Nail đương nhiên sẽ bị phạt nếu không giữ đúng tiêu chuẩn vệ sinh, hoặc vi phạm luật lệ hành nghề của tiểu bang. Nếu không đồng ý với giấy phạt, người bị phạt có quyền yêu cầu được tái xét. Nhưng do không rành tiếng Anh hoặc không muốn rắc rối với State Board, hầu hết chủ tiệm và nhất là các thợ Nail thường chấp nhận đóng phạt chứ không yêu cầu tái xét. Với một số người xin tái xét giấy phạt thì cũng ít ai có đủ hiểu biết về các thứ luật lệ và quy định của State Board. Vì vậy mà trong những vụ xin tái xét, có người bị phạt vì đã phạm luật rõ ràng nhưng vẫn nghĩ mình bị oan. Còn người bị phạt không đúng thì khó mà phản biện, và cũng không thể thực thi đầy đủ những quyền pháp lý của mình trong tiến trình xin tái xét.

Đến nạn lạm quyền của thanh tra

Bên cạnh những khoản tiền phải trả khi bị thanh tra viên biên phạt, chủ tiệm và thợ Nail người Việt tại nhiều nơi trên nước Mỹ lâu nay vẫn đã và đang lo ngại về một vấn đề thường thấy xảy ra khi tiệm Nail bị kiểm tra: Đó là sự lạm quyền và cung cách đối xử thô lỗ của một số thanh tra viên thiếu chuyên nghiệp của State Board. Trong nhiều vụ kiểm tra, chủ tiệm và thợ Nail người Việt thậm chí còn bị thanh tra viên của State Board xem như kẻ tội phạm. Từ sự lạm quyền này, việc phạt vạ bừa bãi hay thiếu cơ sở pháp lý cũng là điều không tránh khỏi.

Tại miền Nam tiểu bang California vào năm 2008, trong một buổi họp mặt với đại diện State Board và một vài giới chức dân cử, hàng trăm chủ tiệm Nail người Việt đã có dịp lên tiếng than phiền về tình trạng phạt vạ quá đáng, cũng như sự lạm quyền và thái độ hống hách và thô lỗ của một số thanh tra viên khi đến kiểm tra tiệm Nail của người Việt. Trong buổi họp mặt đó, đại diện State Board cho biết sở dĩ xảy ra tình trạng phạt vạ là vì một số chủ tiệm và thợ Nail không theo dõi liên tục được những luật lệ mới ban hành do thiếu sự phổ biến và trở ngại về ngôn ngữ, và cũng vì một số thợ Nail không am tường các luật lệ hành nghề, nhưng không phải vì thế mà bị đối xử thô lỗ.

Trong thời gian gần đây, State Board tại California và một vài tiểu bang đã cho phổ biến các tài liệu thông tin liên quan đến luật lệ hành nghề bằng tiếng Việt. Tại California, State Board cũng gửi kèm theo các giấy phạt một phiếu nhỏ bằng tiếng Anh mà chủ tiệm bị phạt có thể điền và gửi trả lại cho State Board để phản ảnh mức độ chuyên nghiệp của thanh tra viên đã đến tiệm. Nhìn chung thì các tài liệu thông tin bằng tiếng Việt của State Board có thể đã giúp cho một số chủ tiệm và thợ Nail người Việt dễ dàng hiểu rõ những quy định về vệ sinh và luật lệ hành nghề. Tuy nhiên, việc State Board yêu cầu phản ảnh cung cách của thanh tra viên khi đến kiểm tra tiệm dường như không mấy thực tế đối với chủ tiệm Nail người Việt sau khi bị phạt, bởi ai cũng sợ bị trả đũa khi phản ảnh thái độ thô lỗ của thanh tra viên, nếu có. Đó là chưa kể đến vấn đề ‘phủ bênh phủ, huyện bênh huyện’ khiến cho sự phản ảnh của người bị phạt cũng chẳng thay đổi được gì. Nhìn chung, mặc dầu State Board tại các tiểu bang ít nhiều đều đã hay biết về sự lạm quyền của một số thanh tra viên khi đến kiểm tra tiệm Nail của người Việt, nhưng vấn đề này hiện nay vẫn còn xảy ra tại rất nhiều nơi khắp Hoa Kỳ.    

Tức nước vỡ bờ?

Vì nhiều lý do khác nhau, người Việt làm chủ tiệm Nail từ lâu nay vẫn âm thầm chịu đựng chứ ít có ai dám công khai lên tiếng khiếu nại về sự lạm quyền của thanh tra viên khi đến kiểm tra tiệm Nail. Nhưng vào tháng Hai năm nay (2014), lần đầu tiên có 9 người Việt đã cùng nhau nộp đơn tại tòa án liên bang khu vực Baton Rouge để kiện State Board của tiểu bang Louisiana, cáo buộc đích danh các thành viên của State Board này và một vài thanh tra viên suốt nhiều năm qua đã kỳ thị tiệm Nail của người Việt và người gốc Á châu. Tám trong số 9 người đứng tên khởi kiện đều đang làm chủ tiệm Nail tại nhiều khu vực trong vùng Đông Nam tiểu bang Louisiana, người còn lại đã bán tiệm vào cuối năm 2012 sau hơn hai năm hoạt động. Hồ sơ vụ kiện mang số 3-14-cv-00080, và luật sư đại diện cho nhóm chủ tiệm Nail này thuộc tổ hợp “the Cao Law Firm” tại Harvey. Đây là tổ hợp luật được thành lập vài năm nay bởi luật sư Cao Quang Ánh, là cựu dân biểu và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào quốc hội liên bang Hoa Kỳ.

Đặc biệt trong đơn kiện trên đây có dẫn chứng một cảnh tượng mà lâu nay vẫn thường nghe than phiền từ các chủ tiệm Nail người Việt tại nhiều nơi: Đó là sự kiện một thanh tra viên khi đến kiểm tra tiệm, đã buộc chủ tiệm Nail và tất cả thợ phải ngưng làm việc, và không ai được phép rời khỏi tiệm trong suốt thời gian kiểm tra kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Cũng theo đơn kiện, hành động này của thanh tra viên là một hình thức giam giữ trái phép (false imprisonment). Đơn kiện yêu cầu tòa án ban lệnh ngăn cấm hành động kỳ thị của những thanh tra viên và thành viên trong State Board tiểu bang Louisiana đối với các tiệm Nail do người Việt và người gốc Á châu làm chủ, và buộc State Board phải có chương trình tái huấn luyện các thành viên, thanh tra viên và cả luật sư của State Board.

Ngay sau khi vụ kiện được tiến hành, State Board tiểu bang Louisiana đã phổ biến một bản tuyên bố cho rằng vụ kiện là vô căn cứ, và ‘nhằm ngăn trở State Board trong việc thanh tra những tiệm Nail đó và thi hành luật lệ của tiểu bang để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của công chúng.’ Cũng theo State Board tiểu bang Louisiana, cơ quan này từ nhiều năm qua đã cung cấp thông dịch viên Việt Nam để giúp chủ tiệm và thợ Nail không rành Anh ngữ trong các buổi điều trần, và còn tổ chức các phần thi lấy bằng hành nghề bằng tiếng Việt.

Luật sư Cao Quang Ánh thì nói rằng ‘rõ ràng đang có diễn ra một sự phân biệt chủng tộc.’ Ông cũng cho biết trong lúc tham dự một buổi họp của Sate Board tiểu bang Louisiana vào mùa thu năm vừa qua, ông đã bị cấm không được nói tiếng Việt với một thân chủ không thông thạo Anh ngữ. Ông nói đã gửi thư đến State Board để khiếu nại sự việc này.

Vấn đề trước mặt

Vụ kiện cáo buộc thanh tra viên và thành viên State Board tiểu bang Louisiana kỳ thị tiệm Nail của người Việt hiện nay đang trong giai đoạn sơ khởi và chưa biết sẽ ra sao. Nhưng dầu thế nào đi nữa thì vụ kiện này cũng đã phản ảnh sự kỳ thị của một số thanh tra viên State Board khi đến kiểm tra tiệm Nail của người Việt, là một việc có thật đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ. Nhưng điều đáng nói hơn hết là những chủ tiệm Nail người Việt tại Louisiana khi mạnh dạn tham gia vụ kiện này, chính là đã gửi đến giới chủ tiệm Nail người Việt khắp Hoa Kỳ một thông điệp về tinh thần đoàn kết, là một sự cần thiết phải có nếu không muốn bị đối xử thiếu công bằng bởi những thanh tra viên lạm quyền hoặc kỳ thị tiệm Nail của người Việt.        

Bài học từ vụ kiện của các chủ tiệm Nail tại Louisiana cho thấy rằng giới chủ tiệm Nail phải biết đoàn kết thì mới mong tránh được những hành động lạm quyền của thanh tra viên State Board. Trong những năm qua, tại California và một vài tiểu bang đã có hình thành những tổ chức hay hiệp hội của người Việt trong nghề nail. Hy vọng trong một tương lai gần đây, các hội đoàn này sẽ có thể thật sự mang lợi ích đến cho hội viên để thu hút được sự tham gia và hổ trợ của nhiều chủ tiệm và thợ Nail người Việt, là bước đầu tiên nhằm tạo sự kết hợp hầu có được tiếng nói chung của một tập thể trong sinh hoạt dân chủ của xã hội Hoa Kỳ.

Chủ tiệm và thợ Nail nên hiểu rằng, kiểm tra tiệm Nail là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe của khách hàng và mọi người trong nghề Nail, và thanh tra viên có trách nhiệm biên phạt khi chủ tiệm hay thợ Nail vi phạm luật lệ trong lúc hành nghề. Để tránh bị phạt, chủ tiệm và thợ Nail phải giữ luật. Nhưng dầu có phạm luật, không ai có thể bị đối xử thô lỗ bởi thanh tra viên. Nếu bị phạt không rõ ràng và thiếu cơ sở pháp lý hay thậm chí chỉ là do sự suy đoán hoặc nghi ngờ của thanh tra viên, người bị phạt có quyền yêu cầu được tái xét, và có quyền được đại diện bởi người chuyên môn trong tiến trình xin tái xét. Trường hợp người chủ tiệm hay thợ Nail có đủ bằng chứng cho thấy đã bị thanh tra viên đối xử thô lỗ hay làm bẽ mặt trước khách hàng trong lúc kiểm tra tiệm, người đó có quyền trực tiếp khiếu tố nội vụ với các cơ quan có thẩm quyền trong tiểu bang. Tại California, những hành động lạm quyền hay thái độ sai trái của thanh tra viên hoặc của các thành viên trong State Board, có thể được khiếu tố với bộ phận điều tra của California State Auditor, điện thoại liên lạc số (800) 952-5665, hoặc fax đơn khiếu tố đến số (916) 322-2603. Văn phòng State Auditor sẽ điều tra và tuyệt đối giữ kín danh tánh của người nộp đơn khiếu tố. Ngoài ra, chiếu theo luật dân quyền 42 U.S.C. § 1983, cá nhân thanh tra viên và thành viên của State Board (là nhân viên của tiểu bang) có thể bị kiện trước tòa án liên bang nếu có hành động lạm quyền gây hại đến người khác.

____________________________________

 

Muốn có đầy đủ thông tin và sự giải thích rõ ràng về các luật lệ hiện hành liên quan đến nghề Nail, hãy tìm đọc sách “Luật Pháp & tại Hoa Kỳ” biên soạn bởi Tiến Sĩ Luật Khoa Tom Huỳnh, là người đã được đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America) phỏng vấn về các luật lệ thuế vụ và lao động liên quan đến tại Mỹ. Điện thoại liên lạc: (949) 943-4396.

Luật Pháp & Nghề Nail tại Hoa Kỳ

Giá mỗi quyển: $14.95 + $5.00 cước phí (trong Hoa Kỳ)

Gửi tên & địa chỉ người nhận và check $19.95 về:

Tom Huynh, J.D.

221 Main Street, #1011

Seal Beach, CA 90740 

Tags:
9X Mỹ làm lao công ban đêm lấy tiền theo cao học

9X Mỹ làm lao công ban đêm lấy tiền theo cao học

Để hoàn thành chương trình thạc sĩ, nam sinh tại Mỹ phải làm việc 16 tiếng một ngày, bao gồm công việc lao công tại trường học vào ban đêm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất