Ngừng tự động nhập tịch cho trẻ sinh ở Mỹ, TT Trump sẽ vi hiến?

Nhiều ý kiến cho rằng việc xóa bỏ quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra ở Mỹ sẽ là vi hiến và ông Trump đang cố tình chơi “chiêu trò chính trị” trước thềm bầu cử giữa kỳ.

12:30 03/11/2018

Tổng thống Donald Trump hôm 31/10 nói rằng Hiến pháp Mỹ không đảm bảo quyền có quốc tịch Mỹ cho bất cứ ai sinh ra ở Mỹ, lời khẳng định đi ngược lại diễn giải lâu nay về quyền công dân được quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp này.

Phát biểu được ông đưa ra một ngày sau khi nói với trang tin Axios rằng ông có thể chấm dứt chính sách này bằng một “sắc lệnh hành pháp”, cho rằng việc tự động cấp quốc tịch Mỹ cho trẻ sinh ra ở Mỹ là “điều nực cười”. Tuy nhiên, ý định của tổng thống Mỹ vấp phải chỉ trích mạnh mẽ với một số ý kiến cho rằng điều này là vi hiến.

Mỹ đã áp dụng chính sách bất cứ trẻ em nào sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ trong suốt 150 năm qua. Ảnh: Getty.

Có vi hiến không?

“Cái gọi là quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra ở Mỹ, vốn khiến đất nước chúng ta mất hàng triệu USD và rất bất công với các công dân của chúng ta, sẽ phải chấm dứt bằng cách này hay cách khác. Nó không được quy định trong Tu chính án thứ 14 vì cụm từ ‘chịu quyền xét xử ở đó'”, ông Trump viết trên Twitter khi chưa đầy một tuần nữa cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra.

Khoản 1, Điều 1 trong Tu chính án thứ 14, được quốc hội Mỹ thông qua năm 1866, quy định: “Tất cả những người sinh ra ở nước Mỹ hay nhập tịch Mỹ, và chịu quyền xét xử ở đó, đều là công dân của nước Mỹ và của bang nơi họ cư trú”.

Tu chính án thứ 14 ra đời sau Nội chiến Mỹ (1861-1865) với mục đích giúp những người từng là nô lệ có được sự bảo vệ của hiến pháp. Với quy định trên, tu chính án đã vô hiệu hóa một phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1857 tuyên rằng nô lệ và con cái của nô lệ không thể trở thành công dân Mỹ.

Tuy nhiên, sau 150 năm, một số thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có ông Trump, cho rằng quy định trên tạo động cơ cho di dân từ các nước đến Mỹ bất hợp pháp để sinh con, giúp những đứa trẻ này mặc nhiên trở thành công dân Mỹ.

Ông George T. Conway III, luật sư và là chồng của bà Kellyanne Conway, một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump, viết trên mục ý kiến của Washington Post hôm 31/10 rằng hành động chấm dứt “quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra ở Mỹ” sẽ là vi hiến.

“Đôi khi ngôn từ trong Hiến pháp (Mỹ) rõ như ban ngày và ngăn cản các chính trị gia làm những điều họ muốn. Đó chính là trường hợp liên quan đến đề xuất của Tổng thống Trump muốn dùng một sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra ở Mỹ”, ông Conway viết chung với một tác giả khác cũng là luật sư.

“Một hành động như vậy sẽ là vi hiến và chắc chắn sẽ bị phản đối. Và những người phản đối hiển nhiên sẽ thắng”.

Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) lên án ý định của ông Trump, nói rằng tổng thống không thể xóa bỏ hiến pháp bằng một sắc lệnh hành pháp và việc đảm bảo quyền công dân được quy định trong Tu chính án thứ 14 là rõ ràng.

“Đây là nỗ lực vi hiến một cách trắng trợn nhằm gieo rắc sự chia rẽ và thổi bùng ngọn lửa thù hận chống người nhập cư trong thời gian trước cuộc cuộc bầu cử giữa kỳ”, ông Omar Jadwat, giám đốc Dự án Quyền Di dân của ACLU, nói với CNN.

Tổng thống Trump cho rằng việc cấp quốc tịch Mỹ cho trẻ sinh ra ở Mỹ một cách vô điều kiện là “điều nực cười”. Ảnh: AP.

Đồng tình với quan điểm này, bà Kristen Clarke, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Ủy hội Luật sư vì Quyền Công dân theo Quy định Pháp luật, nói ý tưởng của ông Trump “không những trái với hiến pháp mà còn làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc, lợi dụng sự sợ hãi và khoét sâu sự chia rẽ trên khắp đất nước”, theo New York Times.

Tuy nhiên, những người ủng hộ xóa bỏ quy định trên, bao gồm Tổng thống Trump, lại nhắm vào cụm từ “chịu quyền xét xử” trong Điều 1 Tu chính án thứ 14. Họ cho rằng công dân nước ngoài, dù sống ở Mỹ, cũng không chịu quyền xét xử của nước Mỹ, và vì vậy con cái họ không phải là đối tượng áp dụng của điều khoản trên.

Một luồng ý kiến khác cho rằng có hai trường hợp rõ ràng không chịu quyền xét xử của nước Mỹ: viên chức ngoại giao và con cái họ, và – tại thời điểm Tu chính án thứ 14 ra đời – cư dân bản địa Mỹ, những người khi đó không được công nhận là nhân dân Mỹ.

 

“Với hai ngoại lệ này, tất cả những ai có mặt tại Mỹ đều được cho là nằm dưới quyền xét xử của Mỹ”, ông Jeffrey Rosen, chủ tịch kiêm CEO Trung tâm Hiến pháp Quốc gia Mỹ, một cơ quan do Quốc hội Mỹ thành lập, nói với CNN.

“Đã có nhiều vụ việc tại Tòa án Tối cao tái khẳng định quan điểm này, và cũng quan trọng không kém là đã có nhiều đạo luật của quốc hội thừa nhận quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra tại Mỹ”.

Một trong những phán quyết nổi tiếng nhất liên quan đến việc áp dụng Tu chính án thứ 14 là lần Tòa án Tối cao Mỹ thụ lý vụ Wong Kim Ark, người sinh ra ở San Francisco, có cha mẹ là người gốc Hoa cư trú tại Mỹ nhưng không đủ điều kiện nhập tịch, vào năm 1898. Chính phủ Mỹ không công nhận tư cách công dân của Wong nhưng Tòa án Tối cao cho rằng Wong mặc nhiên là công dân Mỹ vì anh sinh ra trên đất Mỹ.

Khả thi tới đâu?

Các tu chính án của Hiến pháp Mỹ không thể bị sửa đổi bởi mệnh lệnh của tổng thống; chúng chỉ có thể được sửa đổi hay xóa bỏ với ít nhất 2/3 số phiếu tán thành ở lưỡng viện quốc hội hoặc ít nhất 2/3 cơ quan lập pháp cấp tiểu bang triệu tập một hội nghị để xem xét lại nội dung hiến pháp.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, đại diện bang Virginia, nói tổng thống “có quyền đưa ra vấn đề để tranh luận” nếu ông muốn nhưng hãy đối mặt với việc ông có thể vi hiến nếu thông qua sắc lệnh hành pháp.

“Hiến pháp nói khá rõ rằng không ai, bao gồm cả tổng thống Mỹ, được đứng trên luật pháp”, ông nói.

Ông Warner cũng cho rằng ông Trump đơn giản là “muốn làm bất cứ điều gì có thể để mang đến nỗi lo sợ về vấn đề di dân, sử dụng điều này như một công cụ chính trị trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử giữa kỳ”.

Đồng quan điểm, Dân biểu Cộng hòa Ryan Costello cho rằng việc ông Trump đột ngột nêu lên vấn đề quyền công dân với người sinh ra tại Mỹ là “trò bẩn chính trị” trước thềm bầu cử giữa kỳ.

Một số ý kiến cho rằng ông Trump nêu vấn đề quyền công dân dựa trên nơi sinh vào thời điểm này chỉ là chiêu trò chính trị trước thềm bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Getty.

Cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 6/11 và đảng Dân chủ có khả năng sẽ lật ngược thế trận tại quốc hội nơi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở cả 2 viện. Một quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ mang đến nhiều bất lợi cho ông Trump trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, bao gồm việc ông sẽ phải vất vả hơn để các chính sách được thông qua cũng như phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

Sự việc đã gây ra cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, một trong những lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa. Trong một chương trình radio, ông Ryan nói “anh không thể chấm dứt quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra ở Mỹ bằng một sắc lệnh hành pháp”.

Đáp lại một cách châm biếm trên Twitter, Tổng thống Trump nói ông Ryan nên tập trung cho việc giữ thế đa số của đảng Cộng hòa ở quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới, thay vì phát biểu về việc mà “anh ta không biết gì cả”.

 

Ý định của ông Trump vấp phải sự phản đối từ nhiều thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (phải). Ảnh: AP.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều chống lại ý tưởng của ông Trump. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh của vị tổng thống, nói quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra tại Mỹ là một “chính sách vô lý” và ông ủng hộ xóa bỏ điều này.

“Mỹ là một trong hai nước phát triển trên thế giới trao tư cách công dân dựa trên nơi sinh. Chính sách này là thanh nam châm thu hút nhập cư trái phép, đứng ngoài dòng chảy chính thống của thế giới phát triển và cần phải chấm dứt”, ông viết trên Twitter.

Ông nói sẽ tự mình đề xuất dự luật về vấn đề này ở Thượng viện.

Dù vậy, ông Trump và ông Graham đều sai khi nói chỉ có Mỹ hoặc chỉ có 2 nước trên thế giới có chính sách này.

Theo Washington Post, ít nhất 30 nước, gồm Mỹ, Canada và gần như tất cả các nước ở Trung và Nam Mỹ, trao tư cách công dân dựa trên nơi sinh một cách vô điều kiện. Đa phần châu Âu không áp dụng chính sách này nhưng nhiều nước như Bỉ, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh tạo điều kiện để những đứa trẻ như vậy dễ dàng được nhập tịch sau này.

Theo một thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2015, 60% người Mỹ phản đối việc chấm dứt quy định tự động cấp quốc tịch Mỹ cho người sinh ra tại Mỹ.

Nguồn: Zing

Tags:
Phụ nữ lái xe vượt bảng ‘stop’ cán chết 3 trẻ em trong cùng gia đình

Phụ nữ lái xe vượt bảng ‘stop’ cán chết 3 trẻ em trong cùng gia đình

Ba trẻ em cùng một gia đình thiệt mạng và một em thứ tư bị thương nặng sáng Thứ Ba khi các em bị một xe pickup truck Toyota Tacoma tông, trong lúc chuẩn bị bước lên xe buýt đi học, cảnh sát cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất