Người bỏ cơ nghiệp trời Tây để cưu mang trẻ em đường phố Việt

Cảnh nghèo đói hiển hiện trước mắt, người đàn ông gốc Việt thấy mình không thể ngồi yên khi những đứa trẻ cơ nhỡ mưu sinh trên đường phố.

23:45 31/12/2017

Năm 1996, Jimmy Phạm tới Việt Nam. Sinh ra ở một quốc gia Đông Nam Á nhưng lớn lên tại Australia, Jimmy đến đất nước hình chữ S qua một hợp đồng làm hướng dẫn viên tạm thời, nhưng ông hoàn toàn không biết cuộc đời mình sẽ rẽ sang một ngả mới.

Ý tưởng nảy ra với Jimmy trong một lần dạo phố ở Sài Gòn, anh tình cờ gặp vài em nhỏ. "Cảnh nghèo đói hiển hiện ngay trước mắt, khiến bạn không thể ngồi yên được. Tôi đã thấy một bé gái đứng khóc bên đường - bố em là một kẻ nghiện rượu, mẹ tối ngày ham đánh bạc... Và tôi quyết định tự mình tạo nên sự thay đổi tôi muốn thấy ở thế giới này", ông trả lời Rebecca Shapiro - cây bút của Intrepid Travel.

Đêm hôm ấy, Jimmy đưa 60 đứa trẻ ra ngoài ăn phở. Bốn tháng sau, ông chuyển đến sống. Từ một hướng dẫn viên tại nước ngoài, Jimmy trở thành người sáng lập KOTO, một trung tâm đào tạo về dịch vụ khách hàng, thuộc quỹ phi lợi nhuận của công ty anh làm việc. (KOTO là từ viết tắt của cụm "Know One, Teach One" - Biết Một, Dạy Một).

Jimmy (giữa) và những học viên của KOTO. Ảnh: Intrepid Travel.

Jimmy (giữa) và những học viên. Ảnh: Intrepid Travel.

"Tôi quay lại với 200 USD trong túi, một công việc, tình yêu và đam mê", Jimmy hồi tưởng. Ông luôn trăn trở làm sao có thể tập trung vào việc đào tạo bọn trẻ thay vì cho tiền hay nuôi ăn vài bữa; làm sao để xây dựng kỹ năng thực tế chứ không đơn thuần là phát đi một đống tài liệu.

Ông hướng đến việc tạo ra "một Harvard cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn", nhằm giúp đỡ những đứa trẻ sống buông thả, bị bóc lột sức lao động, hoặc bất cứ ai từ 16 đến 22 tuổi cần hỗ trợ.

18 năm trước, điều hành một doanh nghiệp xã hội là việc gì đó rất xa lạ tại Việt Nam. Nó thực sự là thách thức của người tiên phong, điều mà nhiều người Việt chưa từng nghe đến, nên Jimmy gặp khó khăn từ khi gây quỹ.

Năm 1999, KOTO chỉ là một tiệm bánh mì khiêm tốn với 9 học viên. Ngày nay, trung tâm đã thay đổi cuộc đời của hàng trăm thanh thiếu niên, nhờ những khoá đào tạo dịch vụ khách hàng miễn phí kéo dài 2 năm.

Tới nay có hơn 400 cử nhân tốt nghiệp, nhiều người ở lại làm việc trong chính những nhà hàng đào tạo của trung tâm. Một số người hiện làm việc tại những khách sạn 5 sao và nhà hàng khắp Việt Nam, nhiều người đã ra nước ngoài làm việc cho các tập đoàn quốc tế hoặc tự gây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng.

Thảo, một học viên, từng là một bé gái lang thang trên những con phố suốt 7 ngày một tuần để bán bưu thiếp. Giờ cô là một trong những quản lý nhà hàng của trung tâm. Một học viên khác, Nga, phải bỏ học từ năm 13 tuổi để đi làm giúp mẹ (cha của cô đã bỏ đi, anh trai dính vào ma tuý). Tốt nghiệp khoá học, Nga đã làm việc cho một trong số những khách sạn cao cấp nhất của thủ đô.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng dùng bữa tại nhà hàng KOTO trong lần thăm hữu nghị  năm 2000. Ảnh: KOTO.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng dùng bữa tại nhà hàng của trung tâm trong lần thăm hữu nghị Việt Nam năm 2000. Ảnh: Today.

Quy trình tuyển sinh chia làm bốn giai đoạn và kéo dài hai tháng, mỗi 7 người, chỉ có một được chọn. "Khi một đứa trẻ được nhận vào trung tâm thì sao? Hầu như lần nào chúng cũng khóc", Jimmy nói.

Mỗi khi có một đứa trẻ được nhận vào trung tâm, em sẽ nhận được bức thư viết "Chúc mừng, bạn sắp thay đổi cuộc đời mình rồi đó", và điều đó thực sự xảy ra. Ông nhận định, những đứa trẻ cơ nhỡ sẽ "ngựa quen đường cũ", trở về cuộc sống tội phạm, hút chích hay mại dâm, nếu không được rèn giũa. Trải qua khoá học, các em có trình độ chuyên môn về ngành dịch vụ khách hàng, với chứng chỉ được quốc tế công nhận.

Jimmy tự hào với những thành tựu của mình: "18 năm trước khi tôi gợi ý người ta thuê những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người bảo tôi đừng ngớ ngẩn như vậy. Giờ nhiều em đang làm việc trong những khách sạn 5 sao".

Ông cũng mong ngày nào đó, một cựu học viên sẽ đảm nhận vị trí của mình, để hoạt động của trung tâm trở thành một vòng tròn trọn vẹn. "Đó là một công việc tôi rất yêu thích. Khi bạn trao yêu thương và truyền cảm hứng cho ai đó, tương lai là vô hạn", ông nói.

Du khách có thể đến dùng bữa tại những nhà hàng của trung tâm, như một cách đóng góp để phát triển du lịch bền vững và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh tại Việt Nam.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Jimmy khuyên Rebecca nên tới thăm : "Bạn sẽ tìm thấy những người thân thiện nhất, một nền văn hoá tuyệt vời, một nền ẩm thực quyến rũ đến mức bạn sẽ không thể giảm cân".

Tags:
85% trẻ em Mỹ tin rằng ông già Noel là có thật

85% trẻ em Mỹ tin rằng ông già Noel là có thật

Một nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng 85% số trẻ em sinh sống ở nước Mỹ tin rằng ông già Noel – Santa Clause – là có thật.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất