Người cha Mỹ mất con mới nhận ra bỏ lỡ nhiều điều

Khi nhận cuộc gọi từ vợ báo tin con trai mất, J.R Storment đang ngồi trong phòng họp ở Portland, bàn bạc về chính sách nghỉ phép có lương.

22:30 10/09/2019

Tám năm trước, cũng tháng này, tôi có hai bé trai sinh đôi và đồng sáng lập Cloudability. Cách đây ba tháng, Cloudability được mua lại. Và chỉ mới ba tuần trước, chúng tôi mất một trong hai đứa con.

Khi nhận cuộc gọi từ vợ, tôi đang ngồi trong phòng họp với 12 người khác ở Portland, bàn bạc về chính sách nghỉ phép có lương. Vài phút trước, tôi thừa nhận với đồng nghiệp rằng suốt ít nhất 8 năm, mình không hề nghỉ phép quá một tuần.

Vợ chồng tôi đã thỏa thuận rằng nếu một trong hai chúng tôi gọi điện, người còn lại nhất định phải trả lời. Thế nên, lúc chuông reo, tôi đứng dậy và ra cửa phòng họp ngay lập tức.

“Có chuyện gì thế”, tôi vừa nói vừa bước ra phía cửa.

Câu trả lời của vợ tôi thật lạnh lùng và ngắn gọn: “J.R, Wiley mất rồi”.

“Gì cơ”, tôi hỏi lại một cách hoài nghi.

“Wiley mất rồi”, cô ấy nhắc lại.

“Gì cơ, không”, tôi hét lên. “Không”.

“Em rất tiếc. Em phải gọi 911”.

Đó là toàn bộ cuộc trò chuyện. Điều tiếp theo tôi biết là mình chạy vội ra khỏi văn phòng, tay cầm chìa khóa xe ôtô, băng qua đường và lẩm bẩm: “Chết tiệt”.

12 phút sau, tôi về tới nơi, con đường trước nhà chật cứng xe cứu thương. Tôi chạy vào, tiến thẳng đến phòng ngủ của hai con. Nửa tá cảnh sát chặn tôi lại.

Tôi phải chờ 2,5 tiếng đồng hồ đầy đau đớn mới được nhìn thấy con. Thằng bé nằm trên giường, phủ chăn gọn gàng, ngủ yên bình. Bé Wiley đã qua đời do biến chứng động kinh.

Đội ngũ y tế xong việc, chúng tôi được vào phòng. Tôi ngồi xuống bên giường Wiley, nắm tay con và cứ thế nhắc lại: “Chuyện gì xảy ra thế, anh bạn”.

Chúng tôi ở đó chừng 30 phút và vuốt tóc con trước khi họ quay lại để mang con đi.

Gia đình Storment, Wiley ở bìa phải. Ảnh: J.R. Storment.

Gia đình Storment, Wiley ở bìa phải. Ảnh: J.R. Storment.

Một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất là ký giấy chứng tử của Wiley. Nhìn thấy tên con trên tờ giấy đó đã đủ đau đớn rồi. Tuy nhiên, hai mục bên dưới khiến trái tim tôi tan vỡ. Đó là mục nghề nghiệp: chưa bao giờ làm việc và tình trạng hôn nhân: chưa bao giờ kết hôn. Thằng bé đã rất muốn làm hai điều này.

Wiley từng bị ám ảnh bởi ý tưởng kinh doanh. Hôm này có thể là xe bán sinh tố, hôm sau lại thành phòng tranh, rồi một công ty bán thiết bị thực tế ảo. Trong mọi viễn cảnh, con sẽ làm chủ còn chúng tôi được mời tới làm việc cho con.

Khoảng 5 tuổi, Wiley quyết định sẽ kết hôn khi trưởng thành. Lên 6, con đã nhắm một bạn gái và nắm tay con bé vào ngày đầu tiên đi học. Hai năm tiếp đó, chúng tôi chuyển từ Portland đến London và Hawaii, thằng bé vẫn giữ liên lạc với cô bạn này qua thư tay. Không lâu trước khi chúng tôi trở lại Portland, hai đứa đồng ý sẽ lấy nhau.

Ba tuần qua, tôi đã nghĩ về danh sách vô tận những điều mình hối tiếc. Chúng hầu như rơi vào hai loại: điều tôi ước mình làm khác đi và điều tôi buồn vì chưa được thấy con làm. Vợ tôi liên tục nhắc nhở tôi về những gì Wiley đã thực hiện: con đã đến 10 quốc gia, lái một chiếc xe ở Hawaii, đi bộ đường dài ở Hy Lạp, lặn ở Fiji, mặc suit đi học mẫu giáo suốt hai năm ở Anh, được cứu khỏi cá mập khi đi môtô nước, hôn nhiều cô gái, chơi cờ vua đủ giỏi để đánh bại tôi hai lần liên tiếp, viết truyện ngắn và ham mê vẽ truyện tranh.

Thế mà, con lại ra đi chỉ sau một đêm.

Đêm trước đó, mọi thứ còn bình thường. Wiley rất khỏe mạnh và hợp tác. Bạn bè chúng tôi đưa con của họ tới ăn tối. Chúng tôi cùng nhảy trên tấm đệm lò xo khổng lồ, món đồ đầu tiên sắm được sau khi mua căn nhà mới cách đây vài tuần.

Wiley có chút hách dịch với những đứa trẻ khác và la mắng mọi người vì chơi sai cách. Tôi đã kéo con sang một bên và nghiêm khác mắng con, đến nỗi khiến con khóc. Đó là một trong những tương tác cuối cùng của bố con tôi và tôi đã tự đánh mình hàng chục lần vì điều này. Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt lăn trên má Wiley khi con nói: “Bố không nghe con. Không ai nghe con cả”.

Vài tiếng trôi qua, tình hình dịu lại. Chúng tôi gọi đồ ăn về nhà và Wiley ăn món con thích: cơm với súp Ấn Độ. Sau đó, chúng tôi đưa bọn trẻ vào giường. Tôi xin lỗi Wiley vì làm con khóc, ôm con rồi đi ngủ.

Khoảng 15 phút sau, tôi đang nằm trên giường thì thấy bóng con bước lên cầu thang.

“Bố ơi, con không ngủ được”.

Tiếng nhạc lớn từ bữa tiệc bên hàng xóm khiến thằng bé thức giấc. Tôi đưa con về giường và đóng mọi cửa sổ. Con nói như vậy là ổn rồi. Chúng tôi ôm nhau, rồi tôi quay về giường.

Khoảng 5h40 sáng, tôi tỉnh dậy, chuẩn bị cho hàng loạt cuộc họp. Tôi rời khỏi nhà mà không kiểm tra hay tạm biệt hai con trai.

Một lúc sau, Jessica vẫn nghĩ rằng Wiley ngủ nướng. Con rất thích ngủ, rất yêu chiếc giường của mình và đã hoạt động nhiều suốt cả tuần. Đến lúc cảm thấy con ngủ quá lâu rồi, cô ấy đi kiểm tra.

Con lạnh ngắt. Đội ngũ y tế về sau ước tính con đã mất được ít nhất 8-10 tiếng khi vợ tôi phát hiện, nghĩa là thằng bé ra đi từ đêm.

Nhiều người hỏi làm thế nào để giúp chúng tôi bây giờ. Hãy ôm con bạn. Đừng làm việc quá trễ. Tôi đoán rằng nhiều người trong số các bạn lên lịch gặp đối tác. Nhưng liệu bạn có dành thời gian cho con cái không? Bài học rút ra từ bi kịch của chúng tôi là đừng bỏ lỡ những điều quan trọng.

Trong lúc tôi viết những dòng này, con trai Oliver đến gần và hỏi xem thiết bị điện tử. Thay vì nói “không” như bình thường, tôi dừng viết và đề nghị chơi cùng con. Con ngạc nhiên, vui vẻ trước câu trả lời của tôi và hai bố con kết nối với nhau theo cách mà tôi từng bỏ lỡ. Điều tích cực từ thảm kịch này là tôi có thể cải thiện mối quan hệ với con trai.

Tôi đã học cách ngừng trì hoãn những gì bọn trẻ muốn làm. Ngày bán công ty, tôi cho mỗi con 100 USD. Hai đứa quyết định dành tiền mua lều cắm trại nhưng chúng tôi không kịp đi đâu trước khi Wiley mất. Lại thêm một điều tiếc nuối nữa. Thế nên, sau khi hoàn tất thủ tục liên quan đến cái chết của Wiley, điều đầu tiên tôi làm là đưa Jessica và Oliver đi cắm trại gần núi St. Helens.

Đến chỗ cắm trại, chúng tôi nhận ra mình không đủ tiền mặt để trả phí. Đúng lúc ấy, Jessica vô tình tìm thấy tờ 100 USD của Wiley vẫn còn ở túi ghế con vẫn ngồi. Cuối cùng, thằng bé cũng được tiêu tiền vào chuyến đi của gia đình. Cả nhà chúng tôi đã hét lên: “Cảm ơn anh bạn” để gửi đến con.

Wiley từng rất thích nghe nhạc và nhảy múa. Một năm trước khi sang London, chúng tôi đã nghe một ban nhạc biểu diễn ca khúc Enjoy yourself (It’s later than you think). Ca từ bài hát ấy đến nay vẫn còn quanh quẩn trong đầu tôi:

Bạn làm việc và làm việc từ năm này qua năm khác, lúc nào cũng di chuyển

Bạn không bao giờ nghỉ tay một phút, lúc nào cũng bận rộn

Bạn nói một ngày nào đó, bạn sẽ có niềm vui khi trở thành triệu phú

Nhưng hãy tưởng tượng niềm vui nào bạn có khi ngồi trên chiếc ghế cũ

Hãy tận hưởng đi, đã muộn hơn bạn nghĩ rồi đấy

Hãy tận hưởng đi, khi vẫn còn thanh xuân

Năm tháng trôi qua nhanh như chớp mắt

Hãy tận hưởng đi, đã muộn hơn bạn nghĩ rồi đấy.

Minh Trang (Theo Washington Post)

Tags:
“Văn hóa không tên” tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa

“Văn hóa không tên” tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa

Buổi sáng thứ sáu tuần vừa qua, tôi được một ông bạn điện thoại đến rủ ra Givral uống cà phê. Tôi rất ngạc nhiên vì từ hơn 2 năm nay Givral nằm trong thương xá Eden đã bị đập phá tan tành để… làm một cái gì đó ở Sài Gòn này, chắc cũng “vĩ đại” như tòa nhà Vincom chiếm trọn khu vườn hoa trước mặt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất