NGƯỜI GỐC Á Ở MỸ LIÊN TỤC BỊ TẤN CÔNG

Ít nhất ba cuộc tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á ở Bay Area đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng kỳ thị chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19.

06:30 10/02/2021

Trong cuộc họp báo ở khu China Town, thành phố Oakland, hôm 8/2, chưởng lý hạt Alameda, bà Nancy O'Malley, đã thông báo việc thành lập một đơn vị phản ứng đặc biệt. Đơn vị chuyên điều tra các vụ phạm tội nhắm vào người châu Á, đặc biệt là người cao tuổi.

Bà O'Malley phát biểu: “Hành vi phạm tội nhắm vào cộng đồng người châu Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Hoa, có xu hướng gia tăng tại hạt Alameda. Đây là điều không thể dung thứ”.

ky thi nguoi goc A anh 2

Hình cắt từ video vụ một người gốc Á cao tuổi bị tấn công hôm 31/1 ở khu Chinatown tại Oakland. Ảnh: Twitter.

Chính quyền địa phương thành lập đơn vị đặc nhiệm sau khi khu vực bắc California ghi nhận hai vụ tấn công nhắm vào người gốc Á hồi tuần trước. Riêng khu China Town của thành phố Oakland cũng có nhiều vụ việc tương tự.

"Hoạt động tội phạm không chỉ xuất hiện ở khu China Town hay cộng đồng gốc Á. Xu hướng này gia tăng trên toàn thành phố, trên toàn địa phận hạt. Song trong thời gian gần đây, số vụ phạm tội nhắm vào người gốc Á lại gia tăng đáng kể”, bà O'Malley nhận xét.

Kỳ thị người gốc Á

Tại thành phố San Francisco, ông Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, đến từ Thái Lan, đã qua đời sau khi bị tấn công bất ngờ vào sáng 28/1, chưởng lý hạt San Francisco, ông Chesa Boudin, cho biết.

Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm là một thanh niên 19 tuổi. Người này bị tình nghi giết người và ngược đãi người cao tuổi. Ông Boudin cho biết trong một tuyên bố: “Đây là một vụ tấn công khủng khiếp và vô nghĩa. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình ông Ratanapakdee”.

Tại khu China Town thuộc thành phố Oakland, cảnh sát tiếp tục ghi nhận một vụ hành hung vào trưa 31/1. Cụ thể, một người đàn ông đã xô ngã ba người cao tuổi, khiến họ bị thương nặng. Các nạn nhân là một cụ ông 91 tuổi, một cụ ông 60 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi.

Theo hồ sơ tòa án, nghi phạm là một người đàn ông 28 tuổi, bị cáo buộc 3 tội danh. Đến ngày 1/2, người này bị đưa vào trại tâm thần vì một vụ hành hung khác.

ky thi nguoi goc A anh 3

Diễn viên Daniel Wu trao thưởng 25.000 USD cho thông tin tố giác những kẻ tấn công. Ảnh: KGO.

Hai vụ việc nói trên dường như không có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Cảnh sát cũng chưa tìm ra động cơ gây án của các bị cáo. Song các vụ tấn công làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng kỳ thị chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19.

Ông John C. Yang, lãnh đạo của tổ chức dân quyền người Mỹ gốc Á Advance Justice, cho biết: “Đây là một bi kịch, và thật không may, xu hướng này đang gia tăng trong những năm qua. Có nhiều vụ việc bắt nguồn tự sự kỳ thị virus corona”.

Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi về cách gọi chủng virus chết người này, nhằm ám chỉ nơi khởi phát đại dịch là thành phố Vũ Hán. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn cái tên “Covid-19” để mọi người tránh liên hệ đại dịch với địa điểm cụ thể.

Trên thực tế, một số lượng lớn người Mỹ gốc Á đã trải nghiệm việc bị phân biệt chủng tộc sau khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu.

Một nghiên cứu của tổ chức Pew hồi tháng 6/2020 cho biết gần 1/3 người Mỹ gốc Á phải chịu đựng lời sỉ nhục, chế nhạo có liên quan đến đại dịch. Đáng chú ý, có 26% người tham gia khảo sát nói họ lo sợ bị tấn công.

Chống lại nạn kỳ thị chủng tộc

Nhà hoạt động Amanda Nguyen mới chia sẻ một đoạn video, trong đó cô nêu bật những vụ tấn công, kỳ thị chủng tộc nhắm vào người châu Á. Hai diễn viên Daniel Wu và Daniel Dae Kim còn trao thưởng 25.000 USD cho thông tin tố giác những kẻ tấn công ở khu China Town, thành phố Oakland.

Diễn viên Daniel Wu, một người lớn lên ở Bay Area, cho biết phần thưởng nhằm thu hút sự chú ý của dư luận về tình cảnh nguy cấp mà người gốc Á phải chịu đựng.

"Chúng tôi bị tấn công trên nhiều cấp độ. Trong cộng đồng này, có những vụ phạm tội lặt vặt và họ coi chúng tôi là mục tiêu dễ dàng”, ông Wu nói. "Nhưng ở quy mô lớn hơn, nhiều người tin vào luận điệu phân biệt chủng tộc, đổ lỗi cho chúng tôi gây ra đại dịch”.

ky thi nguoi goc A anh 4

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: Reuters.

“Do đó, người châu Á trên toàn thế giới đang trở thành mục tiêu của nạn kỳ thị chủng tộc. Chúng tôi có thể bị tấn công, bị xô đẩy, bị phỉ báng”, ông Wu lập luận.

Chưởng lý hạt O'Malley thừa nhận tác động đặc biệt của tình trạng kỳ thị người gốc Á.

Bà Des To, chủ tiệm bánh Alice Street ở khu phố China Town thuộc Oakland, cho biết các vụ tấn công gần đây còn liên quan đến truyền thống đón Tết Nguyên đán của người gốc Á.

"Họ biết rằng đã gần đến Tết Nguyên đán nên người gốc Á sẽ ra ngoài mua đồ và mang theo nhiều tiền mặt hơn. Do đó, tôi tin năm nay sẽ có nhiều vụ trộm cắp hoặc những vụ phạm tội tương tự”, bà chia sẻ với CNN.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thực hiện một giải pháp khác biệt, nhằm giải quyết vấn đề này. Trong tuần đầu nhậm chức, ông Biden đã ký một bản ghi nhớ, thừa nhận "những lời lẽ quá khích và tâm lý bài xích đang khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) gặp nhiều rủi ro".

Bản ghi nhớ cũng chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nghiên cứu, ban hành hướng dẫn phòng chống và thích ứng với đại dịch Covid-19, dành riêng cho cộng đồng AAPI.

Phóng viên Weijia Jiang của CBS News đã hỏi Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 8/2 rằng liệu chính quyền Biden có thực hiện các bước tiếp theo để giải quyết vấn đề này hay không và liệu tổng thống đã xem các đoạn video tấn công người gốc Á hay chưa.

Thư ký Psaki đáp: "Tôi không biết ông ấy đã xem các video hay chưa. Song ông ấy lo ngại về sự phân biệt đối xử, các hành động chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đó là lý do tại sao ông ấy ký lệnh hành pháp, ông ấy thẳng thắn nói rằng các cuộc tấn công, dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể chấp nhận được và chúng ta cần hợp tác để giải quyết điều này”.

Tags:
Cựu cố vấn cho biết ông Trump đang hạnh phúc và thư giãn hơn

Cựu cố vấn cho biết ông Trump đang hạnh phúc và thư giãn hơn

Cựu chiến lược gia chiến lược tranh cử của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ông Jason Miller cho biết, từ khi không sử dụng Twitter hoặc các phương tiện truyền thông xã hội khác, ông Trump hiện đang hạnh phúc hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất