Những người Mỹ dậy đi làm từ 2h sáng

Hàng ngày, bà Sheila James vượt hơn 100 cây số để đi đến chỗ làm vì không có đủ tiền thuê nhà ở vịnh San Francisco đắt đỏ.

07:15 04/10/2020

Bà Sheila James pha cà phê lúc tờ mờ sáng. Ảnh: New York Times

Vào lúc 2h15 phút sáng thứ hai, Sheila James thức dậy, chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Người phụ nữ 62 tuổi này không phải là chủ tiệm bánh mỳ hay phát thanh viên, những người luôn phải dậy từ mờ sáng vì tính chất công việc. Bà James chỉ là một nhân viên văn phòng làm việc tại chi nhánh của Bộ Y tế Mỹ ở thành phố San Francisco, phía bắc bang CaliforniaNew York Times đưa tin. 

Người phụ nữ này hàng ngày phải dậy từ lúc 2h đêm mới kịp bắt hai chuyến tàu và một chuyến xe bus để ra ngoài vịnh San Francisco làm việc. 

San Francisco được mệnh danh là một trong những đô thị đắt đỏ nhất nước Mỹ. Với thu nhập mỗi năm 81.000 USD, bà James không đủ khả năng thuê nhà gần văn phòng làm việc. Bà chỉ còn lựa chọn sống ở Stockton, một khu dân cư nằm sâu bên trong đất liền ở bang California, cách vịnh San Francisco gần 130 km.

"Lúc 2h15 sáng, nhiều người còn chưa lên giường đi ngủ, tôi đã phải dậy", bà James nói. Sau khi thức dậy, bà chậm rãi chuẩn bị cho một ngày mới, từ tốn pha cà phê và ngồi thưởng thức trong sự tĩnh lặng của đêm tối.  

Khi chuông đồng hồ đổ báo thức lần hai vào lúc 3h45, bà James biết rằng mình có chính xác 15 phút để bắt đầu đi tới bến tàu bắt chuyến đầu tiên. Bà khẩn trương ra khỏi nhà. Quãng đường từ nhà đến ga tàu mất đúng 7 phút lái xe. Sau đó, bà có 4 phút để đỗ xe vào bãi và đi bộ lên sân ga. Ngày nào cũng như ngày nào, người phụ nữ này, một tay cầm chiếc túi in hoa đựng đồ ăn trưa, tay kia kéo vali cá nhân, đứng ở một chỗ quen thuộc, đợi tàu vào bến lúc 4h20. 

"Cứ như đi học vậy", bà James nói.

Trong 10 năm qua, hãng tàu Altamont Corridor Express đã tăng gấp đôi công suất, chở khoảng 2.500 hành khách mỗi ngày, tuy nhiên, con số đó vẫn nhỏ nếu so với lượng người hàng ngày đi làm bằng xe ôtô từ hạt San Joaquin tới vịnh San Francisco. 

nhung-nguoi-my-day-di-lam-tu-2h-sang-1

Lúc 4h58 phút sáng, trên chuyến tàu đầu tiên, hầu hết khách đều tranh thủ chợp mắt. Ảnh: New York Times.

Dù trời còn tối, ngồi trên tàu, nhìn ra ngoài cửa sổ, bà James vẫn có thể thấy những chiếc xe ôtô bắt đầu chạy trên đường cao tốc về hướng vịnh.

Trên tàu, xung quanh bà, hầu hết hành khách, trùm kín chăn, đeo bịt mắt và tai nghe chống ồn, tranh thủ thiếp vào giấc ngủ hẵng còn dang dở. Có người không ngủ, giở máy tính xách tay, điện thoại hoặc sách điện tử ra để giết thời gian. Không ai nói với ai câu nào. Chỉ có sự tĩnh lặng bao trùm cả toa tàu.

Khi tàu chạy vào bến Pleasanton, gần một nửa chặng đường đã qua. Bà James và các hành khách lục tục xuống tàu. Lúc này, mặt trời đã chiếu những tia nắng đầu tiên. Khẩn trương cuốc bộ về hướng bãi xe buýt nằm ở phía cuối nhà ga, bà James và đám đông tất tưởi bước lên chuyến xe chạy tới ga Bay Area Rapid Transit, hệ thống tàu điện công cộng cao tốc phục vụ trong nội đô San Francisco.

Chiếc xe buýt kiên nhẫn chờ đợi những hành khách cuối cùng lên xe. Một phụ nữ ngồi hàng ghế đầu sốt ruột giục tài xế nổ máy vì sợ sẽ lỡ mất chuyến tàu kế tiếp. 

"Điều thú vị là việc đi làm hàng ngày có thể biến một người trưởng thành cư xử như một đứa bé nhỏ", bà James hóm hỉnh nhận xét về những hành khách thiếu kiên nhẫn. 

Bà James từng sống ở thành phố Alameda, đối diện vịnh San Francisco. Quãng đường từ nhà đến chỗ làm việc chỉ 24 cây số. Nhưng khoảng ba năm trước, khu nhà bà ở bị một nhà đầu tư bất động sản thâu tóm. Bà và những người hàng xóm buộc phải dọn đi nơi khác.

Với tài chính hạn hẹp, bà James rốt cuộc chọn Stockton, nơi một căn hộ ba phòng ngủ chỉ tốn khoảng 1.000 USD mỗi tháng, rẻ hơn hẳn so với mức giá 1.600 USD cho căn hộ một buồng ngủ ở Alameda. Căn hộ ở Stockton rộng rãi hơn hẳn nên người phụ nữ độc thân này có riêng một văn phòng làm việc ở nhà.  

Cùng với sự phát triển bùng nổ của trung tâm công nghệ San Francisco, giá nhà đất trong khu vực nội đô leo thang chóng mặt. Tại khu vực vịnh, một căn hộ trung bình có giá hơn 1 triệu USD. Càng lùi sâu vào bên trong đất liền, giá càng giảm, ví dụ ở khu Stockton nơi bà James đang sống, giá mua nhà trung bình chỉ dừng ở mức dưới 300.000 USD, theo trang bất động sản địa phương Zillow.

Tuy nhiên, những năm gần đây, làn sóng tầng lớp trung lưu chuyển ra xa khu vực vịnh San Francisco đã đẩy giá nhà đất của các hạt phụ cận, thậm chí những vùng ngoại ô xa xôi, tăng nhanh.

"Tầm ba năm trước, giá nhà ở thành phố Oakland (chỉ cách San Francisco một cây cầu) khá vừa túi tiền, khoảng 500.000 USD", Svenja Gudell, trưởng nhóm phân tích kinh tế của trang Zillow, nhận xét, "Nhưng giờ đây, giá đã leo lên mức 700.000 USD, tôi đảm bảo rằng thu nhập của bạn không tăng theo kịp đâu".

Và cái giá để đánh đổi lấy một căn nhà rẻ hơn là những buổi sáng đi làm từ lúc tinh mơ.

nhung-nguoi-my-day-di-lam-tu-2h-sang-2

Vào 5h34 sáng, bình minh đã lên nhưng bà James vẫn còn gần nửa chặng đường nữa. Ảnh: New York Times.

Khi xe buýt vừa tấp vào bến, không giống như đám đông đang hấp tấp, bà James chậm rãi bước về phía ga tàu. Đây sẽ là chuyến tàu nối thẳng vào tới trung tâm San Francisco. 

Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh doanh của đại học Pacific, Stockton là khu vực có lượng người di chuyển xa để đi làm lớn nhất nước Mỹ với khoảng 50.000 người mỗi ngày. Thời gian di chuyển thường trên 90 phút. Hiện tượng này không chỉ diễn ra tại Bắc California. Khoảng 3% tổng số người đi làm hàng ngày trên khắp nước Mỹ mất hơn 90 phút để di chuyển đến chỗ làm. Tại Stockton, con số này lên đến 8%.

Khi tàu vào tới trung tâm San Francisco, đồng hồ điểm đúng 7h sáng. Hôm nay, bà James muốn chiều bản thân một chút nên quyết định đi thang cuốn thay vì leo thang bộ ra ngoài nhà ga.

"Bạn phải tự thưởng cho bản thân những điều nho nhỏ như thế này", bà James nói. 

Ở chặng đường cuối cùng, bà mất thêm ba phút đi bộ từ ga tàu điện đến nơi làm việc tại tòa nhà Federal Building. Trước mắt bà là một ngày làm việc dài và sau khi kết thúc giờ làm, bà sẽ mất thêm ba tiếng để trở về nhà.

Tags:
Bốn năm Trump kéo các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc

Bốn năm Trump kéo các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc

Khi Trump đắc cử năm 2016, gần 100% đồ nội thất khách sạn của M Group đều được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng sau 4 năm chỉ còn một nửa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất