Người Mỹ gốc Á bị "ghét" vì Covid-19

Khi nước Mỹ chìm trong nỗi sợ Covid-19 cũng là khi những người gốc Á bị cho là "thủ phạm phát tán virus"

22:30 05/04/2020

Kyle Navarro cúi xuống mở khóa xe đạp thì thấy một người đàn ông da trắng lớn tuổi đang nhìn chằm chằm. Cậu cố phớt lờ ông ta, nhưng không thể. Người đàn ông đi ngang qua, nhìn và miệt thị anh chàng sinh viên y khoa này là nhếch nhác. "Ông ta nhổ nước bọt về phía tôi và tiếp tục bước đi", Navarro nói.

Navarro đang ở San Francisco và rất lo lắng về nạn phân biệt chủng tộc liên quan đến nCoV do chủng virus này được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Người châu Á bị đổ lỗi và tấn công vô căn cứ khi dịch lan rộng khắp thế giới. Và giờ, Navarro đã chính thức thành nạn nhân của sự kì thị đó.

"Theo bản năng, tôi định hét vào mặt ông ta. Nhưng sau khi hít một hơi, tôi nhận ra làm vậy sẽ khiến tôi gặp nguy hiểm", Navroro nói.

Thay vào đó, anh đã lên Twitter kể lại sự việc để lên án hành động phân biệt chủng tộc và nhận được hàng ngàn bình luận đồng cảm.

Kyle Navarro - sinh viên y khoa người Mỹ gốc Philippines. Ảnh: AP.
Kyle Navarro - sinh viên y khoa người Mỹ gốc Philippines. Ảnh: AP.

Người Mỹ gốc Á đang sử dụng mạng xã hội để huy động mọi người chống lại các cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc trong đại dịch, mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) dự đoán sẽ tăng khi dịch bệnh ngày nghiêm trọng.

Một chuỗi các phong trào chống phân biệt chủng tộc trong hai tuần qua đã cho ra đời các hashtag #WashTheHate (Hãy gột rửa sự thù ghét) #RacismIsAVirus (Phân biệt chủng tộc là virus), # IAmNotCOVID19 (Tôi không phải là Covid-19). Nhiều diễn đàn trực tuyến để báo cáo những vụ người gốc Á bị tấn công xuất hiện.

Tháng trước, Chinese for Affirmative Action (một tổ chức vì bình đẳng cho người Mỹ gốc Hoa ở San Francisco) và Hội đồng Chính sách và Kế hoạch Châu Á Thái Bình Dương đã thành lập trung tâm báo cáo các vụ tấn công. Tổng chưởng lý của New York cũng cung cấp đường dây nóng chuyên về các vụ như vậy.

"Khi căng thẳng và lo lắng gia tăng, chúng tôi biết số sự cố thù ghét sẽ gia tăng", Cynthia Choi, đồng giám đốc điều hành của Chinese for Affirmative Action, cho hay.

Trung tâm của hai tổ chức này đã nhận được tới hơn 1.000 báo cáo từ khắp nước Mỹ, từ những người nhổ nước bọt đến ném chai từ trong xe hơi vào người gốc Á. Một báo cáo của FBI được gửi tới cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương dự đoán các vụ tấn công sẽ gia tăng và cho biết một người đàn ông Mỹ gốc Á và hai con đã bị tấn công bằng dao tại Câu lạc bộ Sam ở Texas vào tháng trước. Nghi phạm 19 tuổi nghĩ các nạn nhân đang lây bệnh cho người khác.

Nhiều người cho rằng Tổng thống Donald Trump đã khiến cho sự kì thị người châu Á nghiêm trọng hơn khi gọi dịch bệnh là "virus Trung Quốc". Tuy nhiên, tuần trước, ông Trump đã nói tại một cuộc họp báo và trên Twitter rằng, không nên đổ lỗi cho người Mỹ gốc Á về dịch bệnh dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, các thành viên đảng đối lập cho rằng phát ngôn của ông đã kịp gây tác động tiêu cực.

Người Mỹ thường quay sang tấn công người gốc Á trong những thời điểm khó khăn như khi nền kinh tế hỗn độn vào những năm 1980. Năm 1982, Vincent Chin bị giết bởi hai cha con Ebens và Nitz ở Detroit khi những người này cho rằng sự thành công của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đã khiến họ mất việc dù thực tế Chin là người gốc Hoa, không phải người Nhật và tình trạng suy thoái kinh tế trong khu vực là kết quả của hàng loạt sự kiện phức tạp xảy ra rất lâu trước khi Chin ra đời.

"Vào thời điểm đó, tôi biết rằng tôi phải cẩn thận với những người xung quanh. Tôi nghĩ chúng ta đang ở giai đoạn đó", Helen Zia, một nhà báo người Mỹ gốc Hoa ở California, người đã sống tại Detroit thời điểm Chin bị giết hại, cho hay.

Khi hai kẻ giết Chin chỉ phải chịu mức án ba năm quản chế, Zia cho biết bà và nhiều người khác đã liên lạc với các nhóm vận động, nhà thờ và phương tiện truyền thông tiếng Trung Quốc để phản đối bản án. Chỉ dựa vào thư và điện thoại, họ đã tìm thấy các đồng minh trong Hiệp hội Quốc gia vì sự Tiến bộ của người da màu (NAACP) và Liên đoàn Chống phỉ báng cũng như tiến hành các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Cuối cùng, dù Ebens và Nitz không phải đối mặt với án tù, nhưng phải đối mặt với khoản tiền bồi thường khổng lồ cho gia đình Chin mà đến hàng chục năm sau vẫn còn hàng triệu USD chưa trả hết được.

"Đó là khoảnh khắc lịch sử. Chúng tôi như bị chết đuối, và chúng tôi phải tập hợp lại để thay đổi những gì đang diễn ra xung quanh", Zia cho hay.

Cuộc tuần hành kỷ niệm 20 năm ngày Vincent Chin - một người Mỹ gốc Hoa bị  sát hại vì phân biệt chủng tộc. Ảnh: AP.
Cuộc tuần hành kỷ niệm 20 năm ngày Vincent Chin - một người Mỹ gốc Hoa bị  sát hại vì phân biệt chủng tộc. Ảnh: AP.

Nhờ phương tiện truyền thông xã hội, các thế hệ trẻ người Mỹ gốc Á hiện đang lên tiếng trong thời điểm có thể là thời khắc quan trọng khác. Choi hy vọng họ sẽ tập hợp được cả những người không phải là người châu Á cũng muốn chống lại làn sóng phân biệt chủng tộc trong đại dịch lần này. Các nhóm như NAACP và Hội đồng về Quan hệ Hồi giáo - Mỹ đã lên án các giọng điệu kì thị người châu Á.

Với các cuộc tấn công leo thang, Zia không thể không lo sợ đại dịch dẫn đến một thảm kịch khác như cái chết của Chin.

"Mức độ giận dữ đó... đã ở đây rồi. Đối với người Mỹ gốc Á, có virus gây bệnh Covid-19 và virus thù ghét. Virus thù ghét cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều", Zia cảnh báo.

Ánh Dương (Theo AP)

Link nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-my-goc-a-bi-ki-thi-vi-covid-19-4080063.html

Tags:
Giới siêu giàu Mỹ đi nghỉ mát trốn virus, khu nghỉ dưỡng thành ổ dịch

Giới siêu giàu Mỹ đi nghỉ mát trốn virus, khu nghỉ dưỡng thành ổ dịch

Nhiều khu trượt tuyết và khu nghỉ mát tại Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến. Điều này làm quá tải hệ thống y tế yếu ớt tại đây.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất