Người Mỹ ở nước ngoài bức xúc vì bị bỏ rơi

Người Mỹ ở nước ngoài thất vọng vì khó có thể tiếp cận vaccine mà chính phủ phê duyệt, khi trong nước đau đầu xử lý nguồn vaccine dư thừa.

21:00 08/06/2021

Mỹ là một trong số ít quốc gia có nguồn cung vaccine dồi dào. "Trên toàn thế giới, mọi người khao khát có được một mũi tiêm, trong khi tất cả người Mỹ có thể dễ dàng tiêm chủng ngay tại một hiệu thuốc trong khu họ sống", Tổng thống Joe Biden nói tuần trước.

Nhưng những người Mỹ sống ở nước ngoài cảm thấy bị bỏ lại phía sau. "Chúng tôi đóng thuế, bầu cử, nhưng tại sao lại không có vaccine?", Loran Davidson, người Mỹ sống ở Thái Lan, thắc mắc.

Cho đến nay, những yêu cầu như vậy vẫn bị từ chối. "Trong lịch sử, chúng tôi chưa cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân cho người Mỹ sống ở nước ngoài. Đó là chính sách của chúng tôi", Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, nói tháng trước.

Davidson, 76 tuổi, và chồng của bà chuyển từ New York tới Thái Lan năm 2006 sau khi nghỉ hưu. Họ sống ở Pattaya, cách thủ đô Bangkok gần 100 km về phía đông nam. Chồng bà Davidson bị thừa cân và cao huyết áp, khiến ông có nguy cơ bị biến chứng nếu mắc Covid-19. Ngoài ra, hậu quả của một vụ tai nạn vào tháng 10 năm ngoái khiến ông bị thương tật một phần. Do đó, trở về Mỹ để tiêm chủng là chuyện rất khó.

Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Bangkok tháng trước. Ảnh: AFP.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Bangkok tháng trước. Ảnh: AFP.

Ước tính có khoảng 9 triệu người Mỹ sống ở nước ngoài, theo số liệu của Bộ Ngoại giao. Không giống những người nước khác, người Mỹ vẫn được yêu cầu đóng thuế dù sống ở nước ngoài. Trong những tuần gần đây, ngày càng nhiều người cho rằng họ nên được hưởng các loại vaccine mà Mỹ cấp phép sử dụng.

Sau khởi đầu khó khăn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoàn thành việc tiêm chủng cho nhân viên làm việc tại các đại sứ quán trên toàn thế giới vào tháng 4. Chính quyền Mỹ cho biết với những người Mỹ không thuộc đại sứ quán, họ có hai lựa chọn: một là trở về Mỹ tiêm vaccine hoặc chờ đến lượt ở nơi đang sống. Nhưng người Mỹ sống ở nước ngoài cho biết mọi việc không đơn giản như vậy.

"Dù một số người Mỹ có thể tiếp cận vaccine ở nước sở tại, tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng chính phủ Mỹ nên có những biện pháp thích hợp để đảm bảo vaccine có sẵn cho tất cả công dân của mình trên toàn thế giới", bức thư ngỏ của các lãnh đạo Dân chủ ở nước ngoài gửi cho Biden có đoạn.

Hai cựu đại sứ Mỹ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump tranh luận trong một bài viết trên Wall Street Journal rằng số nhiễm tăng mạnh gần đây ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng khiến vấn đề này thêm cấp bách.

Những lời kêu gọi đã thu được kết quả trong những tuần gần đây phần lớn nhờ những người Mỹ ở Thái Lan, nơi ca nhiễm tăng nhanh và chưa tới 4% trong số 69 triệu người ở đây được tiêm chủng.

Chính phủ Thái Lan gần đây thông báo người nước ngoài sống ở nước này, bắt đầu với người già và người có bệnh lý nền, đủ điều kiện tiêm chủng khi quốc gia này bắt đầu chương trình tiêm vaccine đại trà từ ngày 7/6. Davidson đã đăng ký với hai bệnh viện, nhưng nhân viên ở đó nói với bà rằng họ không biết khi nào vợ chồng bà có thể được tiêm vaccine.

Cho đến nay, vaccine được cung cấp ở Thái Lan là Sinovac của Trung Quốc, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt gần đây. Loại vaccine này được đánh giá ít hiệu quả hơn các loại được Mỹ phê duyệt, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Thái Lan dự kiến có khoảng 6 triệu liều AstraZeneca trong tháng này.

Một liên minh lưỡng đảng của các tổ chức đại diện cho người Mỹ ở Thái Lan đã kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman không "bỏ rơi" họ.

Trung Quốc đã bắt đầu tiêm chủng cho công dân sống ở Thái Lan từ tháng trước trong khuôn khổ chương trình "Spring Sprout" nhằm tiêm chủng cho người Trung Quốc sống ở nước ngoài, theo AP. Hơn nửa triệu công dân Trung Quốc ở ít nhất 120 nước đã được hưởng lợi từ sáng kiến ra mắt hồi tháng 3, theo People’s Daily.

Khi Thái Lan chấp nhận 500.000 liều vaccine mà Bắc Kinh tặng, họ cam kết dành một số lượng trong đó để tiêm phòng cho những công dân Trung Quốc.

"Đại sứ Trung Quốc đảm bảo rằng công dân của họ ở đây có thể được tiêm vaccine. Tại sao Mỹ lại không thể?", bà Davidson nói.

Chiến dịch vận đồng hành lang của kiều dân Mỹ đã đặt ra những câu hỏi lớn về những gì chính phủ Mỹ đang nợ chính công dân của họ.

J. Stephen Morrison, giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, nói các đại sứ quán Mỹ không được chuẩn bị để tiến hành các chiến dịch tiêm chủng. "Tôi tự hỏi liệu chính phủ có muốn làm việc này hay không", ông nói.

Nhưng đại dịch luôn đòi hỏi các biện pháp bất thường, theo Michael March, cựu luật sư ở Bangkok. "Chúng tôi không coi đây là vấn đề chăm sóc y tế. Nó là vấn đề an toàn và sức khỏe, cũng như là vấn đề an ninh quốc gia", ông nói.

Điểm tiêm chủng gần như vắng người ở Provo, bang Utah tuần trước. Ảnh:Washington Post.
Điểm tiêm chủng gần như vắng người ở Provo, bang Utah tuần trước. Ảnh:Washington Post.

Jo-Anne Prud’homme, người làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Tunisia, đầu tháng trước trở về Maryland cùng chồng và hai con nhỏ. Tunisia, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Phi, đang quay cuồng với đợt bùng phát thứ ba. Prud’homme, 38 tuổi, biết họ sẽ phải đợi nhiều tháng trước khi đủ điều kiện tiêm vaccine ở đó.

Gia đình này đã được tiêm vaccine Pfizer ngay khi họ đến Kensington, bang Maryland. Nhưng chuyến đi, gồm tiền vé máy bay, chỗ ăn ở và thuê xe ô tô, đã tiêu tốn của gia đình hơn 7.000 USD.

"Nếu có thể được tiếp cận vaccine mà không cần trở về Mỹ 5 tuần, tôi đã làm điều đó ngay lập tức", Prud’homme nói.

Sophia Winkler, 23 tuổi, nói cô đã lựa chọn sống ở Tunisia và đại sứ quán Mỹ không chịu trách nhiệm về các hậu quả có thể xảy ra. "Khi bạn chọn sống ở nước ngoài, bạn đã quyết định giao bản thân cho hệ thống y tế của nước đó", cô nói.

Nhưng không ít người không ủng hộ đề xuất của những người nước ngoài, họ cảnh báo việc ưu tiên cho người Mỹ sẽ tạo thêm căng thẳng về sự chênh lệch trong tiếp cận vaccine.

"Ở những quốc gia đang chịu nhiều vấn đề về tiếp cận vaccine và tỏ ra phẫn nộ với các nước phương Tây có nguồn vaccine dồi dào, tôi nghĩ một chương trình ưu tiên cho công dân Mỹ có thể là một vấn đề lớn về mặt ngoại giao", Morrison nói.

Trước làn sóng chỉ trích gay gắt, Mỹ và nhiều nước giàu có khác đã cố gắng để thu hẹp khoảng cách về tiếp cận nguồn vaccine. Biden hồi tháng 4 thông báo gửi 60 triệu liều AstraZeneca cho nước ngoài, trước khi tuyên bố gửi thêm 20 triệu liều vaccine mà Mỹ cấp phép vào tháng trước.

Nhà Trắng tuần trước thông báo phân phối 25 triệu liều đầu tiên cho một loạt nước ở Mỹ Latinh, Carribe, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và các lãnh thổ của người Palestine. Điều này có thể khiến không ít người Mỹ ở nước ngoài thất vọng.

"Tôi hy vọng rằng khi chính phủ Mỹ cung cấp vaccine cho một quốc gia, họ có thể thêm điều khoản như chính phủ Trung Quốc đã làm, cho người Mỹ ở quốc gia đó", March nói.

Morrison cho rằng việc tăng số lượng vaccine quyên tặng có thể giúp yêu cầu này trở nên dễ dàng hơn. "Nếu Mỹ có những động thái tích cực hơn tại G7 và các nơi khác, đồng thời bắt đầu cố gắng bẻ mã khóa quyền truy cập vaccine, nó sẽ giúp thay đổi tình trạng này một chút và khiến mọi thứ bớt khó xử hơn", ông nói.

Tags:
Trump bất ngờ tuyên bố Trung Quốc và Nga làm bẽ mặt Joe Biden

Trump bất ngờ tuyên bố Trung Quốc và Nga làm bẽ mặt Joe Biden

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tuyên bố bất ngờ trong bối cảnh ông Joe Biden chuẩn bị gặp Tổng thống Nga Putin.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất