Người nước ngoài nghĩ gì về 'tật' nhận xét cơ thể của người Việt?

Người nước ngoài, vốn coi trọng sự riêng tư và tế nhị nghĩ gì về chuyện nhiều người Việt có thói quen nhận xét về hình thể người khác một cách khá bộc trực?

22:29 21/01/2018

Một số người nước ngoài chia sẻ suy nghĩ xung quanh việc nhiều người Việt có thói quen nhận xét về hình thể người khác. 

* Chị Katie Sephton (người Anh):

Người nước ngoài nghĩ gì về tật nhận xét cơ thể của ? - Ảnh 2.

Bình luận tiêu cực là thô lỗ

Tôi nghĩ ở nơi nào người ta cũng có văn hóa chào hỏi nhau. Ở Anh, chúng tôi chào nhau bằng cách hỏi "bạn có khỏe không?" và bình luận điều gì đó tích cực. Việc bình luận về ngoại hình người khác một cách tiêu cực là thô lỗ và thiếu tôn trọng người đối diện. 

Bình luận như vậy sẽ dễ làm người ta buồn và cảm thấy bị xúc phạm. Nếu ai đó cứ khăng khăng chê ngoại hình của người khác khiến người ta buồn, làm người ta tự ti thì kiểu nhận xét đó là một dạng bắt nạt về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, nếu một người nhận xét ai đó vì họ lo lắng và muốn giúp đỡ thì đó là quan tâm.

Ở Anh người ta cũng có nói chuyện về ngoại hình của nhau, thường là những người trẻ sẽ nói chuyện với bạn bè về ngoại hình và cơ thể mình. Chúng tôi còn có một chương trình truyền hình ở Anh với mục đích giúp mọi người yêu cơ thể của mình hơn dù cơ thể họ có kích cỡ như thế nào. Từ nhỏ, trẻ con được giáo dục những vấn đề liên quan đến cơ thể mình, cũng như được dạy về sự khác nhau giữa mọi người.

Có rất nhiều câu hỏi mà người Anh tránh hỏi vì sợ xúc phạm người khác như hỏi về tuổi, cân nặng, mức lương và tôn giáo. Ở Anh, người ta rất dễ cảm thấy bị xúc phạm, điều đó khiến việc tìm hiểu nhau hay gắn kết với nhau trở nên không dễ dàng. Ở Anh có luật về chuyện bắt nạt và bắt nạt người khác về mặt cảm xúc vẫn có thể bị xử phạt.

* Chị Hom (người Myanmar):

Khó chấp nhận người lạ hỏi về ngoại hình

Tại Myanmar, khi bắt đầu câu chuyện, mọi người thường hỏi những câu về tuổi hay tình trạng hôn nhân của người đối diện để tiện xưng hô và có thể chọn những chủ đề phù hợp. Những câu hỏi như vậy là phổ biến và được chấp nhận rộng rãi. Tôi nghĩ điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của người hỏi đối với người được hỏi. Điều này có thể không đúng với người phương Tây nhưng đây là châu Á.

Tuy nhiên, nếu câu hỏi liên quan đến vấn đề ngoại hình hay cách ăn mặc, đối với cá nhân tôi là hơi khó chấp nhận nếu người hỏi là một người lạ. Có một số lần bản thân tôi gặp một số câu hỏi hoặc góp ý khơi khơi. 

Cụ thể như lần nọ có cô kia hỏi tại sao tôi ăn nhiều thế và chê mập quá trong khi tôi thấy mình có thể trạng hoàn toàn bình thường và phần ăn cũng gọi là khiêm tốn nếu so với phần ăn một người châu Âu chẳng hạn. Tôi không hiểu cơ sở nào để một người lạ chê mình ăn nhiều hay ăn ít, mập hay ốm và tôi cảm thấy không biết nói gì với cô ấy nữa...

* Chị Socheata Sim (người Campuchia):

Người nước ngoài nghĩ gì về tật nhận xét cơ thể của ? - Ảnh 3.

Văn hóa có thể biến đổi cho hợp thời

Là người hàng xóm láng giềng với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta chia sẻ nhiều điểm giống nhau trong văn hóa và cách thể hiện sự quan tâm đến người khác. Bản thân tôi không thoải mái khi được hỏi những câu quá riêng tư trong những lần gặp đầu, nhưng nếu là bạn bè, tôi nghĩ không có vấn đề gì.

Về vùng nông thôn Campuchia, tôi thường được hỏi những câu như: thu nhập bao nhiêu, khi nào thì cho mọi người "ăn đầu heo" (ý nói chuyện lập gia đình). Tôi hiểu đây là sự quan tâm của mọi người dành cho mình. 

Đối với những câu hỏi đó, tôi thường nói chung chung hoặc trả lời mang tính hài hước vì bản thân người hỏi hoàn toàn vô tư, chỉ nghĩ đó là sự quan tâm, chúng ta không cần phải căng thẳng hay tỏ thái độ.

Người dân vùng nông thôn Campuchia rất chân chất, hồn hậu. Bạn hình dung là đối với họ, mọi người trong làng xóm cũng như thể người của gia đình vậy. Mọi người biết rõ từng người trong làng. Nếu không có thì thôi, nhưng khi họ có thì luôn chia sẻ. Ví dụ như nhà có cá, họ cho cá gia đình hàng xóm. Nhà có chuối, họ cho nhau chuối...

Trong khi đó, người ở thành phố thì có nhiều vấn đề phải quan tâm hơn như vấn đề an ninh và họ ít khi nào cởi mở như người nông thôn. Nhưng một phần lớn người sống ở thành phố hiện nay là di cư từ các vùng nông thôn. Tôi nghĩ trong môi trường sống mới, ai cũng phải thích nghi và quan sát để bỏ bớt một số thói quen có thể rất ổn ở quê nhưng mang vào đời sống đô thị thì không còn thích hợp.

Tôi nghĩ trong xã hội ngày nay, nhất là khi mạng xã hội quá phổ biến và lời khen chê có thể đến từ mạng này, chúng ta cần tự tạo sức đề kháng cho bản thân bằng sự hiểu biết, bằng việc tin tưởng vào giá trị của bản thân để không bị tác động bởi những nhận xét vu vơ của người ngoài.

Đối với những ai có thói quen hỏi những câu tò mò thái quá, tôi muốn nói rằng có rất nhiều chủ đề để khơi mào câu chuyện và nếu bạn hỏi những điều quá riêng tư nhưng không đúng lúc, nguy cơ là bạn kết thúc luôn cuộc trò chuyện. Vậy hãy chỉ hỏi khi cảm thấy mình đủ thân thiết để bạn của mình sẵn sàng chia sẻ chuyện riêng tư.

* Chị Li Miao Miao (người Trung Quốc):

Khi mở cửa, chúng ta cần hòa nhập

Ở Trung Quốc ngày nay, chúng tôi bắt đầu tôn trọng không gian riêng tư và những thông tin cá nhân nên tôi thấy người ta không còn hỏi nhau những câu thuộc dạng cá nhân nhiều quá nữa. 

Thậm chí khi đã là những người bạn hữu hảo của nhau, chúng tôi cũng không hỏi các vấn đề riêng. 

Vì vậy, tôi sẽ bị sốc nếu ai chưa quen thân mà hỏi mình về những vấn đề như thu nhập hay đời tư. Tuy nhiên, nếu gặp các câu hỏi dạng này, tôi sẽ chậm lại một chút và tự hỏi: trong tập quán của người địa phương thì điều này có chấp nhận được không? 

Nếu là điều gì đó phổ biến tôi sẽ chấp nhận vì rõ ràng đây đơn giản chỉ là sự khác biệt văn hóa. Còn nếu thực sự thấy không thoải mái, bạn có quyền không trả lời hoặc nói sang một vấn đề khác.

Tuy nhiên, thế giới chúng ta đang sống ngày nay là một thế giới phẳng. Người ta đi du lịch nhiều hơn nên cơ hội người nước ngoài đến Việt Nam cũng nhiều hơn. Kể cả không đi đâu các bạn cũng không tránh khỏi việc hội nhập văn hóa thế giới bên ngoài từ phim ảnh, sách báo, truyền hình. Tôi nghĩ Việt Nam đang phát triển và mở cửa. 

Trên phương diện tiếp xúc với người nước ngoài đến Việt Nam, các bạn có thể có sự cải thiện bằng cách tìm hiểu thêm về phong tục, các quy tắc cư xử phổ biến trên thế giới và tôn trọng chúng để người nước ngoài cảm thấy thoải mái hơn và thích nói chuyện với người địa phương.

"Sốc" với tính bộc trực của người Việt

Tôi thấy người Việt rất cởi mở và bộc trực. Là một người nước ngoài làm việc với người Việt Nam và những người nước ngoài khác, tôi từng thấy đồng nghiệp mình bị sốc vì tính bộc trực của những đồng nghiệp người Việt. Tôi tin rằng những câu hỏi, nhận xét đó chỉ là do tính họ bộc trực chứ không phải cố tình sỉ nhục ai.Tuy nhiên, với người nước ngoài, đặc biệt là hầu hết các nước phương Tây, những câu hỏi, nhận xét đó có thể bị xem là thô lỗ và can thiệp vào cuộc sống/không gian cá nhân của người khác.Đối với hầu hết người nước ngoài, chúng tôi có xu hướng giữ những nhận xét của mình trong lòng vì sợ làm tổn thương người khác. Vì vậy có thể chúng tôi sẽ nói vòng vo chứ không nói thẳng.Ví dụ, việc nói với ai đó họ bị mụn trứng cá có lẽ là thẳng thắn quá mức, vì như vậy sẽ làm họ bớt tự tin. Tương tự, nói với một đồng nghiệp rằng anh ấy hoặc cô ấy mập chắc chắn là thô lỗ, nên chúng tôi thường kiềm chế can thiệp vào chuyện của người khác.

Victor John (bạn đọc Tuoi Tre News)

Tags:
Hàng trăm nghìn người Mỹ biểu tình chống Trump

Hàng trăm nghìn người Mỹ biểu tình chống Trump

Đúng dịp kỷ niệm một năm ngày ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp các thành phố lớn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất