Người phụ nữ quyền lực "nhất Mỹ" đau đầu lựa chọn chuyển giao giữa ông Trump và ông Biden

Đau đầu lựa chọn chuyển giao giữa ông Trump và ông Biden

01:30 22/11/2020

Ông Trump hiện tại vẫn chưa chịu nhượng bộ ông Biden và điều này khiến người phụ nữ quyền lực "nhất Mỹ", theo cách gọi của tờ Politico đối với người chịu trách nhiệm xác nhận quá trình chuyển giao quyền lực giữa chính quyền cũ và chính quyền mới, phải "đau đầu".

Theo Washington Post, bà Emily Murphy, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) thuộc Chính phủ Mỹ và là người được ông Trump lựa chọn, dường như đang dựa vào các dấu hiệu tới từ Nhà Trắng để đưa ra các quyết định tiếp theo liên quan tới quá trình chuyển giao quyền lực, đồng nghĩa với việc xác nhận ông Biden thắng ông Trump trong cuộc bầu cử. 

Người phụ nữ quyền lực

Bà Emily Murphy, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) thuộc Chính phủ Mỹ, được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực "nhất ". Ảnh: Getty

Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump hé lộ với tờ Washington Post rằng người phụ nữ quyền lực "nhất Mỹ" dường như đang sợ bị ông Trump sa thải nếu đưa ra quyết định bất lợi cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm. 

Tổng thống "không muốn một sự chuyển giao quyền lực", theo vị quan chức cấp cao. "Ông ấy thể hiện điều đó rất rõ ràng và chúng tôi đang làm theo mệnh lệnh", vị quan chức giấu tên nói. 

Bà Murphy chịu trách nhiệm "xác minh" - thừa nhận chính thức về người chiến thắng trong cuộc bầu cử để chính phủ liên bang có thể bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Nếu không có sự đồng ý của người phụ nữ quyền lực này, nhóm của ông Biden sẽ không có quyền truy cập vào các cơ quan liên bang cũng như khoản tiền được phân bổ cho quá trình chuyển giao.  

Thư ký báo chí Nhà Trắng, Kayleigh McEnany, hôm 20/11 đã phủ nhận việc Nhà Trắng đang gây áp lực với bà Murphy. 

"Hoàn toàn không", McEnany nói trong buổi họp báo. "GSA sẽ đưa ra quyết định xác thực vào thời điểm thích hợp, căn cứ vào quy trình của Hiến pháp". 

Bà Murphy đang nói với mọi người rằng bà cảm thấy cực kỳ áp lực và đã đề xuất việc "xác minh" có thể diễn ra sau vài tuần. 

"Bà ấy muốn chờ điều gì xảy ra ở tất cả các bang và đang tìm kiếm tín hiệu từ Nhà Trắng. Dường như bà ấy không muốn phản bội lại chính quyền đã thuê mình", vị quan chức giấu tên nói với tờ Washington Post. 

Bà Murphy được cho là đang cân nhắc vài lựa chọn khi nhắc tới việc "xác minh" ai thắng, ai thua. Các lựa chọn này bao gồm: Thứ nhất, bà Murphy sẽ có động thái sau khi các bang chiến địa còn lại chứng nhận kết quả bầu cử của họ. Thứ hai, bà Murphy sẽ ra tuyên bố sau khi đại cử tri đoàn họp vào ngày 14/12 - đó là thời điểm mà GSA lựa chọn để đưa ra tuyên bố trong cuộc bầu cử năm 2.000, bất chấp cách biệt năm nay lớn hơn năm 2000. Thứ ba, người phụ nữ quyền lực "nhất nước Mỹ" có thể chờ tới khi Quốc hội kiểm số phiếu đại cử tri vào ngày 6/1.

Các đảng viên đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị để hành động đại diện cho ông Biden nếu quá trình chuyển giao quyền lực không sớm bắt đầu. 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã được hỏi tại cuộc họp báo diễn ra vào thứ 6 hàng tuần rằng liệu Hạ viện có can thiệp nếu ông Trump tiếp tục làm chậm trễ quá trình chuyển đổi với ông Biden. 

"Có chứ, chúng tôi đã sẵn sàng", bà Pelosi trả lời. "Thật khó hiểu khi GSA từ chối đưa ra tuyên bố cần thiết để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra theo đúng quy trình", Chủ tịch Hạ viện nhấn mạnh. 

 Hai thành viên đảng Dân chủ đầy quyền lực của Hạ viện là Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Carolyn Maloney và Chủ tịch Ủy ban Chiếm hữu Nita Lowey, hôm 19/11 đã viết thư cho bà Murphy, yêu cầu một cuộc họp trực tiếp về tình hình và cảnh báo câu trả lời không thỏa đáng của bà Murphy sẽ dẫn đến một buổi điều trần công khai tại điện Capitol.  

"Chúng tôi rất kiên nhẫn nhưng giờ thì không thể chờ đợi thêm được nữa", Maloney và Lowey viết. 

Tổng thống Trump tiếp tục đơn phương tuyên bố là người chiến thắng bầu cử Mỹ 2020. "Tôi đã chiến thắng", ông Trump nói hôm 20/11 tại Nhà Trắng. 

Ông chủ Nhà Trắng và đội ngũ pháp lý của mình đang cố đảo ngược tình thế ở các bang chiến trường mà ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng. Tuy nhiên, hầu hết thách thức pháp lý của Tổng thống Mỹ đương nhiệm và đội ngũ pháp lý đều thất bại. 

Bạn bè và các đồng minh của bà Murphy chia sẻ với CNN rằng bà Murphy chưa từng nghĩ sẽ rơi vào tình huống căng thẳng như vậy. Thậm chí, người phụ nữ quyền lực "nhất nước Mỹ" còn nhận được những lời dọa giết. 

Theo chia sẻ của những người xung quanh, bà Murphy không phải một người quá ủng hộ ông Trump nhưng bà rất trung thành với đảng Cộng hòa.  

Tags:
Phạm Thanh Thảo nhận quốc tịch Mỹ

Phạm Thanh Thảo nhận quốc tịch Mỹ

Sau 8 năm sinh sống cùng gia đình ở Mỹ, ca sĩ Phạm Thanh Thảo trở thành công dân hợp pháp của quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất