Người trẻ Mỹ bỏ phố về quê

50 ngày cách ly thành thời gian tồi tệ nhất trong đời Chloé Davis, khiến cô quyết định rời khỏi khu vực giàu có nhất bậc nhất New York về nông thôn

23:00 11/07/2023

Chloé Davis theo bố mẹ chuyển từ Liverpool, Anh, đến Upper East Side, New York, năm cô lên bốn. Khi còn thiếu niên, cô yêu thích các công trình nghệ thuật ở phía nam Manhattan. "New York thật kỳ diệu vào đầu những năm 1990. Có quá nhiều sự phát triển và cơ hội", Chloe nói.

Cô và chồng, Jeremy sống ở khu Upper East Side. Họ không bao giờ có kế hoạch rời đi - ngay cả khi đã có con. "Chúng tôi yêu cuộc sống của mình. Chúng tôi yêu sự sự thân thiện nơi đây. Tôi gần như biết rất nhiều người dân trong khu phố và tôi không thể xách túi ra đường mà không nói chuyện với ít nhất 5 người", cô nói.

Nhưng khi New York trở thành tâm dịch, Chloé "mắc kẹt" trong một căn hộ hai phòng ngủ với chồng, 3 con trai và 4 con thú nuôi. Ngôi nhà trở nên quá chật chội. 50 ngày qua trở thành một trong những ngày tồi tệ nhất cuộc đời cô. Cậu con trai 10 gặp khủng hoảng vì bị nhốt quá lâu, muốn ra khỏi nhà. Cả ba con trai đều hỏi bố mẹ, liệu gia đình có thể chuyển đến một ngôi nhà mới không.

"Tôi nhận ra, tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Thế là không công bằng với các con", Chloe nói.

Gia đình Choe. Ảnh: Business Insider.
Gia đình Choe. Ảnh: Business Insider.

Gần đây cô tham gia một nhóm Facebook có khoảng 1.000 phụ nữ muốn cùng gia đình rời khỏi New York do đại dịch. Cô đang tìm kếm những ngôi nhà ở Connecticut hoặc Westchester County. "Quyết định chuyển nhà sẽ không xảy ra nếu không có Covid-19. Trung thực mà nói đây chẳng phải một sự lựa chọn. Là mẹ, tôi không muốn con mình bị rối loạn tinh thần do ở trong nhà quá lâu. Chẳng có lựa chọn nào hơn ngoài rời đi cả", cô chia sẻ.

Gia đình của Davis là một phần trong xu hướng bỏ phố về quê - bao gồm cả những chuyên gia trẻ tuổi và người về hưu - do Covid-19. Đại dịch đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp xã hội. Chúng ta làm việc trên máy tính xách tay tại nhà và tham dự các lớp học trên Zoom. Các tiện nghi của dân thành thị như các buổi hòa nhạc, bảo tàng, cà phê bị đóng. Vào thời điểm mà sự gần gũi về thể xác với người khác mối nguy hiểm, nhiều người dân thành phố bắt đầu đặt câu hỏi "việc họ sẵn sàng trả giá đắt đỏ cho các căn hộ ở thành phố lớn còn có ý nghĩa không?".

"Điều gì làm cho trải nghiệm ở New York thêm tuyệt vời, đó là các nhà hàng, câu lạc bộ, cảm giác đông đúc náo nhiệt, sự phấn khích. Dịch làm rất nhiều thứ đó bị lấy đi và sức hấp dẫn không còn quá tuyệt vời nữa", Joel Kotkin, giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học Chapman, nói.

Suburban Jungle, công ty bất động sản Davis đang làm việc, cho biết họ đã chứng kiến lượng khách hàng tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái. Covid-19 dường như đang thúc đẩy một xu hướng đã bắt đầu: di cư chậm về vùng ngoại ô, các thành phố nhỏ hơn hay mật độ dân cư thưa hơn. Thời đại của thành phố lớn, một lần nữa, thoái trào một cách tự nhiên.

Glenn Kelman, CEO của Công ty bất động sản Redfin cũng nói với CNBC rằng "nhu cầu nông thôn hiện nay cao hơn nhiều so với nhu cầu đô thị". "Dường như có một sự thay đổi tâm lý sâu sắc trong số những người tiêu dùng đang tìm nhà," Kelman nói.

Với Chloé, bà mẹ 3 con này nhận ra thành phố đã thay đổi trong thập kỷ qua. Ngày nhỏ, bố mẹ của các bạn cô đều có nghề nghiệp khác nhau. Bây giờ, hầu hết các gia đình mà cô biết đều làm việc trong lĩnh vực tài chính. "Tất cả bạn bè nghệ sĩ của tôi từ từ rời khỏi New York. Đây không thực sự là một nơi cho tất cả mọi người nữa", cô nói.

Đại dịch khiến nhiều người thất nghiệp. Hơn 700.000 người đã nộp đơn thất nghiệp tại thành phố New York từ 14/3 đến 25/4. Tại vịnh San Francisco, khoảng 74.000 người nghỉ việc hoặc bị sa thải vào tháng 4, cao gấp năm lần tháng Ba.

Juliet Paramor, một vũ công 25 tuổi, gần đây nói cô đến sống cùng những người bạn thời thơ ấu ở Washington sau khi mất việc ở San Francisco do đại dịch.

Một số khác chủ động rời thành phố khi họ có điều kiện làm việc từ xa. Trước dịch, nhóm nghiên cứu Global Workplace Analytics ước tính chỉ có 3,6% lực lượng lao động Mỹ làm việc tại nhà vài ngày mỗi tuần. Nhưng gần đây nhóm dự đoán 30% lực lượng lao động sẽ làm việc tại nhà nhiều ngày/tuần kéo dài đến cuối năm 2021. Điều đó có nghĩa là nhân viên có thể không cần phải sống trong thành phố -nơi công ty của họ có trụ sở.

Theo Steven Gottlieb, một đại lý bất động sản có trụ sở tại New York nói, các đại lý bất động sản ở Connecticut và Westchester "tràn ngập nhu cầu thuê ngắn hạn" tại thời điểm này. Một khách hàng của Gottlieb gần đây đã hủy hợp đồng căn hộ ở Chelsea để thuê một căn nhà lớn có hai văn phòng tại Connecticut. "Một trong những ưu tiên của họ trước đại dịch là khả năng đi bộ đến công sở. Nhưng giờ không cần thiết vì cả hai đều làm việc từ xa".

Amy Graffitimeier, giáo sư địa lý kinh tế tại MIT cho biết có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến việc di cư của con người: bản sắc và thu nhập. Những người đến thành phố để tìm cơ hội việc làm nhưng họ cũng đang tìm kiếm một nơi phản ánh họ là ai và quan tâm gì.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các tiện nghi như nhà hàng và cuộc sống về đêm là yếu tố thúc đẩy sự di cư của sinh viên tốt nghiệp đại học đến các thành phố lớn. Đó là lý do tại sao một số người dân San Francisco sẵn sàng trả hơn 4.200 USD mỗi foot vuông (khoảng 42.000 USD mỗi mét vuông) để mua một căn hộ ở khu Pacific Heights, nơi xung quanh có nhiều cửa hàng thời trang cao cấp, rạp chiếu phim và quán cà phê.

Tuy nhiên, khi các cửa hàng và các hoạt động văn hóa này ngừng hoạt động, nhiều cư dân đô thị phải tự hỏi liệu "thành phố của họ có xứng đáng với giá tiền không". "Sống ở một nơi xa xỉ mà không có quyền đến các nhà hàng và các buổi hòa nhạc, bảo tàng, các sự kiện thể thao khiến nhiều người thấy không xứng đáng", Gottlieb nói.

Thống kê cho thấy, giá thuê trung bình cho một căn hộ hai phòng ngủ ở thành phố New York là khoảng 3.500 đô la - cao hơn gấp đôi mức trung bình quốc gia. Một nghiên cứu năm 2019 từ GoBanking Rate cho thấy những người thuê nhà ở New York sẽ cần kiếm ít nhất 128.000 đôla mỗi năm để sống thoải mái, ở San Francisco thì cần cần kiếm được 164.000 đôla/năm mới đủ trả được tiền thuê nhà khoảng 4.200 đôla/tháng.

Một người dân kéo hành lý trên Quảng trường thời đại ngày 30/4. Ảnh: AFP.
Một người dân kéo hành lý trên Quảng trường thời đại ngày 30/4. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, xu hướng "bỏ phố về quê" sẽ không không kéo dài. Nhà đô thị Jane Jacobs nổi tiếng mô tả thành phố như một sinh vật sống: Nó sống, chết và được tái sinh.

Vào những năm 1950, khi Thế chiến II kết thúc, quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép quân nhân da trắng đã kết hôn có quyền tiếp cận các khoản vay thế chấp với lãi suất thấp. Vì thế một số lượng lớn quân nhân đã không muốn chen chúc trong các thành phố lớn mà chuyển ra ngoại ô, nơi họ dư sức mua một ngôi nhà và có ôtô chạy trên các cao tốc mới xây xong. Điều này dẫn đến các thành phố lớn tại Mỹ trở nên vắng vẻ vào những năm 1970, 1980.

Ấy nhưng mọi thứ thay đổi một lần nữa những năm 2000. Thời điểm này sinh viên tốt nghiệp đại học ở lại thành phố tìm việc, dẫn đến hiện tượng đổ xô từ quê ra phố. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc di cư tới các thành phố lớn bắt đầu chậm lại.

Tới trước Covid-19, đã có không ít người trẻ và thu nhập thấp rời khỏi thành phố do chi phí tăng cao. Đến nay cuộc di cư "về nơi vắng vẻ" diễn ra mạnh hơn.

Chủ đại lý bất động sản Gottlieb cho biết thêm, việc chuyển nhà khỏi các thành phố lớn là một phản ứng tạm thời. Rất nhiều người, bao gồm cả khách hàng của ông đang thuê nhà ngắn hạn tại nhiều vùng quê ở Mỹ, trong khi có nhà ở Manhattan mà không ở, cũng không bán. "Không có một mô hình di cư tồn tại mãi mãi. Khi New York  bình thường trở lại, sống tách biệt ở nông thôn sẽ không còn hấp dẫn nữa", Gottlieb nói...

Gia đình Davis, dự tính sẽ sống ở vùng ngoại ô cho đến khi con tốt nghiệp cấp 3. Tuy vậy, cô cũng không dám chắc sẽ không quay lại New York một ngày nào đó. "Nếu chúng tôi yêu cuộc sống thôn quê, chúng tôi có thể không bao giờ quay trở lại. Nhưng mọi sự đều có thể thay đổi trong nháy mắt. Không có gì là vĩnh viễn", cô nói.

Bảo Nhiên (Theo Business Insider)

Link nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-tre-my-bo-pho-ve-que-4100143.html

Tags:
Không hẹn ngày về: Câu chuyện buồn cho người viễn xứ

Không hẹn ngày về: Câu chuyện buồn cho người viễn xứ

Lòng thành khẩn không được chấp nhận, bác Hoạt đòi lên đường sang Nga mặc cho gia đình tôi can ngăn và tha thiết mời ở cùng. (Đỗ Minh Thuyết, Thanh Hóa)

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất