Người Việt lười vận động, ăn ít rau nhiều muối

Mô hình bệnh tật của người Việt đang chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang không lây nhiễm do dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động.

20:30 14/10/2020

Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, đưa ra nhận định trên ngày 14/10. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017 hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout...

Theo một điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015, đến 57% người Việt trưởng thành ăn ít rau và trái cây. Trong khi đó, mức tiêu thụ muối cao gần gấp hai lần khuyến nghị của WHO. Hơn 28% người thiếu hoạt động thể lực, tức là có dưới 150 phút trong tuần hoạt động thể lực cường độ trung bình.

"Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít hoạt động thể lực là những nguyên nhân tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng", ông Tuyên nói.

Bộ Y tế ghi nhận những năm qua Việt Nam đã cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30% năm 2000 xuống 14% năm 2015 và năm 2018 là 12,8%. Tỷ lệ thấp còi, tức chiều cao theo tuổi, ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (23% năm 2018) và chênh lệch giữa các vùng núi, vùng khó khăn so với thành phố, đồng bằng.

Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng, nhất là ở khu vực đô thị. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng giai đoạn 2017-2018 với 5.000 học sinh từ 75 trường phổ thông cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì chung ở học sinh là 29%. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 18%; thành thị 42%.

Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới năm nay, Bộ Y tế phát động Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển, chủ đề "Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững". Theo đó, khuyến khích phát triển mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình. Sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; Tăng cường ăn rau, củ, trái cây và các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời để phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành. Dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây.

Lê Nga 

Tags:
Ronaldo dương tính với COVID-19

Ronaldo dương tính với COVID-19

Siêu sao Cristiano Ronaldo được xác định đã dương tính với Covid-19 nên bị gạch tên khỏi đội tuyển Bồ Đào Nha.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất