Người Việt tại viện dưỡng lão Mỹ giữa mùa dịch

Thay vì sinh hoạt tập trung như trước, các cư dân ở một viện dưỡng lão ở California (Hoa Kỳ) được đưa về nhà, có y tá đến giao thức ăn-thuốc men, chăm sóc sức khỏe và được gọi điện hỏi thăm thường xuyên giữa đại dịch COVID

21:30 23/05/2020

Trao đổi với VOA, ông Larry Nguyễn, giám đốc điều hành Lovejoy Adult Day Healthcare, một cơ sở dưỡng lão bán trú ở Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, không có ca nhiễm hay tử vong trong số các cụ được chăm sóc ở đây.

Thay vì sinh hoạt tập trung như trước, các cư dân ở một viện dưỡng lão ở California (Hoa Kỳ) được đưa về nhà, có y tá đến giao thức ăn-thuốc men, chăm sóc sức khỏe và được gọi điện hỏi thăm thường xuyên giữa đại dịch COVID, giám đốc cơ sở này và các cụ được chăm sóc ở đây cho VOA biết.

Với đại đa số các ca tử vong vì virus corona là những người lớn tuổi có bệnh lý sẵn, người cao niên tại Mỹ là đối tượng có nguy cơ cao, trong đó có những cụ già gốc Việt hiện đang được chăm sóc tại các viện dưỡng lão.

duonglao

Một bệnh nhân lớn tuổi bị nhiễm Covid-19 được chuyển từ một viện dưỡng lão ở Riverside, California

Hiện cơ sở này chăm sóc cho 125 cụ từ 60-95 tuổi, trong đó gần 1/3 là người gốc Việt, ông Larry cho biết. Các cư dân còn lại ‘đủ mọi sắc tộc, từ Mỹ, Lào, Philippines, Hàn, Thái cho đến Mexico.’

Trước khi có dịch thì mỗi ngày xe của trung tâm sẽ đến đón các cụ từ lúc 9h sáng. Khi đến trung tâm, họ sẽ được bác sỹ kiểm tra sức khoẻ, rồi sau đó ăn sáng, sinh hoạt tập thể, chơi trò chơi, ăn trưa và được kiểm tra sức khỏe một lần nữa trước khi được đưa về nhà, ông Larry mô tả.

Nhưng từ khi có dịch, để đảm bảo an toàn, viện dưỡng lão này đã chuyển sang chăm sóc các cụ tại gia.

“Chúng tôi có y tá-bác sỹ đến thăm các cụ hàng ngày,” ông nói. “Ở trung tâm luôn có y tá trực điện thoại để các cụ ở nhà có chuyện gì sẽ gọi vào trung tâm nhờ giúp đỡ.”

Ngoài giờ làm việc thì các cuộc gọi vào trung tâm sẽ được chuyển thẳng vào điện thoại cầm tay của các y tá để ‘lúc nào cũng có người trả lời cuộc gọi của các cụ’, ông nói thêm.

Ông cho biết trung tâm của ông đã dặn dò các cụ về các biện pháp phòng dịch. “Chúng tôi lưu ý các cụ không được đi ra ngoài. Dù con cháu có tới thăm đem đồ tới thì cũng để trước cửa. Y tá cũng vậy. Để đó rồi gọi điện thoại cho các cụ ra lấy,” ông nói.

“Trừ trường hợp các cụ bị sốt hay bệnh thế nào thì y tá mới vào trong nhà kiểm tra,” ông nói thêm và cho biết các y tá ‘đều phải được khử trùng và mang đồ bảo hộ đầy đủ thì mới bước vào nhà các cụ’.

“Nếu các cụ cần đi bác sỹ thì sẽ gọi điện đến trung tâm. Chúng tôi sẽ hẹn với bác sỹ rồi cho xe đến chở các cụ đi.”

Để các cụ đỡ buồn trong thời gian ở nhà thì 9h sáng mỗi ngày trung tâm có chương trình kết nối để các cụ gọi vào nói chuyện với nhau, hỏi thăm lẫn nhau rồi sau đó chơi trò chơi trực tuyến.

“Chúng tôi có nhân viên mang máy tính đến tận nhà chỉ cho các cụ cách làm lần đầu thôi. Sau đó các cụ tự làm được hết,” ông Larry nói.

Cần tình thương’

Theo lời ông, thường thì các cụ ở nhà một mình do con cái đi làm xa ở tiểu bang, thành phố khác hoặc là đi làm suốt ngày nên ‘rất cô đơn và muốn vào trung tâm sinh hoạt cho có bạn’.

“Các cụ rất buồn, không muốn ở nhà. Có nhiều cụ gọi vào hỏi chúng tôi chừng nào hết lệnh (ở nhà) để các cụ đến sinh hoạt trở lại.

Theo quan sát của giám đốc điều hành cơ sở dưỡng lão này, so với người Mỹ da trắng, người cao niên gốc Việt ‘có tâm lý vững vàng hơn’ vì ‘có con cháu động viên hay con cháu từ các tiểu bang khác lái xe về thăm hỏi’.

“Người Mỹ hầu hết ở một mình trong khi các cụ người Việt chỉ một số ở một mình còn phần lớn ở chung với con cháu,” ông lý giải.

Họ cần nhất là tình thương. Ở đây chúng tôi có nhân viên người Việt gọi điện hỏi thăm các cụ người Việt để các cụ không cảm thấy cô đơn,” ông nói.

Ông cho biết cơ sở của ông đã tuân theo các hướng dẫn phòng dịch của cơ quan y tế và có thuê công ty chuyên môn để khử trùng toàn bộ trung tâm hàng tuần từ trước khi dịch bùng phát.

Ngoài ra, trung tâm cũng bố trí sẵn phòng cách ly, máy trợ thở, bác sỹ và y tá để phòng khi xảy ra ca bệnh nhưng đến nay vẫn chưa dùng đến.

Yên tâm rồi’

Ông Lô Quang Sáng, 84 tuổi, một cụ già được chăm sóc ở Lovejoy Adult Day Healthcare cùng với vợ, nói với VOA rằng ông mong trung tâm ‘sớm mở cửa trở lại’ để ông vợ chồng ông đến sinh hoạt.

“Tụi tôi cũng nhớ vì chỗ đó vui lắm. Mấy người già lớn tuổi gặp nhau nói chuyện, sinh hoạt,” ông nói và cho biết hàng tuần trung tâm cũng đem bánh trái và bài tập đến để cho vợ chồng ông làm để ‘luyện trí nhớ’.

“Bà xã tôi thích ca, hát, múa. Nhờ đó mà sức khỏe của bả tốt hơn và trí nhớ của bả cũng cải thiện. Còn tôi thì khoái đến đó coi tennis,” ông nói.

Ông nói sự chăm sóc, hỏi thăm của trung tâm khiến cho vợ chồng ông ‘cảm thấy bình an trong mùa dịch’.

“Có người quan tâm đến mình thì mình cảm thấy vui vì mình lớn tuổi rồi.”

“Lúc đầu cũng thấy ngán (vì người của trung tâm đến nhà),” ông nói. “Nhưng dù sao khi tới họ cũng đeo khẩu trang đầy đủ.”

“Bây giờ thì yên tâm rồi,” ông nói thêm và cho biết hiện giờ tình hình ở Sacramento ‘mọi người đã đi ra đường như bình thường rồi’.

“Mặc dù chúng tôi lớn tuổi nhưng sức khoẻ tốt. Ngày nào cũng tập thể dục một tiếng đồng hồ. Chỉ ở trong nhà không ra ngoài. Mình thấy mình cũng khỏe nên cũng ít lo,” ông giải thích vì sao vợ chồng ông yên tâm trong mùa dịch.

“Tinh thần tụi tôi vẫn vui vẻ, không thấy chán nản gì,” ông nói thêm. “Người Việt Nam dễ chịu đựng hơn người Mỹ vì chịu cực khổ quen rồi. Người Mỹ dễ bị stress.”

Theo VoA

Tags:
'Bé' Xuân Mai, Xuân Nghi qua Mỹ: Người 3 con không dám ra đường, kẻ ngày càng gợi cảm

"Bé" Xuân Mai, Xuân Nghi qua Mỹ: Người 3 con không dám ra đường, kẻ ngày càng gợi cảm

Khi đang nổi đình đám, Xuân Mai, Xuân Nghi qua Mỹ định cư. Khi trưởng thành, cả hai có cuộc sống đối lập.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất